Đến tận ngày nay người ta vẫn chưa thể giải mã được chiến thắng của Tào Tháo trong trận Quan Độ. Chỉ dùng 2 vạn tinh binh lại có thể đẩy lùi 70 vạn quân của Viên Thiệu. Đây chẳng phải minh chứng cho tài trí phi phàm của Tào Tháo?

Là người kiến lập và tạo ra Đế chế nhà Nguỵ vào thời kỳ Tam Quốc, Tào Tháo không hổ danh là một nhà quân sự kiệt xuất, đã làm nên một thời kiêu hùng. Chính khả năng nhìn xa trông rộng và tài mưu lược kinh người đã giúp ông và quân sĩ thoát khỏi nguy nan, hóa dữ thành lành.

Trong tất cả các hiểm cảnh, trận chiến Quan Độ là khiến cho người ta kinh tâm động phách nhất. Nếu muốn biết quá trình diễn ra trận chiến Quan Độ của Tào Tháo phải đi ngược dòng trở về cuối thời Đông Hán.

Thời thế xoay vần

Vào thời điểm đó, Đổng Trác xuất thân từ quân phiệt đã chiếm đoạt chính quyền trong triều đình, hắn chuyên quyền độc đoán, hoành hành ngang ngược, tính tình tàn nhẫn. Không những dẫn tới sự oán hận mãnh liệt của dân chúng, mà còn dẫn đến sự trỗi dậy phản kháng của anh hùng ở khắp mọi nơi. Chính là trong tình thế như vậy mà Viên Thiệu được các chư hầu tiến cử trở thành thủ lĩnh, mang theo liên quân thảo phạt Đổng Trác.

Tạo hình Tào Tháo trong “Tam Quốc diễn nghĩa” 2010. (Ảnh: iFuun)

Công nguyên năm 192, Vương Doãn dùng mỹ nhân Điêu Thuyền gây ly gián, xung đột giữa Đổng Trác và Lã Bố cuối cùng Lã Bố giết chết Đổng Trác, Hán triều chỉ còn hữu danh vô thực, chính thức rơi vào thời kỳ loạn thế. Trong lúc hỗn loạn, quân phiệt ở các nơi đều tự cầm binh, chiến đấu tranh đoạt địa bàn. Lúc đó Tào Tháo đã lần lượt đánh bại các tướng lĩnh dũng mãnh của các đội quân phiệt khác như Viên Thuật, Đào Khiêm và Lã Bố… xây dựng một lực lượng quân sự gần như có thể sánh bằng với Viên Thiệu.

Nhìn thấy thế lực của Tào Tháo ngày càng lớn mạnh, Viên Thiệu tất nhiên không muốn để ông đi đến mức ngang bằng với mình. Hắn ỷ vào bản thân thống lĩnh nhiều đội quân tinh nhuệ và lương thảo đầy đủ, lập tức muốn phá tan thế lực của Tào Tháo.

Tháng hai công nguyên năm 200, Viên Thiệu lãnh binh tấn công Lê Dương, mệnh lệnh cho tướng quân Nhan Lương vây khốn võ tướng Lưu Diên của Tào Tháo tại Bạch Mã. Sau khi nghe Lưu Diên cấp báo, Tào Tháo lập tức dẫn theo đại quân cùng Trương Liêu và Quan Vũ đến Bạch Mã giải vây.

Vào thời điểm đó, binh lực của Viên Thiệu lớn mạnh, vì vậy quân sư Tuân Du đề nghị Tào Tháo một lần nữa sử dụng chiến lược “Vây Ngụy cứu Triệu”. Dùng kế dương đông kích tây, công đánh Diên Tân, nếu như vậy Viên Thiệu tất phải lãnh binh viện trợ cho Diên Tân, tự nhiên có thể giải thoát cho Bạch Mã.

Tào Tháo theo kế mà làm, quả nhiên có thể giải vây cho Bạch Mã, sau khi Bạch Mã được giải vây, Tào quân liền rút về hướng nam, Viên Thiệu lệnh cho Lưu Bị và Văn Xú lãnh binh truy cùng đuổi tận. Mắt thấy truy quân ngày càng đuổi sát, trên dưới Tào quân khó tránh khỏi lâm vào khủng hoảng. Thế nhưng Tào Tháo vẫn không hoảng sợ, lệnh cho quân lính đem những thứ như lương thảo, ngựa lấy được từ thành Bạch Mã vứt xuống bên đường.

Người ngựa của Viên Thiệu tụ hội ngày càng đông, nhưng lại rối loạn, mải mê tranh giành cướp đoạt ngựa và lương thực mà quên mất phòng bị. Tào Tháo lệnh xuống một tiếng, Quan Vũ liền dẫn binh xong vào trận địch, chém chết Văn Xú dưới ngựa, quân đội của Tào Tháo thấy thế liền phấn chấn, giống như nhận được cổ vũ mạnh mẽ.

Lúc đó mưu sĩ của Viên Thiệu là Thư Thụ đã hết lòng khuyên ngăn không nên tự mãn, nóng nảy, nên làm công tác chuẩn bị tốt cùng Tào quân đối chiến lâu dài. Đáng tiếc một người cố chấp tự làm theo ý mình như Viên Thiệu hoàn toàn không nghe lọt tai những lời trái ý, nhất quyết đem đại bộ phận quân đội tiến đến Quan Độ mà Tào Tháo đang phòng thủ.

Trận Quan Độ lẫy lừng

Tuy nhiên, Tào Tháo quyết định lui đến phòng thủ ở Quan Độ không phải là không có căn cứ, Quan Độ không những là vị trí then chốt của vùng Đông Bắc, hơn nữa còn dễ phòng, khó công, là một nơi vô cùng lý tưởng để mai táng đội quân của Viên Thiệu.

Một khi đội quân của Viên Thiệu tiến vào Quan Độ, chiến tuyến cung cấp lương thảo bị kéo dài, lương thảo mang theo cũng giảm sút theo thời gian lâu dài, mà chiến tuyến cung cấp lương thảo cho Tào Quân lại tương đối ngắn. Vì vậy khi không hay không biết Tào Tháo đã thành công biến khách thành chủ.

Trong một tháng Tào Tháo từng chủ động dẫn binh công đánh Viên Thiệu một lần, nhưng gặp phải bất lợi liền nhanh chóng rút quân trở về. Bởi vì muốn công phá Quan Độ nơi mà Táo Tháo đóng quân, Viên Thiệu mệnh lệnh cho các thợ mộc thủ công chế tạo xe chiến có vọng gác, an bài tiểu đội quân binh tinh nhuệ ở trên xe dùng xạ tiễn tấn công Tào quân.

Quân Tào tinh nhuệ, đánh tan 70 vạn quân Viên Thiệu ô hợp (Ảnh: Youtube)

Để ứng phó với sách lược của Viên Thiệu, Tào Tháo cũng chỉ huy thợ mộc dùng nguyên lý đoàn bẩy chế tạo ra máy bắn đá có lực sát thương cực lớn, khiến quân đội của Viên Thiện thương vong vô số. Thấy kế sách không thành công, Viên Thiệu lại cho người đào địa đạo thông đến quân doanh Tào quân, mở ra “cuộc chiến địa đạo” sớm nhất trong lịch sử.

Tào Tháo đã dùng toàn lực đối phó với các kỳ chiêu tấn công liên tục của Viên Thiệu, đồng thời cũng khiến cho kinh tế của chiến khu Tào quân có xu hướng sụp đổ, dân chúng ở đây không có cách nào tiếp tục sinh tồn, liên tiếp quy phục Viên Thiệu. Nhất thời Tào Tháo lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu như không rời khỏi Quan Độ thì quân đội rất nhanh phải đối mặt với cảnh hết lương thực, cũng không còn vũ khí, nhưng nếu như rời khỏi Quan Độ, thì vụt mất cơ hội tốt chiến thắng Viên Thiệu, hơn nữa còn phải chịu khuất phục Viên Thiệu.

Hai bên giữ nhau lâu ngày, Tào Tháo sắp hết lương, muốn rút lui, bèn hỏi ý kiến Tuân Úc đang trấn thủ Hứa Xương. Tuân Úc viết thư trả lời, khuyên Tào Tháo kiên trì giữ, nhất định không được rút lui, nếu không hậu quả sẽ rất xấu. Ông viết: “Tuy nay lương thực trong quân đội khiếm khuyết, nhưng chưa bằng tình hình khiếm khuyết lương thực hai quân Sở và Hán đánh nhau tại Huỳnh Dương và Thành Cao. Lúc bấy giờ Lưu Bang và Hạng Võ không ai chịu rút lui cả. Vì kẻ nào rút lui trước thì kẻ đó sẽ bị thiệt hại to. Nay ngài với một binh lực yếu kém hơn, mà đã chia ranh giữ đất, nắm lấy yết hầu của đối phương để chúng không thể tiến lên được. Tình hình đó đã kéo dài nửa năm rồi, vậy một khi tình hình diễn biến đến mức cùng cực, thì tất nhiên sẽ có biến động. Đến chừng đó, chúng ta sẽ dùng kỵ binh tập kích, chắc chắn sẽ giành được thắng lợi thôi”.

Xưa có câu “xe đến trước núi tất có đường”, nhận được sự ủng hộ của mọi người, cuối cùng Tào Tháo quyết định kiên trì thủ hộ Quan Độ, bình tĩnh chờ đợi cục diện biến hóa. Ông tăng cường nguồn cung cấp hậu cần và vận tải quân lương, đồng thời phái binh đi đốt xe lương thảo lớn của Viên Thiệu, gây thêm nhiều chướng ngại cho quân đội của Viên Thiệu.

Viên Thiệu vì phòng ngừa Tào Tháo đến cướp quân lương, liền lệnh cho binh lính đem tất cả lương thực và quân bị tập trung lưu giữ trong Ô Sào. Đối với kế sách này, mưu sĩ Thư Thụ vô cùng lo lắng bất an, thỉnh cầu Viên Thiệu phái đội quân tuyệt mật đến phòng thủ Ô Sào. Nhưng Viên Thiệu tự mãn, cho rằng bản thân có bản lĩnh cao cường, nên không để lời nói của Thư Thụ vào tai, làm như không nghe thấy.

Cũng chính là thời gian này, cháu trai của Hứa Du là mưu sĩ dưới cờ của Viên Thiệu vi phạm quân pháp, làm liên lụy đến Hứa Du, Viên Thiệu thậm chí còn muốn giết chết Hứa Du. Hứa Du tức giận bèn trong đêm đến quy hàng Tào Tháo, báo cho ông biết Viên Thiệu bí mật tích trữ trang bị và lương thảo ở Ô Sào, còn kiến nghị Tào Tháo phái binh bất ngờ tập kích Ô Sào. Tào Tháo nghe Hứa Du nói vậy, cùng nhau bàn bạc suốt đêm, cuối cùng quyết định bất ngờ lẻn vào Ô Sào.

Tối hôm sau, Tào Tháo quyết định tự làm thống soái, dẫn theo năm ngàn kỵ binh tinh nhuệ tiến đánh Ô Sào. Đội quân hành quân vô cùng bí mật, mỗi người đều ngậm một đoạn trúc ngắn, phòng ngừa mở miệng nói chuyện, hơn nữa còn mặc trang phục sĩ tốt của Viên quân, mang theo một lượng lớn lưu huỳnh, đá tiêu (chất trong suốt, đốt cháy mạnh, thường dùng làm thuốc súng) và cỏ khô.

Viên Thiệu thất thủ trong đau đớn vì bị đốt kho lương Ô Sào (Ảnh: Youtube)

Trong đêm tối đội quân giả mạo Viên quân này thật sự đã qua mặt được các quân tuần tra của Viên Thiệu, thuận lợi đi qua các trạm gác, trước khi trời sáng bọn họ đã đến được Ô Sào. Nhân lúc gió bắc thổi mạnh, Tào Tháo lệnh cho thủ hạ tản ra châm lửa, đốt cháy kho lương, cùng lúc đó gió bắc càng thổi càng mạnh, ánh lửa chỉ trong thoáng chốc đã bùng phát dữ dội.

Sau khi tấn công, Tào Tháo bắt sống Thuần Vu Quỳnh đang say ngất ngưởng làm tù binh. Cùng lúc đó hai tướng lĩnh Nguyên Quỳ và Triệu Duệ của Viên Thiệu đi vận chuyển quân lương trở lại, nhìn thấy khắp nơi ngặp lửa, hai người này lập tức dẫn binh viện trợ dập lửa. Tào Tháo nhận được tin báo liền yêu cầu toàn quân tướng sĩ phấn chấn dũng mãnh liều mình giết giặc, phải đợi được viện quân đến gần phía sau mới có thể quay đầu tấn công chúng, lật ngược tình thế.

Trong lúc Tào Tháo vui vẻ đốt lương, thì bên này Viên Thiệu cũng khẩn cấp triệu tập quần thần thương nghị sách lược cứu viện, đem quân phân thành Kinh – Vị, chia làm hai đội, một đội đến thẳng Ô Sào cứu viện trực tiếp đối đầu với Tào Tháo. Đội còn lại được kiến nghị tấn công đại bản doanh của Tào quân đang lúc binh lực trống rỗng, khiến cho Tào Tháo không có nơi để về.

Viên Thiệu chấp nhận ý kiến của quần thần, lập tức phái Trương Lân, Cao Lãm lãnh binh tấn công đại bản doanh của Tào quân, chỉ phái Tướng kỳ dẫn theo một vạn quân mã đi cứu viện Ô Sào. Kết quả đội quân đi cứu viện bị Tào Tháo đánh đến hoa rơi nước chảy. Còn Trương Lân và Cao Lãm tấn công Tào doanh nhưng gặp phải sự ngoan cường phản kháng của Tào Hồng, phía sau còn trúng mai phục hai bên đường của Hạ Hầu Thuần và Tào Nhân.

Đúng lúc Viên quân đang rối loạn quay đầu bỏ chạy thì gặp phải Tào Tháo trở về, trước sau bị quân địch vây kín, Trương Lân và Cao Lãm chỉ có thể đầu hàng. Tin tức hai vị tướng quân đầu hàng truyền về đại bản doanh của Viên quân đã gây ra sóng dậy trong lòng quân, làm ảnh hưởng và phá hoại nghiêm trọng đến sĩ khí của Viên quân.

Cuối cùng, Tào quân bề ngoài như muốn đánh Nghiệp Thành nhưng thực ra là tấn công thẳng vào Lê Dương, buộc Viên Thiệu và con trai Viên Đàm không thể không từ bỏ quân đội, chỉ dẫn theo tám trăm người ngựa trốn về Hà Bắc. Hai năm sau, Viên Thiệu bởi vì uất ức mà chết. Tào Tháo nhân cơ hội này tiêu diệt quân đội của Viên Thị, hoàn toàn thống nhất phương Bắc.

Trong trận chiến Quan Độ, Tào Tháo chỉ dùng hai vạn binh lực nhưng trước sau chém chết tổng cộng hơn bảy vạn quân của Viên Thiệu, giành được thắng lợi, thể hiện được tài trí phi phàm của một bậc đại kiêu hùng.

Theo kknews
Khải Phong biên dịch