Gửi thư mời đến, sửa cung phong hiệu, các đời đế vương đều hết mực thành kính, nhớ mãi không quên những lần được chiêm ngưỡng dung nhan ông. Sớm chuông tối đèn, tụng kinh luyện công, vô số đạo sỹ tôn thờ ông là sư tổ, miệt mài không mệt mỏi tĩnh tu theo đạo pháp mà ông truyền, tìm đến cảnh giới chí chân của sinh mệnh. Ông là một đạo sỹ, một ẩn tiên, là truyền kỳ ẩn chứa trong núi rừng.
Tiếp theo: Phần 1, Phần 2, Phần 3.
Phúc địa Võ Đang, mỗi trùng núi non là một cảnh giới, nơi nơi đều là tiên gia đạo trường, bản thân Võ Đang đã là “Truyện thần tiên” đọc mãi không chán. Vị đại Đạo này, sống ở thời Nguyên Minh, đến tuổi gần cổ lai hy mới nghe đạo, và đến nửa cuối đời mới kết duyên với Võ Đang. Nhưng chính sự tồn tại của ông trong mắt người đời như thần tiên, nên nói đến Võ Đang là nói đến ông.
Sơn chí có ghi chép: “Người dưỡng sinh, phần lớn là ẩn danh, chẳng biết thời giờ, chỉ hận núi không đủ sâu, rừng không đủ rậm, chỉ sợ cái danh nhàn của mình lọt vào tai người thường”. Vị đạo sỹ danh chấn động thiên hạ này, lại đi ngược với cái đạo lý trên, đã để lại cho thế nhân rất nhiều danh hiệu: Toàn Nhất, Quân Bảo, Huyền Huyền, Côn Dương. Người thời nay, quen gọi đạo hiệu của ông: Trương Tam Phong.
Đạo sỹ Tam Phong là người như thế nào, hình dáng ra sao? Sử quan thành kính viết như sau: “Người Ý Châu Liêu Đông… cao lớn, dáng rùa lưng hạc, tai to mắt tròn, râu ria như giáo mác…”. Chúng ta, những người sinh ra sau trên 700 năm, chỉ đọc văn tự, thì cũng tưởng tượng ra Trương Tam Phong tiên tư phong cốt, thần thái siêu dật, cao đạo xuất trần.
Cuộc đời thần dị, những năm cuối tìm được chân pháp
Dung mạo khác lạ chỉ là một góc của cuộc đời truyền kỳ của Trương Tam Phong. Chính sử và kinh Đạo đều có ghi chép, bất kể nóng lạnh, ông vẫn mặc một bộ đạo phục, khoác một áo tơi. Bất kể no hay đói, dăm ba ngày ông mới ăn một bữa, hoặc hai ba tháng một bữa. Lúc vui vẻ, ông đi trên các mỏm núi đá như trên đất bằng, nhẹ nhàng như bay. Khi mệt mỏi, ông lấy mây tuyết làm giường, ngáy vang như sấm. Ông tinh thông đạo thuật, nếu có người xin thỉnh giáo phép tiên trường sinh, thì ông ngậm miệng lặng thinh. Nếu là bái cầu tu luyện chân đạo, thì ông thao thao bất tuyệt, dạy dỗ không mệt mỏi.
Vị đạo sỹ vượt trên phép tắc thế gian mà thân tâm tiêu diêu tự tại này, phải chăng là chân tiên thần nhân? Ai cũng có thể nghĩ đến, trong mấy chục năm trước, vị thần tiên sống này là một đứa trẻ để tóc trái đào, mắc bệnh về mắt, tương lai mờ mịt.
“Trương Tam Phong tiên sinh bản truyện” có chép: Lúc 5 tuổi, ông bị mù hai mắt, có vị đạo sỹ tự xưng là Vân Am, trụ trì Bích Lạc Cung độ ông xuất gia tu đạo, nửa năm sau kỳ tích xuất hiện, đôi mắt ông sáng trở lại. Trương Tam Phong tu hành 7 năm ở Bích Lạc Cung, do huệ căn tốt kỳ diệu, các kinh Đạo đọc qua là nhớ liền, ông còn đọc các kinh sách Nho, Thích, thông hiểu ý nghĩa của tam giáo.
Có lẽ là do duyên trần chưa hết, ông cũng đã trở về cố hương, phụng dưỡng song thân, đọc sách làm quan, nổi danh bởi tài văn chương. Nhưng cầu chân tầm đạo là lý tưởng của đời ông, dạo chơi chìm nổi trong biển quan trường danh lợi, Trương Tam Phong luôn luôn bảo trì thần thái rời xa danh lợi. Ông ôm nỗi cô tịch của kẻ ở lâu trong cảnh cá chậu chim lồng, đã viết ra tiếng lòng: “Tảo tương tráng tuế trần duyên liễu, ngũ nhạc tam sơn quy khứ lai” (Sớm mong đoạn dứt duyên trần, trở về ngũ nhạc du nhàn núi non).
Năm Trương tam Phong ngoài 30 tuổi, song thân của ông qua đời, sau khi thủ hiếu xong, bỗng nhiên gặp đạo sỹ họ Khâu đến thăm, thỏa thích đàm luận huyền lý của đại đạo. Sau đó ông gói ghém hành tranh vân du, kiên định quả quyết tiếp tục con đường cầu đạo.
Núi trong lòng thế nhân là nơi thần tiên ẩn hiện, do đó Trương Tam Phong đi hết mọi núi sông, tìm dấu tích tiên. Dấu chân ông phía bắc đến Hằng Sơn, phía đông đến Bồng Lai, phía nam đến Tung Sơn, phía tây leo Hoa Sơn, không biết tuổi già đang đến. Ba mươi năm tầm chân chẳng được, chẳng biết vấn đạo ở nơi nao? Năm Diên Hựu thứ nhất (năm 1314), đúng lúc Nam Nham Cung Võ Đang được phong, dần dần phục hưng, Trương Tam Phong tuổi đã 67 bước lên một ngọn núi khác nổi tiếng của Đạo giáo, đã gặp được minh sư chân chính.
Trên núi Chung Nam, một vị Hỏa Long chân nhân thần bí đã đợi ông ở đó từ lâu, Trương Tam Phong một lòng cầu đạo, từ tiếng cảm thán khảng khái “Khí kiện thân cường niên dĩ mộ, càn khôn hà xứ vấn đan sa” (Khí kiện thân cường người đã lão, đất trời khắp cõi đạo nơi đâu?), đã chuyển thành lời khẩn thiết “Thực dữ tiên sinh tương kiến vãn, từ bi khất tảo độ hàn nho“ (Gặp được tiên sinh là đã muộn, Xin rủ từ bi độ Nho nghèo). Trong 4 năm, Hỏa Long chân nhân truyền thụ hết chân cơ tu đạo và các bí quyết điểm hóa thuật đan sa, sau đó ông đã theo mệnh, xuất sơn tu luyện.
Có lẽ là thượng thiên có ý tôi luyện, để Trương Tam Phong hồng dương chính đạo ở núi Võ Đang, cho nên đã an bài ông xuôi ngược khắp Trung Nguyên, khổ chí tu hành. Năm Thái Định thứ nhất (năm 1324), Trương Tam Phong kết thúc vân du, lần đầu tiên leo lên ngọn núi lớn 800 dặm này.
Hai lần vào núi Tiên, đạo danh vang xa khắp núi
Đó là vào thời tiết nhiều mưa đúng thời, vạn vật hồi sinh, Trương Tam Phong cũng đón nhận cơ duyên tu luyện ở Võ Đang. Đi khắp các đỉnh núi, qua lại giữa các con đường mòn ngoằn ngoèo, ông dường như thấy được dấu vết của những người ẩn tu đời trước. Doãn Hỷ đời Chu, Đới Mạnh đời Hán, Tạ Duẫn đời Ngụy Tấn, Lã Nham đời Đường, Trần Đoàn thời Ngũ Đại, Hồ Đạo Huyền đời Tống, hay Lưu Đạo Minh, Trương Thủ Thanh cùng triều đều tấp nập đến với Võ Đang, hóa thành tiên khí thanh linh độc đáo của Võ Đang. Trương Tam Phong cảm nhận mạnh mẽ được rằng đây chính là động thiên phúc địa cuối cùng ông thể ngộ đại đạo.
Lịch sử đã không để lại nhiều chi tiết cho chuyến đi đầu tiên của Trương Tam Phong đến Võ Đang. Có người nói, ông đã từng dựng lều ở động Thái Tử nơi Chân Vũ đã tu hành, đến nay, trước động vẫn còn 2 cái đài đá hình bát quái mà ông đã dùng để luyện công. Nhưng có thể khẳng định là, ông tu trì 9 năm, kim đan cửu chuyển, cuối cùng thành đại đạo.
Trương Tam Phong đại khí vãn thành (Tài lớn thành tựu muộn), lúc đó tuổi cao, khoảng 130 tuổi. Sau đó, ông phiêu nhiên ẩn dật, rồi đến năm Hồng Vũ đời Minh thứ nhất, ông lại giá lâm Võ Đang. Lần này, ông đem lại sự phồn thịnh cực đỉnh cho Võ Đang, đồng thời trở thành vị Thánh nhân khiến từ bậc đế vương đến thứ dân không ai không kính ngưỡng.
Tế Thần, là lễ nghi thiêng liêng nhất trong lòng các đạo sỹ, việc đầu tiên Trương Tam Phong lên núi là tế lễ chủ thần Huyền Vũ Đại Đế. “Đại nhạc Thái Hòa sơn chí” có chép: “Bái Huyền Vũ ở Thiên Trụ Phong”. Là cao nhân đắc đạo, ông hiểu sâu sắc nỗi gian khổ tu đạo, cảm niệm Chân Vũ và các chư tiên phù hộ trong quá trình tu hành, đích thân lên đỉnh ngọn núi chính của Võ Đang, dâng lên Thiên Đế tọa trấn một phương trên đỉnh núi cao lòng cảm ân và thành kính.
Tìm nơi u tịch, kiếm điều kỳ diệu, lãm thưởng thắng cảnh. Lúc đó Võ Đang vừa mới trải qua kiếp nạn binh đao thay đổi triều đại, nhất thời chìm trong tịch mịch. Nhưng Trương Tam Phong trong lần thứ 2 đến Võ Đang, lại du ngoạn nơi xưa, cảm thụ sâu sắc, ông muốn chọn một nơi nương thân tĩnh tu, đồng thời làm gì đó cho ngọn núi thần đã chỉ dẫn ông triệt ngộ đại đạo.
Ông từ đỉnh ngọn Thiên Trụ Phong xuống, qua dãy Ô Nha Lĩnh, ngọn Thuận Triển Kỳ Phong, hốc Mai Tử Ổ, dãy Thương Phòng Lĩnh đi xuống, tìm được nơi bảo địa phong thủy bối sơn lâm thủy (dựa núi hướng đông), kết nhà tranh để thờ phụng hương hỏa Huyền Vũ, đặt tên là “Ngộ Chân Cung”, bản thân ông ngồi tĩnh tọa tu trì dưới 5 gốc cây cổ thụ bên ngoài cung. Ngay sau đó, ông lại tìm được một nơi tàng phong tụ khí ở thành Hoàng Thổ dưới chân núi, dựng am cỏ gọi là “Hội Tiên Quán”.
Trong quá trình làm nhà trên núi tiên, đạo danh Trương Tam Phong đã truyền khắp dãy núi. Lục tục có người mộ danh tìm đến, nguyện giữ lễ đệ tử. Ông cũng có lòng từ bi tế thế độ nhân, chọn những người hư tĩnh vô vi, căn cơ phi phàm nhận làm môn hạ. Trong đó người xem hết các điển tịch, có Khâu Huyền Thanh, Tôn Bích Tuyết và “Thái Hòa tứ tiên” Chu, Dương, Lưu, Lư.
Tiêu trừ hoang vu ô uế, một lời phục hưng cả Võ Đang
Ngoài lúc truyền đạo thụ nghiệp, Trương Tam Phong dẫn dắt mấy đệ tử đi vào núi sâu, cắt gai góc, nhặt gạch ngói, sửa lại Ngũ Long Cung, Tử Tiêu Cung, Nam Nham Cung. Trên đống hoang tàn đổ nát dựng lên nhà tranh đơn giản, tu sửa mới Võ Đang, chuẩn bị chứng kiến huy hoàng rực rỡ nhất. Cho đến tận năm Hồng Vũ thứ 23 (năm 1390), Trương Tam Phong kết thúc hành trình tới Võ Đang, phất tay áo đi mãi, từ đó du nhàn cùng vân hạc, thần du cùng thiên địa.
Trương Tam Phong dời đi làm các đạo sỹ Võ Đang rầu rĩ, nhưng lại để lại hy vọng bất diệt cho họ. Ông đã từng an bài đệ tử chia nhau giữ mấy ngôi điện: Khâu Huyền Thanh ở Ngũ Long Cung, Lư Thu Vân ở Nam Nham Cung, Lưu Cổ Tuyền, Dương Thiện Trừng ở Tử Tiêu Cung. Ông còn dặn dò khẩn thiết: “Đệ tử giữ hương hỏa cho tốt, thành lập tự khắc có lúc đến, không phải là ở đệ tử đâu”. Trương Tam Phong thần thông đại thành, đã sớm biết rõ tất cả cổ kim xưa nay.
Mỗi lần một mình nhìn quần sơn mênh mang, Trương Tam Phong lại cảm khái nói không hết lời. Người và sự vật có thay đổi, Võ Đang cũng có hưng suy nổi chìm. Mặc bên ngoài đổi thay, biến ảo ra sao, núi này, người này, vẫn giữ nghi thái ngàn năm như thuở ban đầu, đạm bạc, tĩnh mặc.
Nhớ chuyện xưa, nghĩ tương lai, ngọn núi thần này tuy trầm tịch một thời, nhưng Võ Đang cuối cùng sẽ lại triển hiện sự thù thắng và vinh diệu ở chốn nhân gian.
Một hôm, Trương Tam Phong đá lở trời kinh, nói ra câu đã được khắc lưu trong chính sử: “Núi này sau này sẽ đại hưng”.
Quả vậy, thời kỳ đầu khai quốc triều Minh, Thái Tổ Chu Nguyên Chương coi Thần minh phù hộ là sức mạnh thành thánh bình định thiên hạ, lòng kính úy và tôn sùng Huyền Vũ Đại Đế trừ yêu diệt ma. Ông ra sắc xây dựng Huyền Vũ Miếu ở núi Kê Minh Sơn, mỗi dịp lễ tiết của Đạo giáo, đều sai quan đến tế lễ. Ông còn lệnh các thân vương vào triều hoặc nhập phiên phải lễ bái chư Thần Huyền Vũ. Năm Hồng Vũ thứ 17 (năm 1384), Chu Nguyên Chương nghe được tiên danh của Trương Tam Phong, hạ chiếu xin diện kiến, mở ra trào lưu các vua đời Minh tầm ẩn bái thánh, làm cho Võ Đang trải qua ngàn năm mưa gió lần đầu tiên tiến vào tầm mắt hoàng thất triều Minh.
Lần tìm thăm thứ nhất bắt đầu vào mùa hè năm đó, một tờ chiếu thư từ kinh thành đến Võ Đang, Tam Phong không đi. Mùa Xuân năm sau, Thái Tổ mệnh cho cao đồ của ông là Khâu Huyền Thanh cung thỉnh lần nữa, ông vẫn cứ không đi. Trương Tam Phong liên tiếp kháng chỉ, không những không chọc giận đế vương, trái lại lòng mộ cầu tiên đạo của Thái Tổ càng ngày càng tăng. Năm Hồng Vũ thứ 24 (năm 1391), Thái Tổ sai tứ phương, trực ngôn “Có Trương Huyền Huyền có thể mời đến”, ông vẫn cứ không đến.
Dưới sự cảm hóa của phụ hoàng, các thân vương tới tấp đề thơ ca ngợi, bày tỏ lòng sùng kính đối với Trương Tam Phong. Thục Hiến Vương Chu Xuân vô cùng thành kính ngưỡng vọng bức tranh “Chân dung Trương thần tiên”, để lại những câu miêu tả sinh động: “Cốt cách kỳ bí sừng sững, râu đẹp như những chiếc giáo tua tủa… khí thần tiên phiêu du, lòng băng tuyết sáng trong…”. Tương Vương Chu Bách đích thân leo ngọn Thiên Trụ Phong tầm tiên, đáng tiếc khó gặp được chân nhân, đành làm thơ gửi gắm tình cảm buồn rầu:
Thân đến núi vắng tìm chẳng thấy,
Xót thương thay.
Lều tranh cô quạnh giữa rừng thông,
Duy chú khỉ già gốc cây ngủ.
Tìm ẩn sỹ không gặp, đạo của bậc đế vương
Thái Tổ hoàng đế ôm lòng nuối tiếc chưa được gặp Thánh hiền mà ra đi, hoàng đế mới lên nối chí tiên đế, cả đời tìm thăm cao đạo. Năm Vĩnh Lạc thứ 3 (năm 1405), Thành Tổ Chu Lệ mới lên ngôi không lâu hạ một thánh chỉ, sai sứ giả đi khắp các danh sơn trong thiên hạ, tìm bậc cao đạo Trương Tam Phong. Hai năm sau, lại phụng chỉ đi tìm.
Như thế qua 5 năm, Thành Tổ cho rằng Trương Tam Phong đắc đạo ở Võ Đang nhất định sẽ có một ngày quay lại, bèn lệnh cho đệ tử của ông là Tôn Bích Vân giữ chiếu thư, lặng lẽ đợi tiên nhân giá lâm. Thành Tổ thành khẩn và lễ kính xưa nay không có người thứ hai, tuy Trương Tam Phong vẫn ẩn không xuất hiện, nhưng ông để đệ tử chuyển một bức thư trả lời. Ông nói Thành Tổ vốn là minh quân phúc đức vô lượng, cần “Gạt bỏ dục, tôn sùng đức”, lấy việc tạo phúc cho dân làm chính. Ông còn truyền thụ phép bỏ dục tu thân, để kéo dài quốc tộ của Đại Minh, ông đã đưa ra một kỳ vọng của vị cao đạo xuất thế.
Nhưng bên kia, Hồ Huỳnh phụng mệnh tầm tiên ở ngoài đã kéo dài 10 năm, đến năm Vĩnh Lạc thứ 14 mới trở về, trước sau vẫn không có duyên được gặp. Cùng năm, Thành Tổ không muốn tuyên bố bỏ cuộc, lại sai thượng thư Hồ Quảng tiếp tục tìm thăm. Gánh trên vai khát vọng mấy chục năm của hai đời đế vương, Hồ Quảng cuống quýt sợ hãi, nhận được thánh chỉ liền ngày đêm đi đến Võ Đang. Trong núi, ông thắp hương khóc cầu khấn, cầu xin Trương Tam Phong giáng lâm, để yên lòng kính trời mộ đạo của các đế vương.
Tương truyền, Trương Tam Phong cảm động Hồ Quảng lời chân thành, tình tha thiết, bèn hiện thân tương kiến, bảo ông ta hồi kinh phục mệnh, rồi ông bay lên ẩn hình, trong khoảnh khắc lại xuất hiện trên Kim Loan Điện nơi vua quan đang bàn triều chính. Ông hát một khúc cho Thành Tổ, rồi cưỡi mây biến mất, kết thúc nguyện ước bấy lâu của vua Minh.
Được các đế vương ái mộ, liên tiếp gửi thư mời, đó là vinh quang không gì bằng ở nhân gian, tại sao Trương Tam Phong với tấm thân áo vải, lại có thể coi như phù vân, lại còn kháng chỉ ẩn dật? Có lẽ, một đoạn trong “Tam Phong tiên sinh bản truyện” có thể giải mối nghi hoặc cho thế nhân: “Đế vương tự có đạo, không thể vì kim đan, kim dịch mà phân tâm của bậc đế vương dốc sức trị vì. Xưa nay các phương sỹ là mầm gây tai họa, đều do các du tiên vào triều, dẫn đến rối loạn. Bậc chân nhân thánh nhân, quyết không là Diệp Pháp Thiện đời Đường, Lâm Linh Tố đời Tống được, là soi xét vết xe đời trước vậy”.
Có lẽ, Thánh hiền quân chủ cũng hiểu rõ đạo lý này, trước sau luôn giữ tấm lòng ngưỡng mộ cực độ với Trương Tam Phong, đồng thời không ngừng hoằng dương đạo tràng tu hành, công pháp mà ông truyền thụ. Thời Thành Tổ, triều đình nhà Minh lựa chọn trên 400 đạo sỹ ở các nơi, thờ phụng Tam Phong làm Sư Tổ, tu đan pháp huyền công của ông, khiến cho phái Võ Đang nổi danh khắp thiên hạ. Cuối cùng, Thành Tổ đã làm một việc lớn, không chỉ đem lại cực thịnh xưa nay chưa từng có cho Võ Đang, còn chứng minh lời Trương Tam Phong nói năm xưa là không sai.
Đoạn lịch sử này, được người đời Minh khái quát là “Phía bắc xây dựng Cố Cung, phía nam trùng hưng Võ Đang”, điều này có nghĩa là, Minh Thành Tổ Chu Lệ coi Võ Đang là nơi thiêng liêng quyền uy như kinh thành, đồng thời tại đây xây dựng các cung quán điện đền quy chế sánh ngang với đế vương. Những năm Vĩnh Lạc, trên 10 năm giao tế giữa đế vương và ẩn tiên, Thành Tổ đem lòng thành kính và ngưỡng mộ đối với Trời, Thần dốc hết vào ngọn núi lớn đang chờ được phục hưng này, đã xây dựng quần thể cung quán hoành tráng phú lệ, đưa Võ Đang trở thành một ngọn núi tiên lầu ngọc.
Trong các cung điện ẩn hiện giữa rừng cây núi đá này, có hai đạo tràng xây riêng cho Trương Tam Phong. Thành Tổ tìm tiên nhân mãi không được, bèn xây dựng một tòa “Ngọc Hư Cung” trên di tích cũ của Ngộ Tiên Cung, và xây “Ngộ Chân Cung” ở nơi nguyên là Hội Tiên Quán, điều này ở Võ Đang là trường hợp độc nhất, có lẽ là lễ ngộ cao nhất mà đế vương thờ phụng một vị đạo sỹ.
Sau Thành Tổ, Anh Tông, Hiến Tông, Thế Tông, Hy Tông,… đều có phỏng cầu, hoặc gia phong hiệu, hoặc xây cung tế lễ, Trương Tam Phong thấy lòng thành của họ, đôi lúc hiển thánh tương kiến, nói đạo tu thân trị quốc. Nhưng phần lớn thời gian, ông ẩn cư ngoài trần thế phiêu du không biết cuối cùng ra sao.
Từ sau Trương Tam Phong, Võ Đang hình thành môn phái tín ngưỡng Chân Vũ, tôn Tam Phong làm Sư Tổ, những người tu tập đạo pháp nội ngoại, truyền thừa mấy trăm năm không dứt. Thần tích và thánh đức của Trương Tam Phong đã đại chấn hưng huyền phong triều Minh, kế tục sau Chân Vũ Đại Đế, trở thành bậc chân nhân cái thế danh tiếng hiển hách nhất Võ Đang, ảnh hưởng sâu sắc lâu dài nhất.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch
Xem thêm: