Trong lịch sử có rất nhiều hòa thượng bề ngoài thì khùng khùng điên điên, tính tình cổ quái, hành tung bất định, tác phong thần bí khó lường… nhưng kỳ thực lại là bậc cao nhân đắc đạo, được chốn nhân gian hết lời ca tụng.

Nhắc tới hòa thượng điên, đại đa số chúng ta sẽ liên tưởng đến Tế Công – một vị cao tăng với dáng vẻ ‘khùng khùng’ nhưng lại có thần thông cái thế. Tuy nhiên, bên cạnh nhân vật Tế Công vẫn còn đó rất nhiều vị ‘tăng điên’ khác, thân sống giữa thế tục mà truyền đạo độ nhân.

Sách Di kiên đinh chí, quyển 8 có ghi chép câu chuyện về một vị tăng điên thời nhà Tống, đó là Ngô Tăng hòa thượng.

Hòa thượng Ngô Tăng là người huyện Tín Phong, thị Cống Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Khi mới xuất gia ông thường vân du tứ hải, sau lại tu luyện trong một am nhỏ do chính tay ông xây dựng và ẩn tu ở đó suốt một thời gian dài. Mãi sau này, ông mới đến chùa Diệu Tịnh ở huyện Vũ Đô để làm chủ sự tăng già, từ đó mọi người hay gọi ông là Ngô Tăng Già.

Tăng ‘điên’ mà không điên, việc chưa tỏ dạ đã tường

Thường ngày, hòa thượng Ngô Tăng vẫn điên điên khùng khùng đi ngoài đường phố, gặp người thiện lương thì cung kính vái chào, nhưng gặp kẻ tham lam ác bá thì ông lại lớn tiếng chửi, mắng họ không bằng loài chó lợn. Một lần, có đám kẻ vô lại vừa nghe tiếng chửi liền nổi cơn thịnh nộ, họ hò nhau đuổi theo Ngô Tăng Già khiến cả khu phố phải một phen náo loạn.

Hòa thượng Ngô Tăng liền chạy vào rừng trúc để tránh đám người đang quá khích kia. Lúc ấy cả cánh rừng đều xanh ngắt một màu, cây cối tốt tươi, vậy mà ông lại không ngớt lời ta thán: “Rừng trúc rộng như thế mà phải biến thành chổi khô hết rồi. Đáng tiếc, đáng tiếc!”. Ai nghe xong cũng cảm thấy lời của vị tăng điên này thật khó hiểu, thậm chí còn là chuyện nực cười. Nhưng nào ngờ, chỉ vài ngày sau đó cả rừng trúc xanh tốt ấy đều khô héo. Chủ nhân của khu rừng vốn là kẻ cậy thế làm càn, ỷ mình giàu có mà xem thường người khác. Nay rừng trúc đã chết, gia đình của y cũng lâm vào cảnh lận đận long đong.

Thuở đó, phía sau chùa Diệu Tịnh của hòa thượng Ngô Tăng cũng có một rừng trúc. Một hôm vào giữa đêm khuya khoắt, ông đột nhiên chạy đến bên cây trúc to lớn nhất trong rừng mà vừa gõ vào thân cây vừa hát. Đêm khuya tĩnh lặng, tứ bề yên ả, tiếng hát của Ngô Tăng Già cứ như thế vang vọng khắp nơi liên tục mấy đêm liền. Các tăng nhân trong chùa vô cùng khó chịu vì tiếng hát khiến họ không sao ngủ được. Thế là, họ liền bàn nhau đốn hạ cây trúc già ấy đi để Ngô Tăng Già không còn hát nữa. Ngờ đâu khi cây trúc vừa đổ xuống thì bên trong hiện ra một cây Linh Chi quý giá cao khoảng một thước, khiến các tăng nhân kinh ngạc không thốt lên lời!

Thì ra bên trong cây trúc là một cây Linh Chi quý giá. (Ảnh minh họa: pngtree.com)

Cung kính dâng cơm chay, tăng điên tặng “nhị ngọc”

Mặc dù một số người cho rằng Ngô Tăng Già chỉ là kẻ điên điên khùng khùng đi lại khắp vùng, nhưng vẫn có nhiều người đối với ông hết lòng cung kính, coi ông như bậc thần tiên tại thế. Trong huyện có một người tên gọi là Tăng Đức Thái, tuổi đã quá thời mà chưa được mụn con nào. Một hôm hai vợ chồng Tăng Đức Thái bàn với nhau là làm cơm chay cúng dường để xin ngài Ngô Tăng Già ban cho một mụn con. Hai người còn chưa kịp đi mời thì sáng sớm hôm sau đã thấy Ngô Tăng Già đang đứng đợi trước cửa. Cả hai giật mình tự hỏi: “Phải chăng vị cao tăng này có thần thông giao cảm, biết được tâm ý của vợ chồng mình?”.

Tăng Đức Thái và vợ hết sức cung kính mời Ngô Tăng hòa thượng vào thụ hưởng cơm chay. Lúc này Ngô Tăng hòa thượng mới nói: “Phải làm sao để báo đáp lòng thành của hai vị nhỉ? Bần tăng chẳng có gì, chỉ có hai hạt ‘Ngọc’ tặng cho các vị thôi”. Sau đó không lâu, quả nhiên vợ của Tăng Đức Thái mang thai, liên tiếp sinh được hai người con trai ứng với hai hạt ‘Ngọc’ mà Ngô Tăng Già nói đến.

Biết rõ chân tơ sự việc

Một lần, Ngô Tăng hòa thượng nói với một phụ nữ trong vùng rằng: “Xin thí chủ hãy cúng dường bữa cơm chay với thật nhiều rau xanh”. Người phụ nữ vui vẻ nhận lời rồi đi chuẩn bị cơm chay đúng như ông yêu cầu. Nhưng không ngờ khi trở về, chồng cô thấy vợ nấu quá nhiều rau xanh trên bàn nên đã tức giận mắng mỏ vài lời.

Vừa hay, Ngô Tăng Già đến để thụ hưởng cơm chay, ông cũng không khách khí mà ngồi vào bàn ăn một mạch, tới lúc no bụng rồi ông vẫn cứ tiếp tục ăn. Nữ thí chủ thấy vậy bèn nói: “Ngài chỉ cần đủ no là được rồi, hà tất phải ăn quá nhiều như vậy?”. Ngô Tăng Già liền đáp: “Tôi phải ăn hết chỗ này, thì hai vợ chồng thí chủ mới không cãi nhau”. Nghe nói vậy chồng cô giật mình kinh ngạc, chuyện này chỉ có hai người biết, vậy sao Ngô Tăng Già lại biết?

Người chồng kinh ngạc vì chuyện này chỉ có hai người biết, vậy sao Ngô Tăng Già lại biết… (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Thánh nhân tại cõi phàm

Ở huyện Vũ Đô có một cư sỹ tên là Tôn Đức Tuấn, một lần người họ Tôn này đến bái kiến hoà thượng Định Ứng ở chùa Khánh Nham đất Đinh Châu (nay thuộc Phúc Kiến) để được nghe Phật Pháp. Nhưng hòa thượng Định Ứng không giảng Pháp, mà chỉ nói: “Đất Vũ Đô của thí chủ đã có bậc cao nhân đại đức rồi, sao cần phải tới tận đây bái kiến ta?”.

Tôn Đức Tuấn nghe vậy mới hỏi: “Xin ngài cho biết là ai vậy?”.

Hòa thượng Định Ứng liền đáp: “Chính là đồ đệ của ta, Ngô Tăng Già. Thí chủ hãy mang chiếc quạt của ta về tặng cho ông ấy”.

