Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen’…

Ngay từ những câu thơ mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa ra lời tiên tri về số phận hồng nhan đa truân, “tài mệnh tương đố” của nàng Vương Thuý Kiều. Kết thúc thiên tiểu thuyết 3.254 câu thơ, đại thi hào một lần nữa viết: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Thuý Kiều quả thực đã phải trải qua 15 năm lưu lạc điêu linh, phải chăng Trời Đất thật sự biết “ghen” với nhan sắc và tài hoa của nàng? 

“Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”

Luận về nhan sắc, Thuý Kiều và Thuý Vân đều là “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Với thẩm mỹ Á Đông xưa, “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” và “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” của Thuý Vân đã đủ để đưa nàng thành trang tuyệt sắc. Thế nhưng, không thấy Trời Đất “ghen” với dung nhan của Thuý Vân một ly nào, ngược lại nàng cả một đời hạnh phúc ấm êm cùng Kim Trọng. Như vậy, không thể nói rằng cứ “má hồng” là bị Ông Trời “đánh ghen” được.

Còn luận về tài tình, trong Truyện Kiều quả là khó có nữ nhân nào bì được với Thuý Kiều, cầm – kỳ – thi – hoạ, môn nào nàng cũng tinh thông cả:

Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
..

Nói về “thi”, một bài thơ của nàng đủ xoay chuyển tình thế, chuyển họa thành phúc trong vụ kiện của Thúc Ông. Ban đầu, vị quan xử kiện dáng vẻ uy nghiêm, dữ tợn, phán Kiều là “… người đong đưa! Tuồng chi hoa thải hương thừa, Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”. Thế mà sau khi xem xong bài thơ Kiều viết, ông đã “Khen rằng: Giá đáng Thịnh Đường, Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!”, còn đặc cách “sắm sửa lễ công” để vun vén cho hạnh phúc của Thúc Sinh và Kiều.

Nói về “cầm”, tài chơi đàn của Kiều được Nguyễn Du miêu tả đặc biệt chi tiết, từ lời giới thiệu lúc ban đầu cho tới xuyên suốt toàn tác phẩm, trong mỗi dấu mốc của cuộc đời Kiều dường như đều có tiếng đàn minh hoạ. Cũng bởi thế, không ngoa nếu như nói tâm hồn Kiều thổ lộ trọn vẹn qua tiếng đàn, và tiếng đàn cũng chính là tiếng đời Kiều vậy! 

Thuý Kiều từ buổi ban sơ đã là người đa sầu đa cảm. Một thiếu nữ khuê các sống trong cảnh êm đềm nhung lụa, mới ở tuổi cập kê mà đã soạn ra bản nhạc có tên “Bạc mệnh”, chẳng lạ kỳ lắm ư?

Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Nên khi Kim Trọng nghe tiếng đàn của Kiều, chàng dường như cũng uống cả nỗi sầu trong đó:

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Rằng: Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Lựa chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người?
Rằng: Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

Ảnh: Shutterstock

Tiếng đàn của Kiều đạt đến tột cùng bi thảm sau cái chết của Từ Hải, khi nàng thị yến dưới màn theo lệnh của Hồ Tôn Hiến:

Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
..

Tiếng đàn của Kiều có sức truyền cảm mãnh liệt, nó tinh tế đến độ “người và đàn hoà làm một”, tiếng đàn đưa nội tâm của Kiều ào ạt chảy thẳng vào tâm người nghe. Đàn đến mức độ như thế, ai chẳng phục là tài. Trong Phong Thần Diễn Nghĩa cũng có một nhân vật có tài đàn điêu luyện như thế, nhưng có lẽ người này nếu nghe thấy tiếng đàn của Kiều thì nhất định sẽ ngăn nàng lại, đó chính là Bá Ấp Khảo.

