Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra vào năm 1892 tại Mỹ.

Năm đó, có một chàng trai trẻ đã thi đậu vào khoa địa chất học của trường đại học Stanford, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là đứa trẻ mồ côi nên cậu không biết làm thế nào để có tiền chuẩn bị nhập học. Một ngày, cậu cùng người bạn của mình nảy ra sáng kiến sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc cho một nghệ sĩ piano tài năng. Cậu hy vọng sẽ kiếm được chút tiền hoa hồng để có thể trả học phí và trang trải cuộc sống.

Họ đến gặp nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng trong vùng của mình, ông Ignace Paderewski. Người quản lý của Ignace Paderewski và hai thanh niên trẻ đã thỏa thuận với nhau và thống nhất rằng, vị nghệ sĩ sẽ nhận được 2.000 đô la cho buổi biểu diễn. Vị nhạc sĩ cũng đồng ý với đề xuất đó và cho rằng đó là một khoản thù lao hấp dẫn, phù hợp với tên tuổi của ông lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đối với hai chàng thanh niên trẻ, đây là một số tiền rất lớn. Nếu số người đến xem buổi biểu diễn không đủ, thì họ sẽ bị lỗ nặng.

Cả hai dốc hết sức lực để tổ chức buổi hòa nhạc được thành công. Nhưng thật không may, cuối buổi hòa nhạc, sau khi kiểm kê số tiền thu được, họ phát hiện rằng họ chỉ thu được 1.600 đô-la. Thất vọng, họ tìm đến Paderewski để giải thích hoàn cảnh của mình. Họ đã đưa toàn bộ số tiền đó cho vị nhạc sĩ cùng tấm giấy nợ 400 đô la cho khoản tiền còn thiếu với lời hứa rằng họ sẽ tranh thủ thanh toán sớm nhất có thể…

nhan qua 2

Nghệ sĩ piano nổi tiếng Ignacy J. Paderewski. (Ảnh: Pridesibiya.com)

Paderewski nhìn hai chàng trai nghèo và đã rất xúc động. Ông lập tức xé tờ giấy biên nợ, cầm tay chàng trai trẻ và nói: “Đây là 1.600 USD, hãy dùng nó trả hết các chi phí và trang trải cho việc học. Với số tiền còn lại, các cậu hãy lấy 10% như là tiền hoa hồng. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa tôi.” Hai cậu sinh viên đã vô cùng bất ngờ, không thốt nên lời trước tấm lòng của Paderewski.

Người nghệ sĩ hào phóng sau đó đã trở về quê hương và trở thành Thủ tướng của Ba Lan. Ông là một nhà lãnh đạo tài ba và tận tụy, nhưng không may, chiến tranh Thế giới đã xảy ra, Ba Lan bị tàn phá. Hơn 1,5 triệu người dân trong nước đang lâm vào cảnh chết đói còn Chính phủ thì rơi vào tình trạng tài chính kiệt quệ. Ông đã đôn đáo khắp nơi nhưng cũng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Không còn lựa chọn nào khác, ông đã tìm đến Herbert Hoover, chủ tịch Cơ quan Cứu trợ và Lương thực Hoa Kỳ để xin sự giúp đỡ. Khi Herbert Hoover nhận được lời kêu gọi trợ giúp, ông đã lập tức phản hồi rằng ông sẽ gửi cho Ba Lan một lượng viện trợ lớn.

Không lâu sau, hơn một vạn tấn lương thực viện trợ đã đến Ba Lan. Thảm kịch ở Ba Lan đã được đẩy lùi. Thủ tướng Paderewski muốn gặp mặt trực tiếp để cảm ơn Herbert Hoover và hẹn gặp ông ở Paris.

Khi hai người gặp nhau, Herbert Hoover đã nhìn Paderewski bằng ánh mắt đầy xúc động nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi, thưa Thủ Tướng. Thủ tướng Paderewski, có một việc có lẽ ngài đã quên từ lâu, nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ trong lòng. Vài năm trước đây, khi còn ở Hoa Kỳ, ngài đã giúp đỡ hai cậu sinh viên nghèo tiếp tục theo đuổi việc học. Và tôi chính là một trong hai thanh niên đó”.

nhan qua 3

Herbert Hoover (6) và Jan Paderewski (5) chụp ảnh ở phía trước tòa nhà Belvedere Palace ở thủ đô Warsaw, Ba Lan vào tháng 8/1920. (Ảnh: Researchteacher.com)

Làm việc tốt mà không mong cầu được báo đáp là biểu hiện của đạo đức cao thượng. Những người có phẩm chất cao thượng và lòng tự trọng thường làm nhiều việc tốt để giúp đỡ những người khác mà không mong cầu được báo đáp. Những người nhận được sự hào phóng rộng lượng của họ cũng sẽ bắt đầu tự mình làm theo như vậy. Nhờ điều này, những người tốt có thể nhận được phúc báo bất ngờ cho hành động của họ. Và có lẽ, đó chính là quy luật nhân quả mà Đức Phật vẫn luôn nhắc nhở chúng ta.