Ấn tượng đầu tiên với những ai lần đầu đến Đài Loan có lẽ là quang cảnh đường phố rất sạch sẽ dù rất khó tìm thấy thùng rác. 

“Rác không chạm đất”

Dạo quanh các con phố của Đài Bắc, nhiều du khách bị ấn tượng bởi quang cảnh sạch đẹp trong khi trên đường thật khó tìm thấy một chiếc thùng rác. Lỡ như bạn đang thưởng thức một ly trà sữa hay ăn chiếc bánh dứa thì cách văn minh duy nhất để vứt rác là mang về thùng rác ở nhà hoặc cơ quan. Sở dĩ có điều kỳ lạ này là vì chính phủ Đài Loan muốn hạn chế rác thải nơi công cộng nhằm thuận tiện cho công đoạn phân loại rác, giảm côn trùng, động vật có hại hay mùi hôi thối xung quanh chỗ đổ rác công cộng hoặc trước cửa nhà.  

Chuyện vứt rác vào thùng tưởng chừng như dễ dàng ở Việt Nam lại trở nên không hề đơn giản ở xứ Đài. Tại các khu chung cư, nhà tập thể, việc phân loại rác cũng cần đến sự kiên nhẫn và ý thức chăm chỉ của người dân. Ở đây, những khu nhà tập thể đều không thiết kế loại “cửa đổ rác” – nơi chúng ta thường mở cửa và bỏ bao rác vào là xong, mà tại Đài Loan người dân bắt buộc phải đem rác xuống khu chứa rác của chung cư, phân loại rác theo các mục được định sẵn. 

Ở đây, ngoài các loại rác như trên còn có thêm những mục để phù hợp hơn với các nhu cầu sinh hoạt ví dụ như đồ thủy tinh, bóng đèn hỏng, đồ điện tử và đặc biệt là PIN – loại rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. 

(Ảnh: Facebook)

Mỗi hộ gia đình ở Đài Loan sẽ có hai thùng rác, một thùng đựng rác thải hữu cơ, không tái chế; một thùng đựng rác tái chế. Thông thường, với nhu cầu sinh hoạt gia đình, các loại rác bỏ vào thùng thứ nhất phần lớn là rau củ, đồ ăn thừa, còn thùng thứ hai sẽ đựng các loại rác tái chế mà đa phần trong các gia đình đều là: Các loại chai, lọ, lon, bìa, giấy,.. Nhờ vậy, tỉ lệ tái chế rác ở Đài Loan đạt 55%, Hàn Quốc là 59%, Mỹ là 30%. 

Những năm trước đây, mọi chuyện khá dễ dàng, bạn chỉ cần để rác ở cửa, xe rác sẽ đến và mang đi. Nhưng sau đó chính quyền đưa ra lệnh “rác không chạm đất”, do đó gười dân bắt buộc phải đợi xe rác đến mới được đổ rác, nếu lỡ thì phải đợi đến chuyến sau, hoặc hôm sau. 

Chiếc xe rác màu vàng với âm thanh của bản nhạc cổ điển đã quá đỗi quen thuộc cho những ai sống tại Đài Loan. Mỗi lần nghe thấy tiếng nhạc xe rác, bất kể là ai đều phải gác lại tất cả để xuống đường… đổ rác. Bản nhạc vui nhộn được trẻ nhỏ yêu thích, đây cũng là một cách giáo dục tự nhiên giúp trẻ em tự hình thành ý thức bỏ rác đúng nơi quy định khi quan sát và học theo hành vi của người lớn.

Sở dĩ vất vả như vậy là vì Đài Loan là một nước nóng ẩm (giống Việt Nam), rác thải để ngoài trời sẽ bốc mùi rất nhanh, cộng với việc các loài động vật như chó, mèo, chuột… sẽ đến bới rác rất lộn xộn nên hình thức rác không chạm đất này mới ra đời.

(Ảnh: WSJ)

Vậy làm sao để người dân hợp tác trong việc phân loại rác? 

Giáo dục dân trí là một phần quan trọng nhưng chắc chắn để vận hành xã hội không thể chỉ trông chờ vào ý thức, cũng như một tòa nhà không thể đứng vững nếu như bạn chỉ ra lệnh cho nó không được đổ! Và chính phủ đã có một biện pháp rất hay để khiến người dân chấp hành việc phân loại: Thông qua kiểm soát túi rác.

(Ảnh: Chinatimes)

Ở thủ đô Đài Bắc và thành phố Tân Bắc, người dân chỉ được đổ rác trong những bao đúng theo quy định của nhà nước. Nhân viên vệ sinh sẽ không chấp nhận đổ rác nếu rác của bạn không được đựng trong những túi đúng quy cách. Những túi này được bán với giá rất đắt, với loại thường dùng trong gia đình có dung tích 25l, giá là 10 Đài tệ một túi mua sỉ (tương đương 7500 – 8000 VND), loại túi to hơn được dùng bởi các nhà hàng, cửa hiệu có thể lên tới 30 000- 40 000 VND/túi.

Với giá 8000đ/túi rác, người dân sẽ cân nhắc việc bỏ gì vào thùng rác, cái gì có thể tái chế ( vì rác tái chế không cần túi). Đồng thời, việc quy định túi rác tiêu chuẩn cũng loại bỏ một phần ý muốn lấy túi nilon khi đi mua hàng của người dân. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tố cáo khi tặng 50% phí phạt cho người tố giác. Một chủ cửa hàng ở chợ đêm đã thu được gần 650.000 Đài tệ nhờ việc trình báo 4.900 trường hợp vi phạm trong vòng 10 tháng, dù người này nhiều lần bị đe dọa. 

Người dân Đài Loan thực sự rất “khổ” so với người Việt Nam trong chuyện đổ rác. Nhưng bù lại chất lượng vệ sinh môi trường tốt hơn nhiều có lẽ cũng vì ý thức hợp tác của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường sống. 

Hồng Tâm

videoinfo__video3.dkn.tv||2cd652f09__