Chuyện Bá Ấp Khảo dạy đàn…

Truyện kể rằng Trụ vương hoang dâm vô Đạo, giam Tây bá hầu Cơ Xương ở thành Dũ Lý, con trai ông là Bá Ấp Khảo liều mình mang báu vật của Tây Kỳ dâng lên Trụ vương để chuộc tội cha. Đát Kỷ ở sau rèm thấy Bá Ấp Khảo dung mạo khôi ngô thì nổi lòng tà, bày ra chuyện học đàn để tiện bề trăng gió. Bá Ấp Khảo là người con chí hiếu, lòng nghĩ đến cha già bị giam cầm, nào thiết chi chuyện đàn ca, nhưng khi nghe Trụ vương hứa sẽ thả cho cha về nước thì vui lòng phụng sự. Phong Thần Diễn Nghĩa, hồi 19 có viết:

“Ðát Kỷ truyền cung nhân bồng nhà vua để nằm nơi long sàng, rồi khiến quan Thái giám đem đến hai cây đàn cầm trao cho Bá Ấp Khảo một cây, và nói:

– Công tử đã có lệnh Thiên tử, vậy thì mau mau truyền lại bản nhạc cho ta để được mau về nước.

Bá Ấp Khảo tuân lệnh cầm đàn ngồi dưới sàn, và nói:

– Xin Hoàng hậu nghe cho rõ: đàn cầm có sáu luật, năm tiếng, lại có sáu điều kỵ, và bảy điều không nên đàn.

Ðát Kỷ nói:

– Sáu luật năm tiếng thì ta đã có nghe, còn sáu điều kỵ thì ta chưa hiểu.

Bá Ấp Khảo nói:

– Sáu điều kỵ gồm có:

1) Nghe khóc kể

2) Mình rơi lụy

3) Mắc lo lắng

4) Ðang giận hờn

5) Ðang kinh hãi

6) Tưởng việc tà.

Sáu điều này phải kiêng cữ.

Ðát Kỷ lại hỏi:

– Còn bảy điều không nên đàn là bảy điều gì?

Bá Ấp Khảo nói:

1) Mưa vạy gió may

2) Có tang than khóc

3) Áo mão chẳng ngay

4) Say rượu rối trí

5) Nhơ uế không sạch

6) Chẳng xông hương là khinh lờn

7) Không kẻ biết nghe là tục.

Bảy điều ấy chẳng nên đàn. Bởi đàn cầm là tiếng chánh, xưa cho ra là ngăn cấm lòng tà, chẳng phải như các món nhạc khác muốn đàn cách nào cũng được”.

Ảnh: Shutterstock

Tiếng đàn của Kiều phạm vào điều cấm kỵ…

Bá Ấp Khảo đã nói ra cái Đạo của đàn cầm, cũng là cái Đạo tu thân của người quân tử. Theo đó mà xét, Thuý Kiều đã phạm vào những điều cấm kỵ: tâm can nàng sầu bi rối loạn, thế thì tiếng đàn phát ra cũng không phải là “tiếng chánh”, nên chẳng thể đạt mục đích “ngăn cấm lòng tà”. Chẳng thế mà sau khi nghe Kiều đàn xong, Kim Trọng suýt không giữ mình nổi nữa:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

Còn Hồ Tôn Hiến thì quên cả “phương diện quốc gia” mà mình đang đại biểu:

Nghe càng đắm ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!

Trong trường hợp sau, Kiều bị ép uổng nên mới đàn, lại đang đau đớn vì Từ Hải chết trận, tiếng đàn có bi ai nặng tình cũng dễ dàng thông cảm. Thế nhưng buổi đầu gặp gỡ Kim Trọng vốn là một chuyện vui, gia cảnh nàng cũng phong lưu phú quý, cớ gì tiếng đàn lại não nề như vậy? Người xưa nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chỉ có thể nói rằng tự bản thân nàng đã đeo cái tình rồi tự tìm phiền não. 

Trong trước tác Nhạc ký có luận thuật về quan hệ giữa Nhạc và Đức như sau: “Nhạc là vui vẻ. Người quân tử yêu thích âm nhạc là để nâng cao đạo đức tu dưỡng. Kẻ tiểu nhân yêu thích âm nhạc là để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Dùng Đạo để khống chế, ước chế dục vọng thì vui vẻ mà không loạn. Dùng dục vọng để quên mất Đạo thì mê loạn mà không vui vẻ. Thế nên người quân tử có thể chế ngự tình cảm để hòa hợp chí hướng với chính Đạo, thông qua nghĩa lý của âm nhạc để thành tựu giáo hóa rộng rãi, âm nhạc có thể hướng người dân theo chính nghĩa chính Đạo, có thể quan sát đạo đức người dân”.

Lại có lời bình như sau: “Âm thanh cổ cầm vừa thuần hòa đạm nhã, lại vừa trong sáng mềm xa, ý thú cao nhã, vui mà không phóng túng, buồn mà không bi thương, oán mà không phẫn nộ, ôn nhu đôn hậu, hình thức trung chính bình hòa, không cái gì thái quá, không cái gì chưa đủ”.

Tiếng đàn của Thuý Kiều thì ngược lại: nó vượt quá ranh giới của cái buồn nên trở nên bi thương, phá vỡ sự trung chính bình hoà, người chơi đàn không chế ngự tình cảm của mình nên không thể hoà hợp chí hướng với chính Đạo, khiến người nghe đàn “mê loạn mà không vui vẻ”. 

Tiếng đàn của Thuý Kiều chưa trở thành “tiếng chánh”, âu cũng bởi lòng nàng chưa đủ đoan chính mà ra. “Chưa đủ đoan chính” không có ý nói rằng Kiều lẳng lơ dâm tà, mà là vì nàng cứ mãi ôm một chữ Tình: yêu và hận, ham muốn và lo sợ, tương tư và bi lụy, v.v… tất cả đều là tình, đều che mờ bản tính tiên thiên thuần khiết của con người.

Đạo Trời không thiên vị ai, thiện ác đều có báo ứng 

Kết thúc thi phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Để thấy rằng dù có tài tình đến đâu mà cái tâm chưa đủ thuần và thiện, thì vẫn phải chịu kiếp phong trần. Cổ ngữ cũng có câu rằng:

Nhân tâm sinh nhất niệm
Thiên địa tận giai tri
Thiện ác nhược vô báo
Càn khôn tất hữu tư.
..

Ý tứ là:
“Lòng người sinh một niệm
Trời đất đã tỏ tường
Thiện ác mà không báo
Càn khôn ắt vị tư”


Thuý Kiều chịu kinh qua 15 năm đoạn trường, nào phải vì Trời Đất “ghen” với tài hoa của nàng, chỉ bởi tâm nàng chưa hoà hợp với chính Đạo đó thôi! Số kiếp của Kiều long đong lận đận không nằm ngoài quy luật “thiện ác hữu báo”, chứ Đạo Trời quang minh chính đại, ghen làm chi với tài sắc của nữ nhi?

***

Nếu như buổi đầu thơ ngây, Thuý Kiều sống trong cảnh sung sướng thanh bình: “Êm đềm trướng rủ màn che”… mà tiếng đàn vẫn ảo não bi thương, thì ngược lại, trải bao gió dập sóng vùi, trong cái đêm đoàn viên cùng Kim Trọng, tiếng đàn của Kiều bỗng trở nên vui vẻ, ấm áp lạ thường: 

Phim đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên,
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Thế mới biết, “Tẻ vui bởi tại lòng này” mà ra. Người xưa nói: “Tướng do tâm sinh”, “Cảnh tuỳ tâm chuyển”, quả là chí lý vậy. Sau 15 năm lênh đênh lưu lạc, Thuý Kiều đã trải qua hết thảy bi hoan ly hợp chốn nhân gian, cuối cùng đã có thể xả bỏ được chấp trước vào tình, tâm cảnh trở nên an nhiên tự tại. Tiếng đàn của Kiều khi ấy phải chăng đã là tiếng đàn giác ngộ? 

Quả đúng là:

Trong tâm quét sạch bẩn,
Bên tai rửa bụi trần.
Không nhận điều đau khổ,
Khó làm bậc thượng nhân.

(Tây du ký).

Thanh Ngọc