Quán Thế Âm Bồ Tát Quán là hình ảnh thân thiết gần gũi đối với mọi người dân phương Đông. Ở Việt Nam, hình ảnh Ngài còn ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa dân gian.
Tại sao lại có tên gọi Quán Thế Âm?
Trong “Đại Đường tây vực ký” cũng có nhiều chỗ viết về Quán Thế Âm Bồ Tát. Ví dụ trong quyển 10 có nhắc tới một quốc gia ở Ấn Độ tên là “Nước Chu La Cự Thác”, Phía Nam của nước này là bờ biển lại có núi Châu Sắc Gia. Đỉnh cao và hẹp lại có những động đá ăn sâu vào trong. Trong núi, có cây Bạch Đàn, cây Chu Đàn và nhiều loại cây khác.
Núi Chư Sắc Gia về phía Đông có núi Bố Đản Lạt Ca. Núi này rất nguy hiểm bởi có nhiều hang động. Trên đỉnh núi có hồ nước trong như mặt gương, chảy thành sông, chảy quanh núi đến hai mươi vòng rồi đi vào biển Nam Hải. Bên cạnh cái hồ đó, có động đá rất đẹp là nơi mà Bồ Tát Quan Tự Tại cũng chính là Quán Thế Âm Bồ Tát qua lại dạo chơi. Nếu ai có lời nguyện muốn gặp Bồ Tát chẳng quản thân mệnh, lội nước trèo non, quên đi nguy hiểm thì có thể đạt được lời nguyện ấy.
Ý nghĩa tên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát
– ‘Quán’ là quán xét, thấy nghe, biết đối tượng thật rõ ràng.
– ‘Thế’ là cõi đời, cõi hữu tình thế gian.
– ‘Âm’ là tiếng niệm, tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện từ mọi nơi đau khổ phát ra.
– ‘Bồ Tát’ là độ thoát cho loài hữu tình, cứu thoát, giác ngộ cho tất cả các loài chúng sinh có tình cảm được vượt thoát ra khỏi khổ đau ách nạn.
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đạt được diệu quả Nhĩ căn viên thông nên quán xét và nghe, thấy, biết cùng tột tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sinh được vượt thoát tất cả những hiểm nguy. Vì vậy gọi là Quán Thế Âm. Do công hạnh cứu độ tự tại nhiệm màu đó, nên trong kinh điển còn gọi là Quán Tự Tại Bồ tát.
Quán Thế Âm Bồ Tát theo tiếng Phạn Avalokitesvara, nghĩa là Ngài nghe tiếng kêu thầm kín thiết tha từ tâm khảm chúng sinh trong thế gian mà đến cứu khổ. Đem an lạc từ bi tâm vô lượng không phân biệt dến với mọi loài, nói cách khác là tình yêu thương trìu mến vô biên gấp muôn vạn lòng dạ của bà mẹ hiền ở thế gian đối với những đứa con của mình, nên còn gọi là Từ mẫu Quán Thế Âm.
Hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát vốn là thân nam?
Tại Ấn Độ, hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát vốn là thân nam. Khi Phật giáo mới được truyền nhập vào Trung Quốc ban đầu vẫn là thân nam. Trong các bức bích họa ở thành Đôn Hoàng và các bức tượng Phật vào thời Bắc Ngụy và Tùy Đường, hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát vốn là thân nam và trên hai bên mép còn có râu.
Hình tượng Quán Thế Âm thân nam vốn biến thành thân nữ là cả một quá trình. Từ thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc đã xuất hiện hình tượng nữ Quán Thế Âm Bồ Tát, đến sau thời nhà Đường hình tượng phổ biến vẫn là thân nữ.
Trong “Kinh Hoa Nghiêm” có đoạn: Một ngày nọ Thiện tài đồng tử tới Phổ Đà Sơn tham bái Quán Thế Âm Bồ Tát, thì thấy “Trên tảng đá kim cương tại mỏm núi đá trong rừng sâu là hình ảnh một thân nam dũng mãnh phi phàm”. Câu nói này chính là ám chỉ Bồ Tát Quán Thế Âm vốn là thân nam.
Về hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát từ thân nam trở thành thân nữ trong sách sử có khá nhiều ghi chép. Trong “Bắc Tài Thư – Từ Chi tài truyền” có ghi lại, hoàng đế Võ Thành thời Nam Bắc triều một lần lâm bệnh khá nặng tìm mọi danh y chữa chạy đều không khỏi. Trong khi nằm ngủ trong ánh sáng mờ ảo nhìn thấy một loài vật lấp lánh ngũ quan thập sắc và khi tiến lại gần ông thì biến thành Quán Thế Âm Bồ Tát là thân nữ vô cùng từ bi tới cứu giúp mình khỏi bệnh.
Vì sao người dân phương Đông lại tôn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát?
Mặc dù có sự khác nhau về hình thái tôn thờ, nhưng hầu hết những tôn tượng Người đều toát ra một điểm chung nhất là tâm nguyện từ bi, đức hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, trái tim đồng cảm, đức hiếu sinh và ban vui cứu khổ cho nhân loại. Và điều này đã ngẫu nhiên hợp với tâm tư nguyện vọng cũng như thuần phong mỹ tục của người dân các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Có thể nói, hình ảnh Ngài là biểu tượng sống nói lên tiếng nói thầm kín, những khát khao mong muốn cũng như quan điểm đạo đức của người dân Châu Á.
Và câu chuyện dưới đây là minh chứng về sự từ bi cứu độ chúng sinh của Quan Thế Âm Bồ Tát.
“Thời xưa tại đảo Lục Hoành ở Châu Sơn có một gia đình họ Trương, gồm hai vợ chồng và một cô con gái duy nhất tên là Thụy Châu. Năm ấy, Thụy Châu vừa tròn 20 tuổi. Người ta thường ví nhan sắc của cô gái đôi tám như một đóa hoa, nhưng Thụy Châu thì đẹp không khác gì một tiên nữ cõi trời. Người trong đảo thường tự hỏi ai sẽ là người có diễm phúc cưới được một cô gái xinh đẹp đến dường ấy về làm vợ!
Một ngày nọ khi trời chạng vạng tối, đột nhiên có một bọn cướp xông vào nhà ông bà Trương bắt cóc Thụy Châu đem về cho đại vương của họ làm áp trại phu nhân. Hai vợ chồng ông bà Trương van xin thế nào chúng cũng không nghe. Đối với một bọn cướp thì có lý lẽ nào mà chúng chịu nghe? Cuối cùng Thụy Châu cũng bị bắt mang đi.
Bọn cướp đưa Thụy Châu đến một con thuyền cập ở bến đò, nhưng lúc ấy thủy triều đang xuống, thuyền mắc cạn, không thể đi được. Bọn cướp đành kiếm một lữ điếm tạm trú đêm ấy.
Thụy Châu bị nhốt trong một căn phòng nhỏ trong lữ điếm. Đêm đã khuya, cô nằm trên giường khóc lóc bi thương, không tài nào nhắm mắt ngủ. Bỗng nhiên giữa tiếng khóc của cô, có tiếng “két” của cánh cửa vừa mở ra. Một bà lão đầu tóc bạc phơ bước vào nói: Cô nương, xin cô làm ơn làm phước… tôi già cả không nơi nương tựa, cô giúp tôi được không?
Thụy Châu nhìn bà lão đói khổ kia, lòng rất cảm thương, không ngờ trên thế gian này cũng có người khổ không kém gì mình. Cô vội vàng lấy chút lương khô mà bọn cướp mang đến cho cô ban nãy, nói với bà lão: Bà ơi, cháu cũng đang trong cơn hoạn nạn, nhưng có chút lương khô đây, bà dùng cho đỡ đói.
Bà lão đỡ lấy nắm lương khô, không một lời cám ơn, từ từ ăn hết. Ăn xong bà lại thở ra: Ui chao! Đêm nay không biết ngủ ở đâu đây. Thụy Châu nói: Bà ở lại đây mà ngủ đi.
Nói xong cô đỡ bà lão lên giường nằm. Bà lão cũng chẳng làm khách, buông gậy, cởi dép, vừa đặt lưng xuống giường là ngủ ngay, chẳng mấy chốc đã ngáy pho pho!
Trong phòng chỉ có mỗi một cái giường đã nhường cho bà lão ngủ rồi, Thụy Châu chỉ còn biết ngồi trong góc phòng mà khóc thương cho thân phận khổ nạn của mình. Khóc cho đến nửa đêm thì cô mệt quá ngủ thiếp đi, khi bừng tỉnh thì trời cũng vừa hừng sáng. Cô ngẩng đầu lên nhìn thì không thấy bà lão nằm trên giường nữa, nhưng dưới đất thì còn lại đôi dép của bà. Thụy Châu thầm nghĩ “Bà lão vô ý quá đi thôi, làm sao lại quên đôi dép ở đây! Già cả như thế mà không có dép làm sao mà đi?”
Nghĩ đến đây cô bèn lấy đôi dép của bà lão giấu trong người, định rằng khi nào gặp lại sẽ trao trả cho bà. Chẳng bao lâu, bọn cướp đưa Thụy Châu lên thuyền.
Thuyền vừa mới rời Lục Hoành, mặt biển đang êm bỗng nổi gió lớn. Từng ngọn sóng khổng lồ ập xuống tứ phía, chẳng bao lâu thuyền đã lật nhào. Khi Thụy Châu rơi xuống nước thì đôi dép kia cũng rơi theo sau, nhưng lại bỗng nhiên biến thành hai chiếc lá sen, nâng Thụy Châu lên khỏi mặt nước. Toàn thể bọn cướp đều bị chết chìm làm mồi cho cá biển, còn Thụy Châu thì đứng trên lá sen, nương theo gió mà rẽ sóng trôi giạt thẳng về đảo Lục Hoành.
Thụy Châu vừa bước lên bờ thì hai chiếc lá sen nọ bỗng biến thành một luồng khói, bay bay theo gió hướng về Phổ Đà Sơn. Thế là Thụy Châu được về đoàn tụ với cha mẹ. Người trong làng ai cũng đến chúc mừng. Khi nghe Thụy Châu kể lại chuyện mình làm sao thoát hiểm, và đến đoạn bà lão đi chân đất, tất cả mọi người đồng thanh nói: Bà lão ấy chắc chắn là hóa thân của đức Quan Âm Bồ Tát. Từ đó chuyện “Quan Âm Bồ Tát đi chân đất” được loan truyền khắp nơi”.
Qua câu chuyện trên ta có thể cảm nhận bởi lẽ người dân các nước phương Đông vốn ưa chuộng cái thiện, ghét cái ác. Mọi người đều mong muốn một cuộc sống thanh bình, ấm yên, hạnh phúc và luôn uớc ao mọi người cùng đến với nhau bằng sự cảm thông, tha thứ, bao dung, tâm được kết nối trong tình thương yêu đùm bọc.
Một Quán Thế Âm từ ái bao dung, ban phát tình thương yêu và mang an vui hạnh phúc đến cho mọi người rất gần gũi thân thuộc với mọi người dân. Và cũng vì vậy nên Bồ Tát Quán Thế Âm mới trở thành một trong tứ đại Bồ Tát được kính ngưỡng nhất.
Bình Nhi
Xem thêm:
- Truyền thuyết về Quán Thế Âm Bồ Tát: Câu chuyện đắc đạo của công chúa Diệu Thiện
- Vì sao có một lần duy nhất Bồ Tát hiện thân mà không trang điểm trong ‘Tây Du Ký’?
- Tôn Ngộ Không đánh đổ cây Nhân sâm, vì sao chỉ nước Cam Lồ của Bồ Tát mới cứu được?