Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Ở tập trước chúng ta đã đề cập việc thứ nhất mà Triệu Vũ Linh Vương làm là truyền ngôi cho con trai thứ Triệu Hà. Việc thứ hai mà Triệu Vũ Linh Vương làm là ông tự mình giả trang thành sứ giả nước Triệu để đến nước Tần, lấy danh nghĩa chuyển quốc thư của nước Triệu sang nước Tần. Trên đường sang Tần, ông vẽ lại địa hình núi sông nước Tần, ghi chú kĩ nơi nào có thể mai phục, nơi nào có thể chiến đấu bằng kỵ binh… chính là làm một cuộc khảo sát nước Tần vậy.

Khi ông đến đô thành Hàm Dương của nước Tần để dâng quốc thư, Tần Chiêu Tương Vương có một đoạn đối thoại với Triệu Vũ Linh Vương như sau. Tần Chiêu Tương Vương hỏi Triệu Ung: “Nước Triệu các người sợ nước Tần ta không?”. Triệu Ung đáp: “Nếu chúng tôi không sợ nước Tần, chúng tôi sẽ không ‘Hồ phục kỵ xạ’, binh sĩ trong nước chúng tôi có thể cưỡi ngựa tốc độ cao đồng thời bắn cung nỏ, năng lực gấp mười lần trước đây. Dựa vào thực lực như vậy, nước tôi và nước Tần có thể ‘duy trì hoà bình’ trong nhiều năm đó”.

Câu trả lời đầy khí phách uy lực đó đã làm Tần vương chấn kinh. Ban đêm khi Tần Chiêu Tương Vương ngủ, đột nhiên nhớ lại người lúc sáng ông gặp khí phách hiên ngang, ăn nói phi phàm, dường như không giống như một sứ giả bình thường. Ông bèn phái người điều tra mới phát hiện người đó là Triệu vương phụ (Triệu Ung, cuối kỳ 60 đã nhắc đến), Tần Chiêu Tương Vương mới giật mình. Nhưng khi ấy Triệu vương phụ đã rời Tần về Triệu rồi.

Sau khi Triệu Ung về nước, ông tiếp tục công việc tiêu diệt Trung Sơn, mất khoảng 12 năm, khi đó là năm Triệu Huệ Văn Vương thứ ba, tức là ba năm trị vì của người con trai thứ Triệu Hà.

Diệt Trung Sơn, năm đó là năm 296 TCN, tâm tình Triệu Ung vui sướng cực độ, ban thưởng cho bàn dân trăm họ, bách tính ăn thịt uống rượu trong năm ngày. Năm sau ở đô thành lại cử hành một đại yến hoành tráng, các đại thần đều đến triều kiến Triệu vương.

Triệu vương phụ khi đó ngồi trên đài cao, con trai trưởng của ông khi đó khoảng 25 tuổi, trong khi Triệu vương Triệu Hà mới có 14 tuổi. Triệu Ung thấy con trai lớn Triệu Chương thân thể cường tráng khuôn mặt khôi ngô (1), lại cùng với đại thần quỳ gối dập đầu trước người em mới 14 tuổi. Triệu Ung đột nhiên vô cùng thương cảm Triệu Chương, vốn dĩ làm vương, giờ lại phải dập đầu trước em trai Triệu Hà.

Triệu Ung khi đó muốn phân Triệu thành hai, phân thành phía bắc và phía nam. Phía nam cho Triệu Huệ Văn Vương kế vị làm Triệu vương, vùng đất Đại (代) phía bắc thì cho Triệu Chương làm Triệu vương, như vậy nước Triệu sẽ có hai vương. Ông bèn đem việc ấy thương lượng với các đại thần, các đại thần kiên quyết phản đối. Đương nhiên sự việc này ông cũng không làm.

Triệu Ung không làm việc trên còn có một nguyên nhân. Con trai trưởng Triệu Chương có một đội quân mã riêng, trong đó có một tướng tên là Điền Bất Lễ. Đồng thời con trai thứ Triệu Hà cũng có một toán binh mã, trong đó dẫn đầu là một người mà sau này gọi là Bình Nguyên quân Triệu Thắng. Nếu phân Triệu thành hai, ắt sẽ dẫn đến cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hơn nữa trận chiến này là trận chiến giữa hai vùng bắc – nam nước Triệu, thế thì công sức bồi dưỡng “Hồ phục kỵ xạ” sẽ đổ xuống sông xuống bể, do đó Triệu Ung cuối cùng không thực thi việc phân chia này. Nhưng dù ông không thực thi thì cuộc chính biến cung đình vẫn không thể tránh khỏi.

Lời bạch: Năm 295 TCN, nước Triệu phát sinh trận chính biến cung đình thảm khốc ác liệt. Triệu vương phụ dẫn con trưởng là An Dương quân Triệu Chương và con thứ Triệu Huệ Văn vương Triệu Hà đi tuần hành ở Sa Khâu (nay thuộc Hình Đài tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Triệu Chương lập mưu giết Triệu vương nhưng âm mưu bại lộ, thầy của Triệu vương là Phì Nghĩa chết ở trong loạn quân. Tư khấu nước Triệu là Lý Đoái cùng Triệu Thắng (sau này là Bình Nguyên Quân) đến cứu giá. Triệu Chương binh bại chạy đến cung điện của Triệu vương phụ.

Lý Đoái và Triệu Thắng đuổi theo giết được Triệu Chương. Vì để tránh Triệu vương phụ báo thù, đại quân của Triệu vương phụ bị vây ở hoàng cung ròng rã ba tháng, Triệu vương phụ dựa vào trứng chim và chim mới nở để ăn, sau cũng dần đói và chết.

Trải qua cuộc chính biến triều đình thê thảm, Triệu Hà mới danh chính ngôn thuận là quốc vương nước Triệu, chính là Triệu Huệ Văn Vương. Khi đó nước Triệu đã vô cùng lớn mạnh, cho nên ông làm quốc vương hưởng thái bình (không có nước nào đánh) trong 10 năm, chủ yếu là tấn công nước khác. Khi đó quân đội nước Triệu rất mạnh, đánh với nước Tề đều liên tiếp thu được thắng lợi.

Năm Triệu Huệ Văn Vương thứ 16 đã phát sinh một sự việc rất quan trọng, chính là “ngọc về nước Triệu” (hoàn bích quy Triệu – 完璧歸趙), năm đó Triệu Huệ Văn Vương có được “ngọc bích họ Hoà” (Hoà thị bích – 和氏璧) (2). Tần Chiêu Tương Vương viết một phong thư cho Triệu vương, thương lượng rằng: “Quả nhân nghe nói ngài có một viên ngọc đẹp, vô cùng quý, ta nguyện ý đem 15 toà thành làm giá trị trao đổi viên ngọc”. Khi đó Triệu vương không biết là chuyện tốt hay xấu, có nên đưa hay không? Thế là Triệu vương thương lượng với đại thần. Mọi người đều không có chủ ý.

Thủ hạ của Triệu Huệ Văn Vương là một hoạn quan tên Mậu Hiền nói với Triệu vương: “Hạ nhân tiến cử cho ngài một người, ngài thương lượng với ông ấy thử xem, nói không chừng sẽ có chủ ý”. Hoạn quan tiến cử một người là Lạn Tương Như. Lạn Tương Như là một người rất hiểu chính trị, đồng thời cũng rất hiểu tâm lý con người.

Mậu Hiền khi đó kể cho Triệu vương một câu chuyện: “Lạn Tương Như là môn khách của hạ quan, có một lần thần đã phạm tội, đắc tội với đại vương, thần muốn chạy đến nước Yên. Lạn Tương Như hỏi thần: ‘Ông hiểu quốc vương nước Yên không? Để tôi phân tích cho’.

Lạn Tương Như phân tích: ‘Ông làm thế nào liễu giải được ông ấy (Yên vương)?’. Thần nói có một lần quân vương nước Triệu và quân vương nước Yên đang ngoại giao, trong yến tiệc Yên vương bèn lén lút nắm lấy tay thần và nói: ‘Hy vọng có thể kết giao bằng hữu với ông’.

Lạn Tương Như nói: ‘Điều Yên vương coi trọng không phải là ông, mà là vị trí của ông. Khi đó tại sao Yên vương lại nắm tay ông? Bởi vì ông là đại thần được Triệu vương sủng ái (sủng thần – 寵臣), mà Triệu thì mạnh, Yên thì yếu, Yên vương hy vọng mượn ông để giao hảo với nước Triệu’. Nếu ông đắc tội Triệu vương mà chạy đến nước Yên, Yên vương lập tức sẽ bắt ông lại giao cho Triệu vương để tỏ thịnh tình muốn giao hảo, làm sao ông ấy có thể che chở cho ông được’.

