Năm Bính Thân là năm rất thích hợp để nói chuyện Tây Du Ký, câu chuyện huyền thoại của tác giả Ngô Thừa Ân. Với võ nghệ cao cường và phép thuật thần thông 72 phép biến hóa, Tôn Ngộ Không – Mỹ Hầu vương không chỉ là biểu tượng của sức mạnh, mà còn thể hiện những phẩm chất cao đẹp khác như lòng trung thành, sự khôn ngoan và trí tuệ.
Cuốn Tây Du Ký ra đời vào thế kỷ 16 triều nhà Minh (1368–1644) là một trong bốn tuyệt phẩm văn chương vĩ đại nhất của Trung Quốc.
Tiểu thuyết mô tả cuộc phiêu lưu ở thế kỷ thứ 7 thời nhà Đường (618-907) hay câu chuyện thỉnh kinh của Đường Tam Tạng-Huyền Trang cùng đệ tử của ông tới Tây Trúc nay là Ấn Độ với hy vọng mang kinh sách của Phật về Trung Quốc.
Chuyến đi phi thường xoay quanh mối quan hệ giữa bốn đồ đệ của Đường Tam Tạng là Mỹ Hầu vương tài giỏi và trí tuệ, Trư Bát giới lười nhác và khôn vặt, Sa Tăng cần cù nhẫn nại cùng Tiểu Long Mã trung thành.
Cả bốn nhân vật trên đều là Thần tiên bị đày xuống hạ giới bởi những tội lỗi họ phạm phải trên Thiên đường. Phật Bà Quan Âm đại từ đại bi đã cho họ cơ hội để chuộc tội và trở về quê hương Thần thánh của mình, bằng cách quy y cửa Phật và hộ vệ Đường Tam Tạng trên hành trình gian nan đi thỉnh kinh.
Trong hành trình của mình, những nhân vật chính trong Tây Du Ký đã phải trải qua 81 khảo nghiệm và khó khăn thử thách. Những yêu tinh hay thế lực ma quỷ đã rình rập tìm đủ cách cản trở họ. Chúng đặc biệt muốn bắt sống Đường Tam Tạng, người được tin là có thân thể tinh khiết qua 10 kiếp luân hồi chuyển sinh, nếu ai ăn được sẽ trường sinh bất lão.
Tuy nhiên Đường Tăng và các đồ đệ đã vượt qua tất cả những gian truân khổ ải trên để trở về Trung Quốc với kinh Phật.
Mỹ Hầu Vương sinh ra từ tảng đá Thần
Sinh ra từ tảng đá Thần, Mỹ Hầu Vương may mắn học được 72 phép thần thông biến hóa của một vị Đạo sĩ và được trao biệt danh “Tôn Ngộ Không” có nghĩa là “con khỉ giác ngộ được tính không”.
Tôn Ngộ Không đã dùng phép thần thông học được, gây rối trên Thiên đường và sau bao nỗ lực, Hoàng đế vẫn không thể bắt được con khỉ tài ba này. Cuối cùng Đức Phật đã tới và nhốt Tôn Ngộ Không dưới một ngọn núi trong 500 năm để chờ Đường Tăng tới giải cứu lên đường thỉnh kinh chuộc tội.
Trên đường hộ vệ Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đã phát hiện mưu mô xảo quyệt của yêu tinh và không bị quyến rũ trước tiền tài hay sắc đẹp, nhờ đó luôn bảo vệ Sư phụ của mình thoát nạn.
Đường Tam Tạng với tâm từ bi nhưng không có phép thần thông biến hóa, chỉ có đôi mắt trần nên không nhìn rõ chân tướng sự việc, đôi khi nghi oan cho Tôn Ngộ Không và không ít lần rơi vào hiểm nguy suýt mất mạng chỉ vì việc đó.
Đã nhiều lần Đường Tam Tạng nghi oan cho Tôn Ngộ Không, nghe lời xúi bẩy của Trư Bát Giới và bị yêu tinh mê hoặc, đã đuổi và niệm khẩn cô nhi chú để xiết chặt vòng kim cô khiến Tôn Ngộ Không vô cùng đau đớn. Tuy nhiên Tôn Ngộ Không vẫn một lòng trung thành với Đường Tăng để hộ vệ Sư phụ của mình thỉnh kinh mã đáo thành công. Chính vì thế mà về sau Tôn Ngộ Không đã được phong “Đấu Chiến Thắng Phật”
Bài học sâu sắc từ Tây Du Ký
Tây Du Ký là tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm nhưng có cách viết rất thân thiện và hài hước, ẩn sâu dưới những câu chuyện nhỏ trong hành trình dài dằng dặc của Đường Tăng và đồ đệ là những bài học cuộc sống sâu sắc, cũng như những quy luật của cuộc đời này.
Mỗi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đều thể hiện mặt tốt và xấu của họ, nhưng về cơ bản cho chúng ta thấy rằng, để đạt được ước mơ của bản thân, cần kiên định và tập trung mọi trí lực, sức lực và nỗ lực cộng tác với nhau nhằm tận dụng sức mạnh tập thể.
Nhân vật Mỹ Hầu vương là biểu tượng của sự thông thái, tài trí, trung thành và nhẫn nại. Tôn Ngộ Không luôn lạc quan, kiên định và quan tâm tới sự an nguy của người khác, luôn dũng mãnh không ngại hiểm nguy để bảo vệ những người yếu đuối cũng như lẽ phải.
Từ đầu tới cuối, Mỹ Hầu vương luôn là một nhân vật giành được tình cảm của độc giả nhất bởi những đức tính đáng quý và dễ thương của mình.
Khi nói chuyện Tây Du Ký, ai cũng thấy được Mỹ Hầu Vương còn có khả năng nhận ra kẻ ác và ma quỷ dưới mọi hình thức, giúp chúng ta hiểu rằng khi nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, cần xem xét thấu đáo mới có thể hiểu được chân lý.
Quan trọng hơn cả, nhân vật Tôn Ngộ Không cho chúng ta thấy rằng tấm lòng Thiện lương và sự Nhẫn nại là điều cần thiết để đem lại vinh diệu cho mỗi người. Hai phẩm chất cao quý đó còn bao gồm sự kiên nhẫn, bền bỉ, khiêm tốn, bao dung và hòa nhã. Có như vậy, con người mới đạt được sức mạnh, sự tôn trọng, phẩm giá và không bao giờ làm ngơ với kẻ ác cũng như hành động xấu xa.
Đại Khả biên tập
Xem thêm: