Lưu Bá Ôn tên là Lưu Cơ, người Thanh Điền, Chiết Giang. Ông từ nhỏ đã là người thông minh, có trí tuệ hơn người, tinh thông kinh sử, am hiểu quân sự, chính trị, thiên văn, địa lý, lịch sử, ở cả lĩnh vực văn học cũng rất có thành tựu.
Ông viết rất nhiều tập thơ, ca và văn xuôi. Lưu Bá Ông dùng thủ pháp ngụ ngôn để viết thành cuốn sách “Úc ly tử”. Mỗi một bài văn của ông đều là những câu chuyện có ngụ ý rất thâm sâu, dưới đây là bài “Thuật sử” cũng nằm trong số ấy.
Chuyện xưa kể rằng:
Tại nước Sở, có một người đàn ông sinh sống bằng việc nuôi khỉ và vượn, mọi người gọi ông là “Thư Công”. Vào mỗi buổi sáng, Thư Công đều tập trung tất cả khỉ và vượn vào trong sân nhỏ sau đó phân công nhiệm vụ cho chúng. Trong đó, một con khỉ to lớn sẽ làm nhiệm vụ dẫn cả đàn khỉ và vượn lên núi hái rau quả.
Đến tối chúng lại trở về nhà, giữ lại một phần rau quả để ăn và một phần cung cấp để nuôi dưỡng ông chủ. Nếu một con khỉ hay con vượn nào không giao nộp cho ông chủ, Thư Công sẽ dùng roi đánh nó, vì thế mà tất cả chúng đều rất sợ hãi và trong lòng cũng rất oán giận. Dù vậy, từ trước đến giờ vẫn không có con khỉ hay con vượn nào dám cãi lời ông chủ.
Một hôm, một con khỉ trong chúng hỏi những con còn lại: “Có phải trái cây trên núi này là do Thư Công trồng đúng không?”
Những con khác đồng thanh trả lời: “Không phải! Là trời ban cho đấy!”
Con khỉ lại hỏi cả đàn: “Có phải ngoài Thư Công ra thì không ai có thể lên núi hái quả không?”
Những con khác lại nói: “Không phải! Bất luận là ai đều có quyền lên núi hái quả!”
Con khỉ lại hỏi tiếp: “Nếu đã như vậy thì việc gì chúng ta phải dựa vào Thư Công, lại còn phải làm nô dịch cho ông ta?”
Khi con khỉ này còn chưa nói hết thì những con khỉ, con vượn còn lại đều bừng tỉnh ngộ.
Đêm hôm ấy, lợi dụng lúc Thư Công còn đang ngủ say, cả bầy khỉ đã phá hủy hàng rào, phá bỏ lồng sắt đựng trái cây và mang hết đi. Trên đường đi, chúng không ngừng giúp đỡ nhau chạy nhanh, chẳng mấy chốc đã trốn được vào rừng sâu. Từ đó, không một con khỉ nào trở về nhà Thư Công nữa.
Thư Công lúc này cũng đã già yếu, mà không có con khỉ, con vượn nào nuôi dưỡng nên cuối cùng đã chết một mình.
Từ câu chuyện ngụ ngôn, Lưu Bá Ôn muốn nói với người đời rằng, trong gia đình nếu như việc cai quản là dựa vào hình phạt chứ không phải dựa vào tình thương và đạo lý thì sẽ không thể hòa thuận, ấm áp và lòng người sẽ phát tâm oán giận. Suy rộng ra, trên thế giới này nếu như việc thống trị, dùng người là dựa vào thủ đoạn mà không phải là dựa vào đạo lý thì sẽ không thể được lòng người và cũng không thể lâu dài được.
Lấy đức thu phục lòng người, là lời giáo huấn sâu sắc mà người xưa để lại, mà cũng chỉ có dùng đức để thống trị thì mới có thể khiến lòng người mến phục, đất nước mới có thể trường tồn ổn định và hòa bình.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch