Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Võ thuật Việt Nam đầy ắp tinh hoa của biết bao môn phái, chiêu thức, vũ khí. Loạt bài này sẽ giúp độc giả có thêm một góc nhìn mới về tinh hoa võ thuật dân tộc. 

Xem thêm: Phần một, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5

Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu lý thuyết về tu luyện Đạo và Pháp. Nhưng trên thực tế tùy từng môn phái mà người luyện võ có cách áp dụng khác nhau để có thể đạt đến Võ Đạo: Thiên Nhân hợp nhất. Nhưng tựu trung đều sẽ đi từ hậu thiên quay về tiên thiên và đồng hóa với đặc tính của vũ trụ.

Bí quyết của những võ phái lớn nhất là tu Tâm

Để có thể hình dung rõ hơn, chúng ta sẽ tiến hành phân tích một số võ phái tiêu biểu. Đầu tiên là Hiệp Khí Đạo Nhật Bản. Sau khi đạt đến Võ Đạo, bất kỳ ai cũng không thể nào khởi tâm tranh đấu hay quật ngã được Sư tổ Hiệp Khí Đạo là Morihei Ueshiba nữa. Vì sao vậy? Vì tinh thần của ông đã hòa nhập với vũ trụ, hòa giải tất cả đối thủ của mình. Điều này thể hiện rõ ràng trong nguyên lý của môn phái:

Hiệp Khí Đạo luyện tập cái khí dương. Một khi ta với vũ trụ đã hòa làm một, thì cái phản ảnh của vũ trụ trên linh hồn thánh thiện bao giờ cũng trong hình thức tình yêu. Đó là một phát biểu của tinh thần, nhắn nhủ ta rằng ta phải yêu thương, che chở và nuôi dưỡng mọi vật. Tập luyện Hiệp Khí Đạo là tinh luyện tình yêu thương trong tâm hồn ta thành cái tinh thần của vũ trụ. Trong Hiệp Khí Đạo ta đấu võ với đối thủ của ta không phải để thắng hoặc bại. Cả hai người cùng sửa cho nhau những nhược điểm, cùng mài dũa cho nhau, và cùng phản chiếu cho nhau những hoạt động của mình. Qua tinh thần hỗ tương kính trọng nhau và hỗ tương quí mến nhau, ta huấn luyện thể xác và tinh thần ta cho tới khi ta tới được một trạng thái tinh khiết và yêu thương“.

Nguyên lý Hiệp Khí Đạo do Ueshiba chứng Ngộ từ Thiền Tông sau khi luyện võ và giao đấu cả đời. Nhưng cũng không ra ngoài nguyên lý từ Âm Dương mà quay về Thái Cực. Hiệp Khí Đạo luyện cái khí Thuần Dương mạnh mẽ (tâm thái an lạc vui vẻ) sao cho nó viên dung với cái khí Thuần Âm (đối thủ và tâm tranh đấu) để cả hai hòa thành một trở về với bản nguyên vũ trụ như khí Hỗn Nguyên mà đạt Đạo (đó là căn bản của cái tên Hiệp Khí Đạo – con đường dẫn đến sự hợp nhất các loại Khí để quay trở về Hỗn Nguyên).

Nên nếu nói Hiệp Khí Đạo là một dạng Thái Cực Quyền của Nhật thì cũng không sai. Vì thế rất khó để người tập có thể đạt đến trình độ như ông khi mà con người ta tập võ chỉ để tranh thắng và cố gắng dùi mài kỹ thuật hay cố gắng luyện khí vận khí chứ không quan tâm đến tu dưỡng Đạo Tâm cho đúng với 2 chữ Hiệp Khí kia. Đạo Tâm không có sao đạt được Khí, sao mà nói đến Hiệp Khí được. Nên mấy chục năm nay vẫn chưa có người đắc Đạo thứ hai sau Ueshiba. Nếu muốn đạt đến đỉnh cao của Hiệp Khí Đạo, hãy là 1 thiền sư chính Tông và bỏ hết dục vọng cá nhân trước đã.

Morihei Ueshiba (ngày 14 tháng 12 năm 1883 – ngày 26 tháng 4 năm 1969) Tổ sư sáng lập Hiệp Khí Đạo Nhật Bản. (Ảnh: wikipedia.org)

Thứ hai là Thái Cực Quyền Võ Đang. Thái Cực Quyền thời cổ chính là công pháp võ học số một của Trung Quốc để có thể đạt đến Võ Đạo. Ngày nay do thất truyền Tâm Pháp chân chính từ Tổ sư Trương Tam Phong mà người ta không đạt đến đỉnh cao của nó và hay chê nó không có tác dụng chiến đấu thực tế. Vậy nguyên lý của nó là gì?

Chính nằm ở hai chữ Thái Cực, nghĩa là vũ trụ sơ khai, là hoàn hảo mạnh mẽ cũng như tương hợp với bản tính tiên thiên của con người lúc mới sinh: Hồn nhiên và thánh thiện. Nhưng khi sinh ra con người và vạn vật thì Thái Cực đã phân thành Âm Dương , rồi thành Tứ Tượng và Bát Quái với 64 quẻ dịch biến hóa vô cùng. Vì thế mà con người cả xã hội không còn thuần tịnh như vũ trụ ban đầu vì khi có 2 mặt Âm Dương tức là sẽ xuất hiện tranh đấu hơn thua.

Toàn bộ bài Thái Cực Quyền gốc chính xác sẽ có 64 thức tượng trưng cho 64 quẻ Dịch thể hiện hình thái vũ trụ và xã hội hiện nay với 64 biến hóa căn bản. Người luyện sẽ từ tốn diễn luyện hết 64 thức cũng giống như diễn hóa bản tâm của mình trong suốt một cuộc đời bon chen sóng gió nhưng cuối cùng cũng bị nhiếp phục để sau đó lại quay về với Thái Cực tức là phản bổn quy chân. Tìm thấy Đạo Tâm, quay lại hợp nhất thân Tâm với vũ trụ nguyên thủy, thấy chân lý và Đắc Đạo.

Âm Dương tượng trưng cho 2 luồng sức mạnh ghê gớm nhất nhưng chẳng phải Âm Dương hòa vào nhau mà quay về với Thái Cực (hình tròn). Vậy Thái cực Quyền chính là một công pháp tu luyện đạt Võ Đạo vậy. Có thể hóa giải hết lực Âm Dương xung khắc thành duy nhất, vậy không phải võ đạo có sức mạnh vô địch là gì?

Nhưng mấy trăm năm qua vẫn chẳng có ai đắc Đạo từ Thái Cực Quyền là vì sao? Chính là vì Tâm pháp chân truyền của Đạo Gia của nó đã không còn nữa. Và người luyện Thái cực không lấy mục tiêu từ bỏ dục vọng của bản thân và tịnh hóa bản Tâm làm trung tâm mà tu luyện thì sao đạt được. Không đạt đến bất động tâm và hiểu lẽ Vô Vi của Đạo gia thì đừng nói đến hiểu được Thái Cực Quyền đỉnh cao.

Có một ông võ sư Việt Nam còn khẳng định rằng Thái Cực Quyền muốn dùng để chiến đấu thì phải luyện lực tay bằng cách xách tạ?! Ông ta còn khẳng định rằng bên Trung Quốc cao thủ toàn luyện như thế. Lẽ nào cái gì cao thủ Trung Quốc luyện nhiều thì điều đó là chân lý? Bản thân ông ta không hiểu bản chất của võ thuật, càng không hiểu sự tu luyện, quả thật đã tự mình sai, còn dẫn người khác đi lệch đường.

Thứ ba là võ công Việt Nam, lấy Ngũ Hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc) làm ví dụ. Người luyện Ngũ Hình quyền sẽ tịnh hóa thân thể và kinh mạch của mình mà luyện ra 5 loại năng lượng Ngũ hành (Hổ năng lượng Mộc từ gan, Xà năng lượng Kim từ cột sống, Long năng lượng Hỏa từ tim, Báo năng lượng Thổ từ bao tử, Hạc năng lượng Thủy từ Thận).

Có thể có người nói Ngũ Hình quyền này có nguồn gốc Thiếu Lâm? Điều này không chính xác vì “ánh trăng chiếu xuống nước, vạn nơi đều hình tròn”. Cùng một thời đại thì cảm ngộ sáng tạo võ học tương đồng nhau cũng là chuyện bình thường. Ngũ Hình quyền chính là một đặc sản thuần Việt và cách đánh cũng như vận công đều có sự khác biệt so với công phu Thiếu Lâm.

Năng lượng nào luyện thành sẽ thể hiện rõ trên thân người luyện công. Ví dụ như Xà quyền khi xuất công sẽ thể hiện ra da mặt trắng sáng và khí chất đem lại cảm giác lạnh của kim loại. Tương truyền phải tu luyện đến đỉnh cao cả 5 loại năng lượng này mới có thể Đắc Võ Đạo. Ngũ Hành vốn là 5 loại nguyên tố cơ bản cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ này nên tập môn quyền này cũng thực hiện một quy trình phản bổn quy chân để đạt đến Thiên Nhân hợp nhất.

Tuy vậy cả trăm năm nay, vẫn chưa có ai đắc Ngũ Hành cả và thông thường để luyện xuất ra chỉ một trong 5 loại thôi đã mất mấy chục năm khổ luyện. Vì sao lại như thế? Là vì họ chỉ luyện mà không tu. Hình thể quyền pháp là cái xác nhưng bản thể chính là Tâm của họ phải thuần Tịnh như Ngũ Hành. Không luyện tĩnh công và tu dưỡng tâm tính, bỏ đi dục vọng cá nhân thì sao đạt được đây? Vấn đề nằm ở chỗ Tâm pháp để tu Tâm như Ngũ Hành có lẽ đã thất truyền.

Người luyện Ngũ Hình quyền sẽ tịnh hóa thân thể và kinh mạch của mình mà luyện ra 5 loại năng lượng Ngũ hành, Hổ năng lượng Mộc từ gan… (Ảnh: vothuat.vn)

Chỉ có công pháp Chân Truyền mới có khả năng Đắc Võ Đạo

Võ học truyền thừa mấy nghìn năm, từ những Đại môn phái ban đầu mà giờ đây đã thành nghìn vạn môn. Mỗi nhà mỗi kiểu, trăm hoa đua nở, ai ai cũng thi nhau mà khai sơn lập phái. Những tưởng phen này nhân loại may mắn sẽ càng dễ có nhiều người đắc được Võ Đạo mà giúp ích cho đời. Vậy mà hơn nghìn năm cũng chỉ có lác đác vài người và hình như càng truyền lại càng kém, đời sau không bằng đời trước. Lý do vì sao?

Bởi vì Võ Học thực chất là một bộ phận của Pháp môn tu luyện Tâm – Thân của con người, nhằm mục đích thăng hoa tinh thần và bản thể để có thể đắc Võ Đạo. Nó là một bộ phận khá quan trọng, bộ phận kia chính là khí công tâm pháp dùng để tu Tâm từ Phật gia hay Đạo gia. Đời xưa gọi là “Nội ngoại kiêm tu”.

Vì là một bộ phận của pháp môn tu luyện nên nó có những yêu cầu hết sức gắt gao để đạt được thành tựu. Người được chọn phải là người đức độ và tâm tính hết sức tốt đáp ứng yêu cầu của công pháp. Ngoài ra thì công pháp đó phải được chính truyền từ trên xuống dưới mà không được sửa chữa hay thay đổi bất kỳ điều gì cho dù có hiểu hay không hiểu. Và quan trọng hơn là không được pha trộn giữa các công pháp mà tập lẫn vào nhau.

Các Tổ thời đầu và các truyền nhân đầu tiên đa phần là người căn cơ hiếm có và ngộ tính cực cao nên có thể lý giải hết toàn bộ những gì được truyền thụ và dễ dàng đạt đến Võ Đạo. Tuy nhiên càng về sau thì không được như vậy. Do chiến tranh, ngôn ngữ và nhiều nguyên nhân khác mà người sau không thể hiểu được nội hàm của những gì được lưu lại.

Vậy nên họ, với sự hiểu biết hạn hẹp và lòng tự tôn bản thân thái quá của mình, đã dám lược đi bớt những gì không hiểu, chỉnh sửa động tác phức tạp họ không làm được để dễ làm hơn, thay đổi khẩu quyết tâm pháp khó nhớ khó hiểu cho đơn giản dễ hiểu hơn. Và nghiêm trọng hơn là đem những thứ tạp nham đã qua chỉnh sửa đó mà “sáng lập” ra cái mà họ gọi là “môn phái” mới do họ làm tổ sư. Trải qua nghìn năm, các môn phái ngày càng nhiều và con đường đạt đến Võ Đạo gần như đã mất đi vĩnh viễn với thế nhân, chỉ còn mật truyền trong một số môn phái cổ xưa mà thôi. Quả thật là:

Đại Đạo ba nghìn sáu trăm môn.
Mỗi nhà nắm được một miêu côn
Hay đâu là Khiếu Huyền Quan đó
Không tại ba nghìn sáu trăm môn

Ví dụ dễ thấy nhất là 2 đại môn phái Thiếu Lâm và Võ Đang. Ngày nay Thiếu Lâm Tự là một công ty kinh doanh võ thuật hàng đầu thế giới với doanh thu hàng tỷ đô la. Bạn có học cả đời ở đây cũng chẳng tìm ra được một chút xíu Võ Đạo chân chính nào cả.

Nhưng thật ra không chỉ ngày nay mà từ vài trăm năm trước, sau mỗi lần chùa Thiếu Lâm bị hỏa thiêu hay chiến loạn, các võ sư tản mát ra nhân gian thì lại có rất nhiều hệ phái Thiếu Lâm xuất hiện. Nào là Thiếu Lâm Bắc Phái , Nam Phái, Sơn Đông, Hồng Gia, Bạch Hạc, Vĩnh Xuân… rồi sang đến Việt Nam thì nào là Thiếu Lâm Nguyên Thủy Mật Truyền, nào là Thiếu Lâm Kiến An Công Phu, Thiếu Lâm Nội Gia, Thái Lý Phật… chỉ nhớ tên thôi đã làm người ta hoa mày chóng mặt.

Nhưng tất cả các dòng hệ phái trên chỉ là cành nhánh của một gốc rễ lớn là Thiếu Lâm Tự. Càng đa dạng, hoa mỹ thì càng rối rắm và rời xa Đại Đạo. Vì Đại Đạo vốn là cực kỳ đơn giản mà thôi. Ngày xưa khi Đạt Ma tổ sư truyền thụ 72 tuyệt kỹ cho các đệ tử chính vì các đệ tử của ông là người tu luyện chuyên nghiệp, thực hiện nội ngoại kiêm tu.

Khí công võ thuật chính là một phần trong công pháp tu luyện của họ để cường thân thể kiện tráng và nâng cao ý chí, thanh lọc tinh thần, Phật Pháp càng cao thâm thì võ học mới đến đỉnh cao. (Ảnh: youtube.com)

Khí công võ thuật chính là một phần trong công pháp tu luyện của họ để cường thân thể kiện tráng và nâng cao ý chí, thanh lọc tinh thần. Phật Pháp càng cao thâm thì võ học mới đến đỉnh cao. Nên sau Đạt Ma thì cho đến nay vẫn chưa có võ tăng nào của Thiếu Lâm đắc Võ Đạo cả. Bởi họ cả đời trầm mê trong quyền cước tiểu đạo mà không lo tu luyện bản Tâm của mình để hòa nhập vào Đại Đạo. Họ không hiểu rằng khi Tâm hiểu thông Phật Pháp và đạt được trí huệ vô ngại thì 72 tuyệt kỹ hay bất kỳ tuyệt kỹ nào trên đời đều chỉ là trò trẻ con mà thôi.

Chưa kể đến bây giờ người thế nhân còn coi võ công như một mặt hàng kinh doanh, một cách để trở thành diễn viên nổi tiếng, để biểu diễn kiếm tiền. Nên thay vì luyện công để dưỡng sinh kiện thể, luyện quyền để thực chiến và ấn chứng công phu thì người ta chỉ toàn luyện những thứ đẹp mắt có thể kiếm nhiều tiền và nhìn hoành tráng để thu về danh lợi.

Thiếu Lâm Tự, MMA và Wushu chính là các phế phẩm thượng hạng của phong trào này. Nhìn qua thì có vẻ như võ thuật truyền thống đang được phục hưng nhưng thực chất nó làm cho võ công chân chính ngày càng lụi tàn và bị người đời hiểu sai lệch. Cái thứ võ công pha trộn thể thao hiện đại thực chất chính là thuốc độc hại người, càng luyện nhiều thì sẽ càng tàn phá thân thể và sinh ra bệnh tật về già. Không tin thì hãy nhìn các siêu sao võ thuật xuất thân Wushu của Trung Quốc kia, không có ai là yên lành qua hết 60 tuổi. Nào là Lý Liên Kiệt, Lưu Gia Huy, Thành Khuê An, Nguyên Hoa… người thì tai biến, người thì ung thư không ai yên lành hết.

Ví dụ, hãy nhìn cách mà người ta biểu diễn binh khí quyền thuật trong Wushu. Áo quần chỉn chu, thẳng tắp, thần thái hiên ngang, động tác khó khăn hoa mỹ nhìn mướt mắt. Những võ sinh đó nếu bị bao vây bởi một đám côn đồ, tay côn tay búa hay bởi một đoàn quân gươm kiếm sáng lóa thì sẽ bị băm nát trong nháy mắt mà thôi. Thứ mà họ luyện không dùng được, chỉ dùng quay phim chụp ảnh làm tư liệu mà thôi.

Hay khá hơn một chút là Thiếu Lâm Tự với những màn trình diễn công phá bằng đầu, bằng tay chân siêu hạng. Vậy sao khi đấu với Muay Thái toàn là thất bại tủi nhục? Là bởi vì Muay Thái chính là võ công truyền thống thực chiến hiếm hoi của Phật giáo Tiểu Thừa hệ Pà Li còn truyền lại nguyên vẹn.

Còn cả MMA với các võ sĩ hàng tấn cơ bắp ngồn ngộn lao vào nhau. Họ coi mình là đệ nhất cao thủ, cho rằng võ thuật cổ truyền không có giá trị gì sau khi đánh bại vài ông lão tự xưng chân truyền với vài chiêu Thái Cực Quyền bát nháo. Hay gần đây nhất, một tay võ sĩ Vịnh Xuân người da trắng học được chút chiêu trò, ra đòn chân đứng không vững, đánh đấm y như dân giang hồ, quật ngã được vài lão võ sĩ Việt Nam vốn không hề có công phu chân thực gì. Thế rồi người ta bảo võ thuật cổ truyền Việt Nam tầm thường lắm!

Những ví dụ trên cho thấy giờ đây người ta luyện võ vì danh, vì lợi, vì dục vọng cá nhân. Những công phu nội hàm khó luyện đều bị bỏ qua hay biến tấu cho phù hợp. Chiêu thức thì bỏ đi tính thực chiến mà chọn độ khó và hoa mỹ để biểu diễn cho đẹp. Khác nào cột một con hổ lại vặt hết răng nanh móng vuốt của nó, đánh nó tàn phế rồi thả ra và bảo rằng: “Hổ gì mà chiến đấu tệ quá, chẳng bằng một con chó béc giê!”. Người ta quả thực đã biến võ công của ông cha, một con hổ chân chính, thành một con vật tàn phế không hơn không kém.

Hãy xem một đoạn đối thoại của Vô Danh Thần Tăng trong “Thiên Long Bát Bộ” của Kim Dung nói về việc này:

“Lão tăng bèn nói với Tiêu Viễn Sơn:

– Nhớ lúc cư sỹ đêm đầu tiên đến Tàng Kinh Các mượn sách đọc, là cuốn “Vô tướng kiếm phổ”. Chao ôi, từ tối hôm đó, cư sĩ đã vào ma đạo, đáng tiếc thay, tiếc thay… Lần thứ hai cư sĩ đến mượn sách là cuốn “Bát Nhã chưởng pháp”. Lúc đó lão tăng thầm than thở, biết cư sĩ do đó nhập ma, càng rơi vào càng sâu, trong lòng bất nhẫn, nên ở chỗ cư sĩ quen lấy sách, lão để một cuốn “Pháp Hoa kinh”, chỉ mong cư sĩ có thể mượn về, đọc mà khai ngộ. Chẳng ngờ cư sĩ trầm mê võ học, Phật Pháp chính tông thì để đó chẳng để ý, bỏ hai bộ kinh thư này sang một bên, tìm cuốn “Phục ma trượng pháp”, rồi hớn hở ra đi. Chao ôi, trầm mê biển khổ, không biết ngày nào mới được quay đầu. 

Sau đó lão nói với Mộ Dung Bác:

– Mộ Dung cư sĩ tuy là người tộc Tiên Ti, nhưng đã ở Giang Nam được mấy đời rồi. Lão tăng ban đầu liệu rằng cư sĩ tất đã có được văn thái phong lưu ở Nam Triều, đâu biết cư sĩ đến Tàng Kinh Các, đem vi ngôn pháp ngữ của sư tổ ta, ngữ lục tâm đắc của nhiều đời cao tăng, tất cả đều vứt đi như giẻ rách, rồi chọn quyển “Niêm hoa chỉ pháp”, cứ như là được báu vật. Người xưa mua hộp trả lại ngọc, để ngàn năm chê cười. Hai vị cư sĩ đều là cao nhân đời nay, lại đều làm những việc ngu xuẩn như thế này. Chao ôi, đối với người, đối với mình, đều có hại mà chẳng có ích lợi gì”.

Võ Đang chân chính công phu cũng đã mai một qua thời gian rất dài nên hiện nay cũng còn lại không nhiều. Nổi tiếng nhất chính là Thái Cực Quyền. Ngày xưa bản thân bài quyền này là một Pháp môn tu luyện bằng võ công chính thống và nó chính xác có 64 thức dựa theo Kinh Dịch Bát Quái mà diễn luyện.

Nhưng người đời sau lại tự phụ cho rằng bản thân mình đã thông hiểu Thái Cực nên 64 thức là không cần thiết, thế nên nhân gian mới xuất hiện nào là Trần Gia, Dương Gia, Ngụy Gia, Võ Gia và thi nhau tinh giản thay đổi chiêu thức nội hàm của bài quyền một cách vô tội vạ và ngày nay thậm chí còn có bài Thái Cực Quyền chỉ có 10 thức! Đó là việc làm đã gây di hại cho võ học chính tông, tước đi cơ hội đạt Đạo của biết bao người.

Tōhei Kōichi (20 tháng 1 năm 1920 – 19 tháng 5 năm 2011) là một Đại sư 10 đẳng Aikido, là người sáng lập Ki Society và Shin Shin Toitsu Aikido (Aikido với tinh thần và thể xác hòa hợp) thường được biết đến với tên gọi Ki-Aikido. (Ảnh: wikipedia.org)

Hãy xem thử câu nói của Đại sư Koichi Tohei của Hiệp Khí Đạo về sự quan trọng của tinh thần khi luyện võ: “Ta phải hợp nhất thể xác và tinh thần ta, phải làm cho những đợt sóng tinh thần được yên tĩnh, và phải làm cho chính ta trở thành một tấm gương sáng trong đó cái phản ảnh đích thực của vũ trụ có thể làm cho sự suy xét của ta minh mẫn và làm cho ta khỏi nhầm lẫn thiện với ác”.

Lời kết

Võ Đạo mênh mông như biển, con đường tầm Đạo luôn không dễ dàng. Người yêu và luyện võ chính là những con người rất tốt có thể đóng góp nhiều cho xã hội nếu đi đúng hướng. Một xã hội với tinh thần thượng võ là một xã hội hòa bình và phát triển. Võ học nếu được nghiên cứu và luyện tập nghiêm túc chính quy thì sẽ là đòn bẩy để khôi phục văn hóa cổ truyền chính thống quý giá của dân tộc. Chỉ mong qua bài viết nông cạn này mà làm rõ một số điều ngõ hầu giúp cho người yêu võ tìm ra đúng con đường của mình để không phí đi thời gian quý giá của tuổi thanh xuân. Vì các trích dẫn của Võ Việt Nam và Trung Hoa đã mai một đi nhiều, xin trích một đoạn của Hiệp Khí Đạo để làm rõ tinh thần trên:

“Vũ trụ là một mối tuyệt đối, và ta chẳng có lý do gì để chống đối lại nó. Chiến chinh sở dĩ mà xuất hiện là bởi vì cái ý tưởng về nhị nguyên thành hình. Người ta quan niệm vũ trụ trong ánh sáng của những ý niệm về nhị nguyên như: hoạt động và bất động (bình tĩnh), hợp và tan, co và giãn, nối và đứt…

Bị giam hãm trong cái thế giới nhị nguyên, ta đã rơi vào một thái độ cho rằng đấu tranh là lẽ thường, rằng đây quả thực là một thế giới của luật rừng. Ta đã quên đi mất cái hình thể đích thực của vũ trụ, và ta sẽ chỉ có thể tìm lại thấy nó khi ta đã bước vào thế giới của tuyệt đối. Cái tinh thần căn bản của vũ trụ là nguyên tắc bất phân tranh đó vậy.

Ngày nay có rất nhiều người có cảm tưởng rằng không thể sống được nếu không tranh đấu. Cũng có nhiều người chẳng khi nào chịu nhượng bộ, bao giờ cũng muốn thắng, muốn lên cao, cho dù phải áp bức kẻ khác. Lẽ dĩ nhiên, tình trạng sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu đây là những người ngồi chung với nhau để bàn về hòa bình thế giới. Con đường duy nhất để tiến tới hòa bình và đồng tình giữa người và người là mỗi một cá nhân phải quay về với cái tinh thần căn bản của vũ trụ và thông hiểu cái nghĩa của nguyên lý bất phân tranh.

Vì phần đông mọi người đều chỉ thích chuyện được thua, cho nên nhiều vũ nghệ càng ngày càng trở nên giống những môn thể thao. Hiệp Khí Ðạo, không muốn đi theo cái trào lưu đó, muốn mãi mãi là một vũ nghệ đúng với tên của nó. Chúng tôi nhường vấn đề được, thua, lại cho những người nào thích nó. Con người chọn Hiệp Khí Ðạo chỉ thích một cuộc thắng trận đích thực, bằng cách thấu hiểu nguyên lý bất giao tranh, và bằng cách luôn luôn làm cho mình mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Nếu ta truyền bá cái tinh thần bất giao tranh đó ra ngoài đời, nó có thể trở thành một cột trụ cho nền hòa bình thế giới”. 

(Hết)
Tĩnh Thủy