Trong nhận thức của con người hiện đại, các hiện tượng thiên tai thường được đánh giá dưới cái nhìn khoa học, gọi bằng cái tên chung là “biến đổi khí hậu”. Nhưng cha ông chúng ta lại thực sự có một góc nhìn hoàn toàn khác.
Trong hồi 87 truyện Tây Du Ký: “Quận Phụng Tiên khinh trời bị hạn, Tôn Đại Thánh khuyến thiện làm mưa” kể rằng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, bốn thầy trò Đường Tăng dừng chân nghỉ lại ở quận Phụng Tiên. Quận này 3 năm nay vốn chẳng có mưa, dân tình khổ sở không biết kể đâu cho hết.
Ngộ Không bèn muốn hành thiện, nhận lời cầu mưa giúp cho quận hầu xứ ấy. Tuy nhiên ngay cả khi đã mời được Long Vương đến, mưa cũng không rơi xuống một giọt nào bởi vì chưa có thánh chỉ của Thượng Đế. Ngộ Không bèn lên Trời tìm Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nhưng một vị Thiên Sư đã nói rõ nguồn cơn.
Nguyên nhân cơn hạn hán ở quận Phụng Tiên kéo dài lâu như vậy là bởi tội lỗi của quận hầu. Nguyên một hôm, hai vợ chồng quận hầu xảy ra trận tranh cãi. Người vợ nhất thời giận dữ, đẩy ngã bàn thờ, bài vị, đập vỡ bát hương tế Thần. Vợ ông không ngừng dùng lời lẽ xú uế, bẩn thỉu, mạo phạm Thượng Đế, cuối cùng còn gọi chó đến ăn mâm cỗ cúng tế. Bởi thế mà hai vợ chồng họ phạm tội với Thượng Đế. Do đó, Ngọc Đế đã lập ra ba việc, gồm “đợi gà ăn hết gạo”, “chó liếm hết bột”, “lửa thiêu đứt khóa”, khi ấy quận Phụng Tiên mới có mưa, làm cho bá tánh trong vùng phải chịu biết bao cơ cực vì thiếu nước.
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, Ngộ Không đã khuyên nhủ quận hầu rằng: “Ông nếu như hồi tâm hướng thiện, sớm niệm Phật đọc Kinh, thì đại nạn tất sẽ được hóa giải. Còn nếu như vẫn không thay đổi, ta cũng không thể nói nhiều, chẳng bao lâu nữa ngay cả tính mạng của ông cũng không có gì bảo đảm”.
Quận hầu bản tính lương thiện, nên vừa nghe Ngộ Không nói một lời thì lập tức lĩnh ngộ, hiểu rõ ngọn ngành, quỳ sụp xuống bái lạy, xin được thành tâm sửa đổi. Đồng thời ông cũng dẫn dân chúng dâng hướng bái lạy trời đất, thành tâm thành ý cung kính lễ Phật kính Trời. Ngay sau đó, Thượng Đế nguôi giận, sai các thần làm mưa, làm gió ban ơn mưa móc xuống vùng đất hạn hán này. Quận Phụng Tiên bấy giờ lại được trù phú như trước.
Trong lịch sử, mỗi khi có thiên tai nhân họa lớn phát sinh, các bậc đế vương trước tiên đều tự kiểm điểm bản thân: “Ta đã làm sai điều gì? Vì sao Trời cao giận dữ?”. Sau đó, họ tắm rửa trai giới, bái lạy cầu khấn Trời Đất, thậm chí còn công bố “Tội kỷ chiếu” (tức là “Chiếu thư tự trách tội mình”) trước Thiên hạ, công khai kiểm điểm và sám hối những lỗi lầm và thất bại của bản thân. Họ hướng về Thiên thượng và tất cả người dân, hứa nhất định sẽ sửa chữa sai lầm, tự đôn đốc bản thân, mong được Thiên thượng tha thứ, không trách tội nữa, trăm họ cũng không phải chịu khổ.
Việc tự trách phạt những sai phạm của bản thân, đối với người có lương tri mà nói, ấy là chuyện thường tình. Nhưng thân làm một đế vương, đứng đầu thiên hạ, có thể nhận sai, hối lỗi và tỉnh ngộ thì thực sự là điều không hề dễ dàng. Nhưng vì sao các bậc vua chúa xưa kia, vốn là “Thiên tử” (con trời), cao quý nhường ấy, lại luôn sám hối lỗi lầm và thất bại của mình một cách công khai như vậy? Muốn hiểu được điều đó chúng ta cần phải truy nguyên tới truyền thống văn hóa cổ đại Á Đông.
Thời Trung Quốc cổ đại, Thiên thần (tức là Thượng đế hay Thiên đế) là chúa tể tuyệt đối của Trời Đất. Còn bậc đế vương lại chính là “Phụng thiên thừa vận, thụ mệnh vu thiên” (Tuân phụng Trời thuận theo vận Trời, vâng theo mệnh lệnh từ Trời), là người thống trị mà Thiên thượng phái xuống nhân gian, chính vì thế mà gọi là “Thiên tử”.
Theo cách nhìn của người xưa mà xét, “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài” (Tạm dịch: Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có Đức, lòng người thay đổi vô thường, chỉ ban ân huệ cho người có tấm lòng). Sự quan tâm của Thiên thượng có quan hệ mật thiết với phẩm chất đạo đức của “Thiên tử”.
Mệnh trời sẽ chỉ chiếu cố những vị vua có đức, một khi “Thiên tử” thất đức ắt sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh suy của vương triều. Vua mà thất đức cuối cùng đều sẽ bị mệnh Trời vứt bỏ. Do đó, bậc vua chúa nếu muốn giang sơn bền vững, thì phải tu đức để xứng đáng với Trời. Thiên tai nhân họa chính là sự thể hiện của “ý Trời”. Các bậc quân vương thời cổ đại phần lớn đều xem đó như là “lời cảnh báo của Thiên thượng”.
Những bậc đế vương biết tự trách tội mình sớm nhất trong lịch sử là vua Vũ, vua Thang. Sách sử có ghi chép, sau khi vua Vũ lên ngôi vua, có lần nhìn thấy một tội phạm, thì đau lòng khóc. Quan lại bên cạnh hỏi nguyên do, vua Vũ nói: “Thời Nghiêu Thuấn, nhân dân đều học theo cái tâm như Nghiêu Thuấn. Còn thời ta làm vua, trăm họ chỉ biết có cái tâm của bản thân họ, thật là đau đớn”. Cuộc sống cuối thời xã hội nguyên thủy, thấy lòng dân tản mát thay đổi, vua Vũ trong lòng rất áy náy, cho rằng ấy là vì mình làm vua chưa tốt, bởi thế tự trách mình.
Sau khi nhà Thương diệt nhà Hạ, Vua Thang bố cáo thiên hạ, trấn an lòng dân, trong sử sách gọi là “Thang cáo”. Vua Thang nghiêm khắc kiểm điểm bản thân, nói rằng: “Tội lỗi là ở Trẫm, không dám tự tha thứ, điều đó phụ thuộc vào ý muốn của Thượng Đế, tội lỗi của vạn dân đều là tại ta, một mình ta có tội không liên can tới muôn dân”.
Sau đó, gặp lúc nhà Thương bị hạn hán nặng mấy năm liền, ngũ cốc mất mùa, viên quan đại thần phụ trách việc cúng tế nói cần dùng người làm vật tế, xin Trời mưa xuống. Thế là vua Thang “tỉa tóc, cắt móng tay”, lấy bản thân mình làm vật tế, vào rừng dâu, “tự trách 6 tội lỗi của mình”, nói rằng: “Một mình ta có tội không liên quan đến vạn dân, vạn dân có tội đều là lỗi ở ta. Chỉ do một người bất kính, cúi xin Thượng đế quỷ thần thương xót dân chúng”. Ngay sau đó, dân chúng hết sức vui mừng vì mưa to như trút nước.
Vua Vũ, Vua Thang trách tội bản thân, đều thu được hiệu quả tốt đẹp, trở thành tấm gương cho các bậc đế vương vua chúa đời sau noi theo.
Sử chép, sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi thì cực kỳ hiếu chiến, thích làm việc lớn, thích lập công to, cũng rất thích Thần tiên phương sỹ, xây dựng cung điện lớn, tiêu xài hoang phí vô độ, khiến tiền của nhân dân khô kiệt, giặc cướp trộm đạo nổi lên hoành hành, thiên hạ đại loạn. Hán Vũ Đế lúc tuổi già dần dần tỉnh ngộ và hối hận. Ông bác bỏ tấu chương của nhóm đại thần Tang Hoằng Dương xin lập đồn điền Luân Đài (ngày nay là huyện Luân Đài, Tân Cương) để cung cấp hậu cần cho các chiến dịch quân sự mở mang bờ cõi về phía Tây, quyết định “Bỏ đất Luân Đài, mà hạ chiếu bày tỏ lòng bi thương”.
Ông “hối hận sâu sắc về những việc làm sai quấy trước kia”, không đành lòng lại “làm khổ và quấy nhiễu thiên hạ”, quyết tâm “cấm những việc bạo ngược và hà khắc, chấm dứt việc thu thuế một cách tùy tiện, phát triển nông nghiệp”. “Do đó không xuất quân chinh chiến nữa. Còn phong tước Phú Dân Hầu cho Thừa tướng Xa Thiên Thu, cho dân chúng được nghỉ ngơi, an dưỡng làm giàu”. Đó chính là “Luân Đài tội kỷ chiếu” nổi tiếng trong lịch sử.
Thêm một ví dụ khác, trận động đất lớn năm 1679 xảy ra khi vua Khang Hy đang bận đi bình định loạn Tam phiên. Đối với ông chuyện đó là một gậy cảnh tỉnh không tầm thường. Ông vội “hạ chiếu phát tiền cứu trợ 10 vạn lượng”, tiếp theo nói trước mặt quần thần: “Bản thân Trẫm không có đức, chính trị không hợp lòng dân, động đất xảy ra là một lời cảnh báo”. Vua Khang Hy thái độ rất chân thành, tìm ra sáu loại “tệ nạn chính sự” trong tầng lớp quan lại, cho rằng đó chính là “nguyên do của tai họa”. Vua ra lệnh cho các quan Cửu khanh bàn luận kỹ càng, căn cứ theo bộ Lại lập pháp nghiêm cấm, nhất định sẽ trừ dứt tệ nạn kéo dài đã lâu ngày này.
Học giả Tiêu Hãn căn cứ vào “Nhị thập ngũ sử” để tiến hành thống kê cho biết, trong lịch sử Trung Quốc có tất cả 79 vị Hoàng đế từng hạ chiếu trách tội bản thân, nhiều nhất là thời nhà Hán (15 vị), ngoài ra thời Nam Triều có 14 vị và thời nhà Thanh cũng có 8 vị thực hiện sám hối như thế.
Trong sách “Tả truyện” có nói: “Vũ, Thang tội kỷ, kỳ hưng dã bột yên, Kiệt, Trụ tội nhân, kỳ vong dã hốt yên”. (Tạm dịch: “Vua Vũ vua Thang tự trách tội bản thân, nơi ấy bỗng chốc thịnh vượng phồn vinh; vua Kiệt vua Trụ hành tội người khác, nơi ấy đột ngột suy tàn diệt vong”).
Trong cơn thiên tai, nhân họa mà có thể tự kiểm điểm, trách phạt bản thân, sám hối, tu sửa cho ngay chính lỗi lầm, điều đó thể hiện lương tri và trách nhiệm của các bậc quân vương cổ đại. Một vị vua hiền đức chính là phúc đức của muôn dân trong thiên hạ. Kẻ hôn quân bạo ngược, trái lại chính là ung nhọt của trăm họ, cuối cùng sẽ phải chịu sự trừng phạt, báo ứng cho những tội ác mình đã gây ra.
Chân Tâm