Trải qua hàng chục năm, trái bóng thi đấu tại các kỳ World Cup có những cải tiến vượt bậc về công nghệ. Hãy cùng điểm lại những trái bóng World Cup từ năm 1930 đến nay.
Năm 1930: Kỳ World Cup đầu tiên không có một trái bóng chính thức nào. Mỗi đội mang đến giải đấu bóng của riêng mình và sẽ được thay đổi vào giờ nghỉ giữa hiệp.
Năm 1934: Federdale 102 – Trái bóng này được dùng trong kỳ World Cup thứ hai. Trông đã khá hơn kỳ đầu nhưng vẫn được gia công bằng tay và dễ biến dạng khi sử dụng.
Năm 1938: Allen – Trái bóng được dùng trong kỳ World Cup thứ ba có thiết kế không đồng nhất, một số bóng được ghép lại từ 12 mảnh, nhưng một số lại được ghép từ 18 mảnh.
Năm 1950: Duplo T – Trái bóng được dùng trong kỳ World Cup thứ tư là trái bóng đầu tiên được bơm bằng kim hơi có thiết kế không đồng nhất.
Năm 1954: Swiss World Champion – Trái bóng được dùng trong kỳ World Cup thứ năm có thiết kế khá độc đáo và thiết kế này được dùng nhiều năm sau đó.
Năm 1958: Trái bóng được dùng trong kỳ World Cup thứ sáu không có tên do FIFA tổ chức một cuộc tuyển chọn yêu cầu những hãng sản xuất bóng gửi mẫu không nhãn hiệu đến.
Năm 1962: Crack – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ bảy được đặt tên như vậy do bị nứt (crack) sau khi ngấm nước. Rất nhiều đội bóng đã chê trái bóng này.
Năm 1966: Challenge 4-star – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ tám là trái bóng đầu tiên tạo từ 25 mảnh ghép. Thiết kế này đã chiến thắng hơn 100 thiết kế khác ở cuộc thi năm đó.
Năm 1970, 1974: Telstar – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ chín và thứ 10 có tên gọi giống với trái bóng năm nay. Telstar là bóng màu đen-trắng đầu tiên được thiết kế để giúp khán giả dễ theo dõi hơn trên truyền hình.
Năm 1978, 1982: Tango – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 11 và 12 có thiết kế tương tự 2 kỳ World Cup trước đó nhưng họa tiết trắng-đen đã được thay đổi để tạo ra hiệu ứng thị giác khi lăn trên sân.
Năm 1986: Azteca – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 13 là trái bóng đầu tiên được làm hoàn toàn bằng da tổng hợp để chống ngấm nước. Từ đây nó bắt đầu truyền thống thiết kế bóng dựa trên công nghệ.
Năm 1990: Etrusco Unico – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 14 thể hiện bản sắc quốc gia chủ nhà (Italia). Tên của nó cũng được đặt theo Etruscans, một dân tộc cổ ở Ý.
Năm 1994: Questra – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 15 được bổ sung một lớp bọt xốp polystyrene, giúp cải thiện gia tốc khi bay và làm mềm khi va chạm.
Năm 1998: Tricolore – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 16 sử dụng các bong bóng siêu nhỏ bơm khí gas bên trong một lớp bọt xốp giúp tạo ra độ nén cao và sức bật mãnh liệt.
Năm 2002: Fevernova – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 17 đã thay thế chỉ khâu bằng các đường hàn nhiệt cho phép trái bóng đạt được độ tròn tốt nhất. Tuy nhiên, vì bề mặt quá trơn nên vẫn cần có các rãnh khía để ổn định quỹ đạo bay.
Năm 2006: Teamgeist – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 18 lại giảm số lượng miếng da xuống còn 14, có nghĩa tạo ra nhiều bề mặt trơn hơn. Chính vì vậy các tiền đạo rất thích trái bóng Teamgeist trong khi thủ môn thì khiếp sợ nó.
Năm 2010: Jabulani – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 19 còn khó bắt hơn nữa. Nó được ghép từ 8 miếng da, khiến quỹ đạo bay rất khó đoán định.
Năm 2014: Brazuca – Trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup thứ 20 tiếp tục giảm số lượng miếng da xuống còn 6 miếng. Tuy nhiên, những bí mật công nghệ và việc thử nghiệm trong hầm gió cho phép Adidas tránh những khiếm khuyết như hai trái bóng trước đó.
Năm 2018: Telstar 18 – Số 18 được thêm vào tên gọi của trái bóng được sử dụng trong kỳ World Cup năm nay để phân biệt với các kỳ World Cup trong quá khứ. Telstar 18 được thiết kế lại với các miếng da cạnh sắc và dài hơn. Bên trong nó còn trang bị chip NFC để có thể kết nối với điện thoại.
TXL