Thành tâm và ý chí kiên định của vị tăng nhân “ngốc nghếch” khiến Bồ Tát cảm động khai mở trí huệ cho ông, từ đó mà lưu lại truyền kỳ cho hậu thế…
Thời Đường có một tăng nhân tên là Ngưu Vân, bẩm tính ngốc nghếch, xuất gia đã 24 năm mà vẫn chưa đọc thông kinh thư. Nhưng thành tâm và ý chí kiên định của ông lại là điều mà người thường không sao sánh được. Lòng thành ấy khiến Văn Thù Bồ Tát cảm động khai trí cho ông, từ đó mà lưu lại truyền kỳ cho hậu thế.
Tăng nhân Ngưu Vân mang họ Triệu, là người Nhạn Môn. Thuở nhỏ ông là một cậu bé ngốc nghếch, không được nhanh nhẹn hoạt bát như những đứa trẻ đồng trang lứa. Đến tuổi đi học, Ngưu Vân ngồi trong lớp nhưng đầu óc cứ mơ mơ màng màng, một chữ cũng không lọt vào đầu. Điều kỳ lạ là chỉ duy nhất tăng ni mới khiến Ngưu Vân chú ý, hễ trông thấy tăng ni là cậu bé Ngưu Vân lại chủ động chắp tay bái lạy.
Đến năm Ngưu Vân 12 tuổi, thấy việc học hành của con trai không có gì tiến triển nên cha mẹ đành phải đưa cậu đến chùa Hoa Nghiêm xuất gia, bái hòa thượng Tịnh Giác làm sư phụ. Sư phụ không dạy Pháp mà chỉ yêu cầu Ngưu Vân gánh nước, kiếm củi, nấu cơm. Các sư huynh trong chùa thấy vậy đều chê cười, cho rằng tiểu hòa thượng này ngu đần quá mức nên mới không đọc được bất kỳ bộ kinh thư nào.
Thời gian vùn vụt trôi qua, Ngưu Vân ở chùa đã được 24 năm rồi. Mùa đông năm ấy Ngưu Vân vừa tròn 36 tuổi, biết rằng mình ngu đần kém cỏi khó có thể tu thành, nhưng cậu vẫn không bỏ cuộc. Cậu chắp tay cầu khấn: “Con nghe người ta nói rằng Văn Thù Bồ Tát thường hiện thân trên đỉnh núi. Hôm nay con xin được chân trần đi bái kiến, nếu may mắn được gặp Bồ Tát, con chỉ cầu xin Bồ Tát ban cho con trí huệ để đọc được kinh Phật”.
Lúc đó là những ngày rét đậm, tuyết rơi đầy trời, cái lạnh của mùa đông khiến lòng người tê tái. Nhưng Ngưu Vân vẫn không sợ sệt, vẫn đội gió đội tuyết một mình leo lên đỉnh núi Đông Đài. Trên đường Ngưu Vân gặp một cụ già ngồi bên đống lửa, cậu bèn hỏi: “Cụ từ đâu đến đây?”.
Cụ già nói: “Lão từ trên núi xuống. Còn hòa thượng, cớ sao lại chân trần đội tuyết lên đỉnh núi? Làm vậy chẳng phải quá khổ nhọc hay sao?”.
Ngưu Vân khổ não bộc bạch lòng mình: “Tuy cháu là tăng nhân nhưng từ nhỏ ngu đần dốt nát, đến nay vẫn chưa đọc được kinh thư. Do đó cháu muốn bái kiến Văn Thù Bồ Tát, cầu xin Ngài ban cho trí huệ”.
Cụ già nghe thấy tâm nguyện của cậu liền nói: “Kỳ lạ thay”. Rồi cụ hỏi tiếp: “Nếu ở đây không gặp được Văn Thù Bồ Tát cậu sẽ làm gì?”.
Ngưu Vân nói: “Thế thì cháu sẽ leo lên đỉnh núi Bắc Đài tìm”.
Trên đỉnh núi Đông Đài, vì không tìm thấy Văn Thù Bồ Tát nên Ngưu Vân quyết định đi về phía núi Bắc Đài, còn cụ già thì đi về hướng tây. Đến tối, Ngưu Vân mới leo lên đỉnh núi, nhưng vừa ngẩng đầu lên thì, ôi chao, vẫn là cụ già đó, và cụ vẫn đang ngồi bên đống lửa như lúc trước.
Ngưu Vân thầm nhủ: “Phải chăng cụ già chính là Văn Thù Bồ Tát hóa thân?”, nghĩ rồi cậu vội vàng khấu đầu đảnh lễ trước cụ già.
Cụ già nói: “Lão phàm tục quê mùa, không dám nhận lễ bái của người xuất gia”.
Nhưng Ngưu Vân tin chắc rằng cụ chính là Bồ Tát, cứ thế quỳ xuống dập đầu bái lạy mãi không thôi.
Một lúc lâu sau, cụ già bảo cậu rằng cụ sẽ giúp cậu xem thử xem đời trước của cậu là gì, vì sao bẩm sinh đã ngốc nghếch như vậy. Sau đó cụ nhắm mắt rồi nói: “Đời trước cậu là trâu, vì chở kinh sách cho nhà chùa nên kiếp này mới được chuyển sinh thành tăng nhân”.
Cụ già bảo Ngưu Vân đến phía Long Đường rồi lấy ra một cái cuốc lớn. Cụ nói rằng cần phải làm ‘phẫu thuật’ bỏ đi cục thịt ứ trong tim thì trí tuệ của cậu mới không bị ngăn trở.
Ngưu Vân nhắm mắt lại, yên lặng chờ đợi. Cả quá trình ‘phẫu thuật’, Ngưu Vân không hề thấy đau đớn hay khó chịu chút nào, trái lại cậu cảm thấy tâm trí sáng bừng lên, như một mật thất đen kịt bỗng nhiên được thắp lên ngọn đèn sáng rực, giống như vầng trăng sáng xua tan đi đêm tối mịt mù.
Cụ già nói: “Giờ thì cậu có thể mở mắt được rồi”.
Ngưu Vân mở rộng đôi mắt, thấy trước mắt không phải cụ già mà chính là Văn Thù Bồ Tát. Bồ Tát nói: “Từ nay trở đi, con có thể tự do đọc kinh thư. Kinh thư đã đọc thì chớ quên, lúc nào cũng cần tinh tấn tu trì”.
Ngưu Vân xúc động nghẹn ngào lạy tạ Văn Thù Bồ Tát. Từ đó trở đi, cậu ngày ngày chăm chỉ đọc kinh sách, trong tâm kiên định thực tu, không ngừng đề cao cảnh giới, tầng thứ cũng không ngừng thăng hoa. Đến mùa hè năm sau, vào lúc canh hai của một ngày trong tháng 5, cậu thấy từ đỉnh núi Bắc Đài chiếu xuống một luồng sáng chói lòa. Trong luồng ánh sáng hiện ra tòa lầu các rực rỡ hào quang, trước lầu các là tấm biển đề chữ vàng: “Thiện trú chi các”. Ngưu Vân dựa vào nơi ánh sáng xuất hiện đã xây dựng một tòa lầu các. Nguồn gốc tòa lầu ấy vẫn còn được ghi chép trong quyển trung của bộ sách “Quảng thanh lương truyện” và lưu truyền đến ngày nay.
Đến năm Khai Nguyên thứ 23, tức năm 735 đời Đường Minh Hoàng, Ngưu Vân viên tịch, để lại cho đời một truyền kỳ về vị tăng nhân ‘ngốc nghếch’, nhưng tấm lòng thành cảm động tới Trời xanh.
Theo Soundofhope
Nhất Tâm biên dịch