Tình bạn sâu sắc giữa những người bình thường đã là điều quý giá, nhưng càng đáng trân trọng và cảm động hơn khi tình bạn đó xuất phát từ những người “không bình thường”, những người dù quên cả bản thân mình nhưng vẫn không bao giờ quên bạn.
Câu chuyện xúc động của anh chàng tình cờ gặp lại người bạn cũ của mình trong một lần đi phát cơm từ thiện tại trại tâm thần Vĩnh Bảo, Hải Phòng được đăng tải trên trang Facebook cá nhân N.T.T đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều cư dân mạng. Câu chuyện sau đó đã lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng và khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.
***
“Bạn tôi sinh năm 1995, hơn tôi hai tuổi, nhưng do tư chất bạn hơi chậm chạp, ngờ nghệch nên bạn hay gọi tôi là anh. Chúng tôi thường tập nhảy với nhau, nhưng 3 năm nay tôi không còn thấy bạn. Tôi cũng không quan tâm nhiều tới sự vắng mặt của bạn, cho tới một ngày tôi gặp lại bạn trong trại tâm thần của huyện Vĩnh Bảo.
Hôm đó, tôi cùng mọi người trong đoàn từ thiện mang cơm tới trại tâm thần. Khi vừa đến, còn đang bận rộn sắp xếp mọi thứ thì một tiếng gọi lớn cất lên từ phía xa: “Anh Thông, anh Thông ơi”. Tôi ngơ ngác nhìn quanh rồi bất giác giật mình và chết lặng khi nhìn thấy người bạn đã không gặp từ rất lâu. Tôi tiến lại gần khung cửa sổ nơi có vài người với ánh mắt vô hồn đang ngó nhìn tôi và một chàng thanh niên đang đứng đưa tay ra ngoài vẫy gọi tôi.
Ánh mắt ngây dại của cậu bỗng chuyển sang vui tươi khi cậu ấy hỏi: “Anh còn nhớ em không? Em là Chung đây”. Bạn nói với một giọng gấp gáp và ánh mắt biểu lộ vẻ hào hứng, mong đợi, như đang hy vọng tôi có thể nhận ra bạn. Vẫn chiếc áo trung học cơ sở Chu Văn An ấy, đôi lông mày có xoáy, 2 chiếc răng khểnh, dáng người cao cao gầy gầy, tôi chỉ mất 2 giây để nhớ ra bạn.
Miệng không nói nên lời, tôi nhìn bạn rồi vội cầm lấy bàn tay bạn đang giơ ra, để đáp lại nỗi háo hức mong chờ của bạn, và để bạn không phải ngại ngùng bởi những ánh mắt xung quanh đang nhìn vào. Làm sao tôi có thể quên bạn được, ngày trước chúng tôi vẫn trêu đùa nhau, dành cho bạn biệt hiệu “chàng ngốc” hay “Popper Salah của Việt Nam”. Giọng tôi run run, tôi càng nắm chặt tay em và hỏi: “Sao em lại ở đây? Ai đã đưa em vào đây?”.
“Mẹ đưa em vào đây. Em không gây nên tội gì cả, nhưng sau khi bố em qua đời, mẹ đã đưa em vào đây”.
“Em không mắc lỗi gì mà lại phải vào đây sao? Mẹ đưa em vào đây lâu chưa?”.
“Sau khi bố em chết rồi, vì em nghịch quá, thường hay ném que tính ra ngoài cửa sổ, mẹ không nói được em nên đã đưa em vào đây”. Tay bạn run run, bạn không khóc nhưng từ ánh mắt bạn, tôi biết rằng bạn đang vừa đau lòng vừa sợ hãi.
Lòng tôi quặn thắt lại, tôi xoa đầu bạn và ánh mắt ngây dại của bạn làm tôi càng thêm đau. Tôi vẫn tự hào mình là người mạnh mẽ, và dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng không bao giờ để mình rơi nước mắt. Nhưng hôm nay tôi đã không vượt qua được chính mình, nhìn bạn đứng sau song sắt, nơi mà bạn không đáng phải ở đó, tôi đã khóc như một đứa trẻ vừa bị cướp mất món đồ chơi yêu thích nhất.
Cảm xúc trào lên, tôi khóc nhưng cố gắng kìm chế tới mức cổ họng dường như đã nghẹn ứ lại. Bạn tôi đó, người ngày trước vẫn khoác vai tôi rồi anh ơi điều này, anh ơi điều khác, người vẫn cùng tôi đua xe đạp trên đường từ sân tập về nhà, có lúc dừng lại bên đường ăn món cháo cay xé lưỡi rồi sau đó hai đứa cùng xuýt xoa. Tôi biết bạn không bình thường, nhưng không tới mức phải vào nơi giam cầm lạnh lẽo tù túng này.
“Em ở đây ăn có no không? Có ai bắt nạt em không?”.
“Em ăn no lắm, cũng không có ai bắt nạt em cả. Em không sao, nhưng anh sao thế? Anh đừng khóc, anh còn đi nhảy không? Chỗ cung Thanh Niên mà anh hay dạy em nhảy ấy, cả anh Mạnh nữa”.
Tôi cố nén lại dòng cảm xúc đang muốn nghiền nát trái tim tôi và trả lời: “Anh nghỉ tập lâu rồi. Anh Mạnh lên Hà Nội học rồi em ạ”.
“Ở trong này em sẽ ngoan ngoãn, không gây rối nữa. Anh bảo mẹ em sớm cho em về nhà nhé. Về rồi anh em mình lại đi nhảy, em nhớ cung Thanh Niên với Nhà hát Lớn lắm anh ạ”.
“Ừ, anh sẽ tới nói chuyện với mẹ em. Cho anh địa chỉ nhà và số điện thoại của mẹ em”.
“Chờ em một tí nhé, để em nhớ lại đã… Nhà em ở trong ngõ Phan Bội Châu, mẹ em tên là Nga nhưng em quên số điện thoại của mẹ rồi. Mọi người cho em uống nhiều thuốc quá, đầu óc càng ngày càng kém minh mẫn, thân thể cũng mất dần sức lực. À anh ơi, anh cho em kẹo đi, trong này ăn thịt nhiều quá, em sợ lắm rồi”.
“Em chờ chút nữa là được ăn cơm rồi, hôm nay có chả nem đó. Nhưng em phải xếp hàng tới lượt mình, đừng chen lấn hay tranh giành của mọi người nhé. Ăn cơm xong anh sẽ cho em bánh. Em ở đây ngoan nhé, như thế anh sẽ nói với mẹ cho em về sớm”.
“Nhưng anh tên là gì nhỉ?”.
“Anh Thông, em vừa gọi anh mà”.
“Vâng anh Thông. Em sắp quên hết rồi. Có thể ngày mai em sẽ chẳng nhớ được tên của mẹ em nữa và một ngày nào đó, không khéo em sẽ quên luôn cả bản thân mình”.
Tôi úp mặt vào cánh tay, giàn giụa nước mắt. Tôi cứ đứng cầm tay bạn và khóc như thế, còn bạn cũng nắm chặt tay tôi, nhìn tôi với ánh mắt ngây ngây dại dại, băn khoăn không hiểu tại sao tôi lại như vậy. Câu chuyện của chúng tôi kết thúc ở đó. Nhìn bạn xếp hàng để lấy bữa ăn từ thiện, lòng tôi đau xót khôn cùng. Những kỷ niệm mà chúng tôi đã từng chia sẻ cùng nhau bỗng chốc ùa về, những tiếng cười thả ga, những ánh mắt trao cho nhau đầy quyết tâm khi bị ngã vì niềm đam mê nhảy nhót, tất cả mọi thứ thân quen mà giờ đây trở thành xa vời quá.
