Hẳn rất nhiều người đã từng nghe qua câu “Trời cao không tuyệt đường người”, nhưng không phải ai cũng chiêm nghiệm được ý tứ sâu xa của nó.

Người xưa tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”, Thần Phật lúc nào cũng dõi theo con người, ai trọng đức tu dưỡng, làm nhiều việc thiện, không làm chuyện xấu, gieo trồng đại đức, sẽ được ban phúc báo. Người ở trong mê, không thấy được thiên lý triển hiện, vì tham dục nhất thời, dưới sự dẫn dắt của tà niệm cùng các thứ chấp trước dục vọng mà phạm phải điều xấu, dù vậy Thần Phật sẽ không lập tức báo ứng lên người đó, mà sẽ thông qua các loại phương thức để điểm hóa cho họ, từ đó khuyên người quay về chính đạo, bước đi trên con đường ngay chính.

Trong cuốn Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam, một học giả nổi tiếng nhà Thanh có chép một câu chuyện như thế này: 

Có một chàng trai trẻ hư hỏng, hành vi xấu tệ, luôn ngược đãi cha mẹ. Một lần bị ốm nặng, trong lúc hôn mê, hồn lìa khỏi xác, chàng đi ra khỏi nhà, nhưng lại không biết phải đi đâu về đâu. Bỗng thấy có người đến, thế là chàng liền đi theo sau, không biết tự lúc nào đã đi đến điện âm phủ.

Minh quan sau khi xem xét một lượt sổ sinh tử của anh, cau mày nói: “Nhà ngươi thường ngược đãi cha mẹ, phạm phải trọng tội ngũ nghịch bất hiếu, theo luật âm phủ, thì phải xuống vạc dầu. Nhưng hiện giờ thọ mệnh chưa hết, nhà người hãy trở về đi, đến lúc đó rồi hãy nói!”.

Chàng trai trẻ nghe vậy vô cùng sợ hãi, bèn quỳ xuống cầu xin quan âm phủ chỉ cho mình cách hóa giải tội nghiệp. Minh quan lắc đầu nói: “Nhà người tội nghiệp sâu dày, không hóa giải được đâu”. Cậu khóc lóc không thôi, không ngừng khẩn cầu cách hóa giải.

Minh quan trầm ngâm một lúc rồi nói: “Nhà ngươi có từng nghe qua câu chuyện như vậy không? Có một vị thiền sư đăng đàn giảng kinh, trước khi bắt đầu bài giảng, ông đã đưa ra một câu hỏi này: ‘Cái chuông vàng buộc trên cổ con hổ, người nào mới có thể tháo được nó ra?’ Không ai trả lời được. Lúc này, một tiểu hòa thượng nói: ‘Thế sao không bảo người đã buộc cái chuông đó tháo nó ra?’. Nhà ngươi đã phạm tội với cha mẹ, vậy nên hãy chân thành sám hối với cha mẹ, không chừng tội nghiệp của nhà người có thể được miễn trừ”.

Chàng trai trẻ vẫn lo lắng bản thân mình tội nghiệp sâu dày, không phải nhất thời có thể giải thoát được. Minh quan đó cười lại kể thêm một câu chuyện: “Nhà người có từng nghe nói một tên đồ tể họ Vương chuyên làm nghề giết mổ heo, buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật hay không?”.

Sau đó, minh quan sai người đưa chàng về lại nhân gian. Chàng trai trẻ choàng tỉnh, người ướt đẫm mồ hôi, căn bệnh cũng khỏi hẳn. Từ đó về sau, chàng hối cải triệt để, hiếu kính cha mẹ, cha mẹ cũng rất thương yêu chàng. Chàng sống sống thọ đến hơn 70 tuổi và được ra đi một cách thanh thản.

Còn có một câu chuyện, kể về Lữ Thanh sống vào thời nhà Minh. Anh thường thích nói về những chuyện dâm uế và hay nhìn lén phụ nữ, tùy tiện dùng mắt và miệng tạo nên dâm nghiệp, hành vi hết sức phóng đãng trụy lạc. Đã 30 tuổi rồi mà gia cảnh của anh vẫn vô cùng bần cùng, hai người con trai cũng lần lượt chết sớm. Một ngày nọ, Lữ Thanh đột nhiên chết bất đắc kỳ tử. Anh ta gặp lại ông nội ở dưới âm phủ. Ông nội rất tức giận nói với anh ta:

“Hai thế hệ trong gia đình chúng ta đã tích đức hành thiện, trong mệnh của ngươi lẽ ra đã có rất nhiều tài phú, không ngờ ngươi tham luyến mỹ sắc, khẩu nhãn đều tạo nghiệp, phúc báo đã sắp hết rồi. Ta e rằng nếu ngươi cứ tiếp tục phạm tội tà dâm xấu xa, thì Lữ gia chúng ta sẽ tuyệt tự, không còn hy vọng gì nữa. Chính vì vậy ta đã cầu khẩn Diêm Vương bắt ngươi xuống âm tào địa phủ sớm hơn để ngươi nhìn thấy phạm tội tà dâm sẽ bị trừng phạt như thế nào”.

Lữ Thanh nói: “Con nghe nói ai gian dâm với vợ của người khác, thì người đó sẽ bị báo ứng tuyệt hậu. Thực ra con cũng rất sợ bị báo ứng như thế, cho nên con chưa từng phạm tội đó”.

Nghe thấy vậy, một quan viên của âm phủ liền nói chen vào:

“Tuyệt hậu mới chỉ là hình phạt nhẹ nhất đối với tội tà dâm mà thôi. Nếu là người nữ chủ động đến dụ dỗ, bản thân mình biết sai mà lại không khước từ, thì tội nghiệp đó đã đủ để bị báo ứng tuyệt tự rồi. Nếu như là tự mình nhiều lần dụ dỗ ép buộc người nữ, hãm hại vợ của người khác, thậm chí phá thai hay sát hại vợ hoặc chồng của người khác, thế thì hình phạt còn đáng sợ hơn rất nhiều”.

Quan viên này nói tiếp: “Đối với việc trừng phạt tội tà dâm, pháp luật tại dương gian quá khoan dung, nhưng pháp luật tại âm gian là tối nghiêm. Con người hễ động một dục niệm tà dâm thôi, thì đã tính là tội nghiệp rồi. Tam thi thần liền trình báo, Táo Quân và Thành Hoàng liền xem xét tấu minh, nếu họ che giấu hoặc bỏ sót thì họ cũng phạm tội rất lớn. Hôm nay ngươi thử xem những kẻ phạm tội này bị xét xử như thế nào thì sẽ biết”.

Một lát sau, lũ quỷ đưa các phạm nhân phạm tội tà dâm lên thượng điện. Họ đều bị mang gông xiềng và phải quỳ dưới đất.

Diêm Vương bắt đầu nghiêm nghị tuyên án từng người một. “Người này sẽ trở thành kẻ ăn mày bị điên và bị câm trong kiếp tới. Người này sẽ chuyển sinh thành một kỹ nữ bị mù. Người này sẽ phải làm trâu trong hai kiếp. Người này sẽ phải làm heo trong mười kiếp…”

Sau đó, lũ quỷ áp giải những người phạm tội đi đầu thai. Lữ Thanh tận mắt chứng kiến mà thấy sợ hãi sởn tóc gáy.

Quan viên của âm phủ nói với anh ta: “Vẫn còn có những hình phạt đáng sợ hơn nữa. Ngươi nhất định không được vì thèm muốn khoái lạc trong chốc lát mà đánh mất sinh mệnh của mình. Phải tránh sắc giống như tránh mũi tên bắn vào ngươi vậy. Hơn nữa, ngươi nên viết xuống những gì ngươi đã chứng kiến, để khuyên giải thế nhân đừng phạm tội ác này nữa”.

Ngay sau đó, Diêm Vương liền thả cho Lữ Thanh trở về dương gian. Lữ Thanh viết cuốn Du Minh lục (những ghi chép về chuyến đi xuống âm phủ), đã được sao thành một ngàn bản để cảnh tỉnh thế nhân. Ngoài ra, anh ta còn không ngừng nỗ lực hành thiện.

Khi Lữ Thanh 40 tuổi, anh ta liên tiếp sinh được hai người con trai. Gia đình anh ta lại trở nên rất giàu có.

Sau này Lữ Thanh quyết định đoạn tuyệt với thế giới trần tục, đến Nam Hải tu Đạo.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Đương nhiên, cũng có những người không tin những lời khuyến thiện, để rồi bản thân không ngừng làm việc xấu ác để rồi bị báo ứng, từ đó không ngừng chặt đứt đường sống mà ông trời dành cho mình.

Nguyễn Tường, người Vân Nam sống vào thời nhà Thanh. Năm ông 38 tuổi, đã có hai người con trai và bốn đứa cháu. Bản thân ông không tin vào thiện ác báo ứng, chuyên theo nghề lừa lọc dối gạt người khác. Có người bạn khuyên ông rằng: “Làm nhiều việc thiện thì hưng thịnh, làm lắm việc ác gặp tai ương. Sao anh không tìm đọc các sách nhân quả báo ứng của các bậc Thánh hiền xưa nay?”.

Nguyễn Tường nói: “Mấy quyển sách mà anh nói đó, tôi cũng đã từng xem qua, nhưng lại cảm thấy những việc thiện được kể trong sách không thích hợp với lối nghĩ của tôi, còn những việc ác được nói trong đó lại rất đúng với lối sống của tôi, thử hỏi tôi đọc chúng có ích gì chứ?”

Một đêm nọ, Nguyễn Tường mơ thấy có một vị Thần Tiên mặc áo đỏ, đầu đội chiếc mũ vàng nói với ông: “Bạn ngươi đã khuyên ngươi hướng thiện, nhà ngươi cớ sao lại không nghe theo? Nếu nhà ngươi vẫn còn chấp mê bất ngộ, không bỏ ác theo thiện, ắt sẽ bị Trời diệt”.

Sau cái ngày mơ thấy giấc mộng này không lâu, hai người con trai của Nguyễn Tường đều thi đỗ tú tài, hơn nữa gia cảnh ngày càng hưng vượng, mười năm qua đi nhưng vẫn không xảy ra chuyện bất trắc gì. Nguyễn Tường đắc ý nói: “Người ta đều nói lời của Thần Tiên rất ứng nghiệm, riêng tôi thì thấy lại không đáng tin chút nào”. Một năm sau, Nguyễn Tường mắc chứng điên loạn rồi chết, hưởng thọ chưa đến 50 tuổi. Sau khi ông mất, gia đạo cũng suy bại, con cháu cũng lần lượt qua đời.

Thần Phật là từ bi, đối đãi từ bi bình đẳng với mỗi một người. Người ở trong mê, nhìn không nhìn thấy được chân tướng, không nhìn thấy được Thần Phật, càng không thấy được hình thức biểu hiện của thiên lý thiện ác báo ứng, vậy nên rất dễ bị tham niệm và dục vọng dẫn động mà làm việc xấu, thậm chí làm ra những chuyện đại ác, tạo nên nghiệp tội vô biên. Dẫu vậy, Thần Phật vẫn từ bi nhắc nhở con người qua những sự việc chân thực của người này người khác, nhưng cái lý “thấy mới tin, không thấy không tin” đã chặn đứng khả năng nhìn nhận và thức tỉnh của nhiều người.

Đúng sai là câu chuyện muôn thuở, nhưng được mất thì thể hiện ngay trong đời mỗi người, tin tưởng và sống có nguyên tắc dựa trên đạo đức phổ quát sẽ chỉ mang tới những cái được tốt đẹp mà thôi, vậy sao ta còn không tận tâm làm đây?

Vũ Dương
Theo NTDTV