Một phân tích rất thú vị của học giả bên trong bức tường lửa của Trung Quốc đã cho thấy, ông Putin đang thua cuộc dù cuộc chiến Nga-Ukraina chưa kết thúc. Bởi vì sự ảnh hưởng và các giá trị mà Nga thông qua đó giữ vị thế của mình trên trường quốc tế đã bắt đầu thu hẹp dần. Những gì được kế thừa từ Liên Xô đang lụi tàn. Và dù thắng được một vài mảnh đất ở Ukraina, sự sụp đổ kiểu đô-mi-nô tiếp theo đây sẽ là mất mát mãi mãi và rất lớn đối với Nga.
Một bài viết của phương tiện truyền thông bên trong bức tường lửa của Trung Quốc có tên Như Tùng (如松) đã phân tích rằng: Có những cuộc chiến trên thế giới, mặc dù chưa kết thúc, nhưng kẻ thua và người thắng đã sớm được xác định. Điều này là rất hiển nhiên, vì tác động của một cuộc chiến là vô cùng sâu rộng. Bề ngoài chỉ thấy sự mất mát về lãnh thổ, thắng thua trên chiến trường, nhưng ảnh hưởng đến địa chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác đã được xác định ngay cả khi cuộc chiến chưa kết thúc.
Cuộc chiến Nga-Ukraina chính là một ví dụ như vậy.
Điều này cần phải bắt đầu từ khái niệm đế quốc.
Đế quốc là gì?
Theo định nghĩa từ từ điển bách khoa, trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện đại, đế quốc là quốc gia thiết lập một hệ thống chính trị quốc tế có đặc điểm rõ rệt về chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự và giá trị văn hóa trong một khu vực có diện tích địa lý lớn hơn và bao trùm nhiều dân cư hơn, đồng thời có khả năng duy trì và liên tục mở rộng hệ thống chính trị quốc tế đó.
Theo định nghĩa như vậy, Liên Xô không còn nghi ngờ gì nữa chính là một đế quốc của thế hệ trước.
Liên Xô bao gồm 15 nước cộng hòa thành viên và từ nền tảng của Liên Xô đã hình thành Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va, bao trùm nhiều quốc gia châu Âu hơn nữa. Sau đó, dựa trên Liên Xô và NATO, đã hình thành các nhóm quốc gia trên toàn thế giới có mối liên kết chặt chẽ về địa chính trị, giá trị và quân sự. Điều này đã giúp Liên Xô có được ảnh hưởng rộng rãi trên lục địa Á-Âu và khắp thế giới, ảnh hưởng này thể hiện qua nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự và văn hóa.
Có thể nói rằng, vào thời kỳ hoàng kim, chỉ cần Liên Xô dẫm chân, cả thế giới sẽ phải rung chuyển, đó chính là đế quốc Liên Xô.
Liên Xô đã xây dựng vị thế đế quốc của mình như thế nào?
Giá trị văn hóa và nhân văn chắc chắn là những mối liên kết chính, trong khi sự liên kết chặt chẽ về quân sự, kinh tế và công nghệ là phản ứng bên ngoài, trong đó, mối liên kết quân sự đóng vai trò cốt lõi nhất.
Vào thời kỳ hưng thịnh, Liên Xô là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí. Nếu các quốc gia khác sử dụng trang bị vũ khí kiểu Liên Xô, điều đó có nghĩa là họ đã công nhận cao độ các giá trị và văn hóa của Liên Xô, và dĩ nhiên là đã tạo ra mối ràng buộc chặt chẽ. Nếu không, một khi Liên Xô ngừng cung cấp linh kiện vũ khí, dịch vụ sửa chữa hoặc thậm chí đạn dược, những trang bị quân sự đắt đỏ đó sẽ trở thành phế liệu. Thêm vào đó, sau chiến tranh, thế giới đã dần bước vào thời kỳ thông tin; khi sử dụng trang bị vũ khí kiểu Liên Xô, rất dễ hình thành thực tế chia sẻ bí mật quân sự giữa hai bên. Do đó, việc chấp nhận trang bị vũ khí kiểu Liên Xô đồng nghĩa với việc gia nhập vào nhóm đế quốc Liên Xô về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa.
