Trung Thu này, hãy để tôi kể bạn nghe câu chuyện về những thiên thần bé nhỏ dưới đêm trăng…

Mùa thu của một ngày cách đây hơn 70 năm, khi Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan, cô bé Anne Frank phải lẩn trốn trong một căn gác hẹp để tránh sự truy lùng gắt gao của quân phát xít. Trên trang nhật ký nhỏ, em viết:

“Không gian như ngưng đọng. Bên ngoài, bạn không nghe chim hót, một sự im lặng ngột ngạt, khó thở, hãi hùng như bao trùm lấy căn nhà và bám vào tôi như muốn kéo tôi xuống vùng địa ngục sâu thẳm… Tôi chạy đến từng phòng, trèo lên xuống cầu thang và cảm thấy mình giống như con chim sơn ca gãy cánh đang nhảy nhót trong lồng sắt tối tăm. ‘Thả tôi ra, nơi có không khí mát ngọt và ca hát!’ một tiếng nói từ bên trong tôi đang réo gọi…” (Nhật ký của Anne Frank, ngày 29/10/1943)

Mùa thu của ngày hôm nay, bầu trời không một tiếng súng, đội quân phát xít cũng không còn. Khắp nơi người ta bày cỗ trông trăng, rước đèn ông sao, hát những khúc ca về chị Hằng.

Vậy mà, đằng sau cuộc sống có vẻ như yên bình ấy, trong màn đêm lạnh lẽo của những ngôi nhà hoang tàn vì cuộc khủng bố niềm tin, có những em nhỏ đang trải qua một Trung Thu đầy máu, nước mắt, và tuyệt vọng. Các em có cha mẹ mà phải trở thành trẻ mồ côi, có mái ấm mà không thể hạnh phúc, có nhà cửa mà không thể trở về.

Trong đêm Trung Thu tịch mịch này, các em sẽ không có cơ hội viết về nỗi đau của lòng mình. Bởi vậy, khi bạn đang sum vầy với gia đình trong ngày lễ đoàn viên, hãy để chúng tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về các em, những thiên thần bé nhỏ và kiên cường.

***

Lưu Hiểu Thiên là cậu bé sống tại thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cha mẹ em không giàu có, nhưng họ sống rất yên bình và hạnh phúc. Từ khi cha mẹ Hiểu Thiên bước vào tu luyện Pháp Luân Công, họ càng thêm kiên định niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, tiếng cười cũng chưa bao giờ ngớt trong ngôi nhà bé nhỏ của họ. Nhưng hạnh phúc ấy lại chẳng được dài lâu…

Vào một ngày tháng 11/2001, khi Hiểu Thiên đang trong lớp học, cảnh sát đã đến trường và nói với các thầy cô rằng cha mẹ em vừa bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong gia đình chỉ còn lại Hiểu Thiên, bởi vậy cảnh sát dự định sẽ bắt em đi. Hiểu Thiên may mắn chạy thoát ra khỏi lớp. Em trốn trong nhà kho của một người hàng xóm. Suốt đêm ấy, bóng tối như trải dài vô tận, em sống trong nỗi sợ hãi, cô đơn, và buồn tủi. Em nhớ cha mẹ lắm, nhưng nào biết cha mẹ ở nơi đâu? Giờ đây em không còn gia đình, không còn nhà cửa, chỉ có đêm tối lạnh lẽo và hãi hùng. Nước mắt ướt đẫm đôi má em, ác mộng cũng ám ảnh tâm trí em.

Phải vất vả lắm em mới được giúp đỡ và chạy trốn sang Đan Mạch. Giờ đây, đã trải qua rất nhiều thảm cảnh và lường gạt, Lưu Hiểu Thiên dẫu sống trên đất nước tự do nhưng trong lòng vẫn luôn sợ hãi. Đôi vai em run rẩy mỗi khi nhìn thấy cảnh sát. Một cụ già người Hoa đưa em vào trại tị nạn. Điều em sợ nhất là một ngày bị đưa về nước và rơi vào tay những cảnh sát Trung Quốc.

Xin hãy cho các em câu trả lời. Ảnh dẫn theo pinterest.com

***

Tại khu vực nhà máy Petroleum Số 6 của tỉnh Hắc Long Giang có một câu chuyện khiến người dân trong vùng đều xúc động. Chuyện kể rằng, hàng trăm gia đình nơi đây đang cưu mang một bé trai mồ côi vì cả cha và mẹ của em là đệ tử Pháp Luân Công bị giết hại. Kể từ khi cha em bị tra tấn đến chết vào 12/2002, em chỉ còn biết khóc khi đứng trước hộp tro tàn của cha. Khi các học viên Pháp Luân Công biết tin, họ lần lượt đưa em về nhà để nuôi nấng.

Các học viên nói với em: “Con ơi, nhà của các đệ tử Pháp Luân Công cũng là nhà của con, con là con của mọi người”.

Ảnh trái: Bé Dung Dung ở tuổi lên 3; Ảnh phải: cha mẹ của Dung Dung đều đã qua đời do chính sách đàn áp của ĐCSTQ. Họ cùng là những học viên Pháp Luân Công (Ảnh: En.minghui.org)

Cách đó khá xa, một bé gái tên là Dung Dung ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, cũng bất đắc dĩ trở thành cô nhi sau khi cha em bị tra tấn đến chết trong trại lao động cưỡng bức, còn mẹ em thì lưu lạc khắp nơi để tránh cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bất cứ khi nào nhớ về cha mẹ, em lại đứng lên một chiếc ghế nhỏ và kiễng chân lên, hôn vào chiếc hộp đựng tro xác của cha. Nếu có ai hỏi, em sẽ nói rằng cha em đang ở trên Thiên Đường.

***

Cha mẹ của bé gái Khai Tâm đều là học viên Pháp Luân Công, cả hai cùng bị chính quyền tra tấn và bức hại.

Bé Khai Tâm ôm bức hình của mẹ: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ!” (Ảnh: En.minghui.org)

Khi bà hỏi Khai Tâm: “Mẹ con đâu rồi?”

Em trả lời: “Mẹ con đi làm ở Quảng Châu”.

Khi bà không có mặt, bất cứ ai hỏi em: “Mẹ cháu đâu rồi?”

Em sẽ nói: “Mẹ cháu bị những người xấu bức hại”.

Và nếu họ hỏi: “Tại sao cháu không nói điều này với bà?”

Em lại trả lời: “Cháu sợ bà sẽ đau khổ và không thể sống nổi”.

Mỗi khi Khai Tâm nhìn vào bức hình của mẹ em trong danh sách “Các đệ tử Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết tại Quảng Châu”, em luôn tỏ ra bình tĩnh như không có điều gì xảy ra. Nhưng khi trong phòng chỉ còn lại một mình, em lại lặng lẽ cầm bức hình của mẹ và khóc một cách âm thầm.

***

Có lẽ không ở đâu như ở Trung Quốc, những đứa trẻ vô tội vẫn ngày ngày phải hứng chịu cuộc khủng bố tín ngưỡng, khủng bố niềm tin nhắm vào cha mẹ chúng, cũng chính là các học viên Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp đã biến những em nhỏ ngây thơ thành trẻ bơ vơ không nhà không cửa, biết bao em nhỏ phải lưu lạc khắp nơi góc biển chân trời. Lại một Trung Thu nữa đến, biết bao giờ các em mới được hưởng trọn vẹn một cái tết đoàn viên?

Còn nhớ năm 1974, khi đứng trước một hội nghị quốc tế, nhà văn Elie Wiesel từng phát biểu, đại ý rằng: Hãy để chúng tôi kể câu chuyện này – câu chuyện của những đứa trẻ, câu chuyện của bóng tối đã mãi mãi nuốt chửng sự sống và hy vọng…

Vậy thì đêm nay, dưới ánh trăng tròn vằng vặc, hãy để chúng tôi kể cho bạn nghe câu chuyện của những em nhỏ mồ côi ấy. Có những câu chuyện buồn khiến lòng bạn lắng lại, nhưng có thể đánh thức lương tâm của mỗi chúng ta, để trong đau khổ hy vọng sẽ lớn lên, và sự sống cũng nảy mầm…

Những thiên thần bé nhỏ và kiên cường. Ảnh dẫn theo falundafa-ga.org

***

Khi những em nhỏ phải đón Trung Thu trong cảnh sinh ly tử biệt, thì đâu đó nơi ngục tối giam giữ các tù nhân lương tâm, cha mẹ các em lại hướng về trăng tròn mà hát lên khúc hát nhớ thương con da diết.

Thay cho lời kết, xin gửi tặng các em – những thiên thần bé nhỏ và kiên cường dưới đêm trăng – bài hát của trái tim, bài hát của yêu thương:

Lời bài hát: Khúc hát nhớ con

Lời: Hùng Quân
Biểu diễn: Bạch Tuyết
Phối khí: Thác Ni 

Ông trăng tròn tròn, ánh trăng trong tựa nước,
Giang sơn ngàn dặm tràn ngập ánh sáng bạc,
Mẹ ở trong ngục ngước nhìn ánh trăng sáng.

Không biết bảo bối của mẹ đã ngon giấc chưa?
Những ngày tháng không có mẹ ở bên con đừng buồn nhé,
Hãy bình tâm đợi đến một ngày,
Những áng mây ngũ sắc sẽ bay khắp trời.

Ngủ đi ngủ đi, con yêu của mẹ,
Ở trong mơ mẹ con mình tựa vai nhau,
Để chúng ta kiên cường như đóa mai hồng trong mùa đông rét buốt.
Băng tuyết không đè đổ được, sương lạnh không làm tổn thương được.

Những ngày tháng không có mẹ ở bên con đừng buồn nhé,
Hãy bình tâm đợi đến một ngày,
Những áng mây ngũ sắc sẽ bay khắp trời.

Con yêu của mẹ đừng khóc nhé,
Mẹ tin vào Chân Thiện Nhẫn không có tội gì cả.
Mùa xuân hoa nở, mẹ đương nhiên sẽ về với con,
Lúc đó mẹ con mình lại bên nhau.

Những ngày tháng không có mẹ ở bên, con đừng buồn nhé,
Hãy bình tâm đợi đến một ngày,
Những áng mây ngũ sắc sẽ bay khắp trời.

videoinfo__video3.dkn.tv||4583b119f__

Hồng Liên