Bức tường “tự dịch chuyển” tọa lạc tại một vùng nông thôn yên bình, dân dã của đất nước Ireland. Hàng năm, nơi đây đón chào rất nhiều du khách đến thăm quan, bởi sự bí ẩn của nó đã trải qua hơn 300 năm, đến nay vẫn chưa có lời giải.
Tại Ireland có rất nhiều nhà thờ, trong đó có một nơi vô cùng đặc biệt, đó là Nhà thờ Nhảy (Jumping Church), tọa lạc tại xứ Kilemock, hạt Louth.
Vẫn chưa thể xác định chính xác niên đại của nhà thờ này, chỉ biết rằng nó rất cổ xưa. Năm 1953, một số nhà khảo cổ đến khai quật khu di chỉ này và phát hiện được một đồng xu bạc từ thời Vua Edward III (thế kỷ 14).
Hiện khu vực nhà thờ năm xưa chỉ còn là một đống tàn tích, với một vài hàng tường gạch còn sót lại trên nền cỏ xanh mướt. Nổi bật nhất trong khuôn viên đó là một bức tường, nó cũng chính là bí ẩn trường tồn cho tới tận ngày nay.
Điều bí ẩn của bức tường này là, nó đã bị dịch chuyển khỏi nền móng gốc. Tuy vậy, nó không hề nghiêng đổ, mà đứng ngay ngắn trên mặt đất tại vị trí mới.
Các nhà khảo cổ từng khai quật khu di chỉ này đã xác nhận, rằng bức tường này thật sự đã dịch chuyển. Dựa trên bản thiết kế gốc của nhà thờ, người ta xác định được bức tường đã thụt vào bên trong so với nền móng nguyên gốc một khoảng 60 – 70 cm.
Bức tường nặng cả tấn cao gần 6 m, rộng 4,5 m và dày khoảng 1 m, nhưng sau khi dịch chuyển, nó vẫn đứng hiên ngang trên mặt đất.
Các giả thuyết
Lý giải cho điều này, có người cho rằng, vào ngày Lễ Thanh Tẩy năm 1715, bức tường đã bị dịch chuyển bởi một trận bão lớn quét qua khu vực. Tuy nhiên lý giải này không thật sự thuyết phục. Trong cuốn sách “Kildemock The Jumping Church” (Nhà thờ Nhảy ở Kildemock), mục sư Michael Murtagh nhận định rằng giả thuyết về cơn bão làm dịch chuyển bức tường là không thực tế, ông cho biết:
“Một cơn bão đơn thuần khó có thể nâng một khối đá nặng hàng tấn được xây lên vững chắc, dịch chuyển nó thụt lùi vào trong khoảng 1m, rồi đặt nó ngay ngắn, nguyên vẹn tại một vị trí khác. Hơn nữa, bức tường này được xây từ đá dăm cứng, nên rất dễ bị vỡ vụn khi di chuyển”.
Theo truyền thuyết địa phương, bức tường này đã “tự dịch chuyển” để tránh mộ phần của một người đàn ông bị vạ tuyệt thông (một hình phạt trong Công giáo), được chôn cất bên trong tòa nhà.
Nhiều người dân địa phương tin rằng truyền thuyết này là thật. Người đàn ông được chôn cất bên trong khu đất nhà thờ Kildemock là một người bị vạ tuyệt thông, ông ta chết do bị ngã xuống từ giàn giáo khi đang thi công Nhà thờ Stabannon. Thi hài ông được mang đến an nghỉ trong khuôn viên khu di tích nhà thờ Kildemock, tại bức tường phía tây.
Ngày hôm sau, người dân địa phương cho biết, bức tường của nhà thờ đã “nhảy thụt vào trong”, khiến di thể của người đàn ông đang nằm bên trong, giờ nằm phía bên ngoài tòa nhà.
Nhiều người cho rằng, truyền thuyết này có vẻ khó tin, bởi theo logic thông thường, cần một lực tác động bên ngoài để bức tường dịch chuyển vào trong. Nhưng, dù sao đi nữa, các nhà khảo cổ học cho biết bức tường này đã thực sự dịch chuyển.
Ở mặt bên ngoài của bức tường, có gắn một tấm biển, trên đó ghi: “Bức tường này đã di chuyển 1m khỏi nền móng ban đầu. Các tư liệu cho rằng, nguyên nhân là do một cơn bão khủng khiếp năm 1715 đã nhấc bức tường khỏi mặt đất, và đặt nó xuống vị trí hiện tại. Nhưng truyền thuyết địa phương lại cho rằng bức tường này đã nhảy thụt vào trong để tránh phần mộ của một người bị vạ tuyệt thông được chôn cất trong khuôn viên nhà thờ”.
Các nhà sử học nhận định vụ chôn cất nhân vật kia và cơn bão xảy ra vào năm đó là đều có thật, nhưng không rõ điều gì xảy ra tiếp theo.
Toàn bộ câu chuyện nghe có vẻ khó tin, nhưng cho đến nay tất cả những gì chúng ta biết chỉ là một dấu hỏi lớn.
“Rốt cục bức tường này đã dịch chuyển như thế nào?”
“Bất kể chọn cách giải thích nào – tự nhiên, siêu nhiên, hay cả hai – vẻ đẹp thanh bình của khu vực và lịch sử tâm linh của cộng đồng dân cư đều quy tụ tại di chỉ linh thiêng này, thôi thúc người ta suy tưởng về những khả năng xa xôi.
3 năm trước, năm 2015, người dân địa phương kỷ niệm tròn 300 năm xảy ra sự kiện bí ẩn đã mang đến cho nhà thờ sức hấp dẫn không đâu có này. Quanh năm, bức tường này vẫn đều đều thu hút được rất nhiều du khách thập phương.
Quý Khải