Cuộc cách mạng lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu sau chiến tranh đã thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu của Liên Xô.
Từ cuối thế kỷ 19, ngành công nghiệp dầu mỏ hiện đại nổi lên như một nguồn năng lượng mới. Đến thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, nhận thức về dầu mỏ của con người đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết, thậm chí có những nhà sử học cho rằng Mỹ đã thắng hai cuộc chiến tranh thế giới nhờ vào năng lực sản xuất dầu mỏ mạnh mẽ. Tại sao Hitler lại phân chia quân lực để mở một mặt trận mới tại Stalingrad vào lúc đang tiến hành chiến dịch Matxcova sôi nổi? Tại sao Nhật Bản lại phải phân chia quân lực để tấn công bán đảo Mã Lai, Indonesia thuộc Hà Lan và Myanmar trong khi đang chiến tranh trên đất liền? Bản chất đều là vì dầu mỏ; không có dầu mỏ, những lực lượng cơ giới hóa đó chỉ là hình thức. Trong khi đó, Mỹ vào thời điểm đó không thiếu dầu mỏ, sản lượng dầu của họ chiếm hơn 60% toàn cầu, và cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến dầu mỏ này.
Năm 1896, Henry Ford sản xuất chiếc xe đầu tiên của mình, dầu mỏ trở thành nhiên liệu cho xe hơi.
Thế chiến đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, và dĩ nhiên cũng là thời kỳ bùng nổ cho ngành dầu mỏ.
Từ năm 1948 đến cuối thập niên 60, giá dầu thô luôn dao động giữa 1,8 USD/thùng và 3 USD/thùng, trong giai đoạn này, giá dầu chủ yếu bị chính phủ Anh và Mỹ thông qua các công ty dầu mỏ độc quyền điều tiết. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã bùng nổ, giá dầu tăng vọt từ 3 USD/thùng lên trên 12 USD, và sau cuộc chiến Iran-Iraq năm 1979, giá dầu lại nhanh chóng leo lên trên 30 USD.
Trước Thế chiến thứ hai, sản lượng dầu của Mỹ đứng đầu thế giới, trong khi Liên Xô đứng thứ hai, với các mỏ dầu chính ở Baku, Azerbaijan. Đây là nơi mà Hitler rất khao khát chiếm lĩnh trong Thế chiến thứ hai; nếu chiếm được Stalingrad, ông ta có thể dễ dàng tiến vào Baku, nhưng cuối cùng Stalingrad đã trở thành thất bại lớn nhất của ông.
Tuy nhiên, sau thập niên 60, Liên Xô bắt đầu lật ngược tình thế. Sau khi phát hiện ra hàng chục mỏ dầu siêu lớn, sản lượng dầu của họ đã vượt qua Mỹ. Năm 1955, sản lượng dầu của Liên Xô là 93 triệu tấn, năm 1960 là 148 triệu tấn, năm 1965 là 243 triệu tấn, và đến năm 1980 đã đạt 603 triệu tấn.
Ngày nay, mọi người tôn sùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì họ có cỗ máy máy in đô la, nhưng vào thời điểm đó, Fed trong mắt Liên Xô chỉ như một “đàn em,” vì Liên Xô có hàng chục cỗ máy in của riêng mình — sau khi giá dầu tăng vọt, mỗi mỏ dầu về cơ bản đều trở thành một máy in tiền.
Trong giai đoạn này, Liên Xô không thiếu tiền.
Đây là thời kỳ mà Mỹ gặp nhiều khó khăn trên trường quốc tế, quân đội Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến Việt Nam, khủng hoảng đô la liên tục tái diễn, cộng thêm Liên Xô có nền công nghiệp mạnh mẽ, quân sự tiên tiến và rất nhiều tiền, điều này đã thúc đẩy sức mạnh tổng hợp của Liên Xô tăng trưởng nhanh chóng, trong khi Mỹ chỉ có thể chịu đựng.
