Trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, tôn giả Mục Kiền Liên được mệnh danh là “thần thông đệ nhất”.
Có câu chuyện kể rằng, một lần Đức Phật Thích Ca dẫn theo Mục Kiền Liên lên cung trời Đao Lợi thuyết Pháp, khi băng qua núi Tu Di, hai ngài bị một con ác long chặn đường. Con ác long vô cùng ganh tỵ với người tu hành nên đã tìm cách hãm hại Đức Phật. Ác long nói: “Sa môn như Ngài mà lại muốn lên trời thuyết pháp à? Tôi không cho Ngài đi!” Nói rồi, nó bèn phun cát độc vào Đức Thích Ca. Lúc ấy tôn giả Mục Kiền Liên đã dùng thần thông biến cát độc thành những hạt bông mềm nhuyễn, khiến chúng không thể cản đường Đức Phật được nữa.
Ác long tức giận nói: “Thì ra vị sa môn kia cũng có thần thông và đã hóa giải được cát độc của ta”. Thế là, ác long liền biến thành một con rồng lớn quấn quanh núi Tu Di ba vòng. Ngay lập tức, Mục Kiền Liên cũng biến ra thân hình to lớn, còn lớn hơn cả thân của con rồng đang quấn quanh núi Tu Di. Sau đó ông lại thu thân nhỏ lại rồi bay vào trong bụng của con ác long. Rồng độc biết sức mình không thể sánh với vị tôn giả, cuối cùng đã hoàn toàn chịu khuất phục.
Chúng ta biết rằng, yêu ma quỷ quái khắp vùng trời đều phải cúi đầu trước uy lực quảng đại của các bậc tu hành. Thế nhưng, Mục Kiền Liên dù thần thông đến đâu cũng không thể cải biến được số mệnh; và cho dù pháp lực của ông có thể thắng được mọi tà ma thì cũng không che đậy được nghiệp lực sâu dày từ tiền kiếp.
Thần thông không thắng được nghiệp lực
“Phật thuyết Vu Lan Bồn Kinh” kể rằng, sau khi Mục Kiền Liên chứng đắc quả vị A-la-hán, ông đã phát nguyện sẽ báo đáp công ơn sinh thành của mẹ. Thông qua thiên nhãn, ông nhìn thấy người mẹ đã khuất của mình bị đọa vào con đường ngạ quỷ. Vì bà đã tạo rất nhiều tội nghiệp lúc sinh thời, nên khi xuống địa ngục bà phải chịu hành hạ vô cùng thống khổ, không được ăn cũng không được uống, tình cảnh thật vô cùng bi thương.
Mục Kiền Liên là một người con có hiếu, nên khi nhìn thấy mẫu thân bị hành hạ ông đã dùng thần thông hóa ra một bát cơm bưng đến trước mặt mẹ mình. Mẹ của Mục Kiền Liên nhìn thấy đồ ăn, vội vàng dùng tay che bát cơm lại không cho các cô hồn khác biết. Nhưng thức ăn vừa đưa lên miệng liền hóa thành lửa đỏ, dù có làm thế nào cũng không sao ăn được. Mục Kiền Liên chứng kiến mà trong lòng vô cùng đau xót. Tuy bản thân ông có pháp lực thần thông, nhưng rốt cuộc vẫn không thể cứu nổi mẹ mình.
Sau đó, tôn giả Mục Kiền Liên bèn tìm đến Đức Phật xin thỉnh giáo. Đức Phật trả lời:
“Vì mẹ con từng phỉ báng Tam Bảo nên tội nghiệp quá nặng, sức của một mình con không thể nào giải cứu được đâu. Nếu con thật lòng muốn giúp mẹ thì cần phải hợp lực chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Rằm tháng bảy là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là ngày có năng lượng từ bi vô cùng cường đại, con hãy thiết lễ Vu lan bồn, là lễ cúng “giải đảo huyền” (giải cứu cái khổ bị treo ngược). Trước tiên, con phải cúng Phật, Pháp và Tăng, sau đó mới có thể thọ dụng những phẩm vật dâng cúng. Vào ngày này nếu con thiết trai cúng dường Tam Bảo thì mẹ của con sẽ lìa khổ được vui”.
Tôn giả Mục Kiền Liên y theo thời dạy của Đức Phật, vào ngày 15 tháng 7 lấy bồn trai cúng dường chúng tăng mười phương. Dưới sự gia trì của Phật Thích Ca, thiện niệm của Mục Kiền Liên và năng lượng từ bi ngưng tụ của chúng tăng mười phương, cuối cùng đã cứu vớt mẹ ông thoát khỏi biển khổ.
Thiện ác hữu báo, mắt thần như ánh điện
Câu chuyện Mục Kiền Liên Cứu Mẹ không chỉ giải thích cho sự ra đời của ngày lễ Vu Lan, mà còn nói nên một tầng văn hóa phổ quát: Thiện ác hữu báo, tội nghiệp do bản thân gây ra thì phải tự mình hoàn trả. Dù có đầy đủ thần thông như Mục Kiền Liên cũng không cách nào gánh chịu tội nghiệp thay cho người khác được, dẫu đó là tội nghiệp của cha, mẹ, hay anh em bạn bè. Chỉ khi kẻ tạo nghiệp phải đích thân chịu tội và sửa sai hướng thiện mới có hy vọng thoát khỏi khổ nạn một đời.
Thân mẫu của Mục Kiền Liên khi còn sống đã tạo nghiệp sâu dày, đến khi bị đọa vào địa ngục rồi, bà vẫn không buông xả được cái tâm ích kỷ của mình, vẫn toan tính mưu cầu ích lợi cho bản thân, đã tội nghiệp lại càng thêm nghiệp tội. Và vì sao “thức ăn đưa đến miệng liền biến thành lửa đỏ”, dù có làm thế nào cũng không sao ăn được? Người xưa giảng rằng: “Nhân gian thì thầm, Trời nghe như sấm dậy; phòng tối tâm đen, Thần nhìn như điện sáng”. Quả thật, từng ý từng niệm trong lòng người đều không qua khỏi ánh mắt của chư Thần. Một chút tư tâm ích kỷ, Thần đều biết rõ; một chút thiện niệm trong tâm, Thần đều minh tỏ. Bởi vậy, dẫu mẹ của Mục Kiền Liên chỉ là cô hồn nơi địa ngục, nhưng hễ trong lòng khởi lên ác niệm hẹp hòi, thì vẫn phải tiếp tục chịu đọa đầy để hoàn trả tội nghiệp đó.
Với năng lượng từ bi hòa quyện khắp đất trời, rằm tháng 7 được xem là ngày xá tội vong nhân và là ngày con cháu tưởng nhớ tới công ơn của đấng sinh thành. Quan trọng hơn cả, đằng sau đó còn là lời nhắc nhở cho hậu thế: Nhân quả báo ứng là Thiên lý bất biến, vĩnh viễn không thay đổi suốt ngàn đời. Tu hành là bởi tự thân, nghiệp lực của ai thì người ấy sẽ phải tự mình gánh chịu, không thể dựa vào thần thông của người khác để hoàn trả thay mình.
Và cuối cùng, câu chuyện cũng cho thấy sức mạnh kỳ diệu của lòng từ bi. Khi thiện niệm trên khắp thế gian cùng ngưng tụ, sẽ tạo thành một trường năng lượng của từ bi làm cảm động đất trời và cứu vớt thế gian này.
Vợ chồng yêu thương nhau, xin cứ giả khờ mà bao dung hết thảy