Lạn Tương Như nói thêm: ‘Chuyện ông phạm là chuyện rất nhỏ, ông chỉ cần thành tâm thành ý đến nhận tội với đại vương, Triệu vương sẽ không quá trách tội ông đâu’. Thần nghe lời Lạn Tương Như, bèn cởi hết y phục của mình rồi nằm trên thớt (3), biểu thị thần đáng chết. Quả nhiên Triệu vương ngài đã tha tội chết cho thần. Cho nên thần tiến cử Lạn Tương Như cho đại vương”.

Triệu vương nhanh chóng triệu kiến Lạn Tương Như, hỏi: “Theo ngươi, bảo ngọc có nên đưa cho nước Tần?”. Đầu tiên Lạn Tương Như không phân tích lợi hại, mà ông phân tích chuyện đúng sai (4).

Ông nói: “Nếu nước Tần bỏ ra một cái giá lớn như vậy để trao đổi, chúng ta nếu không giao, thế thì nước Triệu sẽ đuối lý. Nếu chúng ta trao đổi, bên Tần không giao nộp thành thì nước Tần đuối lý. Hiện tại tình hình quân sự nước Triệu yếu thế hơn nước Tần, chúng ta không thể bị thiệt thòi về mặt đạo đức nữa vì không trao đổi ngọc với nước Tần. Do đó cách nghĩ của thần là nên giao ngọc cho nước Tần”.

Triệu Hà do dự hỏi: “Nếu họ không giao thành cho nước ta thì sao?”. Lạn Tương Như đáp lại bằng một câu rất nổi tiếng: “Thành nhập vào Triệu, thì ngọc ở lại Tần. Nếu thành không nhập Triệu, thần sẽ ‘hoàn bích quy Triệu’ (đem ngọc về Triệu)”. Thành ngữ “Hoàn bích quy Triệu” chính từ đây mà ra.

Lạn Tương Như đem bảo ngọc đến nước Tần. Ở trên điện, Tần Chiêu Tương Vương rất đắc ý, lấy ngọc bích đem lại chỗ mình. Xem xong ông lại đưa cho các đại thần xem, rồi lại đưa cho cung tần mỹ nữ xem, không hề đề cập đến chuyện 15 toà thành.

Lạn Tương Như khi đó thấy bảo ngọc đã giao cho Tần vương rồi. Ông muốn hoàn bích quy Triệu, đầu tiên phải nghĩ cách đưa ngọc về tay mình, sau có mới nghĩ biện pháp đưa bảo ngọc về nước Triệu. Thế là ông nói với Tần vương: “Ngọc có tì vết, để tôi chỉ ngài xem”. Tần vương nghe vậy lập tức đưa bảo ngọc cho Lạn Tương Như.

Lạn Tương Như sau khi lấy được bảo ngọc bèn bắt đầu lùi, lùi, lùi lại bên một cái cột, lưng dựa vào cột để phòng người nào đó cướp.

Ông cầm lấy bảo ngọc, sau đó nói với Tần vương: “Khi tôi đưa ngài ngọc quý, rất nhiều người hoài nghi liệu Tần có giao thành cho nước Triệu. Nhưng tôi cho rằng, phường áo vải chơi với nhau thường không lừa nhau, huống chi vua Tần là quân chủ một nước lớn như thế, nếu ngài làm vậy chính là sỉ nhục nước Tần, vì nước Tần không giữ chữ tín.

Tôi đã đưa bảo ngọc cho ngài, không ngờ đại vương sau khi cầm được, không những đưa cho đại thần xem, còn truyền tay cho cung tần mỹ nữ xem. Tôi thấy ngài vốn dĩ không nguyện ý đưa 15 thành giao cho nước Triệu chúng tôi. Nếu ngài bức tôi, hôm nay đầu tôi và ngọc sẽ cùng nát tại cái cột này”. Sau đó Lạn Tương Như làm bộ dạng như muốn đập bảo ngọc vào tường.

Tần vương rất lo lắng bèn nói: “Ông đừng đập ngọc, chẳng phải ông muốn 15 toà thành sao?”. Tần vương gọi quan lại đem bản đồ đến, chỉ vào thành này, thành này, tổng cộng 15 thành cắt cho nước Triệu.

Lạn Tương Như nhìn thấy vậy biết rằng Tần vương không thành ý nên ông lại nói thêm: “Trước khi tôi đến nước Tần, Triệu vương rất coi trọng việc này. Một hoạt động ngoại giao trọng đại như thế, cho nên Triệu vương khi đó đã tắm gội trai giới năm ngày (trai giới là không uống rượu, không ăn thịt, không gần gũi phụ nữ).

Sau đó Triệu vương cung kính viết quốc thư rồi bảo tôi đem ngọc đến nước Tần. Nếu đại vương muốn có được thứ trân quý như vậy, thỉnh mong ngài cũng trai giới năm ngày, sau đó thiết lập Lễ Cửu tân (5) – lễ tiết ngoại giao long trọng nhất – để nghênh tiếp ngọc quý, tôi mới có thể giao bảo ngọc cho ngài.

Tần vương thấy ngọc vẫn còn trong tay Lạn Tương Như nên không có cách nào khác, chỉ còn cách đồng ý. Lạn Tương Như bèn quay lại dịch quán và dự tính dùng thời gian năm ngày để lén đưa ngọc quý về nước Triệu.

Khi về tới dịch quán, Lạn Tương Như bèn ngay lập tức bảo một thủ hạ mặc y phục thô lậu xấu xí, giả trang thành bộ dạng rất nghèo khổ, sau đó buộc ngọc quý vào thân người, từ con đường nhỏ len lén chạy dần về nước Triệu.

Năm ngày sau, trên điện đường Tần vương đã thiết đặt Lễ Cửu tân chuẩn bị nghênh đón bảo ngọc, sau đó truyền Lạn Tương Như đến. Lúc Lạn Tương Như tiến vào, tâm thế hiên ngang, hai tay trống không. Tần vương hỏi ngọc ở đâu? Lạn Tương Như nói đã đưa ngọc về nước Triệu rồi. Tần vương đại nộ…

Lạn Tương Như nói: “Nước Tần từ thời Tần Mục Công đến nay đã trải qua hai mươi mấy đời quân vương, không có quân vương nào mà không lừa gạt cả. Nào là Trương Nghi lừa Sở, Thương Ưởng lừa Nguỵ, Mạnh Minh (Bách Lý Hề) lừa Tấn… đưa ngài một số ví dụ để nói rằng quốc vương nước Tần từ xưa đến nay trải hai mươi mấy đời quân vương chưa bao giờ giữ tín nghĩa, cho nên tôi vô cùng sợ hãi. Hễ bảo ngọc vào tay ngài, đại vương không giao thành cho chúng tôi thì làm thế nào?

Hiện tại trong thiên hạ Tần mạnh mà Triệu yếu. Nếu ngài cắt 15 thành trì cho nước Triệu, nước Triệu không dám không giao ngọc. Vậy nên tôi kiến nghị, ngài trước tiên đưa thành cho nước Triệu, sau đó nước Triệu sẽ đưa ngọc giao cho ngài”.

Ở đây giống như làm kinh doanh, tiền đến thì hàng hoá mới giao, hoặc là hàng hoá đến rồi chuyển khoản sau. Đây đều là hai bên mặc cả với nhau.

Tần vương rất tức giận, đại thần bên dưới cũng rất tức giận. Lạn Tương Như cuối cùng nói: “Tôi biết lừa đại vương là phạm vào tội chết, nên xin đại vương bày vạc dầu lớn để tôi có thể nhảy vào vạc dầu sôi”.

Tần vương thấy Lạn Tương Như không sợ, hơn nữa lời nói còn khảng khái hiên ngang, giống như đang chiếm đạo lý. Rốt cuộc số phận của Lạn Tương Như như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là Thân tài khôi ngô – 身材魁梧.
(2) Tham khảo Tam tự kinh chọn lọc bài 4 https://m.dkn.tv/doi-song/tam-tu-kinh-chon-loc-bai-4-ngoc-khong-mai-khong-thanh-quy.html , phần Câu chuyện tham khảo: Biện Hoà dâng ngọc.
(3) Nguyên gốc là Nhục đản phục phủ chất – 肉袒伏斧質: cởi trần ló thịt nằm ở gốc cái rìu (dụng cụ giết phạm nhân ngày xưa), tức là nằm trên thớt để biểu thị mình đáng chết mà thôi.
(4) Nguyên gốc là Thị phi khúc trực – 是非曲直: đúng sai cong thẳng, chuyện đúng sai.
(5) Nguyên gốc là Cửu tân chi lễ – 九賓之禮.