Trong xã hội hiện nay, nếu có người nói với bạn cần phải làm người lương thiện, có phải nghe như họ đang bảo bạn làm kẻ ngốc không?

Câu nói “người lương thiện bị người ta ức hiếp” đã trở thành khái niệm phổ biến được mọi người chấp nhận rồi. Thực ra, đây chính là do đạo đức của toàn bộ xã hội đã trượt dốc, quan niệm đã biến đổi mới nên cơ sự này. Thế thì thiện rốt cuộc có ý nghĩa gì? Sức mạnh của thiện lớn ra sao? Chúng ta cùng xem người xưa làm việc thiện như thế nào nhé.

Thiện tâm khoan thứ kẻ say rượu

Vương Minh Thịnh người Gia Định Giang Tô là bảng nhãn năm Giáp Tuất thời Càn Long, làm quan đến chức Nội các Học sỹ. Một hôm, khi ông nhàn rỗi ở nhà, có một kẻ vô lại say rượu đến trước cổng nhà ông chửi rủa. Người gác cổng thấy khó coi, vất vả lắm mới khiến anh ta ngừng chửi rủa.

Hôm sau kẻ vô lại tỉnh rượu, mẹ anh ta dắt anh ta đến nhà Vương Minh Thịnh xin thỉnh tội. Vương Minh Thịnh vốn không coi đó là chuyện gì, ông cười đáp tạ rằng: “Hôm qua cậu say rượu rồi, tôi không trách cậu, nhưng sau này chớ uống rượu rồi chửi rủa lung tung người ta, nếu không thì sớm hay muộn cũng sẽ gặp phải tai họa đó”.

Người này trở về, từ đó bỏ rượu cả đời, cũng không gây bất kỳ chuyện phiền phức nào nữa.

Nếu Vương Minh Thịnh nghiêm trị kẻ vô lại say rượu thì chỉ tạo thêm oán hận. Nhưng chỉ một câu nói chân thành khuyên bảo vì tốt cho anh ta khiến người kia từ đó trở đi đã cải tà quy chính. Đây chính là sức mạnh của thiện tâm và khoan thứ. Thiện tâm và khoan thứ thực sự có thể thay đổi và cảm hóa con người, là phương thức hay tránh oán hận và mâu thuẫn.

Thiện tâm khoan thứ nô tỳ mắc lỗi

Lục Ngọc Trân là vợ của Từ Ấn Hương người Tiền Đường, cô tính tình nhân từ, đoan trang, nhã nhặn. Trong nhà có hai tỳ nữ, một cô là Lai Hỷ, một cô là Lai Khánh, Lục Ngọc Trân đối xử vô cùng tốt với họ, lo ăn mặc chu đáo. Khi họ bị bệnh, cô luôn hết sức mình giúp họ chữa trị. Buổi tối, cô còn thắp đèn dạy họ học chữ, đọc sách. Cho dù họ đôi lúc mắc lỗi lầm thì Lục Ngọc Trân cũng chỉ nhắc nhở giáo dục họ mà thôi, chưa bao giờ đánh đòn họ.

Một hôm, lúc sắp ăn trưa, tỳ nữ Lai Hỷ bưng canh lên, do bất cẩn đã đánh đổ bát canh. Canh nóng đổ lên tay và y phục của Lục Ngọc Trân. Lai Hỷ sợ bị mắng chửi đã òa lên khóc. Lục Ngọc Trân bình thản tự nhiên nói với Lai Hỷ rằng: “Y phục bẩn rồi cũng không đáng tiếc, còn có thể giặt sạch. Tay đau một chút thì cũng hết, bát vỡ thì càng không đáng kể gì. Hơn nữa đây chỉ là do cô vô ý thôi”.

Nói rồi, Lục Ngọc Trân còn ra sức an ủi Lai Hỷ, không hề có một chút ý trách móc nào.

Phạm lỗi không bị tức giận đánh mắng trách tội, trái lại còn được bà chủ ra sức an ủi. Gặp phải chuyện như thế này thử hỏi có người nào là không cảm động và cảm ân?

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Thiện tâm cảm hóa kẻ trộm

Thời nhà Thanh có một cụ già đức cao vọng trọng, ông giàu có lại thích tích đức hành thiện. Giao thừa một năm nọ, ông chuẩn bị lên nhà chính dự tiệc gia đình, hai nô tỳ cầm đèn đi trước dẫn đường. Khi đi qua góc sân, ông ngẩng đầu thấy trên cây có người, bèn dừng chân lại, bảo hai nô tỳ để đèn xuống, đem rượu và thức ăn đến. Rồi ông lại mượn cớ sai gia nhân đi nơi khác, sau đó mới ngẩng đầu nói: “Vị quân tử trên cây, ở đây đã không còn ai nữa, mau xuống đi”.

Người trên cây sợ quá dường như rơi xuống. Cụ già nói: “Cậu không phải sợ, lão phu sao có thể nhẫn tâm bắt cậu được?”

Người này liền quỳ xuống dập đầu xưng tội chết. Cụ già nhìn xem, thì ra là người hàng xóm. Thế là cụ mời anh ta lại cùng ăn, vừa ăn vừa trò chuyện. Cụ hỏi anh ta có nhu cầu gì không, người hàng xóm khóc nói: “Nhà con còn mẹ già, gặp năm mất mùa, đã không còn gì ăn Tết nữa rồi. Con nghĩ nhà cụ xưa nay rất giàu có, do đó đã làm việc xấu xa này. Hôm nay cụ không truy cứu tội của con, con đâu dám có tham vọng gì nữa”.

Nói rồi anh ta lại khóc nấc lên. Cụ già nói: “Tôi đã không chu tế cho hàng xóm, khiến cậu phải làm việc bất hảo này, đây đều là lỗi của lão phu. Bây giờ cậu ăn no đi, tôi sẽ cho cậu 30 lạng bạc. Ăn Tết xong cậu có thể làm ăn buôn bán nhỏ, như thế cũng có thể sống được rồi. Không nên làm việc này nữa, vào người khác thì họ sẽ không tha cho cậu đâu, hơn nữa còn đẩy mẹ cậu chịu tiếng bất nghĩa. Một khi đã thành trộm cướp thì vĩnh viễn không thể rửa sạch được”.

Người hàng xóm ăn uống no nê rồi, cụ già đưa bạc cho anh ta, dùng túi vải gói thức ăn đưa cho anh ta rồi dẫn anh ta đến bức tường và nói: “Cái này trở về đưa cho mẹ cậu. Cậu vẫn cứ theo đường cũ này ra, chớ để gia nhân của tôi biết, cậu sẽ vĩnh viễn không ăn nói với người khác được”.

Người hàng xóm trở về liền cải tà quy chính. Sau khi mẹ anh ta qua đời, anh xuất gia làm tăng nhân, một lòng khổ tu, trở thành phương trượng nổi tiếng của chùa Linh Ẩn Tây Hồ. Khi cụ già qua đời, vị phương trượng này vượt ngàn dặm trở về đưa tang, đồng thời kể lại câu chuyện năm xưa của mình cho mọi người, đem việc thiện của cụ già lan truyền xa.

Câu chuyện này nói cho chúng ta biết sức mạnh của thiện tâm cảm hóa lòng người.

Thiện lương độ lượng, nghĩ cho người khác

Trương Tri Thường người Bắc Tống là người lương thiện, hơn nữa lại khoan hồng độ lượng, làm việc gì cũng nghĩ cho người khác.

Khi Trương Tri Thường ở Thái học, người nhà nhờ người đem cho ông 10 lạng vàng. Người cùng ký túc xá thừa cơ Trương Tri Thường ra ngoài có việc đã mở rương lấy vàng đem đi.

Quan lại nhà trường triệu những người ở cùng ký túc xá tiến hành lục soát, kết quả tìm được vàng. Trương Tri Thường cho rằng nếu thừa nhận vàng của mình thì người này ắt sẽ chịu hình phạt, hơn nữa anh ta sẽ cảm thấy vô cùng nhục nhã dưới con mắt chăm chăm của mọi người, không biết trốn vào đâu. Thế là Trương Tri Thường liền nói: “Đây không phải vàng của tôi”.

Người lấy trộm vàng kia đã bị cảm động bởi sự thiện lương của Trương Tri Thường, thế là thừa lúc đêm xuống đem số vàng đó giấu trong tay áo trả lại Trương Tri Thường. Trương Tri Thường biết rõ anh ta rất nghèo khó bèn tặng anh ta một nửa số vàng.

Mọi người đều nói, tặng người ta vàng thì việc này mọi người đều có thể dễ dàng làm được. Nhưng tìm thấy vàng bị ăn trộm mà không nhận thì người khác không làm được. Trương Tri Thường sở dĩ có thể làm được là vì anh luôn có cái tâm nghĩ cho người khác. Nếu không có thiện tâm đủ lớn, nếu không có cảnh giới cao của thiện hoàn toàn không có tư tâm, luôn nghĩ cho người khác thì không thể làm nổi.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Một việc thiện tiêu trừ bệnh tật

Thời nhà Thanh, có một cụ già sống bên cầu Khắc Bảo cửa Đông huyện Vô Tích. Bởi vì quanh năm cụ bị chứng nấc nên mọi người gọi là cụ Nấc.

Một hôm, cụ Nấc đến quán trà, ngẫu nhiên nhặt được một tay nải. Mở ra xem cụ thấy bên trong toàn là vàng bạc châu báu. Cụ Nấc trong lòng thầm nghĩ: “Mình là người cũng già cả sắp chết rồi, đâu cần dùng đến những thứ này”.

Thế là cụ Nấc không về nhà mà ở lại đó chờ người đánh mất.

Một lúc sau, một bà lão loạng choạng đến, vừa khóc vừa như tìm vật gì. Cụ Nấc bước đến hỏi rõ nguyên nhân rồi đem tay nải trả lại cụ bà. Cụ bà cảm tạ mãi rồi đi.

Cụ Nấc về đến nhà, bỗng nhiên hoa mắt buồn nôn, rồi nôn ra một cục đờm cứng, rắn như da trâu. Từ đó trở đi, chứng bệnh nấc của cụ liền khỏi hẳn, hơn nữa cụ sau này sống rất thọ, gia cảnh nếp nhà dần dần hưng thịnh.

Một niệm thiện của cụ Nấc mà căn bệnh mãn tính liền biến mất, nếp nhà hưng thịnh, đây chính là “Trời phù hộ người thiện lương” và “Thiện có thiện báo”. Chẳng thế mà các cụ già vẫn thường răn dạy con cháu: “Làm người phải làm nhiều việc thiện tích đức, như thế mới có được phúc báo, đón nhận may mắn”.

Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm

Những năm Đại Quán thời Tống Huy Tông, có một anh học trò đến một cửa hiệu ở kinh thành. Anh nhìn thấy đôi ủng giống như đôi ủng của cha anh khi khâm liệm. Anh hỏi ông chủ, người chủ trả lời: “Hôm qua có một vị quan nhân đi qua đây, muốn tôi sửa giúp đôi ủng này, lát nữa ông ấy sẽ đến lấy”.

Anh học trò này bèn đứng một bên chờ đợi. Một lúc sau, có người cưỡi ngựa đến. Quả nhiên ông ta xuống ngựa lấy ủng. Anh học trò nhìn người này đích thị là cha mình. Cha anh lấy ủng xong liền ra đi. Anh học trò ở phía sau gọi lớn: “Cha, sao cha nỡ lòng nào không nói một câu dạy bảo con?”

Người cha quay đầu lại nói với anh rằng: “Con làm người cần phải giống Cát Phồn”.

Người con lại hỏi: “Cát Phồn là ai?”

Người cha nói: “Ông ấy là Thái thú Trấn Giang. Âm phủ đã lập tượng Cát Phồn để thắp hương lễ bái rồi”.

Nói rồi liền không thấy người đâu nữa.

Anh học trò liền đến Trấn Giang bái kiến Cát Phồn, kể lại cho ông ấy chuyện này. Đồng thời anh thỉnh giáo Cát Phồn hàng ngày tu dưỡng mình như thế nào. Cát Phồn đáp: “Tôi rất nỗ lực làm việc thiện. Có lúc một ngày làm 4, 5 việc thiện, lúc nhiều thậm chí một, hai chục việc thiện. Đến nay đã làm như vậy 40 năm rồi, chưa từng gián đoạn”.

Anh học trò bèn hỏi ông hành thiện như thế nào. Cát Phồn chỉ chỉ cái để chân ở giữa những chiếc ghế ngồi và nói: “Giống như những cái để chân này, nếu để lệch, trở ngại đến chân của người ta thì tôi liền xếp lại ngay ngắn. Nếu người khác khát nước thì tôi liền tiện tay đem một ly nước đến cho họ. Đây đều là những việc lợi ích cho người khác. Những lời nói hành động rất nhỏ đều có chỗ lợi ích cho người khác. Từ người hiển đạt thông tuệ cho đến người ăn xin đều có thể làm việc thiện được. Nhưng cần phải kiên trì thường hằng thì mới thấy được lợi ích”.

Cát Phồn sau này thọ cao, ngồi tọa hóa, con cháu phú quý dài lâu.

Người xưa nói “Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Trong lòng thường có thiện niệm thì mới có thể nhìn ra những việc thiện có thể làm. Cứ kiên trì tiếp tục hành thiện thì sẽ cảm nhận được thế nào là “Trời phù hộ người thiện lương”.

Theo mhradio.org

Kiến Thiện biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||4beb7acf0__

Xem thêm: