Cách đây không lâu, một số trang mạng xã hội sôi nổi chia sẻ bài viết của Tiến sĩ lịch sử chính sách kinh tế Đức – Dương Bội Xương (Yang Peichang). Ông cũng từng là một du học sinh ở Đức. Bài viết không những nhận được sự đồng cảm của nhiều độc giả trên mạng, mà còn mang lại góc nhìn hoàn toàn mới cho người đọc.
Tiến sĩ Dương từng có cơ hội đi nước ngoài học tập và sinh sống. Bản thân sinh ra và lớn lên ở một vùng miền núi hẻo lánh, cha mẹ đều là nông dân không biết chữ. Sau này khi tới Đức, nhận thức của ông về Trung Quốc cũng như về thế giới đã có sự chuyển biến.
Nội dung bài viết của Tiến sĩ Dương như sau:
Khi đó, động cơ ra nước ngoài của tôi rất đơn giản: Học văn hóa, quản lý và kỹ thuật của Đức, nói một cách đơn giản là sau này học thành tài về đền đáp tổ quốc.
Khi vừa tới Đức, tôi là một người nóng tính và dễ nổi cáu. Có thể dùng từ “con nhím xù lông” để hình dung về tính cách của tôi khi đó.
Trên giảng đường, khi nghe Tiến sĩ Schmidt chia sẻ về tình hình nhân quyền của Trung Quốc tồi tệ như thế nào tôi lập tức giơ tay bác bỏ: “Thưa thầy đó là việc nội bộ của đất nước con, thầy không có quyền can thiệp”.
Khi nghe giáo sư Hasse nói: “Thể chế kinh tế của Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường mang ý nghĩa chân chính”.
Tôi lập tức phản đối: “Nước Đức cũng không phải là tốt đẹp hoàn toàn đâu thưa thầy. Chẳng phải nước Đức cũng có đường sắt liên bang quốc doanh hay sao ạ?”
Trong giờ tôn giáo, khi giáo sư ca ngợi về Đạt Lai Lạt Ma, tôi lập tức bác bỏ: “Thưa thầy Lạt Ma thực sự hoàn mỹ như vậy sao? Tại sao thầy không nhìn lại những gì trước đây ông ấy đã làm? Thầy đã từng đi tới Tây Tạng chưa? Thầy có nhìn thấy sự tiến bộ to lớn của Tây Tạng ngày nay không?”
Một bài viết trên trang mạng của Đài phát thanh Đức “”Deutsche Welle” có đoạn như sau: “Người Trung Quốc đều là những người sính ngoại, nhìn thấy người Châu Âu nào cũng muốn kéo lại chụp ảnh chung, con gái Trung Quốc rất thích lấy chồng Châu Âu”.
Tôi tức tới mức phát điên, bèn lập tức viết thư trả lời: “Tôi chính là cái loại người thích lôi kéo người nước ngoài lại chụp ảnh chung đó đây. Tôi làm như vậy bởi tôi xuất thân từ nông thôn chưa bao giờ nhìn thấy người Châu Âu. Cứ nghĩ rằng những người toàn thân mọc đầy lông lá kia chính là loại động vật nửa người nửa khỉ, vì vậy rất tò mò muốn chụp chung một tấm ảnh để gửi về quê cho mọi người xem. Lý do đơn giản chỉ vậy mà thôi”.
Sau này khi có cơ hội nói chuyện riêng với tiến sĩ Schmidt, ông nói với tôi: “Ông đã từng tới Trung Quốc rất nhiều lần và rất yêu quý Trung Quốc”.
Tôi hỏi ông: “Thầy yêu mến Trung Quốc như vậy sao lại còn đả kích Trung Quốc ngay trên giảng đường?”.
Ông không trực tiếp trả lời mà hỏi lại tôi: “Ví dụ trong một ngôi làng chúng ta cùng sinh sống, có một gia đình mà người chồng thường xuyên đánh vợ đánh con. Một người hàng xóm thấy vậy liền nói với anh ta: ‘Này, anh không thể làm như thế. Chẳng nhẽ câu nói này cũng là can dự vào nội bộ của gia đình họ? Lại có một người hàng xóm khác chứng kiến tất cả những hành động đó nhưng không nói gì cũng không ngăn cản. Lẽ nào cậu cho rằng người không có hành động gì tốt hơn người quản việc không phải của mình?”
Nghe lời thầy giáo nói, tôi thấy có lý và không nói được lời nào.
Sau này trong quá trình học tôi mới biết rằng, đường sắt liên bang Đức kỳ thực là một tổ chức thua lỗ, các doanh nghiệp tư nhân không có hứng thú tham gia, ở tình cảnh không còn cách nào khác nên chính phủ mới phải tiếp nhận. Một nguyên nhân khác nữa là bởi đường cao tốc của Đức quá phát triển: không hạn chế tốc độ, không thu phí, mọi thành phố đều có đường cao tốc thông suốt, nên đường bộ lấn át đường sắt dẫn tới tình cảnh đôi khi tàu hỏa chỉ có mấy chục người đi. Vé máy bay thì rẻ tới mức khác thường, đôi khi chỉ cần 29 EURO (khoảng 750.000 VNĐ – ND) cũng có thể mua được một vé máy bay giá ưu đãi. Năm đó khi nước Đức chưa sử dụng đồng Euro, chỉ cần với 300 Mark (khoảng 4 triệu VNĐ – ND), tôi có thể mua được vé máy bay khứ hồi giảm giá từ Trung Quốc tới Đức.
Sau khi đi sâu nghiên cứu tình hình kinh tế Đức, tôi bắt đầu hoài nghi về mô hình phát triển của đất nước mình. Sau chiến tranh, nền kinh tế Đức bắt đầu phát triển, mức tăng trưởng kinh tế trong thời gian 15 năm, thu nhập bình quân đầu người đã đạt tới 10.000 Mark (khoảng 132 triệu VNĐ – ND). Trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã gần 30 năm, mà thu nhập bình quân đầu người mới là 2.000 USD (khoảng 45 triệu VNĐ – ND). Mức lương của một công nhân bình thường chỉ dao động trong khoảng từ 1.000 – 3.000 NDT (3,3 triệu – 10 triệu VNĐ – ND), tương đương với 100 – 300 EURO. Vậy thì thành quả phát triển của kinh tế là chạy đi đâu nhỉ? Kinh tế phát triển rồi tại sao những người dân bình thường vẫn không được hưởng lợi một cách rõ ràng?
Sau khi nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ này tôi mới bừng tỉnh hiểu ra: Về cơ bản, chính phủ Đức dùng những khoản tiền đó chi tiêu như sau: 50% là dùng cho bảo hiểm, cứu tế và trợ cấp, 20% là dùng cho củng cố an toàn, quốc phòng, ngoại giao; 20% là dùng cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, chưa tới 10% được dùng chi tiêu cho nhân viên công chức. Một sự thu chi về tài chính hợp lý như vậy dân chúng không giàu có mới lạ!
Còn thu chi tài chính của chúng ta (Trung Quốc) thì đi đâu? Tam công tiêu dùng (bao gồm kinh phí công tác nước ngoài, chi phí mua xe công vụ và chi phí tiếp khách) là: 90 triệu NDT (khoảng 301 tỷ VNĐ). Trong đó chi phí của công chức chiếm khoảng 35%, nghe nói mấy doanh nghiệp nhà nước đang lỗ vốn: Những công ty nhà nước như Dầu khí Trung Quốc PetroChina Sinopec hay đường sắt, mặc dù đầy nhân viên nhưng ngày nào cũng kêu gào bị thua lỗ. Những ngân hàng quốc doanh lớn (nghe nói dùng ngoại hối dự trữ để bổ sung nợ khó đòi) đầu tư tới đâu thì thua lỗ tới đó. Các bộ và ủy ban trung ương khi mua nhà vài vạn NDT vẫn lấy danh nghĩa của nhân viên cấp dưới để được “mua nhà” với giá chỉ vài nghìn NDT.
Nếu nói những phân tích trên đây quá trừu tượng, vậy để tôi miêu tả cho bạn một cảnh tượng mà mình nhìn thấy tại cửa hàng miễn thuế ở sân bay Frankfort và Charles-de-Gaulle ở Paris, là minh chứng sống động nhất. Rõ ràng những loại hàng ở các quầy hàng miễn thuế nơi đây đắt hơn rất nhiều so với ở các quầy hàng thông thường, nhưng ở đây nhốn nháo có rất đông người Trung Quốc, đi tới nơi nào tôi cũng có thể gặp người Trung Quốc nói tiếng Hoa. Đến cả cô nhân viên người nước ngoài tóc vàng mắt xanh cũng biết nói tiếng Hoa. Tiếp nữa mỗi cô nhân viên bán hàng đều biết nói một từ: “Hóa đơn”.
Từ những sự việc mà mình gặp phải trong thời gian sinh sống ở Đức càng làm tôi nghi ngờ vào niềm tin của bản thân.
Có một lần vào buổi tối, một người hàng xóm người nước ngoài mở nhạc quá to, sau khi nhắc nhở không hiệu quả tôi liền báo cảnh sát. Cảnh sát tới ngay sau đó và phạt cảnh cáo người hàng xóm kia rồi sang gõ cửa nhà tôi và kể lại quá trình họ xử lý sự việc ấy. Sau cùng còn hỏi tôi xử lý như vậy tôi có hài lòng không. Trời đất ơi, đến ở ngay nước mình tôi cũng chưa bao giờ được đối xử tôn trọng như vậy.
Lại một sự khác biệt nữa trong cách cư xử của nhân viên công chức tại Đức. Câu hỏi đầu tiên mà họ hỏi khi mọi người tới đó để làm giấy tờ không phải là câu “Anh đến đây có việc gì” mà là: “Anh muốn uống gì? cafe hay nước?”
Có một lần khi tôi tới cục thuế Leipzig IRS giúp một người bạn hỏi xem có cách gì để có thể giảm thiểu tiền thuế. Sau khi cán bộ cục thuế nhẫn nại lắng nghe tôi trình bày xong liền nhiệt tình giúp tôi phân tích và đưa ra lời khuyên cụ thể. Làm theo lời tư vấn của họ quả thật bạn thôi đã giảm được rất nhiều tiền thuế khiến cô ấy vô cùng vui mừng. Nếu tôi tới cục thuế Trung Quốc để hỏi vấn đề đó thì có thể đã bị trả lại không được giải quyết.
Một lần nọ tôi đưa một đoàn đại biểu đi thăm thị trưởng thành phố Riedbach gần thành phố Frankfort. Vị nữ thị trưởng này vốn làm ở nhà xuất bản, Khi nghe nói tập sách “Chi tiết quyết định sự thành bại” của ông Uông Trung Cầu trong đoàn chúng tôi đã bán được 4 triệu cuốn, bà thị trưởng mở to mắt ngạc nhiên bày tỏ: “Có lẽ tôi nên nhanh chóng từ chức và đi làm ở nhà xuất bản”. Trong lòng tôi chợt nghĩ: “Chẳng nhẽ làm một thị trưởng lương lại không nhiều bằng làm xuất bản sách hay sao?”
Cho dù bạn đi tới bất kể thành phố nào ở Đức, gặp bất kể một quan chức nào bạn cũng sẽ cảm nhận họ đều rất kiên nhẫn, và sẽ phát hiện ra họ đều… rất bình dân. Cho dù bạn đi tới đâu cũng không cảm nhận thấy sự phát triển quá khác nhau ở các khu vực, cũng không có sự chênh lệch rõ rệt về khoảng cách giàu nghèo, không nhìn thấy sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn.
Qua những trải nghiệm đó trong lòng tôi thực sự thấy dao động. Quả thực những điều này đều khác xa những ý nghĩ của tôi trước đây.
Theo secretchina.com
Kiên Định biên dịch
Xem thêm: