Ông nội tôi là một lão nông tri điền, không chỉ am hiểu về đồng ruộng mà còn tường tận về thế giới tự nhiên. Ông nói rằng loài vật có ba điểm yếu lớn, có thể vì đó mà huỷ hoại cuộc đời của chính mình.
Ham chuộng hư vinh
Ông nội nói, chim công là loài vật yêu chuộng hư vinh nhất. Tôi hỏi ông: “Chim công chuộng hư vinh thế nào?”.
Ông nói, những ngày trời đổ mưa chim công tuyệt đối sẽ không cất cánh bay lượn. Bởi chúng nhìn nhận rằng bộ lông đuôi của mình quá đẹp, nếu bay lượn trong mưa thì lông đuôi ướt sũng, thể nào cũng sẽ hư hại hoặc gãy mất.
Tôi nói: “Yêu quý bản thân, gìn giữ và trân quý vẻ đẹp của mình chẳng phải là điều tốt hay sao?”.
Ông nói rằng, chim công vì quá yêu chuộng bộ lông đuôi nên khi trời mưa nếu có kẻ đến bắt giữ nó, thì nó thà bị bắt chứ không chịu cất cánh đào thoát. Dẫu có chết nó cũng phải bảo toàn tốt bộ lông đuôi để không bị tổn hại một sợi nào.
Vậy nên, thứ thật sự cướp đi mạng sống của chim công không phải điều gì khác mà chính là cái tâm ham chuộng hư vinh của bản thân mình.
Tối mắt vì lợi
Ông nội rất thích câu cá. Một lần nọ tôi theo chân ông đến bên hồ, xem ông chuẩn bị các dụng cụ câu cá. Tôi thấy ông lấy khúc mồi nhử móc vào lưỡi câu, nhưng chỉ móc ở một nửa lưỡi câu, nửa lưỡi câu còn lại thì lộ ra bên ngoài, dưới ánh mặt trời lóe lên sáng lấp lánh.
Tôi thắc mắc hỏi: “Ông ơi, móc câu lộ ra ngoài mồi nhử như vậy, lẽ nào con cá không nhận ra đây là lưỡi câu sao?”.
Ông nói: “Có mồi nhử rồi, dù lưỡi câu có lóa mắt hơn thì chúng cũng chẳng để ý đâu”.
Quả nhiên, một lúc sau ông đã câu được cá. Con cá nuốt phải lưỡi câu, nhảy cà tưng trên bờ, gắng sức giãy giụa muốn vùng thoát ra.
Ông nói: “Điều khiến con cá mất mạng có phải là mồi nhử không? Không phải, mà là bản tính tham lam của chính nó”.
Tuy vậy, chỉ nhìn thấy mồi nhử mà không thấy được cạm bẫy trước mắt, nào phải chỉ có con cá đáng thương này thôi đâu?
Lơ là, thiếu cảnh giác
Ông nội là một cao thủ bẫy thú. Hôm ấy tôi theo ông vào rừng bẫy thú. Ông cẩn thận quan sát một hồi rồi chỉ vào bụi cỏ và nói: “Đây rồi, có thể đặt bẫy ở chỗ này!”.
Tôi hỏi: “Vì sao lại đặt bẫy ở đây thế ạ?”.
Ông nói: “Bởi trong bụi cỏ này có dấu chân thú mới đi ngang qua đây”.
Tôi thắc mắc: “Con thú đi qua rồi, còn quay lại đường cũ nữa sao?”.
Ông đáp: “Đúng thế! Dã thú ra ngoài kiếm ăn đều sẽ quay trở lại theo đường cũ”.
Tôi lại hỏi: “Tại sao chúng phải trở lại đúng con đường cũ thế ông?”.
Ông giải thích: “Bởi chúng thấy rằng quay trở lại đường cũ là an toàn nhất, yên tâm nhất, vậy nên đây cũng là thời điểm chúng lơ là và sơ suất nhất”.
Đối với những con thú hoang này mà nói, thứ lấy đi mạng sống vốn không phải cạm bẫy, mà là cái tâm lơ là, thiếu cảnh giác của bản thân.