Người xưa vô cùng coi trọng chữ tín. Họ giảng rằng, lời nói ra phải có sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi đã phụ tín nghĩa, người ta cảm thấy những năm tháng cuộc đời về sau là không còn ý nghĩa gì nữa.
Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn, chỗ đứng trên thế gian này. Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này thực ra rất có đạo lý.
Thủ tiết vì một lời hẹn ước
Trước đây, có một vị tú tài nọ bị thi trượt, trên đường về nhà thì hết sạch tiền, trong người không còn một xu, vừa đói vừa khát. Anh đi tới một làng quê nọ. Trong làng có một gia đình rất giàu có, chỉ sinh được một cô con gái nhưng chẳng may bị mắc bệnh nặng. Cô gái ốm yếu gầy gò như ngọn đèn trước gió, bệnh tật ngày càng nghiêm trọng mà chưa gặp được danh sư nổi tiếng cứu chữa.
Thấy sức khỏe con gái ngày một yếu dần, cha mẹ cô gái lo lắng mất ăn, mất ngủ liền ra thông cáo: “Nếu người chữa khỏi bệnh cho cô gái là một người lớn tuổi, họ nguyện để con gái làm con nuôi của vị danh y, cả đời để con gái phụng dưỡng chăm sóc. Nếu người chữa khỏi bệnh là một chàng trai trẻ tuổi, họ nguyện sẽ gả con gái và để thầy thuốc đó kế thừa sản nghiệp“.
Sau khi nghe được thông tin, vị tú tài nảy sinh mưu đồ đen tối “Lần này mình có cơm đề ăn và có tiền để về nhà rồi. Chỉ cần với chút hiểu biết nông cạn về y học của mình, mình sẽ có cơm ăn“.
Nói là làm, vị tú tài vội vàng tìm đến gia đình kia và được đưa vào thăm bệnh cho bệnh nhân. Sau khi bắt mạch cho cô gái anh ta cảm thấy vô cùng buồn, hổ thẹn tự vấn: “Mình quả thật là người chẳng ra gì, đến bước đường cùng thì làm càn mất hết cả tự trọng rồi. Gia đình nhà người ta đặt nhiều hy vọng vào mình như vậy, mà mình lại không biết làm sao để giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn này, không biết cách chữa khỏi bệnh”.
Vừa nghĩ tới đó, bụng anh ta réo lên ù ù vì đói. Tú tài bạo gan nói với chủ nhà: “Tôi đang đói bụng, hãy chuẩn bị giúp tôi một chút đồ ăn. Sau khi ăn xong tôi sẽ chuẩn bị thuốc cho người bệnh“. Sau khi ăn một bữa no, trên đường ra nhà vệ sinh anh ta phát hiện trên nóc có một chiếc lược bằng gỗ đào đã bị mục nát vẫn còn chứa đầy dầu dưỡng tóc ở trên.
Tú tài dùng tay vặn bóp nát chiếc lược, anh vê nó thành từng viên từng viên thuốc hoàn nhỏ, rồi quay trở lại phòng nói với cha mẹ cô gái: “Ông bà hãy dùng nước ấm cho cô nương đây uống hết mấy viên thuốc này. Khi uống vào bệnh nhân sẽ nhổ từng cục bệnh trong bụng ra. Xin ông bà hãy đưa cho tôi hai lạng bạc, tôi muốn về nhà lấy một chút thuốc bổ nữa. Khoảng chừng một tháng cô ấy sẽ hoàn toàn khỏi bệnh“. Cha mẹ cô gái nghe vậy lấy làm vui mừng, tin tưởng lấy bạc đưa cho anh ta và tiễn ra khỏi nhà.
Trên đường về càng nghĩ càng cảm thấy bất an trong tâm, vô cùng hổ thẹn, anh tự dày vò mình: “Mình đang sai lầm đến mức độ nào rồi đây. Vốn chỉ trong lúc đói khát cơ nhỡ muốn đến xin một bữa cơm, thân không tinh thông nhiều về y thuật lại dám làm bừa, mình thật là xấu hổ với cô gái và gia đình cô ấy“. Nhiều năm sau đó anh ta không bao giờ dám đặt chân tới mảnh đất đó nữa.
Lại nói về gia đình cô gái nọ, sau khi cô uống thuốc thì liên tục nôn mửa, nôn ra mật xanh mật vàng, kinh khủng tới mức cảm giác như lục phủ ngũ tạng cũng có thể nôn hết ra. Sau cùng nôn ra một cục máu. Chính bởi dầu bôi tóc trên cây lược bị vê nát kia lại rất kỵ với tóc, nên khi nôn ra cục máu một nắm tóc lẫn trong đó cũng bị lôi ra theo. Sau khi nôn ra cục máu, quả nhiên một tháng sau cô gái hoàn toàn phục hồi khỏe mạnh.
Sau khi cô gái khỏi bệnh, có rất nhiều người đến tìm hiểu muốn kết hôn với cô. Có cả con của quan lại, con của gia đình giàu có, có tài có đức đủ cả nhưng cô đều không đồng ý. Nguyên nhân là khi xưa trong tờ cáo thị thông báo gia đình cô có cam kết: Nếu người chữa được bệnh cho cô gái là một chàng thanh niên, thì sẽ để chàng thanh niên đó kết hôn với con gái và cho kế thừa sản nghiệp.
Giờ nếu đồng ý lấy người khác chính là thất tín với vị tú tài kia, nên cô gái cứ đợi mãi tới 5 năm sau, đợi cho tới khi việc đó lan truyền khắp vùng. Một ngày nọ, chàng tú tài có việc bắt buộc phải đi qua ngôi làng đó. Khi nghe mọi người kể lại câu chuyện cô gái vẫn luôn chờ đợi anh 5 năm qua, anh vô cùng hối hận, vội vàng tới nhà cô gái và xin tạ lỗi.
Đối với người xưa việc giữ chữ tín là rất quan trọng. Ví dụ như cô gái trong câu chuyện trên, không cần biết chàng trai có đồng ý lấy mình hay không, vì gia đình đã hứa hẹn như vậy thì gia đình cô quyết tâm giữ lời hứa đó tới cùng. Nếu con người mất đi tín nghĩa, xã hội sẽ đại loạn.
Câu chuyện “Ba nghìn dặm không mất tín”
Có hai người bạn nọ gặp nhau vào khoảng đầu mùa xuân. Trước khi chia tay, chủ nhà hỏi người bạn của mình rằng, khi nào thì lại đến chơi. Người bạn kia hẹn vào tết Trung thu sẽ tới để hai người cùng ngắm trăng.
Đến tết Trung thu, chủ nhà mang rượu và thức ăn ra hoa viên sau nhà, không ăn không uống mà kiên trì ngồi chờ bạn đến. Đến lúc gần tới canh ba, người bạn kia quả nhiên đi đến, đứng ngoài cửa hoa viên hỏi: “Hiện tại chưa qua canh ba nên vẫn tính đang là ngày rằm chứ?”.
Chủ nhà trả lời bạn: “Chưa qua, chưa qua, đương nhiên vẫn là rằm tháng tám rồi. Tôi biết rõ ngài nhất định sẽ đến, bởi vì trong trí nhớ của tôi thì ngài chưa thất tín với tôi bao giờ. Xin mời, mau vào cùng tôi uống rượu ngắm trăng”. Chủ nhà nói xong liền chạy lại cổng của hoa viên mời bạn.
Người bạn vội nói: “Xin ngài đừng qua đây! Vì gặp chuyện đặc biệt nên ta không thể gặp ngài đúng hẹn. Ta từng nghe có người nói, con người mà trút bỏ đi thân thể rồi thì chỉ trong tích tắc, nguyên thần có thể đi ngàn dặm đường. Cho nên, vào canh hai ta đã trút bỏ đi thân thể của mình để có thể đi ba nghìn dặm đến đây trước canh ba. Giờ ta đã ở đây rồi, xem ra lời ấy cũng không phải hư truyền. Ta với ngài giờ đã là Âm Dương cách biệt, nhưng dù sao thì ta cũng đã giữ được lời hứa với ngài”.
Người bạn trong câu chuyện này đã đặt chữ tín ở vị trí trọng yếu nhất, thậm chí còn cao hơn cả tính mạng của mình. Nhân vật chính trong câu chuyện xưa, vì giữ lời hứa mà sẵn sàng trả giá bằng mạng sống của mình. Lời một khi nói ra thì có trời đất chứng dám. Vậy nên, đừng vì tùy hứng mà lỡ thất tín với người khác.
Kiên Định