“Người ngây thơ không có nghĩa là họ chưa từng nhìn thấy cảnh đen tối của thế giới. Kỳ thực là ngược lại, bởi vì đã từng nhìn thấy nên biết rằng ngây thơ mới là điều tốt nhất”…
Trong cuốn “Ức đồng niên” có viết rằng:
“Còn nhớ khi xưa bao lãng mạn, trước khung cửa sổ ve râm ran. Trên đường đi học về đuổi bắt bướm, tay chuồn chuồn cánh mỏng ngẫm suy. Trộm trứng rung cây chim kinh sợ, câu cá suối nhỏ muộn lối về. Tâm trẻ thơ bất diệt tấm chân tình còn mãi, ai hiểu được đầu bằng, tóc mai nhuộm lơ thơ”.
Thế giới của trẻ thơ hồn nhiên và đáng yêu. Nụ cười của trẻ thơ là bức tranh tươi đẹp nhất trên thế gian. Tất cả những người trưởng thành đã đều từng là trẻ thơ, chỉ là rất nhiều người đã quên mất điều đó. Lúc nhỏ chúng ta chỉ muốn lớn thật nhanh, nhưng sau khi trưởng thành ta lại bắt đầu hoài niệm về tuổi thơ. Những năm tháng ấu thơ tự do, vui vẻ là khởi đầu tươi đẹp nhất của kiếp người.
Kẽ ngón tay quá rộng, thời gian lại quá mỏng, năm tháng cứ thầm lặng trôi qua kẽ ngón tay. Chuyện cũ như bình rượu nho, chẳng thể trở lại thành những trái nho ban đầu, mà chỉ lưu lại hương thơm của hồi ức.
Ngày ấy chúng ta đã từng vô tư, đã từng thẹn thùng, xấu hổ, đã từng chạy nhảy, tung tăng. Tuổi thơ có biết bao chuyện thú vị, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn, để mỗi khi nhớ tới chúng ta lại chẳng thể kìm lòng mà mỉm cười như một kẻ ngốc. Đương nhiên cũng có cả những điều bối rối chẳng dám quay đầu nhìn lại.
Năm tháng qua đi, con người lại thêm tuổi mới, bận rộn với cuộc sống, hối hả thành gia lập nghiệp. Chúng ta đã bị cuộc sống hiện thực thay đổi quá nhiều, đã nhuốm bụi trần ai. Nhưng đôi khi giữa làn gió mát lành đêm mùa hạ, lắng nghe tiếng lòng mình ta lại chợt nhận ra, kỳ thực sâu thẳm trong nội tâm của mỗi người chúng ta vẫn là một đứa trẻ chưa muốn trưởng thành. Trên con đường nhân sinh chỉ mong tâm trẻ thơ bất diệt, cho sự ngây thơ mãi trường tồn.
Tấm lòng trẻ thơ là cái gốc của đại Đạo
Lão Tử nói: “Có đức dày đâu thể sánh với con đỏ” (Hàm đức chi hậu, tỷ ư xích tử). Lão Tử coi trẻ thơ là biểu tượng cho trạng thái lý tưởng của sinh mệnh. Bởi lẽ trẻ thơ luôn giữ được sự hồn nhiên, thuần phác, vô tư và chẳng ham muốn. Chúng rất gần với “Đạo”. Tâm trẻ thơ đơn thuần mà ngay thẳng, ăn uống ngủ nghỉ rất tự nhiên, khi ngủ khi cười khi nhõng nhẽo, nhớ đến chuyện này lại có thể quên ngay chuyện khác.
Lão Tử cho rằng: “Diệu dụng của đạo là ôn nhu mềm yếu” (Nhược giả, đạo chi dụng). Trẻ con là sinh mệnh yếu ớt nhưng lại tràn trề sinh lực, ẩn chứa sức sống vô hạn. Trái tim trẻ thơ xuất phát từ tự nhiên, như một trang giấy trắng, nhưng lại có thể vẽ nên một bức tranh vô cùng diễm lệ và có tiềm năng bất tận.
Trang Tử nói rằng: Trẻ thơ đồng loại với Trời. Ông còn nói rằng: “Người chân thật nên được trời phú”. Nghĩa là trẻ nhỏ sống gần với Đạo, trẻ nhỏ có sự ngây thơ (thiên chân) là do bắt nguồn từ thiên Đạo. Tấm lòng trẻ thơ đơn thuần, thanh tịnh như giọt sương mai, lại phong phú và rộng mở như bầu trời xanh bao la. Vậy nên có người mới nói rằng tâm trẻ thơ trân quý nhất cũng là điều xúc động nhất.
Nếu Lão Tử và Trang Tử cho rằng tâm trẻ thơ vẫn chỉ gần với “Đạo”, thì đến Lý Chí thời nhà Minh, ông đã dứt khoát cho rằng tâm trẻ thơ chính là cội nguồn của đại Đạo: “Tâm trẻ thơ thuần chân, tuyệt đối không chút giả mạo. Đây chính là bản tính nguyên sơ của con người vậy” (Phu đồng tâm giả, tuyệt giả thuần chân, tối sơ nhất nhiệm chi bẩn tâm dã).
Lý Chí chịu ảnh hưởng tư tưởng Tâm học của Vương Dương Minh: “Bên ngoài thì tâm không chứa vật gì cả, bên ngoài tâm cũng không có đạo lý nào cả” (Tâm ngoại vô vật, tâm ngoại vô lý). Vậy nên ông cho rằng trẻ nhỏ chính là “khởi nguyên của con người”, tâm trẻ nhỏ chính là “cội nguồn của cái tâm”. Vậy thì tâm trẻ thơ đương nhiên sẽ là “cội nguồn của đại Đạo”.
Tâm trẻ thơ là sự trở về của sinh mệnh
Lão Tử nói: “Muốn đức thường luôn bên mình hãy quay trở về với hài nhi” (Thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi).
Sinh mệnh của con người phải phù hợp với Đạo. Có đức chính là phải thuận theo tự nhiên, trở về với bản tính thuần phác, chân thật của mình, trở về với trạng thái thuần chân của trẻ sơ sinh.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Chu Quốc Bình nói: “Sự trưởng thành chân chính xét về bản chất, cuối cùng vẫn luôn bao hàm tâm trẻ thơ”. Sự trưởng thành không phải là một món giao dịch, mà cần chúng ta dùng sự hồn nhiên, thuần phác và thánh khiết như chưa từng trải đời, mà giữ lấy dũng khí khi trưởng thành. Tháng năm luôn trẻ mãi, chúng ta lại dần già đi. Cuối cùng rồi ta cũng sẽ phát hiện ra rằng: Ai có tâm trẻ thơ bất diệt là một điều rất đáng tự hào. Tâm trẻ thơ là vĩnh viễn ngây thơ như xưa, là cái tâm chẳng quên nguồn cội, như vậy mọi chuyện ắt sẽ được vẹn toàn.
Kiếp người có thể trôi đi một cách bình thản, cũng có thể oanh oanh liệt liệt. Con người có thể ẩn cư nơi núi rừng, cũng có thể tung hoành bốn bể. Lựa chọn như thế nào đều không quan trọng, chỉ là trong kiếp người chúng ta đừng thiếu sự tự do và trí huệ. Dẫu nếm trải hết cõi hồng trần cũng không được quên cái tâm trẻ thơ.
Tô Đông Pha nói rằng: “Ngây thơ và lãng mạn là thầy của ta”. Tâm trẻ thơ chính là một sự lãng mạn, là cảm xúc lãng mạn với thế giới này. Người có tâm hồn trẻ thơ sẽ sống vô cùng tự tại và thi vị.
Vậy nên Tô Đông Pha nửa đêm thức giấc chỉ vì muốn ngắm đóa hoa hải đường nở trong sân. Sinh mệnh trở về khi tâm trẻ thơ tràn đầy. Khi ấy không có sự lạnh lùng và mê muội trong tâm hồn, không có sự mệt mỏi và già nua trong tinh thần. Khi ấy chúng ta cũng không phải tỏ ra cao thâm như thể mình đã nhìn thấu hết thảy cõi hồng trần.
Tâm trẻ thơ là con đường giải thoát
Đời người khó tránh khỏi mâu thuẫn, luôn đầy rẫy sự bất biến và những đổi thay. Chúng ta thường bất cẩn biến cuộc sống của mình thành một sự ràng buộc, ràng buộc vào những suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Nhưng tâm trẻ thơ lại luôn hướng về hiện tại, là vĩnh hằng mãi mãi.
Chỉ cần được cho một viên kẹo chúng đã có thể cười toe toét như thể chẳng có chuyện gì thú vị hơn. Đây chính là biểu hiện của tâm lý thỏa mãn, luôn sống trong hiện tại. Tâm trẻ thơ là con đường giải thoát. Nó luôn nhắc nhở chúng ta dẫu thực tế cứng cỏi chừng nào thì vẫn luôn ẩn giấu một phần mềm mại. Dẫu sinh mệnh vất vả hơn nữa cũng vẫn luôn ẩn chứa những niềm vui.
Có người còn cho rằng: “Người ngây thơ không có nghĩa là họ chưa từng nhìn thấy cảnh đen tối của thế giới. Kỳ thực là ngược lại, bởi vì đã từng nhìn thấy nên biết rằng ngây thơ mới là điều tốt nhất”.
Tâm trẻ thơ hoàn toàn có thể rũ bỏ những nuối tiếc cõi hồng trần, soi đường cho con người đến với mảnh đất viên dung. Có người nói rằng cuộc sống giống như một nhà tù không lối thoát mà vô tình coi nhẹ tâm trẻ thơ. Tâm trẻ thơ là lời hồi đáp tốt nhất về thế giới. Giữ được tâm trẻ thơ sẽ khiến bản thân luôn vui vẻ trong những năm tháng trưởng thành sau này.
“Tâm trẻ thơ thường tăng theo năm tháng”. Một cụ già 105 tuổi cả đời vất vả, thường thích hỏi tụi trẻ trường mầm non: “Các bạn mấy tuổi rồi?”. Khi bọn trẻ trả lời 5 hay 6 tuổi, cụ ông thường nghiêm nghị nói rằng: “Ta mới 4 tuổi, ta sẽ là em trai của các bạn”.
Xưa thường có câu: “Đời người hai lần trẻ con”. Khi mới sinh ra chúng ta cứ hồn nhiên, ngây ngô như bản tính thiên phú. Đến khi trưởng thành những danh lợi tình tiền quấn chặt lấy thân, khiến chúng ta dường như quên mất bản tính đáng yêu ấy. Nhưng khi mái tóc điểm bạc, nếp nhăn nhiều lên, sức dần tàn, lực gần kiệt, lúc ấy ta mới bất chợt nhận ra sức khoẻ và tâm hồn là hai điều quan trọng nhất. Chẳng còn ham muốn, dục vọng nhạt nhoà, tâm phàm được trút bỏ, ta lại trở về với bản tính trẻ thơ trong một hình hài hoàn toàn khác.
Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch