Nhân quả hữu báo, tích đức hành thiện phải chăng là điều không thực? Từ chối tà dâm được và mất những gì? Sau đây là một câu chuyện có thật được ghi chép trong lịch sử.
Tổ tiên tích đức, con cháu được phúc báo công danh, đây chính là điều mà ông cha ta muôn đời luôn răn dạy. Tuy nhiên, với xã hội ngày nay, khi cuộc sống vật chất lên ngôi, luân thường đạo lý bị người đời ngày một xem nhẹ, người ta có thể vì lợi mà quên tình phụ nghĩa, thì nhắc đến nhân quả hữu báo sẽ có nhiều người cho rằng đó chỉ là điều hư ảo, là nói chuyện mông lung vô thực.
Vậy nhân quả hữu báo, tích đức hành thiện phải chăng là điều không thực? Từ chối tà dâm được và mất những gì? Sau đây là một câu chuyện có thật được ghi chép trong lịch sử.
Năm Thuận Trị thứ 16 (1659), tại núi Côn Sơn có một người tên Từ Lập Trai thi đỗ trạng nguyên. Năm đó, trước lúc Từ Lập Trai thi đỗ trạng nguyên, có một người đến miếu Thành Hoàng làm lễ khẩn cầu, lễ xong vì trời đã khuya nên người này ở lại ngủ qua đêm tại miếu.
Đêm đến, trong lúc đang ngủ thì đột nhiên thức giấc, thấy Thành Hoàng hiển linh, gọi người này đến rồi nói: “Từ Lập Trai năm nay sẽ thi đỗ trạng nguyên, ngươi có biết nguyên nhân vì sao không? Đây chính là vì tổ tiên của Từ Lập Trai ăn ở thiện lương, từ chối không làm việc tà dâm, lâu ngày tích được âm đức khiến trời cao cảm động mà hồi đáp cho con cháu nhà họ Từ. Lần này Từ gia đỗ trạng nguyên cũng chỉ là việc khởi đầu mà thôi, đây chính là: “Công danh tuy khó, nhưng quả báo luôn rõ ràng”. Nay ta nói cho ngươi biết rõ chân tướng của việc này, ngươi hãy truyền ra cho những người thế gian còn đang làm điều tà dâm, hãy mau chóng kịp thời hối cải”. Nói xong Thành Hoàng liền rời đi.
Sự việc sau đó được truyền rộng khắp nơi xa chốn gần, và quả nhiên sau đó, Từ Lập Trai thi đỗ trạng nguyên. Hơn nữa, đây cũng chỉ là sự việc khởi đầu mà thôi, hai huynh đệ của Từ Lập Trai là Từ Kiện Am và Từ Ngạn Hòa sau này đều lần lượt đỗ trạng nguyên vào năm Khang Hy thứ 9 (1670) và Khang Hy thứ 12 (1673).
Huynh đệ ba người trong một nhà cùng đỗ trạng nguyên quả là điều xưa nay hiếm thấy. Con cháu họ Từ sau này cũng thường nhắc tới câu chuyện này để răn dạy cháu con, người đời cũng vì thế mà lấy làm bài học.
“Tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc”, hay “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, đây đều là những câu nói vô cùng chính xác, khuyên nhủ con người chúng ta không thể làm ác, đặc biệt là chuyện tà dâm. Một người khi đã phạm phải việc tà dâm, dù bản thân không phải ngay lập tức chịu cảnh đọa đày, thì con cháu sau này cũng phải gánh lấy tai ương. Ngược lại, một người hành thiện tích đức, bản thân dù chưa được hưởng lợi thì con cháu cũng nhờ phước tổ tiên mà hưởng phúc một đời.
Một người khi đã phát sinh mối quan hệ ngoài hôn nhân, dù không đi quá giới hạn về thân xác, thì tư tưởng của người đó cũng đã nhiễm bẩn, tư chất không còn trong sáng, đây đã là điều phạm vào giới quy của đạo đức, không thể tùy tiện. Làm người không những phải tự ước thúc bản thân sống trong sạch, không thể phạm tội tà dâm, mà ngay cả trong tư tưởng cũng không thể nghĩ đến những việc đó. Nếu không thì trong mắt Thần Phật, người đó cũng là phạm tội nghiêm trọng mất rồi.
Cổ nhân có câu: “Vạn ác dâm vi thủ” – trong trăm nghìn cái ác thì tà dâm chính là tội đứng đầu. Một khi con người phạm phải lỗi sắc dục thì tất cả mọi nhân cách khác đều sẽ bằng không, sẽ trở thành yếu nhược.
Theo bldaily.com
Đức Khải biên dịch