Trên thế gian này, khi chúng ta túng thiếu, người khác ban tặng hay cho chúng ta vay mượn tiền tài của cải, ấy là vì họ tốt bụng, có lòng giúp đỡ người khác. Nếu có thể hoàn trả thì nên hoàn trả sớm, còn nếu không thì tuyệt đối cũng đừng “vong ân phụ nghĩa” mà gặp ác báo kinh hoàng.
Sư Dạ Quang là một vị hòa thượng nổi tiếng vào đời Đường. Ông là người đất Kế Môn, thuở nhỏ thông minh hiếu học, thích nghiên cứu Phật học, vì thế bèn xuất gia làm hòa thượng.
Ông ở tại Kế Môn dốc lòng nghiên cứu Phật học trong mười năm liền, tự cảm thấy Phật học quả thật huyền bí sâu xa, thiên mục của ông cũng mở và có thể thấy quỷ.
Lúc ấy có một hòa thượng giàu có tên là Huệ Đạt, tích trữ rất nhiều tiền tài của cải, nhưng lại không thông hiểu Phật học cho lắm. Huệ Đạt muốn có được vài điểm học vấn của sư Dạ Quang, sư Dạ Quang cũng thấy Huệ Đạt có nhiều tiền tài nên hai người có việc hay không có việc cũng đều thường xuyên đến gặp nhau. Người biếu xén lễ vật người truyền tâm đắc của mình, bù đắp cho nhau, ca tụng lẫn nhau, cuối cùng trở thành bằng hữu thân thiết.
Đương thời Hoàng đế Huyền Tông kính Phật lễ Đạo, thường thỉnh mời danh tăng và đạo sĩ. Sư Dạ Quang muốn lên kinh thành Trường An yết kiến, nhưng khổ nỗi trong túi không có tiền. Ông tự than thở rằng phí hoài tài học tuyệt thế, chỉ vì thiếu mấy đồng tiền mà phí trọn cả một đời, trong lòng thường không vui.
Huệ Đạt biết được tâm tư của sư Dạ Quang, bèn đem bảy mươi vạn đồng tài trợ Dạ Quang để ông lấy lội phí lên đường, nói: “Đại sư tài năng học nghệ siêu phàm, tôi cho rằng thiên hạ không ai có thể sánh với sự cao minh của đại sư. Đương kim Thánh Thượng đề bạt thiên hạ anh tuấn, hòa thượng chúng ta nhất định cũng có thể được tắm rửa hoàng ân. Đại sư tới Trường An rồi, nhất định một bước lên mây, đã là Phật môn cao tăng, lại sắp có ngày được làm trọng thần của Thiên tử. Nhưng mà đến lúc ấy, ta nhất định sẽ tìm đến nhờ cậy đại sư, hy vọng đại sư đừng quên lão bằng hữu này.”
Sư Dạ Quang nói: “May mắn có Đại sư hậu tặng, ta mới có thể đi đến Trường An. Nếu như ta được làm quan ngũ phẩm, ngày đó nhất định nhân cơ hội báo đáp ân huệ của đại sư.”
Sư Dạ Quang tới Trường An, bèn hối lộ đám tùy tùng của Cửu Tiên công chúa để có cơ hội yết kiến Vua. Đường Huyền Tông ngay sau đó ở hạ lệnh triệu kiến sư Dạ Quang, ra lệnh hoạn quan chọn lựa hơn chục tăng nhân có học vấn nổi danh để cùng sư Dạ Quang biện luận Phật học.
Sư Dạ quang diễn dịch kinh điển, luận huyền lý một cách trôi chảy, chúng tăng không có ai dám cùng ông tranh cao thấp. Đường Huyền Tông ngạc nhiên trước tài hùng biện của sư Dạ Quang, bèn hạ chiếu ban cho sư Dạ Quang ấn bạc cùng lụa đỏ, phong ông làm Tứ môn tiến sĩ. Sư Dạ Quang ngày ngày theo hầu làm bạn với vua Đường Huyền Tông, còn được ban cho dinh thự xa xỉ, tiền tài gấm vóc vô cùng nhiều.
Sư Dạ Quang trở thành sủng thần của Thiên tử, chỉ trong nháy mắt được tận hưởng vinh hoa đến đỉnh điểm. Nhưng đột nhiên gặp phải cao nhân cao thâm không sao lường được, về điểm này mấy tiểu năng tiểu thuật của sư Dạ Quang chẳng là gì cả. Đường Huyền Tông có lần triệu kiến Trương Quả Lão, rồi bảo sư Dạ Quang dùng thiên mục nhìn xem Trương Quả Lão là thần thánh đến từ phương nào. Sư Dạ Quang đến và nói: “Trương Quả Lão hôm nay ở đâu nhỉ?” Kỳ thực Trương Quả Lão đang ngồi ngay đối diện với ông.
Huệ Đạt nghe nói sư Dạ Quang danh tiếng đã nổi lại thịnh vượng nên bèn từ Kế Môn ngàn dặm xa xôi tới Trường An tìm bạn cũ, cũng vừa là để kiếm một chức quan.
Sư Dạ Quang nghe nói Huệ Đạt đến, trong lòng rất không vui, cho rằng Huệ Đạt tìm mình để đòi nợ. Huệ Đạt quan sát sắc mặt, và lời nói biết rằng sư Dạ Quang không hoan nghênh mình, bèn cáo từ ra về.
Huệ Đạt trở về phương bắc được một tháng, sư Dạ Quang vẫn không yên tâm trong lòng, lo rằng Huệ Đạt còn có thể quay lại đòi tiền mình. Vì thế, ông ta bèn nghĩ ra một kế độc đó là viết một phong thư mật gửi đến Thống soái Kế Môn. Trong thư viết: “Mới đây, Huệ Đạt đại sư tới kinh thành, vu khống đại nhân tại Kế Môn tu sửa binh khí, mưu đồ tạo phản, nay tin đồn lan truyền nhanh chóng, rất nhiều người đã biết. Sự trung thành của đại nhân, thiên hạ đều biết, ta sao có thể lại tin lời đồn đại ấy được? Ta chỉ là lo lắng, việc để lâu ngày, đại nhân không thể không phòng bị được!”
Thống soái Kế Môn nhận được thư, vừa kinh hoàng vừa phẫn nộ, lập tức triệu Huệ Đạt đại sư đến, rồi dùng côn đánh chết.
Vài ngày sau, sư Dạ Quang đột nhiên thấy Huệ Đạt đi vào trong sân, mắng sư Dạ Quang: “Ta lấy bảy mươi vạn đồng giúp ngươi đi đến Trường An, giờ ngươi lại trở mặt vu cáo ta, hại ta chết oan! Ngươi có thể nào có lỗi với ta như vậy!”
Nói xong đi vào phòng khách, ôm chặt sư Dạ Quang mãi không buông, mãi một lúc lâu mới biến mất, không còn nhìn thấy nữa, đám gia nhân của sư Dạ Quang đều chứng kiến thấy cảnh tượng này. Vài ngày sau, sư Dạ Quang cũng qua đời.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch