“Bồ đoàn bất đọa hồng dương kiếp, tiếu bỉ phiêu lâm Khổng Tứ Trinh”, câu thơ thời Thanh triều này mô tả hai vị công chúa nhà vương gia: Tự Ngộ, con gái của Bình Nam vương Thượng Khả Hỉ, và Khổng Tứ Trinh, con gái của Định Nam vương Khổng Hữu Đức. Trong kiếp nạn của vận mệnh, một vị đã thoát khỏi những phân tranh trong vương phủ, sống một đời tu hành an nhiên; còn vị kia thân hãm nhập vào kiếp nạn hồng trần, lạc vào vãn cảnh phiêu linh.
Những năm Khang Hy thời nhà Thanh, “Tam Phiên” chỉ Bình Tây vương Ngô Tam Quế, Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung, và Bình Nam vương Thượng Khả Hỉ. Thượng Khả Hỉ có tổng cộng 23 người con trai và 17 người con gái. Con gái út của ông tuy là công chúa, từ nhỏ đã được an hưởng phú quý, nhưng cô bé cũng rất khác người, từ khi sinh đã không ăn thịt, chỉ ăn đồ chay đạm bạc. Mặc dù không có gia nhân nào dạy, cũng không qua thầy dạy mà tự biết lễ bái tượng Phật, có thể nói hoàn toàn xuất phát từ thiên tính. Cô bé tài năng và thông minh, là một thiên kim tiểu thư tri thư đạt lý.
Khi công chúa dần dần lớn lên, vì tự thân chứng kiến những anh chị của mình trở nên kiêu căng ngạo mạn, ra oai tác quái tại đất Phiên, mà cô ưu tư thành bệnh. Thân phận ngàn vàng nhưng lại yếu ớt, cô cầu xin phụ vương Thượng Khả Hỉ cho phép được xuất gia.
Thượng Khả Xỉ thân là một trong những vị vua Phiên, với quyền lực và địa vị của mình, có thể dễ dàng thỏa mãn mọi thỉnh cầu của con cái. Nhưng yêu cầu của công chúa quá đặc biệt, nhất quyết muốn xuất gia tu hành. Lúc đầu, Thượng Khả Xỉ không đồng ý, nhưng cô công chúa nhỏ suốt ngày mặc áo cà sa, chuyên tâm ăn chay cúng Phật, không còn quan tâm đến chuyện nhân gian. Bình Nam Vương thấy ái nữ của mình thân tâm bệnh trọng, chỉ có thể đồng ý với thỉnh cầu của con gái.
Thượng Khả Xỉ đã chọn một nơi phong thủy bảo địa ở phía nam Việt Tỉnh Cương, Nam Hải, Quảng Châu, xây dựng một ngôi chùa gọi là Đàn Độ am cho con gái của mình. Vào năm Khang Hy thứ 4 (1665), để chăm sóc tốt cho cô con gái út, Bình Nam vương đã đặc biệt chọn ra mười nữ tì cùng xuống tóc làm ni cô để phục vụ cho việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của con. Sau khi công chúa đi tu, người dân địa phương gọi cô là Vương cô cô.
Thượng Khả Xỉ phong cho người con gái xuất gia của mình là Thiên tử, và ban cho pháp hiệu là “Tự Ngộ”.
Tự Ngộ sống trong ni am, viễn ly thị phi của vương phủ, tâm địa dần dần thanh tịnh, cơ thể bệnh tật cũng ngày một bình phục. Thân nơi cửa Phật, cô đọc thông một lượng lớn kinh điển Phật gia. Dù cô xuất thân phú quý, nhưng trong tu luyện hàng ngày, cô yêu cầu đối với bản thân rất nghiêm khắc, tuân tuần giới luật, một chút cũng không tùy tiện.
Vào thời Càn Long, khi Phiền Côn Nữ bái yết ni am, ông đã viết một bài thơ thất tuyệt để chúc mừng vị nữ vương. Bài thơ viết:
“Nhất quán Mâu Ni xuất hỏa khanh, thung trung giảo giảo thiết tranh tranh。
Bồ đoàn bất đọa hồng dương kiếp, tiếu bỉ phiêu lâm Khổng Tứ Trinh.”
Đại ý bài thơ là nói ni cô Tự Ngộ đã nhất quán theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà xuất gia tu hành, từ bỏ tước vị nơi vương phủ, vì vậy mà tránh được tai kiếp binh đao của Loạn Tam Phiên, không như cuộc đời phiêu linh của nàng Khổng Tứ Trinh.
Trong câu “Bồ đoàn bất đọa hồng dương kiếp”, bồ đoàn là một chiếc đệm tròn được người tu hành dùng để tham thiền đả tọa, hoặc dùng khi chúng nhân lễ bái Thần Phật. “Hồng dương kiếp” ngụ ý đến quốc nạn. Cuốn sách “Bính Đinh quy giám” của tác gia triều Tống là Sài Vọng liệt kê biến loạn quốc gia từ thời Chiến quốc (475 TCN / 403 TCN – 221 TCN) đến Ngũ đại (907 – 960), trong đó phát sinh 21 lần họa loạn xảy ra tại năm Bính Ngọ, Đinh Vị. Dựa trên nhiều dữ kiện lịch sử, cổ nhân kết luận rằng Bính Ngọ và Đinh Vị là những năm thường xuyên xảy ra tai họa xã tắc. Do thiên can Bính Đinh, địa chi Ngọ trong ngũ hành thuộc về Hỏa, màu đỏ; Vị thuộc dương (năm Dê). Do đó mà có cách nói “hồng dương kiếp”.
“Bồ đoàn bất đọa hồng dương kiếp”, là ý nói, trong thời kỳ phản loạn Tam Phiên, con gái của Bình Nam vương Tự Ngộ vì xuất gia tu hành, mà đã an nhiên bước qua kiếp nạn.
Cuộc nổi loạn Tam Phiên này bắt đầu vào năm Khang Hy thứ mười ba (1674), khi Ngô Tam Quế kiêu ngạo tự xưng là hoàng đế, bổ nhiệm hàng trăm quan chức, phong tước hoàng hậu, hoàng thái tử, và tự đúc tiền xu “Chiêu võ thông bảo” và “Lợi dụng thông bảo”, lấy cờ hiệu phản Thanh phục Minh, xuất binh công hãm các châu. Sau khi Ngô Tam Quế phản Thanh, Cảnh Tinh Trung cũng dựng cờ chống lại nhà Thanh, lập tức hưởng ứng, hạ lệnh cho các tướng lĩnh đất Phiên “để tóc thay áo”, còn đúc tiền riêng gọi là “Dụ Dân thông bảo”.
Trong Tam Phiên, duy có Bình Nam vương Thượng Khả Hỉ là trung thành với Đại Thanh, kiên trì chống lại cuộc nổi loạn. Vào tháng 2 năm Khang Hy thứ mười lăm (1676), con trai cả của Thượng Khả Hỉ là Thượng Chi Tín (1636-1680) hưởng ứng cuộc nổi dậy, đưa quân đến bao vây vương phủ Bình Nam, đoạt lấy đại quyền. Thượng Khả Hỉ vì quá bi phẫn mà đã treo cổ tự sát, may mắn được gia nhân giải cứu kịp thời. Nhưng không lâu sau đó, ông vì ưu uất mà mất.
Không lâu sau khi Thượng Chi Tín nổi dậy chống lại nhà Thanh, vì bất mãn với Ngô Tam Quế thò tay vào sự vụ của đất Phiên Quảng Đông, trước đại tướng quân Lạt Bố của nhà Thanh, đã biểu thị nguyện ý lập công chuộc tội, quy hàng Khang Hi. Gia tộc họ Thượng cho rằng Thượng Chi Tín “dương vi thuận nghịch, thực bảo địa phương” – bất quá nương náu Ngô Tam Quế chỉ là kế nghi quyền, trên thực tế là để bảo vệ địa phương.
Thanh Thánh tổ Khang Hy đã xem xét đến sự đóng góp của Thượng Khả Hỉ cho xã hội, tuyên dụ xoa dịu Thượng Chi Tín, và ban cho tước hiệu Bình Nam vương, miễn xá cho phản tướng.
Hoàng đế Khang Hy tâm nhân từ, hữu ý bao dung Bình Nam vương. Nhưng Thượng Chi Tín là một kẻ bạo ngược, thường dùng binh khí gây thương tích cho người khác, và lạm sát thuộc hạ. Vì vậy, ông ta bị cấp dưới báo cáo lên triều đình, nói rằng ông ta kiêu ngạo bất tuân, ăn ở hai lòng. Năm Khang Hy thứ mười chín (1680), Hoàng đế Khang Hy ra lệnh cho ông ta tự sát. Các em trai của Thượng Chi Tín là Thượng Chi Tiết, Thượng Chi Hoàng, Thượng Chi Anh và những người khác cũng bị xử trảm.
Cuộc nổi loạn Tam Phiên kéo dài tám năm và lan rộng ra hơn mười tỉnh vào thời nhà Thanh (đến năm Khang Hy thứ bảy, có 18 tỉnh thuộc khu vực đất Hán), làm rung chuyển triều đình, kinh tâm động phách, tựa hồ như rúng động cả nền tảng xã tắc. Rất nhiều người vì loạn Tam Phiên mà bị tàn sát hoặc liên lụy sau đó.
Công chúa con gái của Bình Nam vương vì xuất gia tu hành mà không bị liên lụy. So với vận mệnh của nàng Khổng Tứ Trinh, khác biệt như mây và bùn.
Khổng Tứ Trinh là con gái của Định Nam vương Khổng Hữu Đức. Khổng Hữu Đức (? -1652) là một vị tướng người Hán của Đại Thanh và là người tiên phong xuất lĩnh quân Thanh xuống phía nam. Nếu ông không bị trận vong, thì nhà Thanh đã có Tứ Phiên.
Khi Khổng Hữu Đức tác chiến chống lại Nam Minh, toàn bộ gia đình ông đã bị địch quân giết hại. Chỉ có Khổng Tứ Trinh trốn thoát dưới sự bảo vệ của bảo mẫu và trốn đến Bắc Kinh. Thái hậu Hiếu Trang nhân từ thương xót cô con gái mồ côi của tướng quân, nhận cô làm con gái nuôi, phong cho cô là Hòa Thạc cách cách. Sau đó, Khổng Tứ Trinh kết hôn với Diên Linh, con trai của Tôn Long, một tướng của Định Nam vương, và triều đình nhà Thanh phong cho Diên Linh làm tướng quân Quảng Tây và cho ông cai quản lãnh địa cũ của Khổng Hữu Đức.
Khi Khổng Tứ Trinh còn nhỏ, Ngô Tam Quế đã coi cô như nghĩa nữ. Trong cuộc nổi loạn Tam Phiên, Ngô Tam Quế đã dẫn dụ Tôn Diên Linh tác loạn. Tôn Diên Linh lưỡng lự, do dự không quyết, bị con trai của Ngô Tam Quế là Ngô Thế Tông giết, và các con của Tôn Diên Linh và Khổng Tứ Trinh cũng bị giết.
Để thu phục những tướng sĩ vốn do Định Nam vương chỉ huy, Ngô Tam Quế đã đưa Khổng Tứ Trinh về Vân Nam, trên danh nghĩa là để chăm sóc con gái đỡ đầu của mình, nhưng thực tế là quản thúc cô. Khổng Tứ Trinh ở Côn Minh trong tám năm, mãi cho đến khi quân Thanh dẹp yên “loạn Tam Phiên”, cô mới được trở về kinh đô. Khổng Tứ Trinh từ đó cô quạnh thê lương, không con trai con gái, sống cô đơn cho đến cuối đời.
Trong thảm họa này, cô con gái út của Thượng Khả Xỉ đã thoát ly khỏi thảm sát thế gian, vương phủ phân ưu, an tĩnh tu hành ở Đàn Độ am. Khổng Tứ Trinh cũng là một công chúa, thân bị hãm trong kiếp số hồng trần, bị quăng quật phiêu linh trong kiếp nạn của vận mệnh, lạc vào vãn cảnh thê lương, cô đơn không con cái. Câu thơ “Bồ đoàn bất đọa hồng dương kiếp, tiếu bỉ phiêu lâm Khổng Tứ Trinh” chính là nói về vận mệnh và kết cục nhân sinh bất đồng của hai nàng công chúa này.
Nguồn: “Tục bỉ khâu ni truyền‧ thanh nam hải đàn độ am ni tự ngộ truyền”; “Tiền giấy nhà Thanh – Đại sư Tự Ngộ là con gái của Thượng Khả Xỉ” Tập 86.
Tác giả Tống Bảo Lam, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch