Nhiều người không tiếc thân mình mà tiến về phía trước, tranh đấu vì chút lợi cá nhân. Thế nhưng người ta nói “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Hóa ra cảnh giới cao nhất trong đời người lại chính là nhường nhẫn.
Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược dạo chơi nhân gian
Trương Quả Lão, một trong Bát Tiên trong truyền thuyết, luôn cưỡi một con lừa ngược khi đi đường. Ông nhìn thấy đạo đức nhân loại ngày càng xuống dốc, người trong trần thế mê mờ trong công danh lợi lộc, còn cho rằng ngày tháng càng sống càng tốt, ông bèn cưỡi lừa ngược, dạo chơi nhân gian.
Ông muốn dùng cách thức này để cảnh tỉnh mọi người, tiêu chuẩn để đánh giá xã hội nhân loại có tiến bộ hay không là nằm ở đạo đức, nếu như đạo đức xuống dốc, chính là nói rõ nhân loại đang dần dần thoái lùi.
Hình tượng Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược cũng có ý nhắc nhở mọi người, cảnh tỉnh mọi người thường xuyên ngoảnh đầu lại nhìn lại những sự việc đã phát sinh để rút ra kinh nghiệm đúng lúc, ghi nhớ bài học giáo huấn, tránh phạm phải sai lầm, tránh dẫm lên vết xe đổ của người đi trước.
Bố Đại hòa thượng: Lùi bước thì ra là tiến lên
“Lùi một bước biển rộng trời cao”, người xưa từ lâu đã có được trí huệ như vậy. Cao tăng “Bố Đại hòa thượng” trong bài thơ của ông nói: “Tay đem mạ xanh cắm đầy ruộng, cúi đầu liền thấy trời trong nước.
Sáu căn thanh tịnh mới là Đạo, lùi bước hóa ra lại hướng lên”. Bố Đại hòa thượng bụng bự này là cao tăng nhà Hậu Lương thời Ngũ Đại của Trung Quốc, pháp danh Tiết Thử, hiệu Trường Đinh Tử, người Phụng Hóa, Triết Giang. Ông vân du các nơi, không có chỗ ở cố định, thường mở miệng cười.
Câu thơ này của Bố Đại hòa thượng nói với chúng ta: từ chỗ gần có thể nhìn được chỗ xa, lùi bước cũng có thể xem là tiến bước. Thông thường người ta có một loại khuynh hướng: nhìn chỗ cao không nhìn chỗ thấp, cầu xa không cầu gần. Ví như có người nào đó học vấn uyên bác hơn ta, ta sẽ tỏ thái độ tôn trọng họ; người nào nhiều tiền của hơn ta, ta sẽ tìm cách lấy lòng họ.
Nếu như điều kiện của người này tệ hơn ta, ta sẽ không ngó ngàng gì đến họ. Thật sự không biết được rằng “đăng cao tất tự ti, hành viễn tất tự nhĩ”, (tạm hiểu là: lên non cao cần phải bắt đầu từ chỗ thấp, đi đường xa cần phải bắt đầu từ chỗ gần), con người ta chỉ có khiên tốn cúi đầu xuống, mới có thể thật sự nhận thức được thế giới và nhận thức rõ bản thân mình.
Con người ta thường cho rằng đời người đi về phía trước, mới là tiến bộ vẻ vang, mới khiến người ta ngưỡng mộ. Bài thơ này của Bố Đại hòa thượng lại nói với chúng ta, lùi bước cũng là tiến lên, chỉ là nhìn từ một góc độ khác mà thôi. Người xưa nói “lấy lui làm tiến”.
Trước mâu thuẫn với người khác, nhẫn nại ba phần, thật đúng là khoan thai tự đắc. Loại nhường nhịn khiếm tốn này, mới là tiến bộ thật sự. Đời người không thể chỉ thẳng tiến phía trước, có những lúc nếu như có thể lùi lại một bước để suy xét, luôn có thể khiến người ta có được cảm giác biển rộng trời cao, sáng tỏ thông suốt. Không thể chỉ bởi hư vinh hoặc sĩ diện mà một mực làm bừa, mà ta cũng cần có khí phách can đảm dám quay đầu nhìn lại.
“Lùi bước hóa ra lại là đi lên”, câu nói này ẩn chứa triết lý nhân sinh sâu sắc. Nhìn người nông dân gieo cấy mạ trong ruộng, vừa cấy mạ xanh, từng bước lại lùi về sau, lùi về bên bờ ruộng, cây giống trong một mảnh ruộng vừa khéo đã được cắm xong, nhìn thì giống như lùi lại nhưng thật ra lại là tiến lên.
Có những lúc, nhượng bộ hoặc lùi bước vốn không phải tiêu cực hoàn toàn, trái lại là thay đổi tiến bộ một cách tích cực. Sống chung với người, so đo tính toán từng ly từng tý, loại trừ bài xích lẫn nhau, lại có thể thành tựu gì đây? Chi bằng hãy lùi một bước, buông tâm tranh đấu xuống, tĩnh tâm nghĩ lại tìm kiếm chỗ thiếu sót của mình, trạng thái tinh thần sẽ trở nên bình tĩnh và an hòa, cảnh giới của sinh mệnh cũng sẽ theo đó nâng cao.
Trên bước ngoặt của đời người hiểu được “lấy lui làm tiến”, thật đúng là đại trí huệ.
Thiện Sinh