Có nhiều người, họ tự nhận mình là những người thành tâm tín Phật, nhưng đến khi có việc không được như ý, họ lại luôn miệng trách móc: “Phật, tại sao ngài không giúp con?”. Câu chuyện ngắn dưới đây sẽ là bài học ý nghĩa cho tất cả chúng ta.
Có một câu chuyện xưa, kể rằng:
Trên núi nọ có một ngôi chùa thờ Phật Tổ. Nghe nói ngôi chùa này vô cùng linh nghiệm, chỉ cần người ta thành tâm cầu nguyện, Phật Tổ sẽ phát tâm từ bi, giúp đỡ đỡ đạt được ước muốn của mình.
Có một người đàn ông nghe thấy vậy, nên đã thể hiện tâm thành kính của mình bằng việc mua thật nhiều sính lễ, lặn lội đường xá xa xôi lên núi lễ Phật.
Người đó vượt qua hết núi này rồi lại núi khác, ngay đến lúc mồ hôi đầm đìa, vì sợ mất tâm thành kính, nên quyết tâm không bỏ sính lễ xuống để nghỉ ngơi một chút. Đến khi kiệt sức, người này lại sợ lỡ mất giờ đẹp, vội vàng đi nhanh, không chút nghỉ ngơi.
Trải bao khó khăn vất vả, tín đồ thành kính cuối cùng cũng đã đến thần miếu.
Người này cung kính đặt sính lễ lên trên ban thờ, quỳ xuống, chắp hai tay thành kính cầu xin Phật Tổ: “Phật Tổ hiển linh! Con đã đi thi cử công danh 10 năm nay, nhưng đều không được như ý muốn. Pháp lực của ngài vô biên, xin ngài hãy vì sự thành kính của con, mà giúp đỡ con năm nay có tên trên bảng vàng”.
Sau khi tín đồ thành kính cầu nguyện xong thì thu lại sính lễ để trở về.
Anh ta vừa mới đi ra khỏi miếu, thì có một người ăn mày tiến đến xin ăn, nói: “Thí chủ hào phóng! tôi đã nhịn đói 3 ngày 3 đêm rồi, xin ông thương hại cho tôi một chút sính lễ, để ăn cho đỡ đói!”.
Tín đồ nhìn thấy người ăn mày vô cùng dơ bẩn này, liền phất phất tay tỏ ra khinh ghét, nói: “Đi! đi! nhìn ngươi vừa rách vừa nát, đừng có làm bẩn sính lễ của ta, sính lễ của ta phải mang về cho vợ và con gái ăn! Đâu đến phần ngươi!”.
Ăn mày liên tục dập đầu, nói: “Thí chủ hào phóng! Tôi sắp đói chết rồi, chỉ cần cho tôi một chút sính lễ là đủ rồi! Xin ngài hãy cứu tôi!”.
Người đàn ông kia sợ người ăn mày cướp sính lễ, liền vội nâng sính lễ lên, chạy một mạch xuống núi không quay đầu lại nhìn. Người ăn mày toàn thân vô lực vì đói, trên mình chỉ có cái mền rách, co ro ngồi cạnh ngôi miếu. Đến đêm hôm đó, càng dần về khuya, thời tiết càng lúc càng lạnh, người ăn mày cầm lấy cái mền rách run rẩy cuốn quanh thân của mình.
Không biết từ đâu xuất hiện một con chó bị bệnh, chốc mủ toàn thân, đi cà nhắc đến bên cạnh người ăn mày, miệng ngậm lấy một góc chăn rách, tự đắp lên thân toàn mủ lở loét của mình, từ từ dựa vào thân người ăn mày để sưởi ấm. Bọc mủ trên thân của chú chó nhỏ bị vỡ ra, làm cho chăn lông bị bẩn, vừa hôi thối vừa nhơ nhớp.
Người ăn mày tức giận đạp con chó ra, nói: “Cút! Cút! Ngươi toàn thân vừa mưng mủ vừa lở loét, đừng có làm bẩn chăn của ta, đây không phải là chỗ của ngươi”.
Con chó nhỏ toàn thân đau đớn, hai mắt ứa lệ từ từ chạy đi, và đêm hôm đó nó đã chết cóng ở bên cổng của ngôi miếu.
Ngày hôm sau, người ăn mày mặc dù có chăn che thân nhưng không có đồ ăn nên cũng chết vì đói.
Nửa năm sau, người đàn ông thành kính nói trên, lại khăn gói lên kinh thành thi cử, nhưng lại tiếp tục bị rớt. Anh ta giận đùng đùng chạy lên núi nam, phàn nàn với Phật Tổ: “Nói ngài pháp lực vô biên, thì ra chỉ là lừa người. Nếu ngài thật sự linh nghiệm, tại sao ngay đến kỳ thi đơn giản này cũng không thể giúp con, để cho con lại rớt thêm một lần nữa?”.
Lúc ấy, Phật Tổ cầm bảng vàng ra hỏi anh ta: “Tại sao ta phải giúp ngươi?”.
Người đàn ông trả lời: “Con thành kính khiêng sính lễ lên núi, một phút cũng không dám nghỉ ngơi. Với thành ý này, ngài nên phải giúp con”.
Phật Tổ gọi linh hồn của người ăn mày lên, người ăn mày kêu rên hỏi người đàn ông kia: “Tôi chỉ xin ông cho tôi một chút sính lễ, cho tôi một chút thức ăn lót dạ, nhưng ông không chịu. Đến một chút tâm bố thí cũng không có, Phật Tổ tại sao lại phải giúp ông? Nhưng Phật Tổ à, ngài cũng thật tàn nhẫn! Không cho con một chút đồ ăn, để con phải chết đói, sao ngài lại không có một chút tâm thương cảm nào?”
Phật Tổ liền gọi linh hồn của con chó nhỏ lên, con chó lớn tiếng sủa, hỏi người ăn mày: “Ta chỉ xin ngươi cho ta sưởi ấm ở bên chăn, việc này cũng không tổn hại gì đến ngươi, vậy mà ngươi cũng không cho. Phật Tổ vì lẽ gì mà phải giúp ngươi chứ?”.
Cuối cùng, Phật Tổ nhìn vào người đàn ông kia và người ăn mày, Ngài nói: “Giúp ngươi có tên trên bảng vàng, giúp ngươi có đồ ăn, đối với ta mà nói thì chỉ là một cái phất tay. Nhưng vì các ngươi đến các việc mình có thể cũng không muốn giúp người khác, một chút cũng không muốn phó xuất. Do đó ta không thể giúp các ngươi được, bởi vì giúp con người cũng cần có tiêu chuẩn”.
Nghe Phật Tổ nói xong hai người bọn họ tự thấy xấu hổ, không còn dám phàn nàn gì thêm nữa.
Thực tế hiện nay, rất nhiều người lên chùa thắp hương cầu Phật, mục đích chủ yếu là cầu công danh, tiêu tai, giải nạn, hết bệnh, phát tài, cầu tình duyên thuận lợi, .v.v…, rất ít người vì thành tâm hướng Phật để nguyện tu luyện tâm tính, hướng thiện làm người tốt.
Kỳ thực, nếu một người không truy cầu gì, chỉ một lòng muốn cầu Phật ban cho sức mạnh và nghị lực để vượt qua cám dỗ và mê hoặc trong cuộc sống, thì cái tâm này sẽ động được đến thế giới của Phật. Phật sẽ giúp đỡ cho họ, tiêu trừ những khổ nạn, tạo ra cho những điều kiện tốt nhất để họ tu luyện.
Đó chính là tu nội mà an ngoại, vô cầu mà tự đắc. Tuy nhiên có một điểm, những điều Phật làm cho họ chỉ là giúp họ tu tâm luyện tính, nếu tâm họ lại nảy sinh truy cầu danh lợi, tiền tài .v.v…, thì tất cả những gì họ đắc được sẽ bị thu hồi lại hết.
Theo Tinhhoa
Xem thêm:
- Bái Phật, niệm Phật nhưng không từ bi đối đãi người khác thì Đức Phật thấy sao?
- 3 câu hỏi của người ăn mày khi gặp Đức Phật
- Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?