Tôi sợ bạn sẽ quên tôi, tôi sợ chỉ còn lại một mình tôi là người lưu giữ kỷ niệm, tôi sợ nhìn vào ánh mắt bạn và cảm thấy nó đang dần dần lơ đãng và vô hồn. Tôi đứng nhìn bạn ăn một hồi rồi âm thầm ra về, vì nếu tôi tiếp tục ở lại, tôi sẽ không thể chia tay bạn bằng những lời chào tạm biệt. Tôi muốn đưa bạn ra khỏi đây, hoặc nếu không thể đưa bạn ra được, tôi cũng muốn bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, đàng hoàng ở trong đó”.
***
Nếu cảm xúc của chàng trai trong câu chuyện là sự đau đớn nghẹn ngào thì cảm xúc của những người đọc câu chuyện lại là sự xúc động xem lẫn sự trân trọng và tin tưởng. Họ trân trọng tình bạn giữa những người gặp hoàn cảnh éo le, và tin tưởng rằng dù cuộc sống có thăng trầm nghiệt ngã thế nào, thì sự chân thành vẫn sẽ trường tồn và tỏa sáng. Có thể ngày mai đây, người bạn ấy sẽ mất hoàn toàn trí nhớ, miệng không thể gọi tên “anh Thông” hay “mẹ Nga” nữa, nhưng cũng rất có thể, ánh mắt anh dành cho họ không phải sự ngây ngây dại dại bây giờ, mà là ánh mắt dành cho những người dù không biết họ là ai, họ có quan hệ gì với mình, nhưng vẫn có sự thân quen và trìu mến tới lạ.
Rất nhiều độc giả đã chia sẻ cảm xúc của họ. Bạn Quỳnh Ngọc tâm sự: “Đọc mà đến nghẹn lòng. Nếu trong đây đúng năm sinh thì chỉ bằng tôi, cái tuổi hoài bão, cái tuổi thực hiện ước mơ, cái tuổi mà sinh viên chuẩn bị ra trường xây dựng sự nghiệp cho bản thân thì phải giam mình trong trại tâm thần. Đọc tới đoạn ‘Anh tên gì? Em lại quên rồi?’ càng nghẹn hơn, dường như tôi nén chặt cảm xúc và chỉ rơi vài giọt nước mắt. Vừa đáng thương lại vừa đáng trách, thương cho cái hoàn cảnh, trách cái gọi là số phận”.
Độc giả Minh Trang cũng có chung cảm xúc: “Đọc mà thấy sống mũi cay cay, đúng là cho dù con người ta có rơi vào trạng thái không ổn định, nhớ nhớ quên quên cười nói vô thức nhưng trong tiềm thức bao giờ một phần kí ức gần gũi nhất cũng vẫn luôn được lưu giữ. Chẳng ai mong gặp lại người bạn của mình tại nơi này, nói dăm câu ba điều chỉ xin ít bánh kẹo, xin được về với mẹ”.
Có người hoài nghi tính xác thực của câu chuyện này, mặc dù tác giả câu chuyện cho biết đây là câu chuyện có thật, nhưng anh từ chối cung cấp thêm thông tin. Thiết nghĩ, chúng ta hãy cứ mở lòng và đón nhận những điều tốt đẹp. Dù câu chuyện có thật hay không thì những điều đã làm ta xúc động là chân thật. Đó là tình bạn, tình người, tình tri kỉ, là sự đồng cảm và lòng bao dung. Tâm của mỗi người tựa như một thửa ruộng, gieo nhân lành, thì sẽ thu được quả lành, gieo nhân xấu, vậy sẽ thu được quả xấu. Niềm vui là tự mình trồng. Bởi vậy, hãy gieo vào mảnh ruộng của chúng ta tình yêu thương, lòng bác ai, sẵn sàng đưa tay ra với những mảnh đời bất hạnh, và quả ngọt, quả lành sẽ tự đến với cuộc đời chúng ta.
Thủy Linh
Video xem thêm: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao