Có khoảnh khắc nào đột nhiên bạn thấy chán ghét, thậm chí ghét bỏ một nửa của mình? Dẫu xét một cách tổng quát, bạn vẫn biết rất rõ ràng rằng mình rất yêu người ấy, người ấy cũng không làm chuyện gì thái quá. Nhưng trong tích tắc ấy, quả thực bạn chỉ muốn nổi trận lôi đình…
Bạn chán ghét vì người ấy không có chí tiến thủ, ham chơi điện tử và thích ngủ nướng. Bạn thấy chướng tai gai mắt khi người ấy lôi thôi, luộm thuộm, chẳng bao giờ tự mình dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng.
Bạn tức giận vì người ấy không giữ chữ tín, nổi trận lôi đình vì họ không thực hiện lời hứa cùng đi du lịch với bạn….
Vì sao trong mối quan hệ của chúng ta lại luôn có sự chán ghét, thậm chí oán giận nửa kia của mình?
Kỳ thực, những phần mà chúng ta chán ghét ở người bạn đời của mình đều là những phần mà ta chán ghét ở chính bản thân mình
Tôi chán ghét phần con người này của tôi, thì cũng chán ghét phần con người ấy ở bạn. Tôi không thể chấp nhận phần con người đó ở mình, vậy nên tôi cũng không thể chấp nhận phần đó ở bạn.
Ví như, một số người rất nỗ lực, cầu tiến, hoạch định cuộc sống của mình kín mít với lịch trình của công việc, học tập và rèn luyện thân thể…
Trong rất nhiều trường hợp, họ cũng sẽ yêu cầu bạn đời của mình không được lãng phí thời gian, nên họ không quen với việc bạn đời thích ngủ nướng, chơi điện tử. Kỳ thực đó là do không thể chịu được cái tôi lãng phí thời gian của mình.
Ví như, có người dọn dẹp nhà cửa rất sạch sẽ, nhưng vừa dọn dẹp họ vừa chê trách bạn đời của mình không sạch sẽ. Lý do mà người ấy đưa ra là việc nhà là việc của hai người, dựa vào điều gì mà tôi phải làm còn bạn thì không.
Nhưng bạn lại bỏ sót một điều rằng làm việc nhà là tiêu chuẩn của bạn, chứ không phải là tiêu chuẩn của anh ấy. Bạn đang dùng tiêu chuẩn của mình để yêu cầu anh ấy làm theo.
Sở dĩ bạn thấy phiền hà khi người bạn đời cẩu thả, luộm thuộm là vì bạn không thể chấp nhận sự lôi thôi của bản thân mình. Vì vậy bạn mới hướng ra bên ngoài mà không thể tiếp nhận đặc điểm này ở người bạn đời của mình.
Nguyên nhân thứ hai khiến chúng ta chán ghét bạn đời là: Bạn luôn không làm tôi hài lòng thì tôi sẽ ghét bạn
Bạn vẫn luôn chẳng hài lòng về tôi thì tôi cũng ghét bạn. Khi tôi rất cần được tán đồng bạn lại không chấp nhận tôi. Khi tôi rất cần được tự do bạn lại thường kìm kẹp tôi. Khi tôi rất cần được quan tâm, bạn lại chẳng thèm để mắt đến tôi… Lúc này tôi sẽ thấy ghét bạn.
Hai nguyên nhân trên kỳ thực đều đã phá vỡ “cảm giác hoàn thiện của bản thân mình” nên chúng ta mới thấy chán ghét đối phương.
Chán ghét người mình yêu, trạng thái này liệu có bình thường không?
Kỳ thực, trong quy luật tình cảm thông thường luôn có sự song hành giữa yêu và ghét. Chỉ có tình yêu mà không chán ghét thì sẽ khiến người khác nghẹt thở khi ở cùng bạn, hoặc họ sẽ đánh mất khả năng tự lập.
Ví như khả năng tự lập của con trai lại bị chính người mẹ của mình tước đi mất khi mẹ quá bao bọc cậu. Cậu ấy và mẹ chung sống vô cùng hoà hợp, nhưng cậu ấy dường như lại mất đi cái tôi độc lập. Kiểu tình cảm này rất khó có tương lai.
Chán ghét, oán giận, ghét bỏ đều là những cảm xúc liên quan tới khoảng cách an toàn: Phần bạn hấp dẫn tôi thì tôi muốn hoà hợp với bạn, phần bạn khiến tôi chán ghét sẽ khiến tôi muốn rời xa bạn.
Hai động lực này sẽ đồng thời tồn tại trong một mối quan hệ. Tiềm thức của con người sẽ duy trì tình cảm của chúng ta ở một mức độ hoà hợp hợp lý và tự động điều tiết đến một vị trí phù hợp. Như vậy tình cảm đó sẽ có thể tiếp tục.
Chán ghét, oán giận, ghét bỏ sẽ khiến mối quan hệ được duy trì trong một cự li an toàn, tránh việc tình yêu của chúng ta sẽ nuốt chửng đối phương.
Đương nhiên, nếu hai người có cảm nhận khác nhau về cảm giác an toàn này, thì mối quan hệ của họ sẽ dần đổ vỡ.
Nếu cứ gượng ép ở bên nhau thì tình yêu giữa các bạn sẽ khiến người còn lại bị tổn thương, hoặc khiến họ nghẹt thở. Âu cũng là duyên phận.
Kỳ thực chúng ta chán ghét bạn đời là đang chán ghét chính mình hoặc đó chỉ đơn giản là cách bạn phản ứng lại khi không được thoả mãn nhu cầu của bản thân. Một tình cảm bình thường đa phần đều có sự yêu mến và chán ghét song hành.
Vậy nên cách tốt nhất để có thể chung sống hạnh phúc và bền lâu với người bạn đời là hoàn thiện và thay đổi chính mình, chứ không phải yêu cầu người khác thay đổi. Khi ấy bạn sẽ có một nội tâm mạnh mẽ và biết tự yêu thương chính mình mà không cần trông mong vào người bạn đời. Điều ấy cũng vô tình khiến nửa kia của bạn được là chính mình và biết ơn và trân trọng bạn nhiều hơn.
Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch