Lời nói đầu: Ôn dịch, binh họa, thiên tai nối tiếp nhau không ngừng – Vào cuối triều đại nhà Thanh, dị nạn không ngừng. Thân gặp thời loạn thế, có nên buông mình thuận theo con sóng cuốn trôi, hay là mài dũa sự dũng mãnh mà tiến lên, cảnh tỉnh huệ nhãn? Tăng Quốc Phiên cảm thán thân tại loạn thế thực là bất hạnh. Đối diện với sự khuất nhục, phỉ báng, công danh và dụ dỗ, ông lặng lẽ tuân thủ truyền thống, thận trọng tu thân. Trải qua muôn ngàn hiểm trở cũng không khuất phục, cuối cùng ông đã vượt lên trong loạn thế. Ông lập đức, lập ngôn, lập công, là Đại Thanh đệ nhất văn thần Phong vũ hầu, là một vị đại thần công cao chấn chủ, nhưng luôn có thể thiện khởi thiện chung. Chúng tôi trích xuất các cuốn gia thư, nhật ký và sử cảo của Tăng Quốc Phiên, từ quan điểm về tài phú, tư tưởng tu thân, trí huệ trị gia, đạo dưỡng sinh v.v. và những tầng diện bất đồng khác, để trình hiện giá trị truyền thống được Tăng Quốc Phiên kế thừa, vì độc giả mà tái hiện những giá trị tinh hoa truyền thống đã bị quên lãng.
Thân là một vị quan lớn trấn giữ biên cương và một trọng thần của triều đình, có người nghĩ ông khi còn nắm quyền hẳn sẽ vì con cháu mà tích tụ gia sản. Hai huynh đệ Tăng Quốc Phiên và Tăng Quốc Thuyên, người được phong hầu, người được phong bá, tại đương triều có thể nói là một gia môn vinh quang hiển hách vô hạn. Tuy nhiên về vấn đề tiền tài, Tăng Quốc Phiên lại có một sự lựa chọn hoàn toàn bất đồng với đa số người khác.
Vào năm Đạo Quang thứ hai mươi tư (năm 1844), Tăng Quốc Phiên được chuyển sang làm Thị độc, năm sau đó được thăng nhiệm làm Học sĩ thị giảng. Lúc đó, ông tại Thanh triều chưa có nhiều tiếng tăm. Toàn gia sống trong Kinh thành cũng khá nhọc nhằn. Mặc dù vậy, chỉ cần trên tay có chút tiền, ông đều quyên góp tặng cho những họ hàng thân tộc nghèo khổ. Hai nguyên nhân khiến ông không nao núng cấp tặng tài vật cho người khác, thứ nhất là ông cảm thấy khí vận trong gia đình là đại thịnh, không thể không cẩn trọng, cần chú ý đạo “trì doanh bảo thái” – thận trọng bảo trì sự xung mãn hanh thông, cũng giống như một chậu cây đầy nước, cần phải xả bớt nước thì mới không tạo thành tổn thất. Thứ hai là, ông cảm thấy nhà họ Tăng rất nhiều người thân thích, nhiều người rất nghèo, lại rất nhiều người già, không có nguồn sống nào khác, nếu không tư trợ họ, họ tương lai sống thế nào đây?
Có một năm, Tăng Quốc Phiên đã tặng bốn trăm lượng bạc tư trợ các thân tộc nghèo khổ của mình. Tuy nhiên, sự việc này đã dẫn khởi sự phản ứng dữ dội từ phía các huynh đệ. Giữa các huynh đệ viết thư chỉ trích huynh trưởng phân chia không chu toàn, có người tâm trọng danh dự, khuyên ông làm người không nên quá hào sảng. Tăng Quốc Phiên tiếp nhận những bức thư của các huynh đệ mình, ông phản tỉnh bản thân, viết thư hồi đáp các huynh đệ. Trong thư, ông hồi ức lại chuyện cũ, có một năm đến thăm nhà bà ngoại, nhìn thấy chú và dì sống trong sơn động, cuộc sống cực kỳ cùng khổ. Trong tâm lý ông mãi không thể nào bình tĩnh lại được. Năm đó sau khi chú mất, Tăng Quốc Phiên là một người cháu, cảm thấy ông có trách nhiệm phải chăm sóc an ủi nhũ mẫu (dì), nhưng không biết làm thế nào để chiểu theo tập quán thế tục, giúp nhũ mẫu mời tăng nhân về làm đạo trường an ủi linh hồn người đã mất nơi chín suối. Ông hỏi những huynh đệ, việc khó nên làm thế nào thì tốt? Chị em ruột thịt đã xuất giá theo chồng (Tăng Quốc Lan và Tăng Quốc Huệ) nhưng gia cảnh khốn khổ khó chống đỡ, Tăng Quốc Phiên hỏi các em: “Ngay cả khi chị em đồng bào không cầu anh em giúp đỡ, khi gặp khó khăn liền không coi họ như người một nhà, liệu có được không?” Cùng trong một gia tộc, nhưng sự sang hèn mỗi nhà mỗi khác, bần phú khác biệt. Tăng Quốc Phiên nghĩ đến đây, đặt câu hỏi ngược lại các em: “Giả sử, có một ngày lão Thiên da muốn chuyển di sự vinh phúc này đến hai nhà khác, đừng nói đến 600 lượng bạc, chỉ cần 6 lượng, thì chúng ta sẽ đến đó lấy được ư?”
Ông thường nghiên cứu Đạo của “Kinh Dịch”, quan sát đạo lý hư giả của được mất, hưng suy, từ đó ông đúc rút rằng con người không thể không có điểm khuyết hãm. Thiên Đạo đối với con người trên thế gian đều nhất mực công bình. Mặt Trời thăng lên đến đỉnh rồi sẽ hạ xuống về phía Tây, Mặt Trăng hết tròn đầy rồi lại khuyết. Vào thời mà vạn vật rơi rụng điêu linh, thì cũng chính là lúc sự phục hồi khởi thủy. Ông lý giải, khi mọi sở cầu đã được thỏa mãn, thì những thứ phá tài cũng tùy cơ mà đến. Tăng Quốc Phiên luôn thận trọng với khiếm khuyết của mình, không dám cầu toàn. Khi bản thân ông đạt được hoàn cảnh thuận lợi, ông thường cảm niệm Thượng Thiên quá khoan hậu đối với mình. Vì cảm thấy mình đạt được phúc phận quá dễ dàng, tâm lý ông thường vừa biết ơn, vừa kiêng dè, vì vậy ông dùng rất nhiều tài vật dư dật để cứu tế những người cùng khổ, bù đắp lại cho những người thiếu thốn.
Vào năm Đạo Quang thứ hai mươi chín (1849), con trai thứ hai của Tăng Quốc Phiên, Tăng Kỉ Hồng mới học đi. Khi các con dần dần lớn lên, bổng lộc quan nhị phẩm của Tăng Quốc Phiên không còn đủ nuôi sống gia đình, vì vậy ông đã phải vay gần một nghìn lượng bạc. Tuy nhiên, cũng trong năm này, Tăng Quốc Phiên đã phát một thệ nguyện. Ông nói với em trai: “Tương lai nếu tôi làm ngoại quan, thì bổng lộc thu nhập sẽ hậu hĩnh hơn. Tôi tự nguyện phát thệ, trừ lương bổng liêm khiết ra, sẽ không lấy thêm một xu nào. Lương bổng nếu nhiều, vậy thì sẽ dùng để giúp đỡ thân nhân trong gia tộc, không tích cóp tiền tài cho nhu cầu ăn mặc của con trai. Nếu con trai hiền đức, lo gì phải dựa vào chức quan này cũng có thể tự mình kiếm được cơm ăn áo mặc, nuôi dưỡng bản thân; Nếu con trai bất hiếu, vậy thì tích cóp cho chúng nhiều tiền tài, chúng sẽ chỉ tạo thêm tội nghiệt, ngày sau dâm dật tác ác, chỉ làm ô danh gia tộc!”
Vào năm Hàm Phong thứ 3 (1853), Tăng Quốc Phiên tổ chức xây dựng Tương quân, trù kiến thành lập sư đoàn thủy quân để chống lại quân Thái Bình. Ông từng phát thệ sẽ không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ quân đội để gửi về nhà dùng. Trong một bức thư gửi lên quan phủ châu huyện, ông dùng 6 chữ “không cầu tiền, không sợ chết” để biểu đạt chí hướng của mình. Danh tiếng của Tăng Quốc Phiên trong Tương quân cũng cực tốt. Ông đưa quân đến đâu, bách tính đều không ngớt đốt pháo, đốt hương quỵ bái, nghênh tiếp, tặng rượu, ngũ cốc, thịt lợn thịt cừu khao thưởng quân đội. Về điều này, ông cảm tạ thế đại tổ tông đã tích lại hậu đức và long trọng hồi báo lên thân ông. Ông nói:
“Hưởng vinh danh to lớn như vậy, tâm lý tôi thực có chút e dè, vừa hổ thẹn vừa cẩn thận, hiện tại chỉ hy vọng quan giai (cấp bậc) không lại thăng lên nữa, hư danh không cần thăng lên, bảo trì hiện trạng sẽ không mất mát quá nhiều, đó cũng là đạo lý trì gia thủ thân. Về việc thành bại trong quân sự, lợi và bất lợi, đều có quan hệ đến phúc trạch của quốc gia, tôi chỉ có thể làm hết sức mình, không dám lưu tồn một chút tâm lý kiêu hãnh!”
Quân Thanh đại chiến với quân Thái Bình, thân sĩ ở Hồ Khẩu đã phải chịu đựng rất nhiều chiến họa. Tăng Quốc Phiên mắt nhìn thấy, nhưng ông thực tại không có đủ năng lực để cứu viện họ. Vào năm Hàm Phong thứ tám (1858), ông kể cho người em trai thứ chín Tăng Quốc Thuyên và những người khác về chuyện quá khứ, hy vọng rằng họ có thể chu cấp trợ giúp những thân sĩ và dân làng đang thụ nạn. Vì chiến họa, có một số nhân khẩu trong gia đình đã bị giết, có người nhà cửa bị thiêu rụi. Họ đang lưu lạc thất tán, nếu thấy họ, hãy tận lực giúp đỡ họ nhiều nhất có thể. Ông trích dẫn lời của Tăng gia tiên tổ Tinh Cương Công: “Tùy duyên bố thí, tập trung vào những gì trong tầm mắt thấy tai nghe!”
Tăng Quốc Phiên đã gấp gáp tặng tài vật, coi đây là đạo tích phúc. Thái độ đối đãi với tài vật của ông giống hệt Sơ Quảng thời Hán. Sơ Quảng là một danh thần thời kỳ Tây Hán, Hán Tuyên Đế rất trọng tài đức của ông, nhiều lần trọng thưởng ông. Sơ Quảng nhậm chức thái phó trong 5 năm, sau đó ông cùng cháu trai dâng sớ thương lượng từ quan hồi gia. Hán Tuyên Đế coi trọng sự phục vụ của họ, một lần nữa tặng họ đại lượng tài vật. Sau khi Sơ Quảng về nhà, ông chia sẻ tài vật được Hoàng đế ân sủng cho dân làng cùng hưởng. Sau hơn một năm, con cháu của Sơ Quảng thấy tiền tài tán thất chẳng còn bao, đã thỉnh mời một vị lão nhân, cũng chính là người mà Sơ Quảng rất tôn kính, thỉnh ông nói với Sơ Quảng dùng tiền tài mua một ít điền trạch, chia cho con cháu một ít sản nghiệp. Lão nhân nói mấy lần, cũng không thấy Sơ Quảng có động tĩnh gì.
Có một hôm, lão nhân lại lần nữa đề cập vấn đề, Sơ Quảng đáp: “Tôi chẳng lẽ hồ đồ không nghĩ đến tiền trình của con cháu sao? Nguyên đã có điền trạch cũ có thể cho các con cháu lao động canh tác, thỏa mãn cái ăn cái mặc giống như người thường. Nếu lại gia tăng tài sản của chúng, khiến chúng dư dả, bất quá chỉ khiến con cháu lười biếng. Hiền giả có quá nhiều tài phú, rồi sẽ vứt bỏ chí hướng của bản thân; Ngu giả mà có quá nhiều tài phú, thì chỉ gia tăng mất mát. Lại nói, người giàu có thường gặp oán hận của chúng nhân, chỉ chiêu thêm oán hận của chúng nhân đối với họ. Ngoài ra, kim tiền mà Thánh chủ thưởng cấp cho tôi để dưỡng lão, do đó tôi nguyện cùng hương thân tông tộc chia hưởng ân tứ của Thiên Tử trong phần còn lại của đời tôi, đó chẳng lẽ không phải chuyện tốt ư!” Người họ hàng nghe nói vậy thì hoàn toàn tâm phục.
Tăng Quốc Phiên một đời thanh kiệm, và ông rất cởi mở trong vấn đề tiền tài. Ông mượn quan điểm về tài phú của các bậc tiên tổ, không tính toán tích cóp tài sản cho con cháu, mà chủ trương chúng nên tự cường lập vị.
Vào năm Đồng Trị thứ nhất (1862), triều đình bổ nhiệm Tăng Quốc Phiên làm Đại học sĩ do Lưỡng Giang tổng đốc hiệp trợ. Lúc này, ông đã vị cao quyền trọng, tiếng nói rất có uy lực. Ngay cả chiểu theo trình tự thông thường, ông đều có thể dễ dàng vì Tăng gia mà phân chia khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên, ông suy nghĩ sâu xa hơn. Nhiều huynh đệ của Tăng gia đã làm quan trong triều, kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng, Tăng gia môn đệ ngày càng hiển hách. Vì vậy, nhãn giới của con cháu họ Tăng ngày càng càng cao, chi tiêu ngày càng nhiều, ăn uống cũng ngày càng tinh tế. Tăng Quốc Phiên đã nhìn thấy tất cả những điều này trong mắt ông. Vào tháng đầu tiên của năm Đồng Trị thứ hai, Tăng Quốc Phiên đã viết một bức gia thư cho người em trai thứ tư của mình, đặc biệt thuyết Đạo:
“Không có gia đình nào sau khi có nhiều tiền, mà con cháu huynh đệ không kiêu ngạo. Huynh đệ chúng ta nhờ tổ tông di lưu lại một chút phúc trạch, nay hãy vì hậu nhân mà trân tích một chút phúc khí thặng dư – ngoài hai chữ cần kiệm, thì không có biện pháp nào khác!”
Tăng Quốc Phiên đã nói như vậy với các em của mình, bản thân ông cũng làm như vậy.
Trong nhiều bức gia thư, ông nhiều lần giáo hối con cháu lấy ba chữ “Cần, Kiệm, Khiêm” làm chủ. Ông hy vọng các huynh đệ dành nhiều công phu hơn nữa cho chữ “Kiệm”, phát huy sở trường, giới kỳ sở đoản, hy vọng các huynh đệ mỗi khi tiêu một đồng, hãy nghĩ đến ba chữ này.
Vào năm Đồng Trị thứ năm (1866), Tăng Quốc Phiên nắm giữ trọng quyền, phụng chỉ đóng quân ở Chu Gia Khẩu, với thân phận là Đốc sư của Khâm sai đại thần. Trong sự nghiệp làm quan, ngân lượng thông qua tay ông để chuyển đến tặng quân đội nhiều vô kể. Nhưng ông không chủ trương vì con cháu mà tích cóp tiền tài. Ông nói với Trừng đệ: “Gia tộc muốn hưng vượng, đều dựa vào tử đệ hiền đức. Nếu trong gia tộc tử đệ bất hiền bất tài, thì dù có tích ngân tệ, tích lương cốc, tích sản nghiệp, tích thư tịch, tích y phục… cho họ, thì đến cuối cùng cũng sẽ chẳng còn gì.”
Về vấn đề tiền tài, Tăng Quốc Phiên nhiều lần thức tỉnh tử đệ của gia tộc không tham, không kiêu, không mua danh. Tăng Quốc Phiên tung hoành quan trường, từ một tiểu bối vô danh im ắng thành một vị đại quan lại trấn giữ biên cương của Thanh triều. Chìm nổi trong chốn quan trường, nơi lòng người trắc trở, giống như đã được ma luyện qua hàng tỷ năm. Tại chốn quan trường đầy thị phi, trái tim được mài giũa từng li từng khắc, được tu dưỡng nơi hắc động, chính là nơi tài phú bảo quý bậc nhất nhân gian.
Tài liệu tham khảo: “Tăng Quốc Phiên gia thư”, “Hán Thư” Tập 71,
“Tăng Quốc Phiên toàn thư”.
Tác giả: Tống Bảo Lam – The Epoch Times, Hương Thảo biên dịch