Người thành công luôn nhìn vào thiếu sót của bản thân, kẻ thất bại luôn bình phẩm lỗi lầm của người khác. Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể thành tựu bản thân, làm nên sự nghiệp, quan trọng là bạn có nỗ lực hay không.
Đừng tự giới hạn bản thân khi bạn cho rằng mình còn quá trẻ hay đã quá luống tuổi để thử sức những điều mới mẻ. Bởi vì thành công luôn ở phía trước, vấn đề là bạn có quyết tâm thực hiện mong ước của mình hay không; còn tuổi tác chỉ là quy luật của những con số mà ai ai cũng phải kinh qua.
Đường đời dài ngắn luôn cần có ngã rẽ và những điểm mốc trưởng thành. Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm các điểm mốc trưởng thành quan trọng trong cuộc đời:
Tuổi thiếu niên cũng là tuổi học trò, khi ấy các lý tưởng sống còn chưa định hình. Chúng ta vẫn chỉ là những cô bé, cậu bé mộng mơ, trong lòng ngập tràn hình ảnh của các nhân vật anh hùng, tài tử, siêu nhân trên sách, báo, phim ảnh… Có những lúc ta mơ làm công chúa, lại có lúc ao ước được trở thành dũng sĩ có võ công cao cường.
20 tuổi là quãng thời thanh xuân ngắn ngủi với biết bao đam mê hoài bão về tình yêu đôi lứa, về những tiện nghi vật chất, ham thích khám phá những điều mới lạ của thế giới bên ngoài… Những xúc cảm này đã chi phối phần lớn thời gian của lứa tuổi đôi mươi.
30 tuổi là độ tuổi đạt được sự chín chắn trong suy nghĩ, tính cách và công việc. Nhưng đây cũng là nhóm tuổi chịu gánh nặng và sức ép lớn về mưu sinh, về trách nhiệm với cuộc sống gia đình. Những gánh nặng ấy giống như từng cơn sóng nối nhau đè nặng lên đôi vai, khiến chúng ta mệt nhoài tâm trí.
Ở độ tuổi này, chúng ta thường mong ước đạt đến “đỉnh cao” của tiền tài, địa vị. Một số người cho rằng 30 tuổi mà chưa thành công hay chưa tìm ra được hướng đi cho bản thân thì cũng đồng nghĩa với thất bại; 30 tuổi mà chưa lập gia đình thì sẽ rất khó có được ý trung nhân như ý, sẽ phải sống như “giá áo túi cơm” mà qua nốt nửa quãng đời còn lại. Nhưng với suy nghĩ như thế, họ đã tự định ra tương lai ảm đạm cho mình. Người không có chí thì sao làm nên sự nghiệp được?
40 tuổi là độ tuổi của sự chín chắn, trí tuệ, kinh nghiệm và trầm tĩnh, cũng đã định hình được lý tưởng sống cho riêng mình. Khi ấy, chúng ta không còn suy nghĩ và hành động bồng bột theo bản năng như tuổi đôi mươi nữa, mà đã thể hiện ra sự trầm tĩnh và lý trí. Tuổi 40, con người có sự chuyển hướng tới một diện mạo và tính cách điềm đạm, từ tốn, thể hiện vốn sống và kinh nghiệm nhưng vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo trong công việc.
***
Mỗi chúng ta, ai ai cũng sẽ trải qua những điểm mốc trưởng thành nói trên. Những điểm mốc ấy không quyết định bạn sẽ thành tựu trong sự nghiệp hay thành công trên đường đời hay không, mà chỉ phản ánh trạng thái tâm lý và thể chất của chúng ta.
Người xưa nói: “Hữu chí giả, sự cánh thành”, nghĩa là người có chí thì cuối cùng cũng sẽ thành tựu sự nghiệp. Trong dân gian cũng có câu nói: “Có chí thì nên”. Lứa tuổi nào cũng có sở trường sở đoản, bởi con người vốn không hoàn hảo. Thế nên, dù tuổi tác nào cũng cần quyết chí bền lòng, nỗ lực gắng sức thì thành công sẽ tìm đến với người có chí.
‘Đạo đức giả’ còn nghiêm trọng hơn điểm giả, thuốc giả, thực phẩm giả