Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bị đọa đày, miệt thị và khổ ải như dân tộc Do Thái. Trải qua hơn 2000 năm lưu vong, tứ tán khắp nơi và chỉ được thực hiện “giấc mơ phục quốc” mãi cho đến năm 1948. Hàng trăm ngàn người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đổ về mảnh đất Israel, sát cánh cùng nhau, bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước giữa vòng vây cấm vận của các quốc gia Hồi giáo thù nghịch.
Trên vùng đất khô cằn, tồi tàn và thiếu nước ấy, người Do Thái đã biến Israel trở thành “ốc đảo xanh tốt”, trở thành “quốc gia khởi nghiệp” và phát triển như một kỳ tích, khiến thế giới không khỏi giật mình thán phục.
Hãy tạm quên đi khung trời tự do của cường quốc Mỹ, tạm gác lại nếp sống văn minh của người Nhật hay những câu chuyện hạnh phúc ngọt ngào ở Bắc Âu để tìm hiểu về đất nước Israel nhỏ bé, non trẻ vẫn thường được nhắc đến trong những tin tức chiến tranh cùng những sa mạc nóng bỏng dài tít tắp, biết đâu, bạn sẽ tìm thấy những điều lý thú và kỳ diệu…
***
Dù thường xuất hiện trong các bản tin thời sự thế giới với những vụ đánh bom, xung đột vũ trang, xung khắc với các nước Ả Rập nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng Israel là miền đất hứa cho những sáng tạo táo bạo và không ngừng nghỉ, là nơi những con người vươn lên nghịch cảnh một cách mạnh mẽ phi thường bằng sự cần cù và bền bỉ.
Sáng suốt lựa chọn ngành mũi nhọn
Điều kiện tự nhiên của Israel khá nghèo nàn khi toàn bộ đất nước nằm trong khu vực sa mạc và bán sa mạc, đất đai canh tác ít, kém màu mỡ, địa hình phức tạp. Vậy nên, họ đã lựa chọn ngành công nghệ thông tin, phát triển phần mềm để phát triển thành ngành kinh tế chủ lực, bởi đây là lĩnh vực gắn với sự sáng tạo, vốn là tinh thần của người Do Thái. Đến khi các lĩnh vực công nghệ phát triển, nước này đã mở rộng sang phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Và, Israel đã khiến cả thế giới phải thán phục khi họ đã đẩy lùi được tình trạng sa mạc hóa, biến những bãi cát bạt ngàn thành những khu rừng xanh thẳm.
Là một nước không phát triển được hệ thống đường sá vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng Israel là một trong những nước đi đầu trên thế giới về phát triển xe điện.
Số lượng các công ty Israel có tên trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ nhiều hơn tất cả các công ty của châu Âu cộng lại. Israel là quốc gia có mật độ các doanh nghiệp mới thành lập nhiều nhất thế giới, cứ 1.844 người Israel lại có một doanh nghiệp.
Năm 2008, vốn đầu tư bình quân đầu người ở Israel nhiều gấp 2,5 lần Mỹ, 30 lần so với châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc và 350 lần so với Ấn Độ. Xét trên số liệu cụ thể, Israel – với dân số chỉ khoảng 8 triệu người – thu hút các nguồn đầu tư tương đương với số vốn do 61 triệu dân Anh, và 145 triệu dân Pháp và Đức cộng lại thu hút được.
“Nói ít thôi và làm nhiều hơn”
Đó là lời khuyên đầu tiên của tỷ phú hàng đầu Israel, ông Stef Wertheimer, dành cho người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ. Khi một người Israel có ý tưởng, anh ta sẽ triển khai nó ngay trong tuần. Điều này hơi ngược với triết lý của người Việt rằng, khi bắt đầu kinh doanh cần phải có kinh nghiệm.
Thế nhưng, người Israel cần ý tưởng nhiều hơn kinh nghiệm, và họ sẵn sàng thất bại để học hỏi từ thất bại đó. Những “thất bại có tính xây dựng” hay “thất bại thông minh” ở Isarel được xây dựng và hình thành bắt nguồn từ văn hóa khoan dung của họ. Giới đầu tư Israel tin rằng phải thông cảm, cho phép và khuyến khích thất bại, thậm chí là thất bại hàng loạt thì xã hội mới đạt được sự đổi mới thật sự.
Thật vậy, một nghiên cứu vào năm 2006 của Đại học Harvard cho thấy những doanh nhân từng thất bại sẽ có cơ may thành công cao hơn 20% ở lần khởi nghiệp tiếp theo của họ. Đây là tỉ lệ cao hơn so với những người khởi nghiệp lần đầu và không quá thua kém so với những doanh nhân từng đạt được thành công trước đó.
Tổng thống S. Peres, người đã sang Việt Nam, sau khi nghe diễn văn của một diễn giả đã nói thế này: Diễn văn rất hay, nhưng anh định làm gì tiếp theo?
Người Israel mê sáng tạo, và giỏi tưởng tượng. Họ biết kinh nghiệm là quý báu, nhưng kinh nghiệm dễ thành lối mòn. Họ không ngại thay đổi, luôn hướng về phía trước, không nằm im gặm nhấm thành công quá khứ. Bởi vậy, Israel được xem là môi trường tốt nhất Trung Đông – và là một trong những nơi tốt nhất thế giới – để mở một công ty mới, kể cả khi doanh nghiệp cũ của bạn bị phá sản. Điều này còn có thể hiểu rằng người Israel luôn không ngừng nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới.
Phản biện để xây dựng
Quá trình tuyển chọn lãnh đạo của Israel dựa trên tài năng chứ không phải dựa trên mối quan hệ hay sức mạnh tài chính. Quá trình tuyển chọn rất minh bạch và dân chủ. Cùng với văn hóa tranh luận và đặt câu hỏi “Tại sao ông là sếp của tôi; tại sao tôi không phải là sếp của ông?” đầy thách thức, làm cho người sếp không đủ tài năng sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Quá trình này giúp tìm ra được người lãnh đạo tốt nhất cho công ty, tập đoàn hay chính phủ. Khi có lãnh đạo giỏi, việc trao quyền cho cấp dưới được thực hiện dễ dàng hơn, các thông tin, ý tưởng, giải pháp được đến từ nhiều người hơn là chỉ một số người có trách nhiệm.
“Mục tiêu của nhà lãnh đạo là tối đa hóa sự chịu đựng – trong khi khuyến khích sự bất đồng chính kiến.” Đây là một phương châm lãnh đạo rất sâu sắc. Khi lãnh đạo coi trọng những khác biệt, thậm chí bất đồn thì nhân viên mới thỏa sức sáng tạo và phát huy tính tự chủ độc lập của mình, không ngừng hướng tới cái mới hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
Hiện tượng cấp dưới có quyền đưa ra quyết định vượt cấp trong quân đội Israel là kết quả của nhu cầu thực tế cũng như bản chất của lực lượng này. Việc quân đội Israel có ít chỉ huy, đồng nghĩa với việc có nhiều sáng kiến hơn đến từ binh lính cấp dưới. Mức độ trao quyền hạn vượt cấp trong quân đội Israel đã làm lãnh đạo các quốc gia ngạc nhiên.
Giá trị của binh lính Israel không phụ thuộc quân hàm, mà được quyết định bởi năng lực của họ. Ở đây, bí quyết lãnh đạo là niềm tin của binh lính đối với chỉ huy của mình. Nếu không có niềm tin, binh lính sẽ không bao giờ tuân phục. Trong doanh trại quân đội Israel, các viên tướng, sĩ quan và binh lính thường ngồi quây quần bên nhau, ít kiểu cách nhưng thân thiện và bao dung hơn. Đó là tinh thần Chutpah trong quân đội. Điều này lý giải tại sao Shvat Shaket, một người đã sống nhiều năm trong quân đội, có thể giảng cho chủ tịch PayPal về sự khác nhau giữa “người tốt và kẻ xấu” trên internet. Hay nhóm kỹ sư Israel của Intel thực hiện cuộc cách mạng lật đổ kiến trúc cơ bản của sản phẩm của chính công ty mình.
Ở Israel, chuyện sinh viên đại học nói chuyện với giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan chỉ huy, thư ký sửa lưng các bộ trưởng hoàn toàn không phải là sự cả gan, mà là điều hết sức bình thường. Họ xem đó là sự thẳng thắn, trung thực và chân thành, bởi vì họ không tranh luận hay phản biện vì cái tôi cá nhân hoặc để thể hiện bản thân, họ làm vậy để tìm ra lựa chọn tối ưu, phương pháp tốt nhất và xây dựng tập thể.
Nguồn ảnh: trithuctre
Hiểu Minh