Từ xưa tới nay, hôn nhân luôn là việc đại sự của đời người. Bởi vậy mà ngay cả chiếc khăn trùm đầu của các tân nương cũng mang nhiều ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa đằng sau còn là một câu chuyện thú vị.

Vậy chiếc khăn trùm đầu có ý nghĩa như thế nào với các tân nương khi xuất giá về nhà chồng? Và vì sao chiếc khăn trùm đầu lại là màu đỏ?

Chiếc khăn trùm đầu thời xưa thường làm bằng lụa, thêu uyên ương, có thể là hình chữ nhật hoặc hình vuông để không che mất tầm mắt. Khăn thường có màu đỏ để mang lại cát tường như ý cho tân lang, tân nương. Các tân nương trước khi bước chân ra khỏi khuê phòng để lên kiệu hoa sẽ phải trùm khăn lên đầu. Trên suốt quãng đường, thậm chí cả khi ngồi một mình trong kiệu hoa, cô dâu cũng không được phép mở khăn, mà chỉ duy nhất tân lang mới là người được mở chiếc khăn này. Việc trùm khăn có hai ý nghĩa: Thứ nhất để che đi sự e thẹn của cô dâu khi về nhà chồng; thứ hai là để trừ tà.

Nguồn gốc của chiếc khăn trùm đầu

Trong “Độc Dị Chí”, thời nhà Đường có một người tên Lý Nhũng từng thuật lại truyền thuyết dưới đây:

Khi vũ trụ còn sơ khai, trên thế gian chỉ có hai anh em là Phục Hy và Nữ Oa. Với mong muốn loài người ngày càng trở nên đông đúc phồn thịnh, hai người bàn bạc và quyết định sẽ kết tóc se tơ thành vợ chồng.

Vậy là, hai người lên núi Côn Luân để khẩn cầu trời đất: “Nếu Thiên Thượng đồng ý cho chúng tôi kết thành phu thê, thì xin hãy làm cho những đám mây kết tụ lại; nếu không cho phép, xin hãy làm cho chúng phân khai ra”.

Hai người vừa dứt lời, những đám mây trên trời liền kết tụ lại. Từ đó, hai người trở thành phu thê. Tân nương Nữ Oa vì để giấu đi nỗi xấu hổ, nên đã dùng cỏ kết thành quạt để che mặt mình.

Người đời sau vì mỹ quan và thuận tiện cho việc che mặt, đã thay thế quạt cỏ bằng một tấm vải lụa, cứ như vậy dần dần hình thành nên tập tục khăn trùm đầu trong hôn lễ. Sở dĩ chọn màu đỏ cho khăn che mặt là bởi cổ nhân coi màu đỏ là tượng trưng cho khánh hỷ cát tường.

Trong “Mộng lương lục – Giá thú” của Ngô Tự Mục thời nhà Tống cũng miêu tả rằng: “Trước khi tân lang và tân nương vào lễ đường, tân nương phải tháo khăn trùm đầu để mọi người có thể thấy dung mạo của mình”. Có thể thấy rằng, vào thời đó tân nương đã sử dụng khăn trùm đầu rồi.

Theo phong tục, tân lang sẽ tháo khăn trùm tại lễ đường hoặc cũng có thể là khi vào động phòng mới tháo khăn, cách làm này bắt đầu từ thời Đông Hán. Vào thời Đông Hán – Nguỵ Tấn, xã hội loạn lạc bất an, nên nghi thức cử hành hôn lễ cũng được thu ngắn lại, tìm được ngày lành tháng tốt là mau chóng kết hôn.

Đến thời nhà Tề – Nam Bắc triều, phụ nữ đa số sử dụng khăn trùm đầu để chống lạnh chống gió. Đến thời kỳ đầu của triều đại nhà Đường, khăn trùm đầu trở nên dài hơn, có thể che từ đầu đến tận hai bả vai.

Đầu triều đại nhà Đường khăn trùm đầu dài đến bả vai. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Vào những năm Khai Nguyên, Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ đã ra lệnh cho các cung nữ dùng “vải lưới” trùm đầu như là một hình thức trang điểm. Sau đó từ triều Tấn đến triều Nguyên, phong tục trùm đầu kiểu dân tộc Hán trở nên phổ biến rộng khắp trong dân chúng, trở thành một vật dụng không thể thiếu của các tân nương trong hôn lễ.

Trong xã hội phong kiến, những thiếu nữ chưa chồng sống chuẩn mực khuôn phép, họ chỉ ở trong khuê phòng và rất ít khi lộ diện ra bên ngoài, bởi vậy nên người lạ rất khó nhìn thấy dung mạo của họ.

Cho đến độ tuổi dựng vợ gả chồng thì họ lại theo sự sắp đặt của cha mẹ hoặc qua mai mối. Bởi vậy, cho đến lúc cử hành hôn lễ tân lang và tân nương vẫn chưa biết mặt nhau; vì trong hôn lễ tân nương vẫn đội khăn trùm đầu nên mới nói khăn trùm đầu là để giấu mặt.

Lại có một câu chuyện khá thú vị được lưu truyền trong dân gian về chiếc khăn trùm đầu như sau:

Vào cuối thời Bắc Tống, một lần Khang Vương chạy về phía nam thì bị quân Kim truy sát. Vào đúng lúc ngàn cân treo sợi tóc ông may mắn gặp một cô thôn nữ đang phơi thóc. Cô gái đã giấu Khang Vương vào bồ thóc và cứu sống ông. Để đáp lại ơn cứu mạng ấy, Khang Vương đã tặng cô gái chiếc khăn màu đỏ, đồng thời ngỏ ý muốn cưới cô gái làm vợ. Ông hẹn ngày này năm sau sẽ đến đón cô và dặn rằng cô gái chỉ cần trùm khăn đỏ lên đầu thì ông sẽ tìm thấy. Khang Vương từ biệt cô gái đi đến Hàng Châu và sau đó trở thành Hoàng đế của nhà Nam Tống. Năm sau, Khang Vương đến nơi hẹn, nào ngờ chốn núi non, khắp nơi đều có các cô gái trùm khăn đỏ, ông không thể tìm được cô gái của năm xưa.

Thì ra đó là một diệu kế của cô thôn nữ. Cô cho rằng lấy một quân vương không bằng một làm một thôn phụ ung dung tự tại. Nhưng lệnh của hoàng đế khó kháng cự, phải làm sao đây? Cô gái cùng các chị em bàn bạc, cuối cùng họ đã nghĩ ra diệu kế. Họ dùng một chiếc khăn vuông màu đỏ có thêu đôi uyên ương và tráo đổi để tùy duyên trời định, Khang Vương chọn ai thì người đó là vợ.

Câu chuyện ngày càng lan truyền rộng rãi, các cô gái đều cảm thấy thú vị, từ đó về sau khi xuất giá họ đều đội một khăn trùm đầu màu đỏ.

Ảnh minh họa. Dẫn theo khampha.vn

Chiếc khăn trùm đầu khắp nơi trên thế giới

Chiếc khăn trùm đầu gắn liền với cô dâu trong ngày cưới là phong tục ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với nền văn hóa Á Đông, khăn trùm đầu của cô dâu không chỉ là một tấm voan mỏng.

Các cô dâu Ấn Độ cũng được đội một chiếc khăn màu đỏ, trên đó có những họa tiết trang trí lấp lánh. Họ mặc Sari, đeo khuyên mũi bằng vàng và che đi một nửa khuôn mặt khi xuất hiện trước chú rể.

Khăn che mặt của cô dâu Ấn Độ. Ảnh dẫn theo kienthuc.net.vn

Tại Việt Nam, trong đám cưới thời xưa, các cô dâu không dùng khăn trùm đầu mà thay vào đó là đội nón, vấn khăn để che đi khuôn mặt. Thời mở cửa, với sự du nhập của văn hóa nước ngoài, cùng với chiếc váy cưới trắng tinh khôi, các cô dâu Việt cũng làm quen với chiếc khăn voan đội đầu bồng bềnh và duyên dáng.

Tại rất nhiều nền văn hóa, người ta cho rằng việc che mặt trong ngày cưới là một cách để tránh tà ma, ngăn không cho quỷ dữ đến bắt các cô dâu. Bên cạnh đó, chỉ chú rể mới là người có đặc quyền gỡ chiếc khăn này xuống. Ngày nay, chiếc khăn trùm đầu đã trở thành phụ kiện mang tính biểu tượng, chỉ dành riêng cho các cô dâu trong ngày hôn lễ.

Kiên Định

Xem thêm:

Từ Khóa: