“Tựa núi” (từ gốc: kháo sơn 靠山) là chỉ thế lực viện trợ về mặt nhân sự, là bệ đỡ phía sau một người. Từ này bắt nguồn từ một cơn thủy triều đen tối trong lịch sử triều Đường.
Phò mã được hoàng đế sủng ái
Vào những năm Khai Nguyên, thiên hạ thái bình, nhân sĩ quy tụ, Trương Nghị cũng là người thịnh danh trong số đó. Trương Nghị là con trai thứ hai của Trương Thuyết, tể tướng của triều Đường, anh ta kết hôn với công chúa Ninh Thân trở thành phò mã; huynh trưởng của anh ta, Trương Quân, là một hàn lâm học sĩ. Đường Huyền Tông tỏ ra rất sủng ái phò mã Trương Nghị, cho phép thiết lập nội trạch trong cấm cung và sống trong cung. Huyền Tông thích anh ta hầu văn chương, nhiều lần ban tặng bảo vật, nhiều không đếm xuể. Trương Nghị thường cho anh cả Trương Quân xem những báu vật mà mình đã nhận được, Trương Quân cười, nói đùa rằng: “Vị nhạc phụ này tặng quà con rể của mình, không phải là thiên tử ban tặng hàn lâm học sĩ”.
Vào giữa năm Thiên Bảo, Huyền Tông từng đến nội trạch của Trương Nghị, nói với Nghị: “Hi Liệt đã nhiều lần thỉnh từ chức khỏi vị trí cơ yếu của mình, ta đang chọn người thay thế ông ta. Con nghĩ ai phù hợp hơn?” Nghị cảm thấy kinh ngạc, còn chưa đợi anh ta trả lời, Huyền Tông tiếp tục nói: “Không ai có thể so sánh với phò mã yêu quý của ta”. Trương Nghị quỳ xuống bái tạ. Phúc trạch từ trên trời giáng xuống này chính là điều mà anh ta và anh cả Trương Quân mơ ước. Tuy nhiên, tể tướng Dương Quốc Trung khi biết chuyện thì cảm thấy bất mãn, vì vậy sau khi Trần Hi Liệt bị cách chức, ông ấy đã tiến cử Vi Kiến Tố lên thay Trần Hi Liệt, còn Trương Nghị thì sinh oán vì tâm nguyện chưa thành.
Giao hảo với An Lộc Sơn
Vào tháng đầu tiên của năm Thiên Bảo thứ mười ba, tiết độ sứ Phạm Dương An Lộc Sơn nhập triều. Đương thời, An Lộc Sơn rất được sủng ái vì có thành tích quân sự hiển hách trong việc đánh bại tộc Hề, tộc Khiết Đan và các bộ tộc Tiên Ti khác (bộ tộc Khiết Đan và Hề có cùng nguồn gốc, đến từ Tiên Ti). An Lộc Sơn có dã tâm, đòi chức quan bình chương sự. “Trung thư môn hạ bình chương sự” là chức vụ tể tướng. Tể tướng Dương Quốc Trung trong hội nghị đã đề xuất ý kiến, nói: “An Lộc Sơn tuy có công trạng quân sự, nhưng ông ta không biết chữ, nếu chính lệnh được giao cho ông ta chấp hành, tôi lo rằng ngoại tộc sẽ khinh thị quốc gia chúng ta”. Huyền Tông vì vậy chỉ gia phong ông ta làm tả bộc xạ, ban cho một nghìn hộ, nô tì mười phòng, một trang viên và một ngôi nhà, lại có chuồng ngựa, nhà xưởng và cung uyển.
Chức quan ‘bộc xạ’ được thiết lập từ thời nhà Tần. Thời cổ đại, quan võ rất được coi trọng, dùng người thiện xạ để giám sát mọi việc, sau thời nhà Hán, các triều đại đều dựa theo luật nhà Tần mà thiết lập chức quan này. “Hán Quan Nghĩa Chú” viết: “Bộc, chủ dã. Cổ giả trọng võ sự, mỗi quan tất hữu chủ xạ đốc khóa chi, cố danh”, ý tứ là nói, thời cổ đại, chức quan võ bộc xạ dùng để giám sát các quan viên; sau thời nhà Hán, nó được đổi tên thành thượng thư bộc xạ, dưới quyền của thượng thư, thời nhà Đường cũng như thế. An Lộc Sơn cầu quan nhưng chỉ được chức tả bộc xạ, thấp hơn tể tướng một bậc, tâm nguyện chưa thể thành đạt. Đương thời, Trương Nghị và An Lộc Sơn có mối giao hảo, nội trạch của Trương lại ở trong cung, vì vậy, anh ta có thể đã biết nội dung của cuộc thảo luận này và tiết lộ cho An Lộc Sơn.
“Tựa núi” khởi họa
Khi đó, thi tiên Lý Bạch đang nhậm chức trong triều. Một lần, Trương Nghị và Lý Bạch nói về mối giao vãng của họ với An Lộc Sơn. Lý Bạch nói thẳng với Trương Nghị: “Tôi nghĩ An Lộc Sơn có tâm mưu phản, dã tâm của hắn rất lớn, đến khi đó sẽ liên lụy đến ngài. Ngài nhất thiết không được ‘tựa núi’ (“núi” chỉ An Lộc Sơn), hay là vẫn cậy gần hoàng thượng đây!”
Khi An Lộc Sơn rời kinh đô trở về thủ địa, hoàng đế đã phái hoạn quan Cao Lực Sĩ tổ chức tiệc tiễn chân ông ta ở Ngạn Ba. Khi Cao Lực Sĩ trở lại Bắc Kinh, Huyền Tông hỏi ông ấy: “An Lộc Sơn có hài lòng không?” Lực Sĩ trả lời: “Từ vẻ ngoài không vui của ông ta, nhất định là vì biết rằng mình không có cơ hội làm tể tướng”.
Huyền Tông chuyển lời tới tể tướng Dương Quốc Trung, Dương Quốc Trung nói: “Việc bình nghị này người khác không thể biết, nhất định là Trương Nghị đã nói với ông ta”. Huyền Tông vì vậy đại nộ, đuổi anh em Trương Nghị toàn bộ ra khỏi triều đình, phong Trương Quân làm thái thú Kiến An, phong Trương Nghị làm tư mã quận Lư Khê, và Trương Thúc làm tư mã quận Nghi Xuân. Không lâu sau, hoàng đế lại triệu hồi Trương Nghị một lần nữa, thăng phò mã làm thái thường khanh.
Thời thái bình khởi loạn, lộ rõ lòng người phản trắc
Chẳng bao lâu, An Lộc Sơn khởi binh tạo phản chống lại triều đình, Đường Huyền Tông chạy sang đất Thục để tránh loạn.
Đương thời, các tể tướng Vi Kiện Tố, Dương Quốc Trung và ngự sử đại phu Ngụy Phương Tiến và những người khác tùy tùng hoàng đế, thế nhưng rất nhiều triều thần đã không đi. Khi đến thành Hàm Dương, hoàng đế hỏi Cao Lực Sĩ: “Hôm qua khi ta vội vàng rời kinh thành, các quan trong triều nhất thời không biết hành tung của ta. Hôm nay ai sẽ đến trước?”
Cao Lực Sĩ trả lời: “Anh em Trương Nghị luôn được quốc gia sủng ái, họ còn là quốc thích, vì vậy họ tất phải đến trước. Về phần Phòng Quản, ông ta luôn có danh tiếng tể tướng, và An Lộc Sơn cũng rất coi trọng ông ấy, có lẽ ông ấy sẽ không đến trước”.
Huyền Tông nói: “Sự tình khó dự trắc”. Chính vào ngày hôm đó, Phòng Quản đã đến hộ giá, Huyền Tông rất vui mừng. Sau đó hoàng đế hỏi về tình hình của anh em Trương Tuấn và Trương Nghị.
Phòng Quản trả lời: “Khi tôi rời kinh thành, tôi đã đến nhà của họ và yêu cầu họ cùng nhau xuất phát. Khi đó, Trương Tuấn nói với tôi: ‘Đã đến thành nam để lấy ngựa’. Từ thái độ đó mà xét, có vẻ như ông ta không vội đi”.
Quả nhiên, hai anh em Trương Nghị và Trương Tuấn đã không đến đất Thục để hộ giá, trái lại, họ đều đầu quân vào doanh trại của quân giặc An Lộc Sơn, tiếp thụ ngụy lệnh của An Lộc Sơn, trở thành quan viên trong doanh tặc. Trương Nghị được phong làm tể tướng của quân giặc.
Sau đó, khi Quách Tử Nghi dẫn quân theo Phụng Quảng Bình Vương (là Lý Thúc, con trưởng của Đường Túc Tông Lý Hanh) vào Đông Đô thu phục thành Lạc Dương, Trương Nghị cùng hơn 300 phản thần mặc thường phục đứng bên đường chịu tội. Sau khi Đường Túc Tông lên ngôi, niệm tình cũ của tiên đế dành cho Trương gia mà giảm tội hình, ban cho Trương Nghị tự vẫn trong nhà ngục Đại Lý Tự.
“Tựa núi” tốt nhất là núi nào?
Trương Nghị và những người anh em khác của Trương gia đều hám danh lợi, sẵn sàng vứt bỏ khí tiết của mình mà thông đồng với lũ giặc. Cha của họ, Trương Thuyết, là một danh tướng của đại Đường, toàn gia đình được ân sủng. Vào năm Khai Nguyên thứ mười bảy, Trương Thuyết đã được phong là thượng thư tả thừa tướng, tập hiền viện học sĩ. Vào ngày diễn ra sự việc, hoàng thượng đã ban cho ông ta hành chướng (lều trại của quan võ cao cấp khi đi dã ngoại hoặc hành quân), diễn tấu âm nhạc, phục vụ rượu thịt từ cung điện để ăn mừng, và hoàng đế cũng đã viết một bài ngự chế thi để mô tả lễ mừng. Lúc đó, con trai cả Trung Quân là trung thư xá nhân, còn con trai thứ Trương Nghị đã kết hôn với công chúa Ninh Thân, trở thành phò mã, được hoàng đế Huyền Tông sủng ái. Đương thời, nhà họ Trương được sủng ái, trong triều không ai bì kịp.
Anh em nhà họ Trương đầu óc choáng váng vì tham lợi, đều trở thành những kẻ vô lại, làm hoen ố vĩ nghiệp mà tổ tiên kiến lập, phụ bạc sự sủng ái của hoàng thượng, phản bội quốc gia, quay sang sơn tặc, dựa nhầm “núi”, kết cục hiện thế báo mà mất mạng, hủy hoại cuộc đời của chính mình, đồng thời cũng hủy luôn con đường của hậu đại.
Hậu nhân nói về “tựa núi”, từ này chính là xuất phát từ đoạn lịch sử Trương Nghị dựa vào An Lộc Sơn này. Bất kể sống ở thời thái bình, hay khi loạn thế, là một con người, có thể bảo trì được lương tâm của mình, không bị danh vọng bắt giữ, không bị lợi ích cám dỗ, không sợ cường quyền và áp bức, không sợ bị tà ác bức bách, chỉ khi đó, người ta mới có thể thực sự đảm bảo thái bình! Ngay cả khi bạn nhất thời bị tà ác hãm hại, bạn sẽ trong sinh mệnh chuyển sinh mà đắc được đền bù và phúc báo. “Tựa núi” tốt nhất trong xử thế, là dựa vào lương tâm của chính mình!
(Nguồn: Cựu Đường Thư)
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch