Người xưa nói: “Thấy người khác đạt được thì cũng giống như bản thân mình đạt được. Thấy người khác mất mát thì cũng giống như bản thân mình mất mát. Ai có tâm như thế, Thiên thượng nhất định sẽ bảo hộ”.

Nhưng trong cuộc sống, có những người thấy người khác đạt được thì uất hận khôn nguôi, thấy người khác mất mát thì mở cờ trong bụng. Khi cư xử với người, vì người khác trên phương diện nào đó vượt hơn mình, thì ấm ức trong lòng, tâm lý mất cân bằng, thậm chí còn sinh lòng đố kỵ, làm các việc ác để mưu hại người ta. Hậu quả do lòng đố kỵ sinh ra rất nghiêm trọng, hại người hại mình. Đồng thời với việc bức hại người khác, thì cũng đã định ra kết cục của bản thân mình rồi.

Người xưa nói: “Trong mệnh có, thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu”. Cái người khác có được mà mình không có được, thì không được vì vậy mà phẫn uất bất bình. Hãy nỗ lực tu dưỡng phẩm đức, làm nhiều việc thiện, ắt có thiện báo. Tại sao chỉ vì chút lợi ích cá nhân mà tâm không bình hòa, làm việc xấu, việc ác làm gì?

Lý Lâm Phủ đố kỵ người hiền tài, “miệng Nam Mô bụng bồ dao găm”, cuối cùng hại bản thân, gia đình cũng liên luỵ

Lý Lâm Phủ rất thâm hiểm, người đời khó mà biết được tâm tư của hắn. Hắn trước mặt người thì ca ngợi tâng bốc, mà ngầm hãm hại, xưa nay chưa từng lộ rõ qua lời ăn tiếng nói và sắc mặt. Hễ ai có quan hệ thân mật với Đường Huyền Tông, khi địa vị quyền thế lên gần tới hắn, thì hắn nghĩ muôn phương ngàn kế trừ khử.

Lý Lâm Phủ là một trong những đại gian thần khét tiếng nhất trong lịch sử. (Ảnh: youtube.com)

Năm Khai Nguyên thứ 24 (năm 736), Đường Huyền Tông muốn gia phong cho Ngưu Tiên Khách làm tiết độ sứ Sóc Phương, đồng thời để ông ta kiêm chức Thượng thư. Tể tướng Trương Cửu Linh cho rằng, Ngưu Tiên Khách học thức không cao, ra sức can gián, khiến Huyền Tông không vui. Lý Lâm Phủ nói riêng với Huyền Tông rằng: “Chỉ cần có tài năng, cần gì đầy bụng kinh luân. Thiên tử dùng người, có gì là không được”.

Đường Huyền Tông sau đó lấy lý do kết đảng đã bãi chức tể tướng của Trương Cửu Linh và Bùi Diệu Khanh, bổ nhiệm Lý Lâm Phủ và Ngưu Tiên Khách làm tể tướng. Lý Lâm Phủ được bổ nhiệm làm Trung thư lệnh, Tập hiền điện Đại học sỹ, Tu quốc sử. Sau này, Giám sát Ngự sử Chu Tử Lượng tấu rằng, Ngưu Tiên Khách không có tài làm tể tướng, bị Huyền Tông đánh gậy chết. Lý Lâm Phủ lại thừa cơ tấu, nói rằng Chu Tử Lượng là Trương Cửu Linh tiến cử. Trương Cửu Linh lại bị giáng chức làm Trưởng sử Kinh Châu.

Lý Lâm Phủ lại nổi lòng nghi kỵ đối với Dương Thận Căng, người đang có địa vị ngày càng tăng. Hắn tiến cử Vương Cung làm Ngự sử Trung thừa để làm tâm phúc. Vương Cung vốn bị Dương Thận Căng khinh bỉ, nên có oán hận trong lòng, bèn phao tin đồn dưới sự thao túng của Lý Lâm Phủ, rằng Dương Thận Căng là chắt của Tùy Dạng Đế, cấu kết các thuật sỹ, bí mật cất giữ sách sấm, mưu đồ khôi phục triều Tùy. Đường Huyền Tông nổi giận, tống giam Dương Thận Căng, lệnh cho ba Ty hội thẩm. Lý Lâm Phủ còn lén tạo tang chứng hãm hại, lệnh cho Điện trung thị Ngự sử Lô Huyễn Tụ giấu sách sấm, nói là tìm thấy ở nhà Dương Thận Căng. Cuối cùng, Dương Thận Căng bị diệt cả gia tộc.

Năm Thiên Bảo thứ 8 (năm 749), Thái thú Hàm Ninh là Triệu Phụng Chương vạch trần hơn 20 điều tội trạng của Lý Lâm Phủ. Kết quả tội trạng còn chưa trình lên hoàng thượng, Lý Lâm Phủ đã biết. Hắn liền lệnh cho Ngự sử đài bắt Tiệu Phụng Chương, gán cho tội yêu ngôn dùng gậy đánh chết.

Chương thứ 31, Đường kỷ, sách Tư trị Thông giám có ghi chép: Lý Lâm Phủ làm Tể tướng, hễ những người có tài năng, công trạng hơn mình và người được hoàng thượng hậu đãi, người vị thế gần tới hắn, hắn ắt sẽ dùng muôn phương ngàn kế trừ khử. Hắn đặc biệt đố kỵ những người tài văn học. Hắn bề ngoài thì tỏ vẻ thân thiện với người ta, dùng lời ngon ngọt hoa mỹ khen ngợi, nhưng bên trong lại ngấm ngầm hãm hại. Người đời gọi Lý Lâm Phủ là “miệng Nam Mô bụng bồ dao găm”.

Lý Lâm Phủ luôn tìm cách để trừ khử người tài. (Ảnh: youtube.com)

Đại ý là, Lý Lâm Phủ đảm nhiệm chức tể tướng, đối với bá quan trong triều, hễ có người có tài năng hơn, công trạng lớn hơn mình mà lại được Huyền Tông sủng tín, hoặc quan cao gần chức vụ mình, thì hắn nhất định sẽ nghĩ muôn ngàn phương thức để trừ khử người đó. Hắn đặc biệt đố kỵ căm hận người có tài văn chương lại làm quan. Vẻ bề ngoài hắn thân thiện, nói lời dễ nghe, nhưng lại ngấm ngầm âm mưu hãm hại.

Đường Huyền Tông có lần ở Cần Chính Lâu kéo rèm xem nhạc vũ. Binh bộ Thị lang Lô Huyến cho rằng Huyền Tông đã rời đi nên giơ roi đánh ngựa chậm rãi chạy qua dưới lầu. Lô Huyến phong độ thanh thoát, Huyền Tông khen ngợi mãi. Lý Lâm Phủ biết được, lo lắng Lô Huyến được Huyền Tông trọng dụng, liền cho gọi con trai của Lô Huyến đến, nói với anh ta rằng: “Cha cậu rất có danh vọng, các vùng Giao Châu, Quảng Châu của Lĩnh Nam hiện nay đang thiếu quan có năng lực, Bệ hạ có ý cho cha cậu đi. Nếu ông ấy không muốn đi xa đến Lĩnh Nam, khẳng định sẽ bị giáng chức. Ta có chủ ý cho cậu, chi bằng để ông ấy đến Đông đô Lạc Dương làm Thái tử Tân khách hoặc Thái tử Chiêm sự. Đây cũng là chức vụ thanh quý hiển đạt”.

Lô Huyễn quả nhiên không muốn đi Lĩnh Nam, bèn theo kiến nghị của Lý Lâm Phủ, chủ động đến Lạc Dương nhậm chức. Lý Lâm Phủ lại sợ trái với nguyện vọng của mọi người, bèn bổ nhiệm Lô Huyến làm Thứ sử Hoa Châu. Không lâu sau lại tấu lên Huyền Tông, nói Lô Huyến bị bệnh, không thể làm việc, lại giáng ông xuống làm Chiêm sự, Viên ngoại Đồng chính.

Đường Huyền Tông đã từng hỏi Lý Lâm Phủ: “Nghiêm Đĩnh Chi hiện nay ở đâu, người này có thể dùng được”. Nghiêm Đĩnh Chi trước đó bị giáng chức ra khỏi cung đình, lúc này đang ở Giáng Châu làm Thứ sử. Lý Lâm Phủ lo lắng Đĩnh Chi lại được trọng dụng, bèn triệu kiến em trai Đĩnh Chi là Nghiêm Tổn Chi, nói rằng: “Bệ hạ vô cùng kính trọng anh trai ông, sao không bảo anh trai ông dâng thư, nói là bị bệnh phong, xin về kinh chữa trị. Như thế này ông ấy có thể được trở về triều đình”.

Đường Huyền Tông mến tài Nghiêm Đĩnh Chi, Lý Lâm Phủ lại nghĩ cách để không cho Đĩnh Chi vào cung. (Ảnh: youtube.com)

Nghiêm Đĩnh Chi không biết là kế, quả nhiên nghe theo lời Lý Lâm Phủ, Nghiêm Đĩnh Chi viết thư dâng Huyền Tông. Sau khi Lý Lâm Phủ có được bản tấu thư của Nghiêm Đĩnh Chi, bèn nói với Huyền Tông rằng: “Nghiêm Đĩnh Chi tuổi đã cao, gần đây bị chứng phong, nên cho ông ta một chức quan nhàn nhã, để ông ta yên tâm dưỡng bệnh”. Huyền Tông tiếc than rất lâu, rồi chuyển Nghiêm Đĩnh Chi đến Lạc Dương làm Chiêm sự (một chức quan giúp việc Thái tử).

Lý Thích Chi được làm tể tướng thì bị Lý Lâm Phủ tránh quyền. Lý Lâm Phủ nói với Lý Thích Chi rằng: “Núi Hoa Sơn có mỏ vàng, khai thác được sẽ làm giàu quốc gia, nhưng hoàng đế lại chưa biết”. Lý Thích Chi trong một lần thiết triều đã tấu lên Huyền Tông về mỏ vàng núi Hoa Sơn. Huyền Tông hỏi Lý Lâm Phủ, Lý Lâm Phủ nói: “Thần đã biết từ lâu rồi, nhưng núi Hoa Sơn là núi bản mệnh của Bệ hạ, là nơi tích tụ vương khí, không lên khai thác đào bới, do đó thần không đề cập đến”. Đường Huyền Tông cho rằng Lý Thích Chi suy nghĩ sự việc không chu đáo, giận dữ nói với Thích Chi: “Ngươi sau này tấu sự việc, phải thương lượng trước với Lý Lâm Phủ, không được tự mình đưa chủ trương”. Lý Thích Chi từ đó dần dần bị thất sủng.

Sau này Dương Quốc Trung đắc thế, Lý Lâm Phủ lại tìm thời cơ bài xích loại bỏ Dương Quốc Trung. Đường Huyền Tông khi đó rất tín nhiệm Dương Quốc trung, Lý Lâm Phủ biết được phẫn uất sinh bệnh. Sau đó bệnh tình nghiêm trọng thêm, rất mau chóng lìa đời. Năm Thiên Bảo thứ 12 (năm 753), Dương Quốc Trung và An Lộc Sơn hợp mưu, vu cáo Lý Lâm Phủ và viên tướng phản loạn A Bố Tư kết giao phụ tử, cùng nhau mưu phản.

An Lộc Sơn còn bố trí viên hàng tướng người bộ lạc A Bố Tư về triều đình làm chứng. Đường Huyền Tông lệnh cho Hữu tư thẩm lý. Con rể của Lý Lâm Phủ là Dương Tề Tuyên lo sợ bị liên lụy liền phụ họa theo Dương Quốc Trung, cũng ra mặt làm chứng. Lúc đó, Lý Lâm Phủ vẫn chưa an táng, bị lột hết quan tước, tịch thu gia sản, con cái bị đưa đi lưu đày ở Lĩnh Nam, Kiềm Trung (Quý Châu), hơn 50 người bè cánh bị giáng chức. Đường Huyền Tông còn lệnh cho người mở quan tài Lý Lâm Phủ, móc viên ngọc châu ngậm trong miệng ra, lột sạch triều phục vàng tía, thay dùng lễ an táng thường dân với quan tài nhỏ.

Lý Lâm Phủ đố kỵ người hiền tài có thể nói là lên đến cực điểm, những quan tướng bị hắn hãm hại chết hoặc phải giáng chức vô cùng nhiều. “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, cái kết của Lý Lâm Phủ đã thể hiện một cách chân thực đạo lý này. Lý Lâm Phủ đi đến cuối đường đời vẫn không nhận ra rằng, kết thúc lại thê lương bi thảm thế này, đúng là thiện ác cuối cùng rồi cũng sẽ có báo ứng. Lòng đố kỵ của Lý Lâm Phủ, “miệng Nam Mô bụng bồ dao găm”, cũng đã để lại tiếng xấu muôn đời lưu truyền sử sách. Lòng đố kỵ quả là hại con người ta không hề nhỏ.

Lịch sử đã hết lần này đến lần khác nhắc nhở chúng ta rằng: làm người thì phải trừ bỏ lòng đố kỵ, làm người lương thiện đường đường chính chính, quang minh lỗi lạc, Trời ắt sẽ phù hộ. (Ảnh: dkn.tv)

Trong Chu Tử trị gia cách ngôn có viết: “Người ta có việc đáng vui mừng, thì không được sinh lòng đố kỵ. Người ta có họa hoạn, thì không được sinh lòng vui thích”. Lấy lịch sử làm gương, lòng đố kỵ không thể không trừ bỏ đi, vì quả ác do lòng đố kỵ sinh ra vô cùng lớn. Người càng quyền cao chức trọng, quả ác do lòng đố kỵ sinh ra càng lớn, gây ra hậu quả càng ác liệt, hại người cuối cùng hại chính mình.

Lòng đố kỵ hại người hại mình. Lịch sử đã hết lần này đến lần khác nhắc nhở chúng ta lấy đó làm gương, làm người thì phải trừ bỏ lòng đố kỵ, làm người lương thiện đường đường chính chính, quang minh lỗi lạc, Trời ắt sẽ phù hộ. Những người “thớt có tanh tao ruồi mới đậu”, lộng hành lạm quyền, lừa dối, hãm hại người khác đều không có kết cục tốt đẹp. Sống hòa thuận thiện lương với tâm thái bình hòa, nỗ lực tu dưỡng bản thân, cuộc đời như vậy sẽ càng thành công và an lành hơn.

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch