Trẻ tuổi đã nhận chức quốc sư, lại là trụ trì chùa Trúc Lâm có mấy nghìn tăng ni, vua quan có ý thử đạo hạnh của sư nhưng lại bị người không ngay biến báo hãm hại. Thiên Địa chứng giám, một lời của sư đã khiến kỳ tích xảy ra…

Thiền sư Huyền Quang là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Trần, ông là đệ tử của vua Trần Nhân Tông, là tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được coi là một đại thiền sư của Việt Nam và được coi ngang hàng với Lục tổ Thiền tông Trung Quốc nổi tiếng.

Theo truyện ghi lại trong Tam tổ thực lục, mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần (1254), vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy “các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: ‘Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa'”. Vì thế năm ấy khi Lê Thị sinh được một bé trai, liền đặt tên là Lý Tái Đạo.

Nhân duyên lỡ dở vì nghèo, đến khi đỗ Trạng lại nhiều mối theo

Mặc dù nhà rất nghèo, nhưng cha mẹ Tái Đạo luôn cố công cố sức làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học. Chàng học một biết mười, thông minh hơn người. Khi đến tuổi lấy vợ, cha mẹ đã dạm ngõ một cô gái con nhà khá giả ở trong vùng. Nhưng vì nhà nghèo nên chàng đi ở rể.

Trải mấy năm trời, chàng đã từng sêu tết (đem đồ lễ đến biếu nhà gái trong những dịp tết, khi chưa cưới) và đi làm rể bên nhà vợ khá là vất vả. Cho đến ngày gia đình sắm lễ vật xin cưới thì đột nhiên bên nhà gái trở mặt, trả lễ lại và từ hôn. Tái Đạo lấy làm buồn lòng vì thói đời tráo trở, chàng càng đau khổ hơn khi thấy cô gái thuận lấy người cháu họ một viên an phủ sứ.

Sau đó, cha mẹ chàng lại tìm cho con một đám khác, nhưng cuộc nhân duyên lần này cũng dở dang, chỉ vì nhà gái chê nhà trai không có mả làm nên, không phải là nơi nương tựa. 

Từ khi thất bại về đường tình duyên, chàng lại càng nỗ lực về đường kinh sử. Vốn thông minh hơn người, chàng thi đậu ở trường thi quê nhà, rồi vào thi đình đậu luôn Trạng Nguyên.

Nghe tin Tái Đạo đậu Trạng Nguyên, có mấy tay phú hộ ở quanh vùng bắn tin cho con gái đến tuổi lấy chồng kèm theo cả một tư cơ đồ sộ. Một ông quan lớn ở kinh kỳ cũng mời quan tân khoa về thái ấp mình để xem mặt cô con gái yêu tuổi vừa đôi tám. Tiếp đó, ngày chàng vào kinh để nhậm chức, một viên quan nội giám đến gặp riêng chàng và rỉ vào tai:

– “Hoàng hậu đang kén phò mã cho công chúa ba đấy. Nếu quan Trạng muốn, thì việc tốt đẹp nhất định phải thành”.

Thấy tính đời như vậy, Tái Đạo ngửa mặt lên trời mà than rằng:

“Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên”.

Than đoạn, chàng nguyện sống suốt đời sẽ không lấy vợ, nhất quyết từ chối mọi hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng cuộc đời danh vọng của Tái Đạo cũng không làm chàng thấy vui lòng. Nhìn thấy những cảnh phức tạp nơi quan trường, chàng càng thấy buồn khổ, tuy trong triều chàng là một người liêm khiết, chính trực rất được vua tin yêu.

Nhớ lại duyên tu 

Một lần, chàng cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng Phật pháp, trong tâm chấn động như nhớ lại duyên xưa. Khi trở về chàng đã đệ đơn lên vua xin từ chức để đi tu, lấy tên là Huyền Quang. Bấy giờ cha mẹ chàng đều đã qua đời.

Vua không thể nào bắt ép ý chí của chàng được đành đồng ý. Huyền Quang tu hành rất chăm chỉ. Chẳng bao lâu, chàng thông thuộc tất cả kho tàng kinh sách của nhà Phật. Nhờ có học vấn không ai bì kịp, Huyền Quang được nhà vua ban cho danh hiệu quốc sư. Vua còn cho chàng trông nom thư viện Trúc Lâm và cho trụ trì ở một ngôi chùa lớn cai quản hàng mấy nghìn tăng ni. Còn ít tuổi như chàng được trở thành quốc sư, người đời bấy giờ coi là việc hiếm có.

Ảnh: Pixabay.

Vua Anh Tông lúc đó mới lên ngôi, thấy vị tổ Trúc Lâm là một người còn ít tuổi, nhưng đạo hạnh cao thâm uyên bác, sạch sẽ bụi trần nên vua rất tôn kính và cảm mến. Trong một cuộc đàm đạo và ca ngợi Huyền Quang với các quan trong triều, Nho thần Mạc Đĩnh Chi có nói: “Vẽ cọp thì vẽ da, làm sao vẽ tới xương được, biết người thì chỉ biết về bề ngoài chứ làm sao biết được trong tâm. Xin bệ hạ cho thí nghiệm”.

Vua bèn nghe theo, lựa chọn trong cung có cung nữ Điểm Bích nhan sắc chim sa cá lặn lại thông giỏi kinh sử, có ý định thử xem đạo đức của vị sư tổ trẻ tuổi này như thế nào. Nhân mấy ngày hoàng hậu se mình, vua cho triệu tổ về kinh làm lễ cầu siêu. Sau mấy đêm ngày, công việc cầu siêu đã xong, trước khi sư trở về chùa, vua sai ban cho kim tử bảng vàng. Huyền Quang không tiện từ chối đành cảm tạ rồi mang về.

Vua nói với Điểm Bích: “Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, chưa từng có ý sắc dục. Nhà ngươi có nhan sắc, biết kinh sử, hãy đến tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị ấy còn quyến luyến sắc dục thì ngươi hãy dụ xin cho được kim tử bằng vàng đem về cho ta. Nếu man trá thì bị tội”.

Thị Bích liền đem theo một tiểu tỳ. Ðến chùa Vân Yên gặp một ni sư già, Bích nói là muốn xuất gia học đạo. Vị ni sư này chấp nhận cho ở lại tập sự và cho sai bảo trà nước sớm khuya. Trước mắt một người tu hành có đạo hạnh cao thâm, không một nhân tâm trần tục nào mà cao tăng không thấu hiểu. Thấy dung mạo Thị Bích, Huyền Quang biết không phải là người có chủ tâm đi học đạo bèn gọi vị ni sư lên quở. Thị Bích thấy thiền sư giới hạnh nghiêm mật, khó dùng sắc đẹp để chinh phục, liền nẩy sinh một kế. Đêm ấy Bích khóc với vị ni sư, nói rằng mình là con nhà lễ khoa bảng, vì cha thâu thuế xong bị kẻ cướp cướp mất không có đủ tiền để đền nên sẽ bị triều đình làm tội. Nếu đến kỳ hạn mà không chạy ra đủ số tiền thì không những ông ta bị tội mà cả vợ con cũng sẽ bị liên lụy và điền sản tịch thâu.

Ni sư đem câu chuyện nói lại và trong tăng đoàn ai cũng cảm thương. Huyền Quang hứa sẽ về kinh sư điều trần xin tội tha cho cha Thị Bích, nhưng có một chú tiểu nói: “Pháp luật là pháp luật, để mất của công thì chịu tội, ta không nên vì tình riêng mà can thiệp, như vậy pháp luật còn có nghĩa gì. Tốt hơn nên quyên tiền giúp họ”.

Huyền Quang cho là phải, trong chùa chỉ có kim tử bảng vàng vua ban mới có thể giúp Thị Bích bèn chẳng ngại ngần gì mà đưa cho nàng. Trong chúng, ai có tiền thì cũng đều đem cho.

Ðược kim tử, Bích trở về cung kể chuyện sai lệch rằng nàng đến Vân Yên Tự, giả làm người xin xuất gia, vị ni sư già cho nàng bưng trà thanh hầu thiền sư. Một tháng trôi qua mà sư chưa từng hỏi tới, một đêm kia, sư lên chánh điện tụng kinh, đến canh ba, sư và đại chúng mỗi người trở về tăng phòng của mình để nghỉ ngơi, nàng mới tìm tới bên cạnh tăng phòng của sư để nghe động tĩnh, thì nghe sư ngâm bài thơ nôm như sau:

Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Màu Thích Ca nào thử hữu tình!

Sư ngâm bài ấy tới ba lần, thị Bích mới vào tăng phòng của sư mà tạ từ xin về nhà thăm cha mẹ, nói rằng năm tới sẽ xin lên học đạo. Sư lưu nàng lại một đêm, tặng cho kim tử.

Vua nghe nói mặt rồng thất vọng thê thảm, than rằng: “Việc này nếu quả thực có thì chính ta là người thả lưới bắt chim, còn nếu không thì cũng không khỏi gieo sự nghi hoặc”.

Tượng Tam tổ Huyền Quang trong Thiền Viện Trúc Lâm – Đà Lạt (ảnh: Wikimedia Commons).

Một câu khấn khiến kỳ tích xảy ra, chứng minh tâm ngay thẳng

Nghe thấy thế, một vị quan khuyên can vua rằng cũng chưa thể tin Điểm Bích được, cần phải thử thêm, oan sai cho người tu hành là một tội ác sẽ tổn thất phúc phận nên không thể hàm hồ. Và thưa rằng:

– Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho thiết lập một lễ cúng Phật dọn toàn cỗ mặn rồi mời thầy về làm lễ. Nếu quả là thầy còn trong sạch thì chư Phật sẽ độ cho cỗ mặn hóa thành chay, nhược bằng hư hỏng rồi thì chẳng bao giờ được độ.

Vua cho là phải, bèn hạ lệnh mở hội Vô Già thiết đãi chúng tăng, cho gọi Huyền Quang về triều để làm một lễ chay trọng thể vào dịp rằm tháng Bảy sắp tới. Vua còn bắt quân hầu dựng một đàn tràng nguy nga, các rạp đều trần trướng toàn bằng lụa hoàng quyến. Trái hẳn với tục lệ nhà chùa, hôm bước vào chính lễ, vua ra lệnh cho giết bò và lợn, dọn toàn cỗ mặn.

Khi sắp bước vào rạp. Huyền Quang đã biết nhà vua có lòng sinh nghi với mình. Các mâm cỗ mặn tanh tưởi bày trên mặt bàn kia đã quá rõ ràng. Lụa hoàng quyến nói lái lại rõ ràng ám chỉ hai tiếng “Huyền Quang”. Huyền Quang tâm bất động, quỳ xuống mà khấn rằng:

– Kẻ đệ tử này nếu có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống A-tì địa ngục, còn nếu không, thì xin cho những cỗ mặn kia hóa thành chay tất cả!

Tự nhiên một trận gió mạnh nổi lên, cát bụi mù mịt, Trời Đất tối sầm cả lại. Một chốc gió tan, mọi người nhìn lên đàn tràng thì, lạ thay, tất cả các mâm cỗ mặn đều bị thổi bay hết, duy chỉ còn lại hương đăng và đồ hoa quả chay tịnh. Huyền Quang thủng thỉnh bước lên đàn tràng giữa tiếng reo hò của chúng tăng và mọi người.

Vua thấy hạnh Pháp của sư thấu cả Thiên Địa, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ lỗi… từ đó càng thêm tôn kính, xưng ngài là “Tự Pháp”.

Vua lập tức ra lệnh bắt Điểm Bích tra hỏi cho ra sự thật. Biết là bại lộ, người cung nữ ấy cúi đầu thú hết tội lỗi. Vua truyền bắt Điểm Bích bỏ ngục để chờ ngày phán xử, rồi xa giá tới gặp Huyền Quang. Câu nói đầu tiền của Huyền Quang là xin vua tha tội cho Điểm Bích.

Sau này Huyền Quang tu hành tới cảnh giới cao thâm, và là một trong ba trụ cột của phái thiền tông Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng trong lịch sử.

Thiên Cầm sưu tầm

Video: Bậc Thánh nhân cầu Tâm chứ không cầu Phật

videoinfo__video3.dkn.tv||0402ce7f5__