Năm nay, cùng với dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành thì Trung Quốc cũng xuất hiện rất nhiều dị tượng thiên nhiên bất thường, trong đó có hiện tượng “tuyết rơi tháng 6” xảy ra ở vùng Môn Đầu Câu thuộc khu vực ngoại ô Bắc Kinh. Hiện tượng hiếm gặp này đã bắt đầu xuất hiện kể từ năm 1999 cho đến tận hôm nay, hầu như mỗi năm nó đều xảy ra tại một khu vực khác nhau ở Trung Quốc. Cổ nhân nói “Thiên nhân hợp nhất”, ông Trời giáng xuống dị tượng hẳn đều có nguyên nhân.
Từ năm 2007 cho đến nay, hiện tượng “tuyết rơi tháng 6” từng xảy ra ít nhất ba lần: tỉnh Cam Túc tuyết rơi dày vào ngày 20 tháng 6, khu Tam Hoàn ở Bắc Kinh có tuyết rơi vào ngày 30 tháng 7, khu Hải Điến ở Bắc Kinh tuyết rơi dày vào ngày 6 tháng 8. Khoảng 2 giờ 20 phút trưa ngày 12 tháng 7 năm 2012, trời bỗng dưng đổ tuyết lớn tại vùng phụ cận khu cao ốc Bảo Lợi ở Nhị Hoàn, phía đông Bắc Kinh chỉ trong vòng vài phút đồng hồ, sau đó trời nắng chói chang trở lại.
Phải chăng “tuyết rơi tháng 6” chỉ đơn thuần là hiện tượng khí hậu bất thường? Văn hoá truyền thống tin rằng mỗi một sự việc xảy ra đều là biểu hiện của luật Nhân quả. Có người nói: “Tuyết rơi tháng 6, nhất định có nỗi oan thấu trời xanh!”. Trung Quốc hôm nay, có uẩn tình nào như vậy?
Từ nỗi oan của nàng Đậu Nga…
“Oan Đậu Nga” là một trong “tứ đại hý kịch” của Trung Quốc cổ đại. Chuyện kể về nàng Đậu Nga sống vào giữa thế kỷ 13, thời nhà Nguyên. Đậu Nga sớm mồ côi mẹ, phải bán thân vào nhà họ Thái làm dâu để cha nàng là Đậu Thiên Chương lấy tiền trả nợ và có tiền làm lộ phí để lên kinh dự thi. Đậu Nga tới nhà họ Thái chưa được hai năm thì cậu con trai nhà họ Thái qua đời. Về sau, hai cha con tên lưu manh vô lại Trương Lư Nhi vô tình cứu mạng Thái Bà, nhân tiện bèn lợi dụng cơ hội này để bước chân vào nhà họ Thái, đe dọa hai mẹ con Đậu Nga phải thành thân với chúng. Đậu Nga cương quyết cự tuyệt, Trương Lư Nhi không đạt được mục đích nên tính toán mưu kế đầu độc Thái Bà. Không may sự tình chuyển ngược, rốt cuộc cha của Trương Lư Nhi đã bị đầu độc chết.
Trương Lư Nhi đe dọa Đậu Nga nhưng nàng không hề bị lay động. Hắn ta bèn báo quan, đổ tội đầu độc cha mình cho Đậu Nga. Quan phủ vốn là một kẻ ngu ngốc, không có chút tài cán gì. Ông ta không những không thể rửa oan cho Đậu Nga, ngược lại còn mang hai mẹ con ra hành hình. Mặc dù bị đánh đập và sỉ nhục nhưng Đậu Nga vẫn cương quyết không nhận tội. Tuy nhiên, nàng không nỡ đứng nhìn mẹ chồng bị đánh đập tàn nhẫn nên đã tự mình chịu oan khuất mà nhận tội.
Lúc Đậu Nga bị đưa ra pháp trường xử tử là đúng vào tháng 6, trời nóng như thiêu đốt. Trước khi hành hình, Đậu Nga yêu cầu viên quan giám sát cho phép nàng treo một mảnh lụa trắng lên cột cờ, rồi lập lời thề với trời đất:
“Thứ nhất, nếu Đậu Nga thật sự phải chịu hàm oan thì khi đầu lìa khỏi cổ, máu của tôi sẽ không chảy xuống đất, mà sẽ bắn lên mảnh vải lụa đang treo ở trên kia.
Thứ hai, nếu Đậu Nga thật sự phải chịu hàm oan thì sau khi thân này chết đi, trời đổ tuyết dày ba thước phủ kín thi thể của tôi.
Thứ ba, nếu Đậu Nga chết phải chịu hàm oan thì vùng này sẽ gặp hạn hán lớn trong ba năm”.
Viên quan tham nhũng kia liên tục lắc đầu tỏ vẻ không tin, hắn ta lẩm bẩm nói: “Thật là ngu ngốc, hoang đường”. Trong tâm hắn ta thầm nghĩ: “Tháng 6 đang nóng như thiêu đốt thế này, không lý nào lại có tuyết rơi? Ta chỉ mới thấy máu chảy xuống đất, không lý nào máu lại bắn lên không trung?”. Sau đó, hắn ta bèn cho người treo mảnh lụa trắng dài ba thước lên cây cột cao ở pháp trường.
Kỳ lạ thay, lúc đao phủ hạ đao, máu của Đậu Nga bắn lên giữa không trung rơi trúng vào mảnh vải lụa đang treo. Quả thật là không có một giọt máu nào rơi xuống đất cả. Lúc đầu của Đậu Nga rơi xuống đất, cũng là lúc cuồng phong nổi lên, tuyết rơi đầy trời. Những người chứng kiến ở nơi hiện trường vốn đang nhễ nhại mồ hôi, bỗng dưng ai nấy cũng thấy rét run cả người. Sau đó, từng người lần lượt ra về và họ không ngừng xôn xao bàn tán về những chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Sau khi Đậu Nga chết, vùng đó quả thật đã xảy ra hạn hán lớn trong ba năm, mùa màng thất thu. Người dân ở đó hiểu ra chính là ông Trời đang lên tiếng bất bình thay cho Đậu Nga.
Nhiều năm sau đó, cha của Đậu Nga thi đỗ bảng vàng và được làm quan to. Lúc về quê thăm người thân, ông đã giở lại vụ án của Đậu Nga để minh oan cho con mình. Người trong làng nói với cha của Đậu Nga: “Chúng tôi sớm đã biết con gái ông bị oan, nhưng vì khiếp sợ quyền thế của tên tham quan kia nên chúng tôi chỉ dám phẫn nộ trong lòng, không dám nói ra miệng. Tuy chúng tôi không có làm hại gì đến Đậu Nga nhưng cớ sao lại phải gánh chịu ba năm hạn hán lớn?”.
Cha của Đậu Nga đáp lời: “Các người biết rõ Đậu Nga bị hàm oan nhưng lại không dám lên tiếng nói lời công đạo chính là bất nghĩa. Có người còn tin vào tên tham quan kia, cho rằng Đậu Nga thật sự đã giết người, dám nhạo báng trung lương chính là bất nhân. Ông Trời có mắt, không hề có tai họa vô cớ, hết thảy thiên tai nhân họa đều là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa!”.
Câu chuyện này muốn nhắc nhở người đời sau rằng con người sống trên thế gian nhất định phải phân rõ thị phi đúng sai, bảo vệ chính nghĩa, ức chế tà ác. Có nhiều khi người ta cho rằng bản thân mình và những việc xảy ra xung quanh không có quan hệ gì với nhau. Kỳ thực, chính vào lúc xảy ra việc nào đó, phản ứng của mỗi người cũng như phán đoán đúng sai trong tư tưởng của họ đã nói rõ sự lựa chọn giữa thiện và ác, ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của mỗi người.
Và nỗi oan của Viên Sùng Hoán…
Nếu như Oan Đậu Nga là câu chuyện kể về nhân vật trong một vở kịch, thì nỗi oan thiên cổ của Viên Sùng Hoán, vị anh hùng kháng Thanh vào cuối đời Minh, là việc xảy ra trong đời thực.
Vào những năm cuối, triều đình Đại Minh tỏ ra bó tay bất lực khi đối diện với quân Thanh xâm lược, vì để ứng phó chi phí quân lương trong các cuộc chiến ở Liêu Đông, một khoản chi gần 5,2 triệu lượng bạc đã được trưng thu cấp tốc trên toàn quốc vào thời điểm một năm trước khi Viên Sùng Hoán nhậm chức tri huyện. Khoản phí này tương đương với hơn 1/3 tổng số tiền thuế của cả nước. Người dân bị ép buộc đóng thuế vô cùng nặng nề. Mặc dù đã làm như vậy nhưng sự tình không chút khả quan, không gì có thể cản nổi đội quân tinh nhuệ của Đại Thanh do Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống lĩnh tiêu diệt hàng trăm nghìn quân Minh.
Người dân trong kinh thành tâm tình hoảng sợ, duy chỉ có Viên Sùng Hoán, bấy giờ là một quan viên lục phẩm dám dũng cảm đứng ra gánh vác đại cuộc. Ông thỉnh cầu hoàng đế Đại Minh cho mình mang theo 5.000 binh mã trấn thủ vùng Ninh Viễn nằm cách quan ải Sơn Hải 200 dặm về phía Bắc. Ông thống lĩnh đội quân lập nên phòng tuyến vững chắc, xây dựng tường thành kiên cố, hình thành một vùng quân sự trọng yếu để cho đội quân hùng mạnh trấn giữ bên ngoài quan ải Sơn Hải trong hơn 21 năm.
Đội quân của Viên Sùng Hoán đã giành được thắng lợi đầu tiên trên chiến trường Liêu Đông khi đối mặt với sự tấn công của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đồng thời lại giành chiến thắng trước quân của Hoàng Thái Cực ở Ninh Viễn và Cẩm Châu. Sự dũng mãnh và tài trí của Viên Sùng Hoán từng được người đời sau ca ngợi sánh ngang với những bậc tướng lĩnh yêu nước rạng danh trong lịch sử Trung Hoa như Nhạc Phi, Vu Khiêm…
Tuy nhiên, vào lúc Liêu Đông chuyển nguy thành an, hoàng đế Sùng Trinh tin nghe lời mật báo của hai tên thái giám đào tẩu khỏi quân Thanh, bèn cho triệu hồi Viên Sùng Hoán bấy giờ đang giữ chức tổng chỉ huy tuyến đầu chống lại quân Thanh quay về Bắc Kinh, rồi hạ lệnh bắt giữ Viên Sùng Hoán giam vào ngục với tội danh cấu kết mưu phản với quân Thanh.
Viên Sùng Hoán mắc phải nỗi oan tày trời. Hoàng đế Sùng Trinh tự mình hạ lệnh xử tử Viên Sùng Hoán, hơn nữa còn phải dùng hình phạt nặng nhất thời nhà Minh lúc bấy giờ là ‘lăng trì tùng xẻo’ với 3.600 nhát dao. Lăng trì tùng xẻo chính là trói phạm nhân vào cây cột rồi dùng dao xẻo từng thớ thịt. Nếu như người hành hình làm cho phạm nhân chết trước số nhát dao quy định thì người hành hình cũng bị xử phạt theo.
Trên pháp trường, Viên Sùng Hoán đã để lại di ngôn: “Sự nghiệp cả đời tan thành mây khói, công danh nửa đời như một giấc mộng. Sau khi ta chết không lo không có dũng tướng, tấm lòng son sắt bảo vệ Liêu Đông vẫn nguyên vẹn như xưa”. Trong quá trình xử lăng trì, ông không hề mở miệng cầu xin ban cho mình cái chết nhanh chóng, thể hiện ra khí chất chính trực cao ngút.
Ở nơi hành hình, nhiều người dân trong thành Bắc Kinh vốn được Viên Sùng Hoán hết lòng bảo vệ nay lại tranh giành thân xác ông như muốn ăn tươi nuốt sống, có người còn coi đó là niềm vinh dự để khoe khoang khoác lác.
Viên Sùng Hoán chết oan một phần là do có nhiều quan viên và bách tính ủng hộ đồng tình với lời cáo buộc. Các quan đại thần nghe theo mệnh lệnh của hoàng đế Sùng Trinh tố cáo Viên Sùng Hoán mưu phản, còn có nhiều người không phân rõ thị phi đúng sai cũng hùa theo. Bọn họ không những không lên tiếng nói lời công đạo, thậm chí còn tranh giành thân xác bị xử lăng trì của Viên Sùng Hoán.
Vương triều Đại Minh kéo dài 277 năm, tổng cộng xảy ra gần 100 trận ôn dịch, nhưng phần lớn ôn dịch chỉ xảy ra ở vùng châu phủ và huyện dịch; cường độ lây nhiễm không mấy nghiêm trọng. Duy chỉ có vào những năm cuối triều Minh, phạm vi và mức độ ôn dịch hoành hành đã được xếp vào loại hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc. Triều đình chiểu theo thói quen thông lệ, cũng tiến hành hỏi han oan tình, cho mời các đại thần can gián lên tiếng, và Sùng Trinh đã từng sáu lần viết “tội kỷ chiếu” (chiếu tự trách tội), nhưng hết thảy những việc này chỉ được làm theo hình thức bề mặt. Trên thực tế thì vẫn không phân rõ trung lương và gian thần, phán xét án oan liên miên không dứt.
Đến khi Viên Sùng Hoán bị xử lăng trì thì những việc làm thất đức bất nhân đã đi đến cực điểm. Hết thảy tội nghiệp được gom chung lại một chỗ, xem ra trận đại ôn dịch vào cuối triều Minh không hề xảy ra ngẫu nhiên! Phải chăng đó là sự trừng phạt của Thượng Thiên dành cho những việc làm thất đức ở chốn nhân gian?
Tháng 2 năm Sùng Trinh thứ 16, dịch hạch tấn công thành Bắc Kinh, toàn bộ kinh thành chìm trong ôn dịch, người chết nhiều không đếm xuể, chín trên mười hộ nhà đều bị bỏ hoang, không một bóng người. Người nhiễm bệnh tử vong trong vòng một hoặc hai ngày. Có người sáng mắc bệnh, đến chiều tối đã lăn ra chết. Còn có người đột nhiên chết ngay ở nơi hiện trường. Chốn đô hội phồn hoa xưa kia bỗng chốc hóa thân thành một ‘thành phố chết’.
Ông Trời không vô cớ giáng xuống tai họa. Ông Trời có mắt, từng ý niệm và tâm tình của nhân loại đều không thể thoát khỏi sự dõi nhìn của trời cao.
… Đến nỗi oan tày trời hôm nay
Nhắc đến “tuyết rơi tháng 6”, chúng ta không thể không nói đến trận tuyết dữ dội xảy ra vào năm 2001 ở Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc. Học viên Pháp Luân Công Tả Chí Cương, sinh sống ở thành phố Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc, bởi vì kiên định tu luyện, chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn làm một người tốt, không chịu vứt bỏ tín ngưỡng nên anh đã bị cảnh sát quốc bảo ở địa phương bắt giữ, tra tấn cưỡng ép nhận tội vào ngày 30 tháng 5 năm 2001. Trong ngày hôm đó, anh ấy đã bị đánh đập tàn nhẫn cho đến chết. Thi thể của anh đầy những vết thương tích trầm trọng, một bên mắt và tai chuyển thành màu tím đen, ở phía sau lưng ngang eo có hai lỗ thủng lớn hình chữ nhật (vết tích của việc mổ cướp nội tạng), và trên vùng cổ có vết dây thừng mỏng.
Ngày hôm sau, Cục phó phân cục công an Kiều Tây thông báo với cha mẹ của Tả Chí Cương về việc anh đã chết. Ông ta nói dối rằng Tả Chí Cương đã dùng áo sơ mi treo cổ tự vẫn. Vào ngày Tả Chí Cương bị bức hại, thành phố Thạch Gia Trang nóng như đổ lửa đột nhiên nhiệt độ hạ xuống thấp, tiết trời chuyển lạnh bất thường trong một giờ đồng hồ, sau đó tuyết rơi dày đặc ở huyện Linh Thọ thuộc tỉnh Hà Bắc. Người dân trong thành phố tỏ ra hết sức ngạc nhiên, đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán xôn xao: “Tuyết rơi tháng 6, nhất định có nỗi oan tày trời”.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một phương pháp tu luyện Phật gia dạy con người tu tâm dưỡng tính theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi bắt đầu truyền ra công chúng vào năm 1992, tới năm 1999 thì đã có khoảng 100 triệu người tu luyện tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân, đố kỵ với sự phổ truyền của Pháp Luân Công, lo sợ hoang tưởng rằng quyền lực của mình sẽ bị ảnh hưởng, nên đã vận động cả bộ máy đàn áp khổng lồ của ĐCSTQ để tiến hành “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, huỷ hoại thân thể” các học viên Pháp Luân Công. Cuộc bức hại bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1999 tới nay, nhiều học viên vô tội đã bị tra tấn đến chết hoặc tàn phế, nhưng nhiều người dân Trung Quốc và thế giới vẫn bị lừa dối và tin theo những lời bịa đặt phỉ báng Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Dựa trên số liệu thống kê chưa toàn diện, tính đến hết ngày 11 tháng 7 năm 2020, virus viêm phổi Vũ Hán đã khiến cho 550.000 người tử vong. Các quốc gia cho biết xu hướng diễn biến của dịch bệnh là không giống nhau. Vào ngày 2 tháng 7, bài nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên Tạp chí Cell cho biết hiện nay virus viêm phổi Vũ Hán đã biến hóa. Trong đó, một chủng đột biến của virus có tên là “D614G” với mức độ lây nhiễm tăng cao gấp 3 đến 6 lần. Giáo sư dịch tễ học Danny Altmann của Imperial College London cho biết tình huống trước mắt “hết sức đáng sợ”, ông còn nói rằng “rất khó cho việc tìm kiếm vắc-xin chữa trị”.
Đợt bùng phát dịch bệnh lần đầu chưa xong, thì đợt mới lại bắt đầu bủa vây tứ phía. Trước khi xảy ra bất cứ đại nạn gì thì đều có những hiện tượng dị thường xuất hiện, thiên tai vừa và nhỏ liên tiếp giáng xuống, động thực vật cũng trở nên thất thường. Thượng Thiên vẫn đang cấp cho con người cơ hội quay đầu, để những ai đáng được sống sẽ được cứu vớt. Tuy nhiên, cơ hội không thể kéo dài mãi. Trước đại nạn sắp sửa ập xuống đầu, thành tâm mong rằng nhân loại hãy nhanh chóng minh bạch chân tướng!
Theo Thanh Xuyên, Minh Huệ Net
Thanh Ngọc biên tập
Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc