Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm:  Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5, Kỳ 6 , Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9

***

Đồng Quan đứng thứ hai trong mười cửa ải nổi danh thời cổ đại. Kiến An năm thứ nhất (năm 196), Tào Tháo bắt đầu xây dựng Đồng Quan, đồng thời cũng phế bỏ Hàm Cốc Quan. “Thủy Kinh Chú” ghi chép: “Hà tại quan nội nam lưu đồng kích Quan sơn, nhân vị chi Đồng Quan”. (Tạm dịch: Dòng sông lưu thông về phía nam trong quan ải, thế nước tăng vọt ở vùng núi Quan Sơn vì vậy đặt tên là Đồng Quan).

Phía nam Đồng Quan có tấm bình phong tự nhiên Tần Lĩnh, phía Bắc có con sông Hoàng Hà hiểm trở. Phía Đông có địa thế hiểm trở, phù hợp tác chiến, ở giữa là thung lũng Cấm Câu, các sông ngòi thông đến bên ngoài (ví như sông Mãn Lạc), nằm ngang hướng đông tây, trở thành các phòng tuyến tự nhiên. Tất cả những thứ này cùng nhau tạo ra thế “quan môn ách cửu châu, phi điểu bất năng du”. (Cửa quan chống giữ chín châu, chim cũng không thể bay lọt qua).

Mùa xuân Kiến An năm thứ 16 (năm 211), Tào Tháo nhận thấy đã đến lúc phải giải quyết vấn đề Quan Tây (Tây Lương). Những thế lực mạnh nhất ở Quan Tây là Mã Siêu, Hàn Toại… đều vô cùng dũng mãnh. Hơn nữa địa hình ở đây rất hiểm trở, phức tạp và rộng lớn, muốn bình định và mở rộng bờ cõi tuyệt không phải là một chuyện dễ dàng.

Tháng ba năm ấy, Tào Tháo trước lệnh cho Tư Lệ hiệu úy Chung Do tiến quân vào Quan Trung, sau lại sai Chinh Tây hộ quân Hạ Hầu Uyên ra Hà Đông, hội ngộ cùng Chung Do. Các tướng lĩnh cát cứ ở Quan Trung nghi ngờ Chung Do có lòng muốn tập kích, vì vậy Mã Siêu, Hàn Toại, Hầu Tuyển cùng với một số tướng lĩnh khác hợp lại tạo phản.

Mã Siêu và Hàn Toại được đề cử làm thủ lĩnh, dẫn dắt hơn 10 vạn người phòng thủ Đồng Quan. Tào Tháo ra lệnh cho An Tây tướng quân Tào Nhân đốc suất chư tướng trấn thủ ở Đồng Quan, dặn: “Quân lính ở Quan Tây vô cùng tinh nhuệ dũng mãnh, chỉ cần cố thủ bản doanh không nên giao chiến”.

Quân lính chờ thủ không giao chiến. (Ảnh: Youtube)

Dùng mưu đánh bại Mã Siêu

Mùa thu tháng bảy, Tào Tháo lệnh cho Tào Phi và Trình Dục ở lại bảo vệ Nghiệp Thành, sau đó đích thân thống lĩnh đại quân Tây chinh. Quân Tào và Mã Siêu đối đầu nhau ở Đồng Quan. Tả hữu đều nói: “Quân đội ở Quan Tây chuyên dùng trường mâu, vô cùng thuần thục, nếu như quân tiên phong không tuyển chọn kỹ càng chỉ sợ khó mà chống lại”. Tào Tháo nói: “Phương thức chiến đấu là do ta quyết định, không phải do địch, mặc dù nghịch tặc đã luyện tập trường mâu tinh nhuệ, nhưng ta sẽ khiến cho chúng đâm không đến, các vị hãy chờ xem”.

Tào Tháo ở chính diện giả vờ công đánh, mục đích là để dẫn dụ các tướng lĩnh ở Quan Trung kéo quân tập trung về Đồng Quan, khiến cho lực lượng ở Quan Trung bị phân tán, lơ là phòng thủ. Thực chất ông bí mật phái Từ Hoảng vượt sông Hoàng Hà ở bến Đồ Bản, lập trại ở bờ tây. Có một vị ẩn sĩ tên là Lâu Tử Bá hiến kế sách: “Hôm nay trời rét lạnh, có thể dùng cát xây thành, đổ thêm nước vào, chỉ cần một đêm là thành công”. Từ đó, Tào Tháo cho người làm nhiều túi vải để vận chuyển nước, ban đêm binh lính vượt sông xây thành, ngày kế tiếp thành được xây xong. Quân đội của Tào Tháo tận lực vượt sông xây thành, hơn nữa còn quyết liệt chống lại tập kích của Mã Siêu, đánh cho quân Tây Lương phải bỏ chạy.

Mã Siêu đóng quân ở Vị Nam, sai người đến gặp Tào Tháo xin hòa, hứa sẽ cắt đất dâng nạp, tuy nhiên Tào Tháo không đồng ý. Tháng chín, Tào Tháo dẫn binh tiến quân vượt sông. Ban đầu Tào Tháo dùng kế đánh nhẹ nhàng, giả vờ yếu thế, tác chiến trong một thời gian dài, sau đó bất ngờ chuyển sang tác chiến ở bên sườn, đánh bại quân Tây Lương. Hàn Toại và Mã Siêu bỏ chạy về hướng Lương Châu. Quan Trung được bình định.

Tướng quân Từ Hoảng. (Ảnh: Youtube)

Sau khi trận chiến kết thúc, các tướng sĩ thỉnh giáo Tào Tháo: “Lúc đầu, giặc trấn thủ ở Đồng Quan, đường phía bắc Vị Hà bỏ trống, sao Thừa Tướng không từ Hà Đông (phía đông Hoàng Hà) công đánh Bằng Dực mà lại cầm cự ở Đồng Quan mãi, dây dưa nhiều ngày, sau đó mới vượt sông dựng trại?”.

Tào Tháo đáp: “Khi giặc trấn thủ Đồng Quan, nếu ta vừa đến mà đã tiến ngay vào Hà Đông, giặc tất chia quân giữ các cửa bến, thì chúng ta sẽ không có cách nào vượt sông ở phía tây Hoàng Hà. Cho nên ta tập trung nhiều quân ở Đồng Quan, khiến giặc cũng phải cố thủ ở phía nam, mà lơ là cảnh giác ở phía tây, từ đó Từ Hoảng, Chu Linh mới có thể thành công vượt sông. Sau đó, ta dẫn quân sang phía bắc vượt sông dựng trại, như vậy giặc không thể cùng ta tranh đoạt Hoàng Hà nữa, bởi vì chúng ta đã có hai đạo quân do hai tướng dẫn đầu, ép giặc vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Sau khi vượt sông, quân ta giả vờ yếu thế, khiến giặc đắc ý mà lơ là phòng bị, ta lại bồi dưỡng tốt binh sĩ rồi tập kích, đây gọi là “Sét đánh không kịp bưng tai” ! Phép binh biến hoá, không có một đường nào cố định”.

Trong thời kỳ đầu của trận chiến này, mỗi khi có một tướng của Quan Trung đến tiếp viện cho Đồng Quan, Tào Tháo đều lộ vẻ vui mừng ra mặt. Chư tướng không hiểu, bèn hỏi trực tiếp, Tào Tháo giải thích: “Quan Trung xa xôi nếu giặc phòng thủ khắp nơi và dựa vào địa hình hiểm trở, đánh nhau một hai năm chưa chắc thắng được, nhưng nay chúng đều kéo về đây, số lượng tuy đông nhưng lòng người bất nhất, vừa hay để ta dễ dàng dùng kế ly gián và tiêu diệt, một trận là có thể “diệt cỏ tận gốc”, cho nên ta mới vui mừng”.

Bằng mưu lược của mình, Tào Tháo đã đánh bại Mã Siêu và thuộc hạ. (Ảnh: Youtube)

Làm Ngụy Công

Tháng giêng Kiến An năm thứ 17 (năm 212), Tào Tháo trở về Nghiệp Thành. Thiên Tử không ngừng tán thưởng, cho phép ngài “triều bái không phải xưng danh”, “vào triều không cần phải bước nhanh” (Theo lễ xưa, khi đi qua mặt ai đó mà muốn thể hiện lòng tôn kính thì phải đi những bước ngắn và nhanh), được “đeo kiếm lên điện”… Đãi ngộ ấy giống như Tiêu Hà năm xưa dưới triều Hán Cao Tổ Lưu Bang vậy. 

Tháng giêng Kiến An năm thứ 18 (năm 213), Tào Tháo tiến quân về Nhu Tu Khẩu, thống lĩnh 40 vạn đại quân công đánh doanh trại Giang Tây của Tôn Quyền. Cuối cùng bắt giữ Đô đốc Công Tôn Dương. Tôn Quyền nghe tin vội vàng lĩnh bảy vạn quân nghênh chiến, hai bên cố thủ hơn một tháng.

Tào Tháo nhìn thấy quân đội của Tôn Quyền chỉnh tề, chuẩn bị kỹ lưỡng không khỏi tán dương: “Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu”. Trận chiến bất phân thắng bại kéo dài, cuối cùng Tôn Quyền viết một lá thư khuyên Tào Tháo lui binh: “Mưa xuân đã về, các hạ hãy mau rút quân”, hơn nữa Tôn Quyền còn nhấn mạnh “Các hạ không chết, ta khó yên lòng”. Tào Tháo xem xong thư, đã nói với các chư tướng của mình rằng: “Tôn Quyền không lừa ta”.

Trong lá thư này đã thể hiện rất rõ sự thông minh và tôn trọng giữa hai bậc anh hùng với nhau. Trong quân trướng của mình, Tào Tháo mơ thấy hai mặt trời cùng nhau bay lên từ sông Trường Giang, biết được Tôn Quyền có mệnh đế vương. Sau đó Tào Tháo lại hai lần chinh phạt Giang Đông, nhưng đều không đạt được thành công mà quay về, không phải do bệnh dịch hoành hành thì là Tôn – Tào hòa giải. Tào Tháo không có cách nào tiến thêm một bước vượt qua Trường Giang để nam hạ. Cuối thời nhà Hán, thiên hạ phân làm ba, quả thật là ý Trời, dựa vào sức người không có cách nào thay đổi được.

Tào Tháo xem xong thư, đã nói với các chư tướng của mình rằng: “Tôn Quyền không lừa ta”.  (Ảnh: Youtube)

Hạ chiếu thư ra lệnh gộp 14 châu trở về chín châu, tháng tư cùng năm, Tào Tháo trở lại Nghiệp Thành.

Tháng năm, Thiên Tử phong Tào Tháo làm Ngụy Công, trong chiếu chỉ viết: “Khanh có công bình định thiên hạ, cơ trí hơn người, phẩm đức cao thượng, đi lại nhiều nơi, phát dương phong tục tốt đẹp. Ân cần thi giáo, thận trọng hình ngục, giúp cho triều chính không còn phiền toái, bách tính không có kẻ gian. Tôn kính, phò trợ dòng tộc đế vương, là người nối dõi tuyệt thế. Công đức vô lượng, vang danh thiên hạ, chỉ sợ Chu Công cũng không thể sánh bằng.

Khanh có công lao to lớn, tài năng vẹn toàn hơn cả Y, Chu, nhưng vẫn coi trọng Tề, Tấn, trẫm lấy làm xấu hổ. Trẫm, thân thể suy yếu, còn phải gánh vác trăm họ, muôn ngàn gian nan, như rơi vào vực thẳm, như đi trên băng mỏng, nếu không có khanh, trẫm khó mà có được ngày hôm nay. Nay trẫm ban cho khanh mười quận huyện gồm có Hà Đông của Kỳ Châu, Hà Nội, Ngụy quận, Triệu Quốc, Trung Sơn, Thường Sơn, Cự Lộc, An Bình, Cam Lăng, Bình Nguyên, phong làm Ngụy Công. Đồng thời, khanh vẫn giữ chức Thừa Tướng, thống lĩnh cai trị Ký Châu, thưởng thêm Cửu Tích (chín loại lễ khí), nghe theo mệnh lệnh của trẫm”. 

Tào Tháo khiêm nhường từ chối: “Những vị tiếp nhận Cửu Tích đều là những nhân tài mở rộng quốc thổ, khai khẩn biên cương, ví như Chu Công. Tám vị tiên đế khác họ của triều Hán cũng giống như Hán Cao Tổ đều là khởi nghiệp từ áo vải thường dân mà lập ra Vương triều, giang sơn. Tất cả những vị ấy đều có công lao to lớn, thần làm sao có thể sánh bằng?”.

Tào Tháo trước sau khiêm nhường từ chối ba lần.

Quân sư Tuân Du và hơn ba mươi vị tướng quân cùng nhau khuyên Tào Tháo đều bị ngài cảnh cáo, nhưng ngài vẫn tiếp nhận Ngụy quận. Tuân Úc lại tiếp tục khuyên nhủ, cuối cùng Tào Tháo nhận mệnh, dâng sớ tạ ơn: “Thần nhận nhiều ân huệ của tiên đế, làm đến chức quan Nghị Lang, sinh tính lười biếng, vốn dĩ đã mãn nguyện, không dám hy vọng đạt đến quan tước càng cao để thoả mãn danh vọng của bản thân. May mắn nhận được long ân của bệ hạ, ban cho chức vị Thừa Tướng, nhận nhiều bổng lộc và sủng ái, phong chức tước to, được thưởng hậu hĩnh, thoả mãn nguyện vọng khi còn sống, nhưng trước giờ không dám hy vọng xa vời. Luôn tự vấn lòng, sẵn sàng rời chức nhận tội, chỉ làm Liệt hầu, cố gắng xây dựng xã tắc hưng thịnh, tạo phúc cho hậu thế, vĩnh viễn không ưu lo.

Vua ban cho Tào Tháo mười quận huyện cộng thêm nhiều đất đai cai quản nhưng vẫn nhất mực từ chối. (Ảnh: Youtube)

Không ngờ bệ hạ ban thịnh ý như vậy, ban thưởng Cửu Tích cho thần lập nước, ban đất cho thần có thể sánh ngang với Tề, Lỗ, lễ chế này ngay cả vương hầu cũng khó mà có được, nói chi đến thần không có công lao gì nhưng lại đạt được tất cả. Tuy thần có báo lên giãi bày và từ chối nhưng không được phê chuẩn, nghiêm chiếu một lần nữa ban xuống, thực khiến thần lo lắng bồn chồn vì thịnh tình này của bệ hạ. Tự thần phản tỉnh, thân là trọng thần triều đình, tính mệnh thuộc về vương thất, chứ không còn là của bản thân, vì vậy há dám ích kỉ, cứ mãi ngu muội, để tránh làm chậm trễ và gây nhiễu cho bệ hạ, thần xin được nghe chỉ tòng lệnh. Chấp nhận tứ thưởng, bảo vệ triều đình, không dám có tư tâm, một lòng vì giang sơn xã tắc, phụ tử thần xin thề suốt đời tận trung, báo đáp hậu ân. Thiên tử uy nghiêm, kính tiếp chiếu thư”. 

Hán Hiến Đế phong Tào Tháo làm Ngụy Công, Tào Tháo ba lần khiêm nhường từ chối.

Mùa thu tháng bảy, Tào Tháo bắt đầu xây dựng Tông Miếu, xã tắc nhà Ngụy.

Tháng ba Kiến An năm thứ 19 (năm 214), chức vị Ngụy Công cao hơn cả chư vị hầu vương, Thiên Tử trao cho Tào Tháo Kim Tỷ, Xích Phất, và Viễn Du Quán.

Phục Hoàng Hậu của Hiến Đế viết thư cho phụ thân của mình là Phục Hoàn, kể lại việc Hán Hiến Đế viết mật chiếu với nội dung lệnh cho Đổng Thừa giết Tào Tháo bị phát hiện, Đổng Thừa bị Tào Tháo tru di cả tộc, vì vậy vô cùng oán hận Tào Tháo nhưng không dám lên tiếng. Sau đó âm mưu lật đổ Tào Tháo của cha con họ Phục bại lộ, Tào Tháo đại nộ, giết chết Phục Hoàn. Tháng mười một, ngài sai Ngự Sử đại phu Si Lự thu lại Tỉ Thụ của Hoàng Hậu. Sau đó, Tào Tháo phái Hoa Hâm dẫn binh vào cung bắt giữ người. Hoàng Hậu đóng chặt cửa cung lẫn trốn, nhưng Hoa Hâm cho người phá cửa, đào tường, cuối cùng Phục Hoàng Hậu cũng bị kéo đi và giết chết.

Phục Hoàng Hậu của Hán Hiến Đế (tranh được vẽ trong “Tam Quốc Chí”)

Cùng năm, Gia Cát Lượng để cho Quan Vũ ở lại trấn thủ Kinh Châu. Gia Cát Lượng dẫn theo Trương Phi và Triệu Vân cùng quân binh ngược dòng lên Ba Đông. Sau khi đến Giang Châu, lại cho công phá Ba Quận. Lưu Bị bao vây Lạc Thành một năm, Bàng Thống vì bị loạn tên bắn trúng mà tử trận. Phá vỡ được Lạc Thành, Lưu Bị tiếp tục tiến lên bao vây Thành Đô, sau đó Gia Cát Lượng, Trương Phi và Triệu Vân dẫn binh đến hội hợp cùng Lưu Bị.

Lưu Bị vây thành trong nhiều ngày, để cho Giản Ung vào thành thuyết phục Lưu Chương. Lúc bấy giờ trong thành có ba vạn tinh binh, nhưng dân chúng hầu như đều chết vì chiến trận. Lưu Chương than thở: “Phụ tử ta ở đây đã hơn hai mươi năm, không có công đức gì cho bách tính. Bách tính đánh trận ba năm, máu thịt lẫn với cỏ khô, dân chúng lầm than, trong lòng khó mà an tâm”. Sau đó Lưu Chương quyết định mở cổng thành, cùng Giản Ung đầu hàng. Bầy tôi không ai cầm được nước mắt. Lưu Bị đưa Lưu Chương trở về thành Công An, cho Lưu Chương tiếp tục giữ nguyên ấn thụ Chấn Uy Tướng Quân.

Lưu Bị tiến vào Thành Đô, tự xưng làm Châu Mục Ích Châu, phong cho Quân sư trung lang tướng Gia Cát Lượng làm Quân sư tướng quân, Quan Vũ làm Đô đốc Kinh Châu, Trương Phi làm thái thú Ba Tây… Tình thế của Ích Châu hiểm cố, sản vật phong phú, cho dù là tấn công hay phòng thủ đều được.

Lưu Bị thu phục được Ích Châu, đồng thời ba nước Ngụy, Thục, Ngô cũng hình thành cục diện thế chân vạc cơ bản. Tào Tháo chiếm giữ miền Bắc, Tôn Quyền thu dụng nhân tài phía Nam còn Lưu Bị ngồi giữ Ích Châu phía Tây. Thời kỳ Tam Quốc chính thức bắt đầu. Những cuộc hỗn chiến phân tranh, những bản anh hùng ca hào sảng, những hào kiệt uy phong lẫm liệt, rồi đây sẽ ghi khắc vào lịch sử những dòng hào hùng nhất. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Khải Phong biên dịch