Nghiên cứu tại Australia đã chỉ ra, tập thể dục có thể giúp bệnh nhân ung thư khỏe mạnh, chịu đựng được các phương pháp điều trị mạnh như hóa trị. Hơn nữa, việc tập thể dục có thể làm tăng cơ hội sống sót của bệnh nhân ung thư vú, đại tràng, tuyến tiền liệt…
Theo ABC, bệnh nhân nên kết hợp các bài tập tim mạch và thể lực để đẩy lùi ung thư.
Trải qua nhiều đợt hóa trị ung thư, bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, yếu cơ, trầm cảm, lo âu… Với tình trạng sức khỏe này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị.
Việc tập thể dục có thể làm giảm tác dụng phụ của liệu pháp điều trị ung thư. Nghiên cứu tại Australia cho thấy, tập thể dục có thể giúp bệnh nhân ung thư chịu đựng được các phương pháp điều trị mạnh như hóa trị cũng như tăng cơ hội sống sót.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên kết hợp bài tập tim mạch và thể lực. Đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội… là những bài tập giúp bơm máu về tim, điều hòa cơ thể.
Trong khi đó, các bài tập thể lực giúp tăng cường cơ bắp, giúp xua tan cơn mệt mỏi và yếu cơ. Bệnh nhân có thể sử dụng máy tập cơ, tạ đôi, dây đàn hồi hoặc tận dụng trọng lực và trọng lượng của cơ thể để luyện tập bằng các bài tập trồng cây chuối, hít đất…
Mỗi ngày, nên dành ra khoảng 10-30 phút đi bộ nhanh hoặc đạp xe. Thời gian đầu, bạn nên phân chia thời gian luyện tập thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần tầm 10 phút để cơ thể dần quen với nhịp điệu.
Nếu mới tập thể dục lại sau một thời gian dài điều trị, người bệnh hãy bắt đầu chậm rãi, không nên ham các bài tập cường độ cao.
Lời khuyên
– Khi cơ thể mệt mỏi, suy yếu việc vận động là vô cùng khó khăn đối với người bệnh ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần kiên trì, vượt lên chính mình để “chiến đấu” với ung thư.
– Nên ghi lại nhật ký luyện tập và rủ thêm bạn tham gia, hoặc đăng ký các lớp thể dục, phòng gym…
Phương Nam