Khi Tôn Đức Tuấn ngồi thuyền về Vũ Đô, thuyền vừa cập bến đã thấy Ngô Tăng Già đợi sẵn trên bờ, rồi hỏi: “Quạt sư phụ tặng ta đâu rồi?”.

Lúc ấy chiếc quạt của hòa thượng Định Ứng nằm lẫn lộn giữa những chiếc quạt khác nhưng Ngô Tăng Già vừa nhìn đã nhận ra ngay. Sự việc truyền ra khiến người dân trong vùng xôn xao bàn tán, không ai còn gọi ông là ‘Ngô Tăng Già’ nữa, mà gọi thành ‘Thánh nhân’.

Viên tịch về trời, thần tích để lại

Sau nhiều năm vân du tế thế, hoằng dương Phật Pháp, Ngô Tăng hòa thượng đã để lại vô vàn kỳ tích, ngay cả việc ông viên tịch cũng là một câu chuyện không kém phần ly kỳ, khiến tứ phương chấn động.

Tối hôm ấy, Ngô tăng Già đi chào tất cả các tăng nhân trong chùa rồi mới yên tâm ngồi đả tọa trên bồ đoàn. Trước khi nhập định, ông để lại lời dặn dò khiến mọi người không sao hiểu được: “Xin hãy trân trọng, xin hãy trân trọng”.

Trước khi nhập định, Ngô Tăng hòa thượng để lại lời dặn dò khiến mọi người không sao hiểu được. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Đêm hôm đó, hòa thượng Ngô Tăng viên tịch trong tư thế vẫn đang ngồi đả tọa. Đó là ngày 6/6/1009, tức năm Kỷ Dậu đời vua Tống Chân Tông. Sau khi ông viên tịch, cả căn phòng tỏa ra một thứ hương thơm ngào ngạt, lan tỏa mãi suốt nhiều ngày sau đó. Mọi người thấy kỳ lạ nên không đem nhục thân của ông đi hỏa táng, mà chỉ quét lên một lớp sơn bên ngoài.

Nhưng điều kỳ lạ vẫn chưa dừng lại. Vào đúng ngày Ngô Tăng Già viên tịch, một thương nhân người Vũ Đô buôn bán ở Tứ Xuyên đã gặp ông giữa đường, hơn nữa cả hai còn trò chuyện vui vẻ. Vị thương nhân hỏi ông vân du nơi nào? Ngô Tăng Già khi ấy lưng cong cong nhưng vẫn đi rất nhanh, vừa đi vừa đáp: “Bớt làm, bớt làm”. Sau này người thương nhân trở lại đất Vũ Đô mới biết, thì ra, Ngô Tăng Già đã viên tịch đúng vào ngày hôm ấy.

Hơn 70 năm sau, vào mùa đông năm 1085, một tăng nhân tìm đến nhà của ông Quế An Nha ở thành Cống Châu để xin gỗ cúng dường về làm điện thờ Phật. Quế An Nhã hỏi quý danh, vị tăng nhân đáp: “Ta là Ngô Tăng ở Minh Giác viện, chùa Diệu Tịnh, huyện Vũ Đô”.

Quế An Nha nhận lời rồi tiễn tăng nhân ra về, nhưng vừa ra đến cửa đã không thấy hình bóng của vị hòa thượng này đâu nữa. Thấy kỳ lạ, ông bèn đi hỏi khắp nơi mới biết, thì ra: Minh Giác viện chính là Tăng Già viện, còn Ngô Tăng chính là Ngô Tăng Già.

Sau này vào thời Nam Tống, khi tiến sĩ Hồng Mại của Hàn lâm viện thu thập tư liệu về Ngô Tăng Già, ông thấy chân thân của vị hòa thượng này vẫn còn nguyên vẹn. Vậy là cho tới lúc ấy, nhục thể của Ngô Tăng hòa thượng không hề hư hoại, mà đã được bảo lưu hơn 100 năm rồi.

Theo NTDTV
Minh Vũ biên dịch