Kiếm đạo, tiếng Nhật đọc là Kendo, với tư cách là môn thể thao quốc gia của Nhật Bản, có tỷ lệ phổ biến cực cao trong nước; mặc dù chưa được liệt kê là một hạng mục thi đấu Olympic, nhưng nó sớm đã trở nên phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, dưới sự thúc đẩy của văn hóa thể thao hiện đại, khi xem thi đấu kiếm đạo Kendo, hầu hết mọi người chỉ chú ý đến thể năng, kỹ năng, biểu hiện, thành tích thắng thua của vận động viên và các nhân tố bên ngoài khác, thường bỏ qua hoặc thậm chí quên mất cốt lõi tinh thần của kiếm đạo. Ví dụ, kiếm đạo Kendo quy định: người chiến thắng trong cuộc thi không được dùng cách nắm chặt tay hoặc các hành vi khác để biểu đạt niềm vui hay triển thị cường uy, nếu không sẽ bị phạt phạm quy. Đó là bởi vì, những cử chỉ như vậy không chỉ là hành vi thất kính vô lễ với đối thủ, mà còn vi phản tinh thần truyền thống của kiếm đạo, đi ngược lại lý niệm và kiếm đạo đề ra.

Nguồn gốc của kiếm đạo Kendo

Kendo tuy gọi là kiếm đạo, nhưng thực chất là đao pháp, tức là kỹ pháp sử dụng đao Nhật Bản.

Đao Nhật Bản xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thời đại Hòa An, đặc điểm của nó là: dùng phương pháp trị luyện cố hữu của Nhật Bản để chế thành, có một lưỡi, cong và sắc bén. Công dụng của đao Nhật Bản, một là để hộ thân, hai là để chiến đấu, ba là để tu dưỡng. Ngoài ra, đao Nhật còn tượng trưng cho quyền uy của thiên vương, võ sĩ, thậm chí là đối tượng tín ngưỡng, đồng thời lại có giá trị công nghệ và thẩm mỹ khá cao, nên rất nhiều danh đao đã trở thành bảo vật quốc gia của Nhật Bản.

Đao võ sĩ hay còn gọi là đao Nhật Bản, quy trình sản xuất cực kỳ phức tạp, hình dáng vô cùng ưu mỹ, được liệt vào một trong ba đại danh đao thế giới. (Pixabay)

Kể từ thời đại mạc phủ Muromachi (1392-1573), thiên hạ đại loạn, chiến sự liên miên. Trong bối cảnh đó, kỹ thuật rèn đao đã đạt được những tiến bộ cự đại, các loại kiếm pháp và kỹ thuật chiến đấu nối tiếp nhau ra đời, hình thành các lưu phái có tính đại biểu như “Tân Âm lưu”, “Nhất Đao lưu” v.v.

Vào thời Edo (1603-1868), thiên hạ hòa bình, dùng kiếm thực chiến dần dần giảm thiểu. Do đó, kiếm thuật đã trở thành một trong những môn tu dưỡng nhân sinh của các võ sĩ samurai. Họ không chỉ mài giũa kiếm thuật, mà còn đi sâu nghiên cứu tâm pháp của nó, cùng lúc các tác phẩm như “Binh Pháp Gia Truyền Thư” của Yagyū Munenori, “Bất Động Trí Thần Sao Lục” của Trạch Am Tông Bành, và “Ngũ Luân Thư” của Miyamoto Musashi, v.v., đã trở thành kho tàng lý luận của kiếm đạo Kendo cho đến ngày nay. Tôn chỉ của những thư tịch này là nhằm làm cho võ sĩ hiểu rằng: Là một võ sĩ, tất phải nghiêm khắc tu thân, chuyên cần võ thuật, rèn giũa tài năng, minh bạch thiện ác, khi cần thiết có thể vì quốc gia thiên hạ mà xả thân. Tư tưởng này trong thời đại hòa bình hai trăm năm, đã dần dần hình thành, được coi là một trong những suối nguồn của tinh thần võ sĩ đạo, sản sinh ảnh hưởng thâm khắc đối với văn hóa Nhật Bản.

