Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.
Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.
1. Tri ngã giả, vị ngã tâm ưu, bất tri ngã giả, vị ngã hà cầu (Thi kinh – Vương phong – Thử ly).
Dịch nghĩa: Người hiểu ta, thì nói lòng ta ưu sầu. Người không hiểu ta, thì nói ta đang tìm kiếm vật gì.
Dịch thơ:
“Hiểu lòng ta những ai đó hỡi!
Ắt nói ta nghĩ ngợi sầu bi.
Còn người chẳng hiểu tí chi,
Nói ta đang kiếm vật gì thế thôi”.
2. Nhân nhi vô nghi, bất tử hà vi (Thi kinh – Phong – Tương thử).
Dịch nghĩa: Người mà không có lễ nghi, chẳng chết đi còn sống làm gì?
3. Ngôn giả vô tội, văn giả túc giới (Thi kinh – Đại tự).
Dịch nghĩa: Người nói có thiện ý thì dù sai cũng không có tội, người nghe có thể thấy được khuyết điểm của mình mà răn mình.
4. Tha sơn chi thạch, khả dĩ công ngọc (Thi kinh – Tiểu nhã – Hạc minh).
Dịch nghĩa: Đá của hòn núi xa lạ kia, có thể dùng để mài ngọc.
Trình Tử nói rằng: Hòn ngọc mà trơn bóng là vật tuyệt đẹp của thiên hạ. Hòn đá thô tệ là vật xấu của thiên hạ. Nhưng hai hòn ngọc mài vào nhau không thể nào tựu thành được. Lấy đá mà mài ngọc thì viên ngọc mới hoàn thành. Cũng như người quân tử ở với kẻ tiểu nhân, việc trái ngược cứ diễn thêm ra, rồi sau mới tu tỉnh kiêng dè, tấm lòng mới cảm phát, tính tình mới nhẫn nại, biết thêm ý đề phòng, mà nghĩa lý phát sinh ra, đạo đức được thành tựu.
5. Đầu ngã dĩ đào, báo chi dĩ lý (Thi kinh – Đại nhã – Ức).
Dịch nghĩa: Ném tặng ta quả đào, thì ta sẽ báo đáp lại người ấy quả mận.
Câu này ý muốn khuyên răn con người nên trau dồi đức hạnh, hễ làm việc nhân đức thì được người ta bắt chước theo, cũng như lẽ tất nhiên hễ người ném tặng cho mình quả đào, thì mình sẽ đáp lại cho người ấy quả mận vậy. Lễ nghi truyền thống coi trọng sự qua lại lẫn nhau, bình đẳng (“Lễ thượng vãng lai”), nhưng không mang hàm nghĩa vụ lợi, hẹp hòi.
6. Thiên tác nghiệt, do khả vi, tự tác nghiệt, bất khả hoạt (Thượng thư).
Dịch nghĩa: Trời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng thể trốn tránh mà thoát chết được.
7. Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích (Thượng thư – Đại Vũ mô).
Dịch nghĩa: Tự mãn sẽ gây ra tổn hại, khiêm tốn sẽ nhận được lợi ích.
8. Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng (Quốc ngữ).
Dịch nghĩa: Làm việc thiện như leo lên cao (khó khăn), làm việc ác như rớt xuống thấp (dễ dàng).
9. Đa hành bất nghĩa tất tự tễ (Tả truyện).
Dịch nghĩa: Làm nhiều việc bất nghĩa thì sẽ tự chuốc lấy diệt vong.
10. Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn (Tả truyện).
Dịch nghĩa: Lúc sống bình an vẫn phải nghĩ đến những mối nguy tiềm ẩn, nghĩ đến lúc nguy biến, nghĩ đến hồi nguy nan đau khổ. Nghĩ như vậy thì sẽ có chuẩn bị trước, không bao giờ gặp cảnh hoạn nạn cả.
11. Nhân phi Thánh hiền, thục năng vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên (Tả truyện).
Dịch nghĩa: Con người bình thường không phải là Thánh hiền, ai có thể không có lỗi lầm chứ? Có lỗi mà có thể sửa, chẳng gì tốt đẹp bằng.
Dịch thơ:
“Người chẳng phải Thánh hiền
Ai mà không mắc lỗi?
Lỗi rồi biết hối cải
Còn gì tốt đẹp hơn”.
12. Tri nhân giả trí, tự tri giả minh (Lão Tử).
Dịch nghĩa: Kẻ biết người là khôn, kẻ biết mình là sáng.
13. Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín (Lão Tử).
Dịch nghĩa: Lời đáng tin thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không đáng tin.
14. Họa hề phúc chi sở ỷ; phúc hề họa chi sở phục (Lão Tử).
Dịch nghĩa: Hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của hoạ (Trong hoạ có phúc, trong phúc có hoạ).
15. Hợp bao chi mộc, sinh ư hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi ư lũy thổ; thiên lí chi hành, thủy ư túc hạ (Lão Tử).
Dịch nghĩa: Cây đại thụ nhiều người ôm, mọc từ mầm nhỏ bé. Đài cao chín tầng được khởi đầu xây bằng hòn đất nhỏ. Đường đi ngàn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên.
Dịch thơ:
“Cây to nhiều người ôm
Mọc từ mầm nhỏ bé.
Đài cao vút chín tầng
Xây từ hòn đất nhỏ.
Đường ngàn dặm cũng thế
Đi từ bước đầu tiên”.
16. Mẫn nhi hiếu học, bất sỉ hạ vấn (Luận ngữ – Công Dã Tràng).
Dịch nghĩa: Thông minh và hiếu học thì không thẹn hỏi kẻ dưới mình.
17. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Luận ngữ – Nhan Uyên).
Dịch nghĩa: Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
18. Công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí (Luận ngữ – Vệ Linh Công).
Dịch nghĩa: Người thợ muốn hoàn thành tốt công việc của mình thì trước tiên phải mài công cụ sắc bén.
19. Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích (Luận ngữ – Thuật nhi).
Dịch nghĩa: Người quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thì lo lắng ưu sầu.
20. Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách tri hậu điêu dã (Luận ngữ – Tử Hãn)
Dịch nghĩa: Năm giá lạnh mới biết tùng bách là loài tàn úa sau cùng.
Cây tùng cây bách trải qua mưa gió tuyết sương vẫn vững chãi xanh tươi, trong khi bao loài cỏ cây đã tàn úa cả rồi. Mưa gió tuyết sương ấy chính là hoàn cảnh khắc nghiệt bộc lộ phẩm chất kiên định, thanh cao của tùng bách; cũng như khổ ải gian nan trong cuộc đời hun đúc nên, làm nổi bật lên cốt cách của người quân tử.
(Còn nữa)
Theo Soundofhope
Như Ý biên dịch và chú giải