Có chàng trai nói với bạn gái rằng: “Anh sẽ làm tất cả, chỉ cần em vui lòng”. Có người mẹ nói với đứa con thơ rằng: “Vì con, mẹ mới có thể nhẫn chịu cuộc hôn nhân này”. Có người chồng nói với vợ rằng: “Vì cái nhà này, tôi mới tiếp tục làm công việc ấy”. Có cô gái nói với cha của mình rằng: “Chỉ vì bố, nên con chấp nhận từ bỏ người con yêu”…
Chúng ta đã từng nghe nói, hoặc đã từng chứng kiến rất nhiều, rất nhiều sự hy sinh “vì bạn”. Khi biết một người nguyện vì bạn mà làm chuyện gì đó, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Là vui vẻ và cho đó là lẽ đương nhiên? Hay là lo lắng, bồn chồn, như mang một gánh nặng trong tâm? Giả sử tất cả mọi việc đều là “vì bạn”, vậy thì cảm nhận của đối phương sẽ ra sao?
Vì sao tôi đã hy sinh rất nhiều mà đối phương không chịu hiểu?
Trước đây, khi nghe thấy có người vì tôi mà làm chuyện gì đó hoặc đã thay đổi điều gì đó, tôi sẽ cảm thấy vui mừng. Bởi vì loại cảm giác được coi là đặc biệt đó, cái cảm giác được người khác coi trọng là thứ mà mỗi chúng ta đều mong muốn nhận được. Chúng ta thấy hình ảnh của chính mình được nâng cao, cảm nhận được độ nặng nhẹ của bản thân trong con mắt người khác… Nhưng giờ đây khi nghe thấy có người bày tỏ: “Chỉ cần bạn vui là được rồi”, tôi lại tự nhủ rằng, đối phương đã đem hạnh phúc của anh ta đặt lên vai mình.
Tiếp đó, cảm giác về những gì mà đối phương đã “hy sinh” cũng dần dần hiện ra. Hy sinh không chỉ là một sự việc, mà là phương hướng và cảm nhận, loại phương hướng và cảm nhận này sẽ thuận theo tích lũy của sự việc mà gia tăng. Nó tích lũy đến trạng thái người trong cuộc không thể chấp nhận thêm nữa, cảm giác mất cân bằng về mặt tâm lý. Đợi đến khi tần suất của cảm giác mất cân bằng mỗi lúc một nhiều hơn, thì bạn cũng sẽ tự hỏi chính mình: “Anh ấy đã vì mình… lẽ nào mình lại không thể vì anh ấy sao?”.
Bởi vì đối phương đã vì bạn mà hy sinh những gì của bản thân, thì cùng lúc ấy, phải chăng anh ta cũng hy vọng sẽ nhận được phản hồi tương tự từ phía bạn? Dù cho không thể nhận được phần tương xứng đi nữa, thì chẳng phải cũng cần có một chút hồi báo nào đó? Và dù cho không có bất cứ hồi báo nào, thì ít nhất bạn cũng nên cảm kích sự hy sinh của đối phương? Vậy nên anh ấy sẽ mãi đợi chờ phản hồi từ phía bạn, nhưng cứ mãi chờ đợi mà không thấy kết quả gì, họ sẽ không khỏi ủy khuất trong lòng.
Điều chỉnh mối quan hệ, quay về sự chân thật
Có cậu con trai nói với mẹ rằng: “Con cần một khoản tiền đầu tư, mẹ tài trợ cho con chứ?”. Một bà vợ nói với ông chồng của mình rằng: “Em vẫn chưa xong việc, anh thay em kèm con học, thuận tiện giặt áo, rửa chén, và đừng quên đổ rác nữa nhé”. Có cậu học trò nói với thầy chủ nhiệm rằng: “Em không muốn học cùng cậu ta, thầy làm ơn chuyển cậu ta sang lớp khác”.
Khi nhìn thấy hoặc chứng kiến những cuộc đối thoại như vậy, bạn có cảm giác gì? Đó có phải chính là thái cực đối lập của “tôi đã vì bạn” mà chúng ta vừa nói đến: Một bên luôn sẵn sàng vì bạn, còn một bên lại đòi hỏi và suy nghĩ cho mình: “Tôi cần điều này, tôi cần điều kia”.
Quan niệm hình thành trong ta, phần nhiều là chịu ảnh hưởng từ bên ngoài chứ không nhất định là bản ngã chân thật của chính ta. Không kể là “vì bạn” hay “vì tôi”, chúng ta đều nên nhìn lại bản thân mình: Nếu đã “vì bạn”, trong lòng ta có bình tĩnh và vui lòng không, khi cho đi rất nhiều mà nhận về chẳng bao nhiêu? Và nếu là “vì tôi”, thì phải chăng ta đã quá đòi hỏi, đã quá ích kỷ và hẹp hòi?
Nên chăng lui xuống một bước, bớt đòi hỏi đi một chút, và học cách cho đi nhiều hơn? Lúc này sẽ xuất hiện một loại tình huống: Thay vì quá nhấn mạnh vào “tôi” hay “bạn”, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp kỳ diệu của “chúng ta”. Mối quan hệ giữa người với người sẽ là như vậy, mọi điều ta nghĩ, mọi việc ta làm đều là vì cả tôi, vì cả bạn, và là vì cả hai chúng ta.
Bởi vì, hạnh phúc của bạn là niềm vui của tôi, hạnh phúc của tôi là điều bạn mong mỏi, và như thế, chúng ta cùng hạnh phúc!
Thuận An