Từ sự so sánh tỷ giá giữa hai nước, có thể thấy rõ sự gia tăng và giảm sút sức mạnh của hai bên trong giai đoạn này. Tỷ giá đô la so với rúp Liên Xô đã có sự giảm dài hạn, từ 1 đô la đổi được 0,9 rúp vào tháng 1 năm 1961 xuống còn 0,6395 rúp vào tháng 1 năm 1980.
Vì đã có rất nhiều đô la, đây trở thành thời kỳ Liên Xô tiêu tiền như nước.
Liên Xô tiến hành chi tiêu mạnh mẽ, các quốc gia nhận viện trợ đương nhiên sẽ sử dụng phần lớn số tiền đó để mua vũ khí Liên Xô. Vào thời điểm đó, vũ khí Liên Xô cũng rất nổi tiếng trên thị trường quốc tế, vì vậy, Liên Xô là quốc gia quan trọng nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Khi những quốc gia nhận viện trợ này tiếp nhận vũ khí Liên Xô, điều đó có nghĩa là họ đã hoàn toàn chấp nhận hệ thống chính trị, văn hóa, quân sự và giá trị của Liên Xô. Sự ảnh hưởng của Liên Xô đối với thế giới do đó đã tăng cường một cách chưa từng có, và họ trở thành một đế quốc toàn cầu.
Mặc dù sự tan rã của Liên Xô và Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va đã khiến nhiều quốc gia Đông Âu gia nhập NATO, nhưng ảnh hưởng địa chính trị của Nga, quốc gia kế thừa di sản của đế quốc Liên Xô, vẫn còn tồn tại, vì nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng vũ khí kiểu Liên Xô và cần mua linh kiện cũng như dịch vụ sửa chữa cho vũ khí đó, cũng như các dịch vụ nâng cấp hệ thống.
Do đó, chúng ta thấy rằng, mặc dù tổng sản lượng kinh tế của Nga sau khi Liên Xô tan rã đã rơi ra ngoài top 10 thế giới, và ngành công nghiệp của Nga đã suy giảm nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng quốc tế của Nga vẫn vượt xa sức mạnh kinh tế của họ, nhờ vào việc Nga kế thừa phần lớn hệ thống công nghiệp quốc phòng và di sản địa chính trị của Liên Xô, điều này đã hỗ trợ Nga tiếp tục phát huy ảnh hưởng toàn cầu.
Vì vậy, từ góc độ địa chính trị toàn cầu và hệ thống quân sự, Nga cũng là một đế quốc.
Sau khi Liên Xô tan rã, hệ thống công nghiệp của Nga ngày càng suy yếu, điều này đã tạo thành một rào cản nghiêm trọng đối với sự phát triển của hệ thống công nghiệp quốc phòng Nga. Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraina nổ ra, với sự thể hiện kém cỏi của vũ khí Nga, bản đồ địa chính trị toàn cầu được xây dựng trong thời kỳ đế quốc Liên Xô bắt đầu sụp đổ.
Đầu tiên, nhiều quốc gia châu Âu như Ba Lan, Bulgaria, Hy Lạp, và Cộng hòa Séc đã cung cấp vũ khí kiểu Nga cho Ukraina, tiêu hao chúng trên chiến trường Nga-Ukraina, sau đó trang bị vũ khí kiểu Mỹ hoặc kiểu châu Âu. Điều này có nghĩa là họ hoàn toàn cắt đứt quan hệ chính trị, văn hóa và quân sự với Nga.
Quốc gia nào là đồng minh thân cận nhất của Nga ở châu Âu?
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là Serbia. Hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị vững chắc kéo dài hơn một thế kỷ, và Serbia cũng là khách hàng trung thành của vũ khí kiểu Liên Xô và Nga.
Tuy nhiên, theo các báo cáo mới nhất từ truyền thông, Serbia đã quyết định không mua chiến đấu cơ của Nga trong đợt mua sắm quân sự gần đây, mà thay vào đó đã đạt được thỏa thuận với Pháp để chi 2,7 tỷ USD mua 12 chiếc chiến đấu cơ Rafale. Tổng thống Serbia – Aleksandar Vucic đã cam kết rằng ông sẽ không chia sẻ công nghệ Rafale với Matxcova và sẽ bảo đảm rằng thông tin quan trọng về máy bay Rafale sẽ không rơi vào tay Nga.
Ông nói: “Chúng tôi không phải là gián điệp của Nga giúp họ đánh cắp công nghệ. Chúng tôi sử dụng tiền của công dân Serbia để chi trả cho quốc phòng của mình”.
Điều này cho thấy Serbia, đồng minh châu Âu lâu năm của Nga, đang dần xa rời Nga trong vấn đề chính trị và an ninh, và đang bước vào vòng tay của châu Âu.
Người Nga coi mình là một quốc gia châu Âu. Khi mất đi ảnh hưởng đối với châu Âu và bị hoàn toàn bên lề, nếu không tính đến vũ khí hạt nhân, quốc gia như vậy sẽ trở nên không có tiếng nói.
Tiếp theo, hãy nhìn sang các khu vực khác.
Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraina bùng nổ, Kazakhstan đã chuyển giao trang bị kiểu Nga của mình cho Mỹ, từ đó Mỹ chuyển giao cho Ukraina, và Kazakhstan thì trang bị vũ khí kiểu Mỹ và châu Âu.
Ấn Độ luôn là khách hàng lớn của vũ khí Nga, với 60% trang bị của quân đội Ấn Độ đến từ Nga. Tuy nhiên, khi chiến tranh diễn ra, Ấn Độ đã thấy rõ chất lượng thật của vũ khí kiểu Nga. Họ đã chuyển một phần vũ khí Nga trở về Nga, với lý do là bảo trì, nhưng cuối cùng lại “hỗ trợ” cho quân đội Nga đang thiếu thốn trang bị, trong khi tiếp tục tăng cường mua sắm vũ khí từ Pháp, điều này thể hiện rõ ràng ý định của họ.
Vào tháng 1 năm 2024, Tổng thống Ecuador, ông Daniel Noboa, tuyên bố rằng mặc dù Nga không tán thành, Ecuador vẫn sẽ chuyển giao trang bị cũ của Nga cho Mỹ, để Mỹ hỗ trợ cho Ukraina, đổi lấy trang bị mới trị giá 200 triệu USD từ Mỹ.
Và còn nhiều điều khác nữa.
Một số quốc gia đã nhận thấy sự yếu kém của trang bị vũ khí Nga trên chiến trường, và chủ động tiêu hao các trang bị này bằng cách viện trợ cho Ukraina hoặc cho Nga, sau đó chuyển sang trang bị vũ khí kiểu Mỹ hoặc châu Âu.
Một số quốc gia khác thì lại bị động; do quân đội Nga gặp phải tình trạng thiếu thốn trang bị, các ngành sản xuất của Nga chỉ có thể ưu tiên đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga, dẫn đến không thể hoàn thành các đơn hàng từ nước ngoài, khiến những quốc gia này phải mua sắm trang bị quân sự từ các quốc gia khác.
Khi sự hợp tác trong lĩnh vực trang bị quân sự giữa những quốc gia này và Nga kết thúc, mối liên kết chính trị và văn hóa giữa Nga và các quốc gia này sẽ dần xa cách, làm giảm sức ảnh hưởng địa chính trị của Nga.
Ảnh hưởng địa chính trị của Nga chủ yếu là di sản của Liên Xô, và sau khi cuộc chiến Nga-Ukraina nổ ra, ảnh hưởng này bắt đầu tan rã nhanh chóng.
Cuộc chiến Nga-Ukraina không chỉ đồng nghĩa với sự sụp đổ của bản đồ địa chính trị toàn cầu của Nga, mà còn có nghĩa là sự tan rã của hệ thống công nghiệp quốc phòng của Nga.
Chi phí nghiên cứu và phát triển trong ngành công nghiệp quân sự hiện đại là rất cao. Khi các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga mất đi thị trường toàn cầu, với quy mô kinh tế hiện tại của Nga, họ hoàn toàn không thể tự mình gánh vác chi phí nghiên cứu và phát triển cao như vậy. Khi vũ khí Nga chỉ còn lại quân đội Nga là khách hàng duy nhất, do doanh số hạn chế, chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh, điều này sẽ khiến quân đội Nga khó có thể chịu đựng, và cuối cùng, hệ thống công nghiệp quốc phòng độc lập được thiết lập từ thời Sa hoàng và Liên Xô sẽ tan rã.
Cuối cùng, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng: Đế quốc Nga và Liên Xô đã mất hơn một thế kỷ và tiêu tốn vô số tiền bạc để xây dựng một bản đồ địa chính trị độc lập trên toàn cầu, cùng với một hệ thống công nghiệp quốc phòng độc lập được thiết lập nhờ nhiều cơ hội, trong đó có cuộc Đại Khủng hoảng bắt đầu từ năm 1929 ở Mỹ và Anh, cùng với sự thất bại của Đức trong Thế chiến thứ nhất khiến họ cần xuất khẩu công nghệ quân sự để giảm thiểu khủng hoảng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, với sự bùng nổ cuộc chiến Nga-Ukraina, mọi thứ đã bắt đầu nhanh chóng tan rã.
Nga là một quốc gia rất đặc biệt. Dù thực hiện chế độ liên bang, nhưng mối liên kết giữa các vùng trong nước chủ yếu không dựa vào giá trị văn hóa và nhân văn, mà chủ yếu dựa vào sự kiểm soát từ trên xuống. Sự sụp đổ của bản đồ địa chính trị toàn cầu của Nga là một quá trình và kết quả của sự suy giảm kiểm soát. Khi sự kiểm soát này bắt đầu ảnh hưởng đến sự ổn định giữa các vùng trong Liên bang Nga, rất dễ dẫn đến những biến động mạnh mẽ.
Những thay đổi trên cho thấy, mặc dù cuộc chiến Nga-Ukraina vẫn chưa kết thúc, nhưng Tổng thống Putin đã thua trong cuộc chiến này. Điều này không liên quan đến chính trị hay lập trường. Trong tương lai, dù quân đội Nga có chiếm được một vài mảnh đất ở miền Đông Ukraina, cũng không thể thay đổi được kết cục này.
Quá trình sụp đổ của sức ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu, hệ thống quân sự độc lập và thậm chí là bất ổn nội bộ sẽ khiến Tổng thống Putin cảm thấy như ngồi trên đống lửa.
Nga đã đến một ngã rẽ lịch sử, và vận mệnh chính trị của ông Putin cũng đang đến thời khắc quyết định. Có lẽ chính vì sức ảnh hưởng đối với các đồng minh bên ngoài đang nhanh chóng tan rã và khả năng kiểm soát các vùng trong Liên bang Nga giảm sút nghiêm trọng, mà ông Putin đã quay sang ôm chặt phương Đông, vì ông cần phương Đông hỗ trợ tài chính và đầu tư để ổn định nội bộ, và dĩ nhiên là cũng để giữ vững vị trí chính trị của mình.
Tuy nhiên, điều này có nghĩa là sự thay đổi vị thế giữa hai bên, cuối cùng, như một đế quốc, Nga sẽ chuyển mình thành một đồng minh nhỏ bé và trở thành căn cứ năng lượng và nguyên liệu cho phương Đông, đây là sự biến chuyển lớn trong sức mạnh địa chính trị và cũng là quá trình trỗi dậy của phương Đông trên đại lục Á-Âu.