Kiếm thuật đã trở thành một môn tu dưỡng nhân sinh của các võ sĩ samurai. (Shutterstock)

Trong thời kỳ này, kiếm thuật cũng từ đao pháp có tính thực chiến ngày xưa chuyển hướng tới kỹ thuật có tính cao siêu, trong quá trình này, phái “Trực Tâm Ảnh lưu” đóng vai trò xây đắp nền móng. Để có thể vừa tập luyện kiếm thuật, vừa an toàn phòng thân, vào những năm Chính Đức của Nhật Bản (1711-1715), Naganuma Shirozaemon đã phát minh ra các đạo cụ đấu kiếm dùng để phòng thân, đồng thời chế định quy tắc thi đấu bằng đao trúc thay thế đao thật. Sau đó, trong thời kỳ Baoli (1751-1764), Trung Tây Trung Tàng Tử Võ của phái “Nhất Đao lưu” đã tiến một bước cải thiện, thực tiễn hóa nó, khiến phương pháp này trở nên phổ biến đến nhiều lưu phái khác, cũng bắt đầu vượt ra khỏi lưu phái, tiến hành thi đấu. Đến cuối thời Edo ở Nhật Bản, kiếm đạo dần được hoàn thiện.

Sau thời đại Minh Trị Duy Tân (1868), giai tầng võ sĩ bị dẹp bỏ, thường dân bị cấm chỉ giữ đao, kiếm đạo cũng vì đó suy tàn. Năm Minh Trị 10 (1877), Sở Cảnh sát làm đầu đàn, bắt đầu hồi sinh kiếm đạo. Vào năm Minh Trị thứ 28 (1895), Nhật Bản Võ Đức Hội, một tổ chức có tính toàn quốc với tôn chỉ phục hưng võ thuật truyền thống như kiếm thuật được thành lập, thúc đẩy mạnh mẽ sự hồi sinh của kiếm đạo. Vào năm Đại Chính đầu tiên (1912), từ “kiếm đạo” bắt đầu được sử dụng, chế định các quy tắc kiếm đạo gọi là “Đại Nhật Bản Đế Quốc Kiếm Đạo Hình”, bao gồm nghi lễ, ánh mắt, hình thể, hơi thở, tàn tâm (giải thích phần dưới), và nhiều phương pháp tu tập khác, được thống hợp lại trên cơ sở của mỗi phái, thúc đẩy việc phổ biến kiếm đạo bằng đao trúc.

Sau Thế chiến thứ Hai, Nhật Bản nằm dưới sự chiếm đóng của lực lượng Liên Hợp Quốc, kiếm đạo bị đàn áp, mãi đến khi Nhật Bản phục hồi độc lập vào năm Chiêu Hòa 27 (1952), kiếm đạo mới được khôi phục hoàn toàn, và Liên đoàn Kiếm đạo toàn Nhật Bản ra đời.

Các môn học bắt buộc của cảnh sát và thứ hạng kiếm đạo Kendo

Kể từ thời Minh Trị, kiếm đạo Kendo, giống như Judo, đã trở thành môn võ thuật bắt buộc của cảnh sát, mỗi đồn cảnh sát đều có một võ đường, ngoài việc được sử dụng bởi chính cảnh sát, nó còn được mở cho công chúng như một lớp học kiếm đạo dành cho thanh thiếu niên. Các tuyển thủ tham gia các giải vô địch kiếm đạo Kendo toàn Nhật Bản và quốc tế, đại đa số đều là cảnh sát.

Tháng 12 năm Bình Thành 18 (năm 2006), Nhật Bản sửa đổi Luật Giáo dục Cơ bản, nhằm giúp học sinh tôn trọng truyền thống và văn hóa, yêu đất nước, tôn trọng người khác, cống hiến cho hòa bình và phát triển thế giới. Vào tháng 3 năm Bình Thành 20 (năm 2008), đề cương hướng dẫn học tập trung học sửa đổi quy định rằng: trong năm học thứ nhất và thứ hai về sức khỏe và giáo dục thể chất, võ đạo là môn học bắt buộc. Nó được chính thức thực hiện vào năm 2012. Trong võ đạo bao gồm Judo, kiếm đạo Kendo, Sumo, Kyudo, Karate, v.v. Trong số đó, hơn 90% trường chọn Judo và Kendo. Bị ảnh hưởng bởi điều này, các trường đại học, dân gian cho đến các công ty doanh nghiệp có rất nhiều học viên kiếm đạo. Trong số các nhóm xã hội, thực lực kiếm đạo mạnh nhất là lực lượng cảnh sát, tự vệ và cai ngục.

Bắt đầu từ thời đại Taisho (Đại Chính), kiếm đạo Nhật Bản thúc đẩy dùng đao trúc tập luyện. (Shutterstock)

Hiện tại, cấp bậc kiếm đạo Kendo phân thành cấp và đẳng. Cấp từ lục cấp đến nhất cấp, lục cấp là bắt đầu, nhất cấp là cao nhất. Đẳng là từ nhất đẳng đến bát đẳng. Ban đầu có cửu đẳng, thập đẳng, nhưng kể từ năm 1974, thập đẳng bị bỏ ngỏ, và việc bình thẩm nó đã bãi bỏ sau năm 2000. Cửu đẳng cũng ngừng bình thẩm vào năm 2000. Do đó, về đẳng, hiện có tám bậc. Cấp là giai đoạn thấp hơn của đẳng, chỉ những người có cấp nhất mới có thể đạt được đẳng vị sơ cấp, v.v. Bát đẳng cao nhất yêu cầu thông hiểu bí ảo kiếm đạo, thành thục viên mãn kỹ năng, người đạt thất đẳng 10 năm trở lên, phải trên 46 tuổi.

Ngoài đẳng vị, còn có xưng hiệu. Đẳng vị đại biểu trình độ kiếm đạo của một người, còn xưng hiệu đánh dấu kiến ​​thức, tài năng lãnh đạo, v.v. của người đó trên cơ sở này. Các xưng hiệu được phân thành ba hạng: “luyện sĩ”, “giáo sĩ” và “phạm sĩ”, trong đó “luyện sĩ” là sơ cấp, “giáo sĩ” là trung cấp, “phạm sĩ” là tối cao. “Luyện sĩ” yêu cầu trình độ lục đẳng, thất đẳng, thành thục kiếm lý, giỏi kiến thức. “Giáo sĩ” yêu cầu trình độ thất đẳng, bát đẳng, kiếm lý nhuần nhuyễn, kiến thức ưu tú. “Phàm sĩ” yêu cầu trình độ bát đẳng, thông thuộc kiếm lý, thành thục kỹ thuật, kiến thức trác việt, cũng yêu cầu đạo đức cao thượng, nhân cách cao khiết. Đẳng vị, xưng hiệu đều được tiến hành quy trình khảo hạch, tiến cử, bình thẩm chặt chẽ.

“Đạo thành người” và “tàn tâm”

Kiếm đạo là gì? Liên đoàn kiếm đạo toàn Nhật Bản định nghĩa nó như sau: “Kendo là cách các võ sĩ Nhật Bản thông qua thực chiến mà thể ngộ kiếm pháp chi đạo, tập kiếm đạo ắt là học pháp lý về kiếm.” Nói cách khác, cốt yếu của kiếm đạo là học tập tinh thần và tu dưỡng của võ sĩ trong thâm xứ của kiếm pháp, và rèn luyện kiếm pháp một cách nghiêm ngặt là một trong những phương tiện của nó. Đây là nguyên do tại sao kiếm đạo Kendo được gọi là “Thành nhân chi đạo” – đạo thành người.

Năm 1975, Liên đoàn Kendo Nhật Bản ban hành “Lý niệm về kiếm đạo” và “Chuẩn bị tư tưởng cho tu luyện kiếm đạo”, lý niệm kiếm đạo được định nghĩa là “con đường trưởng thành người được trau dồi thông qua tu luyện kiếm pháp”. Chuẩn bị tư tưởng cho việc tu luyện kiếm đạo là: “Chính xác học tập kiếm đạo, rèn luyện thân tâm, dưỡng dục bản lĩnh tinh thần, thông qua tu dưỡng kiếm đạo, đạt đến tôn lễ tiết, trọng tín nghĩa, tận chí thành, tận tâm lực tu dưỡng tự ngã, yêu quốc gia yêu xã hội, vì thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của nhân loại mà cống hiến.”

Kiếm pháp của kiếm đạo được phân thành thân pháp, đao pháp và tâm pháp, so với thân pháp và hình thái kỹ năng, tu luyện tâm pháp ở tầng diện tinh thần càng quan trọng và nghiêm khắc hơn, mà “tàn tâm” chính là một loại thể hiện của nó. Theo “Từ điển quốc gia Nhật Bản” lý giải, “tàn tâm” ban đầu có ý là cảm thấy không hài lòng với một vấn đề nào đó, khi dùng từ này trong võ đạo, thuật đạo, nó là yêu cầu đạt đến cảnh giới của một loại trạng thái thân tâm.

Tâm pháp của kiếm đạo Nhật Bản trọng thị tinh thần “đừng quên tàn tâm” – “Trích hoa tại thủ vật mạn tâm, dĩ bị cuồng phong thúc lai lâm” (Shutterstock)

Biểu hiện cụ thể trong kiếm đạo là: Sau khi giao đấu, bất luận kết quả thế nào, tuyển thủ phải bảo trì trạng thái không giải đãi (lười biếng, bạc nhược), không hèn nhát tự ti, không kiêu ngạo, không phô trương. Cần tôn trọng đối phương, không bao giờ quên tương trợ. Bất kể đối thủ kỹ năng cao hay thấp, thâm niên nông hay sâu, đều cần dùng bổn tâm tương đãi, mong mỏi từ đối phương mà học hỏi sở trường, thăng hoa bản thân. Lý niệm này yêu cầu người tu luyện kiếm đạo cũng ứng dụng trong cuộc sống thường nhật.

Kiếm đạo gia nổi tiếng, ông Masahiro Miyazaki, sĩ quan cảnh sát của Trụ sở cảnh sát Kanagawa, là một giáo sĩ kiếm đạo bát đẳng, ông từng sáu lần giành quán quân trong cuộc thi kiếm đạo toàn quốc Nhật Bản, giành được hơn mười chức vô địch cá nhân và đồng đội trong các giải thi đấu Kendo và các sự kiện khác. Ông được biết đến như một kiếm đạo gia truyền kỳ “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” – trước nay chưa từng có. Khi được hỏi tại sao ông có thể đạt đến điểm này, ông trả lời: Khả năng giành chiến thắng của mình là kết quả của sự nỗ lực chung của năng lực tự thân và những người ủng hộ, lão sư, tiền bối và mọi người xung quanh mình. Ông cũng cho biết, so với việc 6 lần giành quán quân, thì việc được vào chung kết 5 năm liên tiếp khiến ông cảm thấy vinh dự hơn. Tâm cảnh như vậy có thể chính là phản ánh của tâm pháp kiếm đạo Kendo.

Trong các môn võ thuật như Kendo, Judo và Karate, sau khi qua chiêu hoặc làm biểu diễn kỹ thuật xong, đều cần bảo trì một tư thế và tinh thần nhất định, vừa đề phòng đối phương phản kích, vừa chuẩn bị cho đòn tấn công tiếp theo, cũng bảo lưu “dư vận”. Đây cũng là một bộ phận quan trọng của “tàn tâm”. Vì vậy, trong thi đấu kiếm đạo, sự có hay vắng “tàn tâm” cũng là một tiêu chí để phán đoán một đòn đánh có hiệu quả hay không. Ví dụ, ngay cả khi bạn ra đòn chính xác tới đối phương, nhưng nếu bạn trông có vẻ vắng “tàn tâm”, cú đánh sẽ bị phán vô hiệu. Bởi vì, nó là tư thế và tinh thần tối căn bản, tối trọng yếu không thể khuyết thiếu trong kiếm đạo Kendo.

Bài hát nổi tiếng của kiếm đạo gia: “Trích hoa tại thủ vật mạn tâm, dĩ bị cuồng phong thúc lai lâm”, ý tứ là, chớ tùy tiện ngắt hoa, kẻo cuồng phong ập tới, đó chính là một lời cảnh thị rằng: “đừng quên tàn tâm”.

Đương nhiên, “tàn tâm” không chỉ thể hiện trong thi đấu mà còn xuyên suốt cả quá trình trước, trong và sau trận đấu. Ví dụ, trong môn bắn cung, trước khi bắn, khi bắn và sau khi bắn tên, bạn phải bảo trì “tàn tâm” theo quy định. Đặc biệt là sau khi bắn tên, người bắn vẫn phải bảo trì thân tâm bất động, tập trung niệm lực, quan sát mũi tên đến đích.

Điều thú vị là trà đạo cũng giảng về “tàn tâm”. Bài hát của Sen no Rikyu khá nổi tiếng: “Thủ li trà cụ thì, vụ tất đái dư vận. Hoãn mạn khinh ổn viên, y hi biệt luyến nhân”, ý tứ là, khi bạn rời tay khỏi tách trà, hãy lưu chút dư vận. Chầm chậm, nhẹ nhàng, uyển chuyển như nói lời cáo biệt với người thương.” 

“Tàn tâm dư vận” của trà đạo – “Thủ li trà cụ thì, vụ tất đái dư vận. Hoãn mạn khinh ổn viên, y hi biệt luyến nhân” (Shutterstock)

Đây là một cách thuyết minh về cảnh giới “tàn tâm” trong trà đạo. “Tàn tâm” trong trà đạo cũng quán xuyến từ đầu đến cuối, càng chú trọng vào tinh thần nội tại. Ngoài ra, giới võ đạo Nhật Bản cũng chú ý “tàn tâm”, thể hiện trên hình thể, chính là tay múa chân khua cần hàm súc ý vị, có dư vận. Kỳ thực, lý niệm “tàn tâm” mang đậm tính thiền này tồn tại phổ biến trong văn hóa Nhật Bản, là một loại thể hiện của tư tưởng mỹ học truyền thống Nhật Bản.

Tác giả: Tu Thực, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch