Ngày trước, khi Tôn Ngộ Không đến Đông Hải long cung tìm kiếm binh khí, cái cây Định hải thần châm nặng đến 1 vạn 3 nghìn 5 trăm cân, Ngộ Không xách gọn trong tay, cũng không cảm thấy nặng bao nhiêu. Còn một chiếc bình Tịnh Thủy nhỏ bé như vậy, giờ lại không tài nào nhấc lên được.
Trong các bức họa truyền thống, trong tay Quán Âm Bồ Tát đều cầm một chiếc bình Tịnh Thủy, trong bình có cắm một cành dương liễu. Quán Âm Bồ Tát trong “Tây Du Ký” đến Trường An tìm người lấy kinh, Ngài nhìn thấy Kính Hà Long Vương bị chém đầu gây phiền hà cho Thái Tông, từ trong chiếc bình lấy ra một cành dương liễu phất nhẹ một cái, đuổi con rồng nghiệp chướng, cứu thoát vua Đường.
Ở Ngũ Trang quán, Ngộ Không đánh đổ cây nhân sâm, Bồ Tát đã dùng nước trong chiếc bình Tịnh Thủy và cành dương liễu cứu sống cây tiên. Vì để cứu Đường Tăng, hàng phục Hồng Hài Nhi, Bồ Tát đã dùng nước trong bình Tịnh Thủy dập tắt Tam muội chân hỏa. Nói chung, chiếc bình Tịnh Thủy của Bồ Tát thật đúng là thần kỳ!
Nước cam lồ trong bình Tịnh Thủy có thể khiến cho cây tiên sống lại
Trên hành trình đến Tây Thiên thỉnh kinh do Đường Tăng dẫn đầu, một ngày kia, bốn thầy trò ghé qua Ngũ Trang quán, núi Vạn Thọ. Trong núi có một cây nhân sâm, cũng gọi là “Thảo hoàn đơn”, là cây báu của Trấn Nguyên đại tiên. Cây này ba nghìn năm nở hoa một lần, ba nghìn năm sau đó mới kết quả, hơn nữa mỗi lần chỉ kết được 30 quả. Thần tiên bình thường nếu muốn ăn được quả nhân sâm, cần phải đợi đến 1 vạn năm, hơn nữa chỉ ăn một quả, thì có thể sống đến 47 nghìn năm. Người bình thường nếu có duyên, chỉ cần ngửi quả đó một cái, cũng có thể sống được thêm 360 năm.
Một vật báu có một không hai như vậy, lại bị Tôn Ngộ Không đánh ngã.
Trấn Nguyên đại tiên bắt trói Đường Tăng không thả, trừ phi bồi thường lại cây tiên cho ông. Cây nhân sâm này, là gốc thiêng được sinh ra ngay từ khi trời đất mở mang, Trấn Nguyên đại tiên lại là ông tổ của Địa tiên, ngay đến cả Bồ Tát còn phải kính nể ông ba phần. Ngộ Không đi khắp ba đảo mười châu tìm kiếm phương thuốc cứu chữa cho cây tiên. Rất nhiều Thần tiên trong ba đảo mười châu đều không có đạo hạnh cao như Trấn Nguyên đại tiên, ai cũng không có cách để cứu sống cây thiêng bị đánh đổ này.
Cuối cùng, Ngộ Không đành phải đến cầu cứu Quán Âm Bồ Tát. Bồ Tát nói, nước cam lồ trong chiếc bình Tịnh Thủy này có thể cứu sống được cây tiên. Ngộ Không hỏi: “Thế Ngài đã chứng nghiệm bao giờ chưa?” Bồ Tát nói: “Chứng nghiệm rồi. Trước kia, Thái Thượng Lão Quân có đánh cuộc với ta: ngài bẻ một cành dương liễu của ta bỏ vào lò luyện đơn, đốt cháy khô sém, rồi lại đưa trả ta, ta cắm vào trong bình, qua một ngày đêm cành lá lại xanh tươi như cũ”. Ngộ Không nghe vậy, cười thầm nói: “Thực là hay quá, hay quá! Đốt khô sém vẫn còn chữa được, huống hồ cây mới quật đổ thì dễ như bỡn!”.
Bồ Tát đã dùng nước trong chiếc bình Tịnh Thủy cứu sống cây báu của Trấn Nguyên đại tiên.
Dung lượng của chiếc bình lớn bao nhiêu?
Trong các bức tranh vẽ bình thường, mọi người nhìn thấy trong chiếc bình Tịnh Thủy nhỏ bé chỉ cắm một cành dương liễu, còn dung lượng của nó lớn bao nhiêu, mọi người lại không biết được. Trong “Tây Du Ký”, Ngộ Không đã được tận mắt chứng kiến dung lượng của nó, thật lớn đến nỗi khiến người ta sửng sốt khó tin.
Hồng Hài Nhi – con trai của Ngưu Ma Vương bắt mất Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đến ứng cứu, ngược lại bị Tam muội chân hỏa của tiểu yêu thiêu đến thập tử nhất sinh. Xin Long vương giáng mưa cũng không dập tắt được ngọn lửa, đành phải mời Bồ Tát ra mặt.
Bồ Tát ném chiếc bình xuống biển, một lúc sau chiếc bình được một con quái vật đội lên mặt nước. Bồ Tát lệnh cho Ngộ Không lấy chiếc bình. Ngộ Không cảm thấy kỳ lạ, chiếc bình Tịnh Thủy nhỏ như vậy, sao lại dù có cầm thế nào cũng không nhấc lên nổi, giống như chuồn chuồn lay cột đá vậy, không chút nhúc nhích.
Ngày trước, khi Tôn Ngộ Không đến Đông Hải long cung tìm kiếm binh khí, cái cây Định hải thần châm nặng đến 1 vạn 3 nghìn 5 trăm cân, Ngộ Không xách gọn trong tay, cũng không cảm thấy nặng bao nhiêu. Còn một chiếc bình Tịnh Thủy nhỏ bé như vậy, giờ lại không tài nào nhấc lên được.
Thì ra, Bồ Tát ném chiếc bình vào trong biển, chỉ trong trong chốc lát, nước tất cả các khe ngòi đầm lạch, nước cả một đại dương đều được mượn chảy vào trong chiếc bình ấy. Bồ Tát dùng nước trong chiếc bình Tịnh Thủy dập tắt Tam muội chân hỏa của Hồng Hài Nhi, cứu thoát Đường Tăng.
Bình Tịnh Thủy có thể dùng làm binh khí
Bình Tịnh Thủy ngoài những công hiệu kể trên ra, còn có thể dùng làm binh khí. Năm xưa, khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, Bồ Tát tiến cử Nhị Lang Thần bắt giữ yêu hầu. Nhị Lang Thần thần thông quảng đại vây chặt yêu hầu, Bồ Tát thấy vậy, muốn giúp Nhị Lang Thần một tay.
Lão Quân hỏi: “Bồ Tát bắt hắn bằng thứ binh khí nào?”. Bồ Tát đáp: “Tôi định đem bình dương liễu ném xuống đánh con khỉ, dẫu nó không chết cũng đánh cho ngã để Tiểu thánh Nhị Lang dễ bề bắt lấy”.
Lão Quân lo lắng, chiếc bình của Bồ Tát chỉ là món vật bằng sứ, ném trúng yêu hầu thì được, còn như ném không trúng người, mà trúng vào cây gậy sắt của nó thì vỡ mất.
Nghe Lão Quân nói vậy, bình Tịnh Thủy của Bồ Tát là đồ sứ, nhưng lại ngay trong những lúc Đường Tăng gặp nạn, lần nào cũng đều phát huy tác dụng siêu thường. Vì sao chiếc bình sứ trong tay của Bồ Tát lại có thể phát huy được tác dụng lớn như vậy?
Một chiếc quạt rách, khi ở trong tay của Tế Công, phẩy nhẹ một cái về phía những kẻ ác, lại có thể chặn đứng những kẻ tà ác; một cành liễu bình thường, khi ở trong tay Bồ Tát, phẩy một cái lại có thể trị liệu bệnh tật, xua đuổi con rồng nghiệp chướng. Đằng sau sự thần kỳ này, vốn không phải là bản thân những pháp khí này cao minh thế nào, mà là người chủ sử dụng nó đạo hạnh cao thâm đến đâu.
Chắc hẳn như vậy: Trong cảnh giới của Bồ Tát, dù là Bồ Tát dùng pháp khí gì, điều triển hiện ra đều là pháp lực trong cảnh giới của Bồ Tát. Ở quả vị La Hán, không kể dù là vị La Hán đó dùng pháp khí gì, điều khởi lên đều là tác dụng của một tầng thứ La Hán đó. Còn ở quả vị của Phật, Phật Đà dù chỉ dùng một cái bát hóa duyên trông thật tầm thường, nhưng điều mà nó triển hiện ra cũng nhất định là pháp lực trong cảnh giới của tầng thứ Phật. Nguyên nhân thật sự hẳn là vậy chăng?
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Phi Long biên dịch