Theo Tam Ngũ lịch kỷ, vào thời kỳ viễn cổ cách đây đã xa lắm, khi đó chưa có nhân loại, cũng chưa có trời đất vạn vật, vũ trụ chỉ là một khối khí hỗn độn, không có âm thanh và ánh sáng. Tại trung tâm của vũ trụ có một khối đá, giống như quả trứng gà đang thai nghén sự sống, thâu được linh khí vũ trụ mà tạo thành bào thai. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần xuất hiện tiếng nổ ầm ầm rung chuyển làm khối đá nứt ra. Một vị Linh Chân ra đời, người là Thần mang hình hài của con người và được gọi là Bàn Cổ.
Khi vừa sinh ra, cảm thấy không gian vô cùng chật chội, người liền dùng một cây rìu phá tung khối hỗn độn và chia tách nó làm hai phần. Trải qua 18.000 năm, khí Dương Thanh dần dần bay lên cao trở thành bầu trời, khí Âm Trọc mỗi ngày đều rơi xuống thấp mà thành mặt đất. Bàn Cổ ở trong đó biến hóa vô tận, Ông ở trên trời là Thần, dưới đất là Thánh Nhân, cùng với trời đất là nhất thể, là linh khí của trời đất. Mỗi ngày Bàn Cổ lớn lên một trượng, cứ như vậy trải qua 18.000 năm, trời càng ngày càng được đội lên cao, đất ngày càng dày thêm, Ngài đầu đội trời chân đạp đất, cao lớn không gì sánh nổi. Trải qua những năm tháng dài đằng đẵng như vậy, mà hình thành trời đất như ngày nay.
Đây là phiên bản đầu tiên về câu chuyện Bàn Cổ khai thiên lập địa của Trung Hoa. Sau này, cùng với sự thay đổi của các loại quan niệm và năng lực tiếp nhận của con người, những câu chuyện truyền thuyết như vậy không ngừng bị sửa đổi và tạo thêm lớp vỏ bọc, bị cho thêm càng nhiều những nội dung mang tính thế tục, làm thần thoại trở nên nông cạn, ấu trĩ, mất đi đạo lý cao thâm sâu sắc. Người thường càng không dễ có thể nghe và hiểu được, những tình tiết trong đó càng trở nên ly kỳ.
Vì vậy, con người hiện đại ngày nay càng cho rằng đây có thể chỉ là sự tưởng tượng, khó lý giải tính chân thực trong đó bằng khoa học hiện đại. Tuy nhiên, trong Bát Tiên Đắc Đạo nổi tiếng của Vô Cầu Đạo Nhân đời Thanh, có đoạn đối thoại giữa Trương Quả Lão và Linh Quan cùng Trương thiên sư, dường như có thể giúp người ta hiểu được sự hỗn độn trong thời kỳ Bàn Cổ khai thiên lập địa, cũng qua đó cảm nhận và đoán biết được sự dự đoán với tình hình nhân loại ngày nay.
Hồi 80 trong Bát Tiên Đắc Đạo, Trương Quả Lão có dự ngôn đến tình trạng nhân loại nghìn năm sau chính xác tới làm người ta thán phục.
1. Chỉ biết cầu lợi bản thân, không cần liêm sỉ lễ nghĩa, quỷ mưu quỷ trí truyền lại cho con người; người và quỷ không có sự khác biệt, cả vũ trụ to lớn giống như thế giới của quỷ
Trương Quả Lão nhìn Nhị Linh Quan cười nói: “Người tài có thể nghe mà hiểu rõ. Nhị Công sở nói quỷ thế ngập trời, con người sẽ giống như ác quỷ, lời nói này nghe thật kinh hãi, kỳ thực tương lai chắc chắn sẽ có ngày như thế, bất quá chỉ đến sau 1000 năm nữa mà thôi”.
Về cơ bản, có thiện thì có ác, cũng là có âm thì có dương. Từ thuở sơ khai còn hỗn độn, con người đều rất tự nhiên chất phác, không có xảo trá, đều là người lương thiện. Cho đến hậu thế sau này, thì con người càng ngày càng trở nên xảo trá, mỗi ngày một ghê gớm hơn, nhân tâm đời này qua đời khác nguội lạnh đi từng từng ngày.
Đến lúc này đây là như băng giá cũng là lúc dương khí thế gian suy kiệt, âm khí đang ở thời kỳ thịnh vượng. Nhị công sở nói đó chính là lúc quỷ thế ngập trời.
Quỷ là thuộc về chí âm, con người trở nên quỷ quái, tất cả đều là đê tiện xấu xa và gian hiểm, giảo hoạt như những tên trộm. Trên thì quan không lo việc nước, chỉ biết nhận hối lộ. Cứ hối lộ là giải quyết được mọi việc, đút lót cả ban ngày ban mặt, chính là trở thành ma quỷ bóc lột nhân dân.
Thiên hạ trở nên vô đạo, phóng túng tình dục, người người chỉ lo cầu lợi cho mình, không kể gì đến liêm sỉ lễ nghĩa. Con người tiến gần đến với quỷ mà không biết, tùy ý mà phá rối, tuyệt nhiên không ai ngăn cản được.
Đó gọi là tâm địa của quỷ, lòng dạ của quỷ, mưu mô của quỷ, suy nghĩ của quỷ, tương lai từng việc từng việc sẽ bộc lộ ra. Cuối cùng là người và quỷ không còn khác biệt, vũ trụ to lớn hoàn toàn trở thành quỷ giới, nhưng đây đều là việc tương lai.
Bần đạo ước chừng trong khoảng 1500 năm nữa, nhìn chung cảnh tượng như thế sẽ tới. Hôm nay mà nói về nó thì hãy còn quá sớm mà thôi”.
2. “Nhân tâm lừa gạt, lẽ trời đảo lộn” là hỗn loạn thực sự
Thiên Sư nghe xong, cười nói: “Bạn cũ đường xa đến thăm hỏi kỳ thực ra là muốn được nghe chia sẻ”. Nghe xong Trương Quả Lão lại nở nụ cười và nói: “Lời này mọi người hôm nay nghe xong chắc đều cho rằng ta nói hơi quá. Nhưng ta quả quyết đó không phải là những tuyên bố vui đùa, thật sự là tương lai nhất định có ngày đó. Hết thảy trời đất đều thuận theo Đạo, không ngoài hai chữ âm dương. Dương thịnh thì âm suy, âm thịnh thì dương cũng ngừng. Các triều đại ngày xưa cũng vậy, lúc ổn định lúc loạn lạc, lúc thịnh lúc suy, chính là đạo lý này.
Trương Quả Lão chỉ vào chữ “Loạn” và luận: “Một đao một thương, người sống ta chết, hỗn chiến ở khắp bốn phương tám hướng chính là đại loạn, nhưng kỳ thực đó vẫn chưa tính là loạn thực sự. Bởi vì cái loạn này chỉ là loạn ở sự việc. Sự việc dù rằng loạn nhưng con người vẫn là con người. Một khi con người hóa thành quỷ, nhân tâm đều không còn mới chính là đại loạn thực sự. Tục ngữ nói: ‘Nhân tâm khi đảo, thiên đạo phản biến’ (lòng người đảo lộn, thiên đạo đảo ngược), tám chữ này đúng là lời chú thích chính xác cho thời kỳ này.”
3. Từ thời thượng cổ “Thời đại dương khí hỗn” đến ngày nay “Ô yên chướng khí, âm khí hỗn loạn”
“Đây thực sự là đại loạn, nhân thế loạn đến mức như vậy cũng là lúc những người tốt bị hãm hại, bị chà đạp đại diện cho dương khí của thời loạn thế, còn quỷ giới chính là âm khí của thời này. Trong đó phần dương khí ban đầu đã chuyển thành âm khí, trung gian chẳng thể tính là đã kinh qua mấy nghìn mấy vạn năm.
Đến thời kỳ đỉnh điểm của đại loạn này thì chỉ còn âm khí. Dương khí suy kiệt, âm dương đảo lộn như thế so với từ cổ chí kim là hoàn toàn khác hẳn. Thái cực dương vốn lương thiện dù biểu hiện ra bên ngoài thì vẫn còn hào nhoáng đẹp đẽ, nhưng bên trong đã mục rỗng, cảnh tượng khó diễn tả hết bằng lời.
Thái cực âm trở nên hỗn độn, vừa rối loạn vừa điên đảo, mơ hồ, không định rõ là gì, chỉ có chướng khí mịt mù. Nhân tâm thế gian lúc này đây có thể coi là cực loạn.
Sự khởi nguồn hỗn loạn trong nhân tâm không phải từ tác động bên ngoài. Đó là từ căn bản, không phải nhỏ nhoi nhất thời. Thời kỳ con người thiện lương như thời thượng cổ đã qua, đây chính là thời kỳ đại loạn.
Từ đây về sau, thiên địa chắc chắn hợp lại làm một. Đợi đến một giai đoạn khai sáng mới, khôi phục lại bản tính thiện trong con người, để lại bắt đầu một kỷ nguyên mới. Đạo trời chính là như thế, không thuận có được chăng?
Dù có trí tuệ to lớn như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Vương Mẫu Nương Nương, Tây Phương Phật Hòa Đông Phương Sóc, cũng không thể nào cứu vãn được sự biến hóa nhân tâm lúc này”.
4. Tại sao Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược?
Trương Quả Lão là một trong tám vị Tiên của Đạo gia. Theo ghi chép trong “Đường Thư”, Trương Quả Lão là một kỳ nhân có thực. Thời nhà Đường, Ông sống ẩn cư ở Trung Điều Sơn, Hằng Châu.
Các Hoàng đế nhà Đường là Đường Thái Tông, Đường Cao Tông, Võ Tắc Thiên vô cùng ngưỡng mộ ông. Họ đều từng nhiều lần mời ông rời núi để gặp mặt nhưng ông luôn luôn từ chối không gặp. Vua Đường Huyền Tông từng phái người đi tìm kiếm ông, cho xe ngựa đến đón ông vào cung, tỏ lòng thành kính và phong thưởng cho ông “Ngân thanh quang lộc đại phu”. Trong thời gian đó, Trương Quả Lão đã triển hiện ra rất nhiều thần tích làm chấn động trên dưới
Võ Tắc Thiên cũng đã cố gắng mời Trương Quả Lão tới. Để thoát lệnh này, ông giả bộ chết ở phía trước một ngôi đền. Khi đó là mùa hè nóng nực nên cơ thể ông sớm bắt đầu phân hủy và bốc mùi khủng khiếp. Võ Tắc Thiên nghe tin này, đã từ bỏ ý định. Nhưng ngay sau đó, có người thấy ông xuất hiện trong núi Hoàn Châu.
Trong dân gian có ghi chép, Trương Quả Lão mỗi ngày đi ra ngoài đều cưỡi một con lừa trắng, đi như bay. Con lừa của ông không ăn cỏ hay uống nước. Khi hoàng hôn, Trương Quả Lão vỗ vào con lừa của ông, và nó biến thành giấy. Sau đó ông mang cất nó đi. Sáng hôm sau, ông lại lấy tờ giấy con lừa ra khỏi túi, thổi nó lên, và nó lại biến thành một con lừa sống.
Mọi người đều biết, Trương Quả Lão có một đặc thù là rất thích cưỡi lừa ngược. Vì sao ông lại cưỡi lừa ngược?
Ông từng nói: “Một ngàn năm sau, trong xã hội sẽ xuất hiện hiện tượng, quan không lo việc nước, chỉ biết nhận hối lộ, mọi việc đều dựa vào hối lộ là được giải quyết, việc đút lót không còn lén lút nơi tối tăm, đúng là trở thành ma quỷ bóc lột dân. Trong dân chúng, hiếu đạo mất đi, phóng túng dâm loạn khởi xướng. Người người chỉ lo cầu lợi cho mình, không kể gì đến liêm sỉ lễ nghĩa nữa.”
Người đời sau vô cùng kinh ngạc vì lời tiên toán này ứng nghiệm với xã hội nhân loại ngày nay. Sau nhà Đường một nghìn năm, xã hội nhân loại đã trở thành đúng như vậy.
Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược bởi ông phát hiện thói đời, đạo đức nơi trần thế sau này đều trượt dốc, càng ngày càng rời xa Đạo, nhân loại càng phát triển, tiến về phía trước thì đạo đức càng bại hoại, thụt lùi. Cho nên, Ông cưỡi lừa ngược để điểm hóa cho con người đời sau, hy vọng hậu thế có thể hiểu được dụng ý của ông mà tìm lại bản tính thiện lương của mình.
Theo Văn Tự Mẫn, Sound Of Hope
Kiên Định biên dịch