Mùa thu năm nay thực là đa sự, toàn thế giới biến động, sợ hãi, bị bao trùm bởi bất ổn, rất nhiều người cảm thấy bất lực, chán nản. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tìm thấy trong văn hóa truyền thống Nhật Bản một chút điềm tĩnh, thư thái, thậm chí siêu nhiên…
Vào dịp đầu thu mát mẻ này, những sự kiện văn hóa mang đậm sắc thái phong tục truyền thống cụ thể nào sẽ đăng trường ở Nhật Bản? Nhật Bản, quốc gia chịu ảnh hưởng sâu rộng văn hóa truyền thống Trung Hoa, vẫn có thể kiên trì giữ gìn tín ngưỡng truyền thống trong thế cục hỗn loạn, triển hiện cổ phong nhã vận, vui tươi nghênh tiếp thu vàng.
Tháng 10 thay áo, văn hóa truyền thống Đông Doanh rực rỡ sắc màu
Bước sang tháng 10, quốc đảo Nhật Bản sáng sớm và tối muộn đã tăng thêm chút lạnh, những vùng núi cao bắt đầu trình hiện lá đỏ, từ cao xuống thấp, từ bắc chí nam, trang điểm cho Đông Doanh đại địa. Tự nhiên thay diện mạo, con người cũng đổi xiêm y, từ mùng 1 tháng 10 trở đi, rất nhiều người muốn thay áo mới, tiếng Nhật gọi là “y thế”. Cáo biệt những ngày hè nóng nực, vui tươi nghênh đón thu vàng, người ta cất đi y phục của mùa hè và khoác lên mình phục trang của mùa thu.
Trong thời tiết trời cao gió mát, không gian khoáng đạt, ngũ cốc chín rộ của thu vàng, thì thưởng thức mỹ vị, xuất ngoại lữ du, đọc sách tư khảo, tổ chức các cuộc thi v.v. cũng tự nhiên trở thành phong vị của tháng này.
Mặc dù thế giới đã sớm bước vào thời đại Internet, nhưng ở Nhật Bản vẫn bảo trì tập quán viết thư thăm hỏi, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, đám cưới, ma chay, người ta thường dùng thư tín để liên hệ, thể hiện sự trang trọng và thành kính. Trong các dạng thư tín truyền thống, một cách tự nhiên, những lời hàn huyên mở đầu bức thư hay lời vấn an cuối thư đương nhiên không thể thiếu. Mà những lời hàn huyên này tự nhiên cũng ứng theo thời tiết biến hóa mà biến hóa, mỗi tháng lại phân thành ba thời đoạn: thượng, trung, hạ, các thời đoạn khác nhau sẽ lại có phương thức vấn an khác nhau.
Trong tháng 10, những từ mở đầu thư thông dụng là: “Khi thu dịu mát”, “Khi thu trong lành”, “Khi sương lạnh”, “Khi lá đỏ”, “Mùa hương cúc”, “Mùa thu trong veo”, “Mùa thu trời cao ngựa béo”… và kết thúc bức thư nhất định phải kèm theo những lời chúc như: “Mùa thu se lạnh, hãy thương mình nhiều hơn”, để người đọc thư không chỉ ý thức sự chuyển mùa, mà còn cảm thụ hơi ấm của nhân tình.
Ngoài các hoạt động cá nhân như đọc sách, đi du lịch, thưởng thức mỹ vị v.v., các hoạt động công cộng khác nhau cũng lần lượt đăng trường.
Hàng năm kể từ ngày 1 tháng 10, quỹ “Quyên góp cộng đồng hồng vũ mao” (Red Feather Fundraising) cũng bắt đầu các hoạt động gây quỹ của năm, tiếp tục cho đến cuối năm. Việc quyên góp này bắt đầu từ năm Chiêu Hòa 22 (1947) với mục đích hỗ trợ người dân, thúc đẩy phúc lợi xã hội. Do đó, sau khi bước vào tháng 10, bạn sẽ thấy rất nhiều người, đặc biệt là các chính trị gia, người dẫn chương trình truyền hình và những nhân vật của công chúng, với một chiếc lông vũ màu đỏ trên cổ áo, đây là biểu trưng cho thấy người đó đã quyên góp, cũng tượng trưng cho một lời cảm ơn đối với những người đã ủng hộ quỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn cung lông vũ không đủ, cũng có người đề xuất: dùng lông gà không thân thiện. Vì vậy, không có gì bảo chứng rằng tất cả những người ủng hộ quỹ sẽ nhận được một chiếc lông vũ màu đỏ, một số người còn tặng một miếng dán có biểu tượng chiếc lông vũ màu đỏ để thay thế, cũng vô cùng ấm áp và đáng yêu.
Ngày 8 tháng 10 được gọi là tiết khí “Hàn lộ”, và ngày 23 là tiết khí “Sương giáng”. Khi “Hàn lộ” đến, không khí trở nên thanh tân, những ngày trời trong thanh cũng khởi lên. Bước vào “Sương giáng”, cái mát lạnh càng sâu thêm vào buổi sáng sớm và chiều tối, có thể thấy núi non và đồng ruộng được phủ một màn sương nhẹ. Nếu bạn ngắm những ngọn núi từ xa, bạn sẽ thấy những chiếc lá đỏ tựa như mọc từ hư không, chỗ đậm chỗ nhạt, màu sắc biến hoán từng ngày; Khi quan sát mọi người, bạn sẽ cảm thấy y phục cũng biến hóa đa dạng, tựa như quần sơn tranh diễm – đọ vẻ diễm lệ với sơn cảnh vậy.
Vào ngày 10 tháng 10 năm 1964, Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Olympic đầu tiên tại Tokyo. Vì vậy, ngày 10 tháng 10 đã được chỉ định là “Ngày thể dục” vào năm 1966, với mục đích phổ cập thể dục, bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. Bắt đầu từ năm 2000, ngày này đã được đổi thành ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng Mười. Ngày Thể dục năm nay rơi vào ngày 10/10. Do đó, các cơ sở giáo dục của Nhật Bản, đặc biệt là các trường đại học, sẽ sử dụng ba ngày nghỉ này để tổ chức các sự kiện thể thao, lễ kỷ niệm trong khuôn viên trường và các hoạt động liên quan khác.
Ngày 14 tháng 10 là “Ngày Đường sắt” hàng năm. Vào ngày 14 tháng 10 năm 1872, đường sắt Nhật Bản được khai thông. Sau lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, Bộ Đường sắt Nhật Bản quy định, bắt đầu từ năm 1922, ngày 14 tháng 10 là “Ngày Đường sắt”. Vào ngày này, hệ thống đường sắt quốc gia sẽ tổ chức các lễ kỷ niệm liên quan, và đối với những người đam mê đường sắt và đam mê du lịch, đó là thời gian đặc biệt dễ chịu đối với họ. Bởi vì, trong khoảng thời gian này, những ai đi đường sắt không chỉ mua được thẻ rẻ cho bất kỳ chuyến nào, mà còn được sử dụng trong 3 ngày liên tục.
Lễ cơm mới tế Thần – “Thần thường tế”- mừng mùa màng tốt tươi
Hàng năm vào ngày 17 tháng 10, để ăn mừng mùa màng tốt tươi, cảm tạ Thần linh ban thưởng, tại đền thờ Ise Jingu cử hành lễ “Thần thường tế” như một trong những hoạt động tế tự trong cung. Lễ “Thần thường tế” chính là mang những bông lúa chín đầu tiên do chính Thiên hoàng Nhật tự mình trồng dâng hiến lên Thiên Chiếu Đại Thần, người được thờ phụng trong đền Ise, để Thần được nếm thử trước tiên, cảm tạ Thần ban thưởng cho mùa màng tốt tươi. Ngoài ra, các nghi thức liên quan cũng được cử hành trong hoàng cung, do đích thân Thiên hoàng Nhật tự tay đem gạo mới dâng cúng tại điện Kensho, một trong ba điện thờ của vương cung (hai điện còn lại phân biệt là Hoàng Linh điện và Thần điện), đối diện về phương hướng với đền thờ Ise Jingu (nằm tại thị trấn Ise, huyện Mie, phía tây Tokyo), để tiến hành lễ bái. Đồng thời, tại thị trấn Ise cũng cử hành lễ tế Thần, các nơi toàn quốc cũng tổ chức các lễ tế liên quan kết hợp với biểu diễn nghệ thuật truyền thống, để cùng nhau phân hưởng thành quả mùa màng và biểu đạt cảm ân Thần đã ban thưởng cho ngũ cốc phong phú.
Vào ngày 10, tại chùa Phóng Sinh ở khu Tân Túc của Tokyo cũng cử hành “Hội phóng sinh”, mỗi năm đều vào tuần thứ hai của tháng Mười. Vào “Hội phóng sinh” của chùa Phóng Sinh, tập tục trước tiên là làm pháp sự, cảm tạ những đồ ăn sẵn có mà họ được thưởng thức, sau nghi lễ, cá có tính tượng trưng được phóng sinh vào ao bên trong chùa.
Lễ hội phóng sinh bắt nguồn từ giới luật của Phật giáo về “giới cấm sát sinh”, nguyên là một nghi lễ tôn giáo của Phật giáo nhằm mục đích kiêng sát sinh. Tại Nhật Bản, tín ngưỡng Thần Đạo chịu ảnh hưởng của Đạo giáo và Phật giáo, dung nhập vào một bộ phận tín ngưỡng, trở thành tập tục văn hóa.
Theo ghi chép trong kinh điển Phật giáo, Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng Pháp về phóng sinh trong tiền kiếp của mình. Thiên Thai tông của Trung Quốc cổ đại đã khai sáng nghi thức tôn giáo này và truyền nhập vào Nhật Bản. Theo “Nhật Bản thư ký” ghi chép, vào năm Thiên Vũ Thiên Vương thứ 5 (năm 677), Thiên Vương từng hạ chiếu cho chư quốc, yêu cầu phóng sinh. Kỳ thực, phong tục cấm chỉ sát sinh đã có từ lâu, ngay từ năm thứ 7 Mẫn Đạt Thiên Vương (năm 578) đã từng hạ lệnh cấm chỉ sát sinh trong “lục trai nhật” (6 ngày trai giới), năm Thôi Cổ Thiên Vương (năm 611) ngày 5 tháng 5, Thánh Đức thái tử từng can gián Thiên Vương cấm săn bắn. Ngày nay, thời gian, nội dung v.v. của lễ hội phóng sinh ở mỗi tự viện, chùa chiền có khác nhau, nhưng mục đích của nó là như nhau.
Tháng không Thần, tháng có Thần
Giống như ở Trung Quốc cổ đại, Nhật Bản ngày nay vẫn bảo lưu nhã xưng của tháng, dùng trong thư tín, v.v. Mỗi tháng có một hoặc một số nhã xưng, tháng 10 có tên nhã xưng là “Thần vô nguyệt”, nghĩa là tháng không có Thần, tháng vắng bóng Thần. Vậy, nếu Thần không tại vị, thì Ngài đi đâu? Ngài đang làm gì?
Khu vực xung quanh thành phố Izumo (Xuất Vân) tỉnh Shimane, thời cổ được gọi là Xuất Vân Quốc. Ở đây, tên cổ của tháng 10 không gọi là “Thần vô nguyệt”, mà là “Thần tại nguyệt”. Nguyên lai, trong tháng này, tám triệu vị thần tiên trên toàn quốc Nhật Bản sẽ tụ tập về Xuất Vân Quốc khai hội, nghị sự, vì thế mới có hai danh xưng trên. Kỳ thực, cái gọi là “Thần vô nguyệt” và “Thần tại nguyệt” ban đầu được dùng để chỉ tháng thứ 10 Hoàng lịch, nhưng sau khi Công lịch của phương Tây được sử dụng ở Nhật Bản hiện đại, người ta đã đổi tháng thứ 10 Hoàng lịch thành tháng thứ 10 Công lịch.
Tại sao họ lại chọn nghị sự tại đây? Sở dĩ như vậy là bởi vì đây là nơi vị “Đại Quốc Chủ Đại Thần” được thờ phụng. Nếu “Thiên Chiếu Đại Thần” là tượng trưng cho Thượng Thiên, thì “Đại Quốc Chủ Đại Thần” là vị chủ tể của đại địa. Hơn nữa, hầu hết chúng thần cai quản mỗi vùng đều là con cháu của Đại Quốc Chủ Đại Thần. Vì vậy, những vị Thần con cháu này trở lại đây mỗi năm một lần, đầu tiên để báo cáo tình hình các nơi, sau đó để thảo luận công việc năm sau.
Vậy thì, các vị Thần cụ thể cần thảo luận những hạng mục gì? Ngoài thời tiết, thu hoạch mùa màng, cất rượu và các nghị đề khác trong năm tới, họ chủ yếu là hiệp thương về vận mệnh của con người, hôn nhân và các vấn đề khác. Chính vì vậy, đền Izumo Taisha đã trở thành nơi phát tường của “kết duyên”, quanh năm tứ tiết thu hút thiện nam tín nữ cầu hỉ kết lương duyên từ khắp mọi miền đất nước đến tế bái, hứa nguyện.
Trong tháng này, nhật trình của các vị Thần đại khái như sau. Ngày 1 tháng 10 là ngày “tiễn Thần”, mỗi hộ gia đình sẽ cúng bánh gạo và cơm đậu đỏ để các vị Thần tiên đương địa thưởng thức trong chuyến đi. Vào ngày 10 tháng 10, các vị Thần đến đền Izumo, vì vậy trên bãi biển “Inasahama” ở Izumo, một nghi thức được cử hành để nghênh tiếp các vị Thần đến từ biển, mời họ đến đền Izumo Taisha. Từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 10, các vị Thần cử hành hội nghị, gọi là “Thần Nghị”. Trong thời gian chờ đợi, đền Izumo Taisha sẽ cử hành các hoạt động tế lễ liên quan ở thượng điện, nơi các vị Thần nghị sự. Ngoài ra, tại 19 ngôi đền nơi các vị Thần của đền Izumo Taisha ở, các hoạt động liên quan cũng được cử hành hàng ngày. Vào ngày 18 tháng 10, một số vị Thần bắt đầu rời khỏi Izumo và trở về quốc độ của họ, do đó, cần cử hành nghi lễ “Thần đẳng khứ xuất tế” trong bái đường của đền Izumo Taisha, chính là nghi thức tống tiễn các vị Thần. Vào ngày 26 tháng 10, hàng loạt vị Thần lượt thứ hai rời đi, gọi là “đệ nhị Thần đẳng khứ xuất tế”, và đền Izumo Taisha cũng sẽ cử hành các hoạt động tế lễ liên quan. Vào cuối tháng 10, các vị Thần trên khắp đất nước đã lần lượt trở về, các nơi gọi là “Nghênh Thần”, hộ nào cũng cúng bánh canh với ngũ cốc trên điện thờ.
Ngoài đền Izumo Taisha, một số đền thờ ở khu vực Izumo và Matsue cũng cử hành các hoạt động liên quan để tế Thần trong thời gian “Thần tại nguyệt”. Vậy thì, khi các vị Thần không tại vị, ai sẽ là người canh giữ nơi này? Người ta nói rằng có những vị Thần thủ hộ ở khắp nơi, phổ biến nhất là thần Ebisu, và những vị khác như thần Kinpira, thần Táo, thần Đạo Tổ, v.v., họ chấp chính nhiệm vụ này.
Ở Nhật Bản, truyền thuyết cho rằng trận động đất là do một con cá trê lớn dưới lòng đất hưng yêu tác quái mà dẫn đến. Khi bình thường, cá trê lớn bị một khối đá trấn yêu kiềm chế không cách nào tác quái, nhưng khi Thần thủ hộ xuất hành, cá trê lớn thừa cơ quẫy động sóng gió. Những lần đại địa chấn phát sinh trong lịch sử, đều rơi vào tháng “Thần vô nguyệt”. Từ đó mà xét, năng lực của Thần bảo hộ vẫn là hữu hạn.
Theo ghi chép “Đền Izumo Taisha”, người dân trong khu vực Izumo trong thời gian “Thần tại tế”, mọi người đều cẩn thận trai giới, đình chỉ mọi hoạt động giải trí ca hát, nhảy múa, hành sự trong yên lặng, thậm chí cố gắng không phát ra âm thanh khi dọn dẹp sân vườn, để không làm phiền các vị Thần.
Vì tất cả các vị Thần đều tập trung ở Izumo để thảo luận về vận mệnh, hôn nhân và các vấn đề trọng đại khác của con người, nên việc mai mối trong thời gian này là không thích hợp, phong tục này vẫn còn được thực hiện ở nhiều địa khu như Sado. Trong địa khu Kitakyushu, thậm chí ngay cả vào ngày các vị Thần đi đến Izumo và trở về, những nam nữ chưa kết hôn phải đóng cửa không ra khỏi nhà, để khỏi phá vỡ lương duyên.
Những truyền thuyết, phong tục và tập quán trên đây có thể được tìm thấy trong các thư tịch lịch sử, những ghi chép rời rạc trong các cuốn sách như “Izumo Taisha”, “Cổ đại xuất vân sự điển”, “Thần Đạo đại từ điển” và các sách khác. Tất nhiên, có nhiều thuyết pháp khác nhau về xuất xứ và cách giải nghĩa của từ “Thần vô nguyệt”. Ví dụ, theo các mô tả liên quan vào thời Bình An, tháng 10 là tháng cúng quốc thổ và “Mỹ Thần Izanami” -mẹ của các vị Thần, vì vậy mà cử hành lễ tế v.v.
Giờ đây, mùa thu thực là đa sự, toàn thế giới biến động, sợ hãi, bị bao trùm bởi bất ổn, rất nhiều người cảm thấy bất lực, chán nản. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tìm thấy trong văn hóa truyền thống Nhật Bản một chút điềm tĩnh, thư thái, thậm chí siêu nhiên. Ngày nay, khi nền văn minh nhân loại đang biến dị từng ngày, thì Nhật Bản, nơi chịu ảnh hưởng thâm khắc của văn hóa truyền thống Trung Hoa, vẫn y nguyên bảo trì tín ngưỡng truyền thống, triển hiện cổ phong nhã vận, bảo lưu nét duyên dáng cổ xưa của mình, thực là điều đáng mừng.
Tác giả Tu Thực, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch