Trong cuộc đời mỗi người, dù ở địa vị cao sang hay nghèo hèn, dường như không ai có liền mấy ngày vui vẻ. Trần gian như một vở diễn mà ở đó, nước mắt và nụ cười đan xen nhau. Nếu đã biết là vở diễn, hà cớ gì phải diễn quá nhập tâm, để trái tim phập phồng thương tổn?

Sách “Cổ học Tinh hoa” có chép: Cụ Nguyễn Công Trứ là một bậc danh thần nhà Nguyễn, văn hay võ giỏi, tài kiêm văn võ. Khi làm quan thì mở mang đất nước sinh lợi cho dân, khi làm tướng thì mã đáo thành công, đánh Đông dẹp Bắc, thực đáng là một vị công thần tài trí kinh luân.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1844), cụ đang tại chức Binh Bộ Tham Tri, thế mà vì một kẻ vu cáo, cụ phải lột hết chức, phát phối ra Quảng Ngãi làm lính thú. Khi đến Quảng Ngãi quan tỉnh thấy cụ mặc áo lính tội, ăn mặc rất khổ sở, mà cụ vẫn tự nhiên như không. Quan tỉnh trông thấy không đành tình, muốn cụ thay đổi quần áo khác.

Cụ xua tay đi mà bảo rằng : “Tôi trước làm quan không lấy làm vinh, thì nay tôi làm tên lính tội cũng không lấy gì là nhục. Ở phương diện nào phải theo phương diện đó. Nay tôi là lính tội mà không ăn mặc ra lối này thì sao gọi được là lính tội, xin cứ để như vậy cho rõ điều vinh nhục lợi danh là một cuộc trần ai khóc lộn cười, làm gương cho nhân thế.”

Gần hai trăm năm trôi qua, trần gian trải qua bao cuộc bể dâu, ân ân oán oán của người đời thật không cách nào đếm xiết. Ấy vậy ta vẫn còn mê mải, ta vẫn còn chờ mong, ta vẫn còn ngờ nghệch đặt trái tim ta lên ngọn sóng dập dềnh của tình – danh – lợi. Lời nhắn nhủ của cụ Nguyễn Công Trứ còn đó: “điều vinh nhục lợi danh là một cuộc trần ai khóc lộn cười”, liệu đã mấy người thức tỉnh?

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. (Ảnh: GestioPolis)

Suy cho cùng, phong trần hay thanh cao cuối cùng cũng trở về với cát bụi. Sống những ngày áo gấm xông xênh, hay cơm rau đạm bạc, âu cũng chỉ là giấc mộng trăm năm. Dầu hạnh phúc bên người yêu thương, hay cô độc lẻ loi dặm trường, giấc mộng tan không ai còn nhận ra ai nữa. Vở kịch cuộc đời như tiếng kêu ai oán xé ruột của nàng Kiều kết thúc bằng mấy lời chiêm nghiệm nhân sinh:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Bình thản đối mặt với sóng gió, trả hết nợ trần gian ta phiêu diêu tận chân mây cuối trời. Trong lòng có Thiện, không ai có thể lấy đi sự thanh tĩnh tự tại của tâm hồn ta.

Thanh Ngọc