Thomas Jefferson và vợ ông, bà Martha tình cảm nồng hậu. Martha có giọng hát hay, tu dưỡng nghệ thuật xuất sắc. Là một người vợ hiền, bà luôn tạo ra một bầu không khí gia đình ấm áp và tốt đẹp cho Thomas. Mỗi khi Thomas chơi đàn, bà cũng thường hát và chơi đàn hòa theo. Không có bức chân dung nào của phu nhân Thomas Jefferson còn tồn tại, nhưng theo những “chứng cứ” lẻ tẻ, bà từng là một phụ nữ tính tình hoạt bát, tràn đầy nữ tính. Hai vợ chồng đều yêu thích âm nhạc, khi Thomas còn là thống đốc bang Virginia, ông đã viết thư cho một nhạc sĩ ở Ý, dự định mời một đội nhạc nhỏ đến nhà, thời hạn hợp đồng là ba hoặc năm năm. Một trong những chức trách của họ là dạy nhạc cho ông và bà Jefferson để nâng cao kỹ năng âm nhạc của hai vợ chồng, có thể thấy âm nhạc là sở thích chung của họ.

Trong mười năm chung sống, hai vợ chồng sinh được sáu đứa trẻ, nhưng chỉ còn lại hai cô con gái sống sót. Hầu hết những đứa trẻ còn lại chỉ sống được một năm sau khi ra đời, rồi lần lượt chết trong nôi, khiến hai vợ chồng vô cùng đau khổ. Trong vòng một năm 1782, Thomas trước tiên mất đi đứa con trai duy nhất, sau đó người vợ thân yêu của ông nằm liệt giường vì đau buồn quá mức, việc sinh nở thường xuyên khiến cơ thể bà kiệt sức, đặc biệt là khi phải tận mắt chứng kiến ​​những đứa con của mình qua đời. Mẹ của Martha cũng mất rất sớm, không thể tự tay nuôi nấng ba cô con gái. Giờ đây, ở tuổi ba mươi ba, Martha đang nối gót bà.

Vì không muốn cũng không thể rời khỏi nhà, sau khi từ chức thống đốc, Jefferson đã từ chối nhiều chuyến công du nước ngoài do Quốc hội giao cho ông, toàn tâm toàn ý ở lại bầu bạn với vợ con. Trong những ngày bệnh tình của vợ ngày càng trầm trọng, Thomas kê bàn ​​làm việc ở một căn phòng nhỏ cạnh phòng ngủ của vợ, chuyển mọi công việc công vụ sang bàn làm việc, vừa làm việc vừa viết lách tại bàn, để khi vợ cần, ông có thể luôn ở bên giường bệnh.

Một ngày tháng 9 năm 1782, Martha qua đời ở tuổi 33. Trước khi chết, bà lo lắng các con gái sẽ gặp phải mẹ kế không đối xử tốt với chúng; Bà thâm tình khó buông, đối với chồng lại vạn phần quyến luyến không rời – lời cuối cùng của Martha là cầu xin Thomas đồng ý với bà, rằng chỉ có bà là người vợ duy nhất của Thomas Jefferson, sau khi bà đi rồi, Jefferson sẽ không tái hôn. Vào thời điểm chia ly, đối mặt với người vợ sắp vĩnh viễn rời xa, Thomas không còn suy nghĩ nào khác ngoài việc hứa với bà, ông đã thề với Martha trên giường bệnh rằng bản thân sẽ góa vợ, cô độc đến hết cuộc đời, ngoài Martha mẹ của con gái ông, ông sẽ không bao giờ có một bà Thomas Jefferson nào nữa.

Chân dung Thomas Jefferson, vẽ năm 1791. (Phạm vi công cộng)

Sau cái chết của Martha, Jefferson, lúc đó 39 tuổi, trở thành góa phu. Trở về Monticello từ nghĩa trang nơi chôn cất Martha, Jefferson nhốt mình trên lầu hơn 20 ngày, không bao giờ mở cửa hay đi xuống cầu thang. Nỗi đau mất vợ nặng nề khiến ông ngày đêm không thể an tĩnh, bất kể ngày sáng hay đêm đen, ông đi vòng quanh phòng không dừng lại cho đến khi cơ thể kiệt sức, không chống đỡ được nữa thì gục xuống ngủ. Tỉnh dậy, ông lại lang thang khắp phòng đến khi loạn bước, ông mới dần dần chấp nhận rằng người mình yêu sẽ không bao giờ xuất hiện trong ngôi nhà này nữa, ngôi nhà từng tràn ngập hạnh phúc và vui vẻ giờ chỉ còn lại khung cảnh thê lương một mình một xứ.

Là người thích viết thư tín bút đàm nhất trong lịch sử nhân loại, Jefferson đã mất một năm sau cái chết của Martha trong sự cô lập với ngoại giới, không giao tiếp với người khác, nỗi thống khổ đó khiến ông không đủ khí lực cầm bút lên viết một lá thư theo phong cách Jefferson: kiến đàm, uyên bác, nho nhã và thú vị. Khi có thể đi xuống lầu, ông thường cưỡi ngựa đi dã ngoại rất lâu. Đi cùng ông còn có cô con gái lớn Matha Jefferson Rondolph, người đã chứng kiến ​​cảnh cha mình thống khổ thế nào. Hãy tưởng tượng một khung cảnh như thế, Virginia vào mùa thu, với cây cối xác xơ, trời đất hoang tàn, một người chồng góa vợ bi thương cực điểm mang theo cô con gái nhỏ vừa mất mẹ, cha con mỗi người mỗi ngựa, lang thang trong thảo nguyên hoang tàn của mùa thu. Cảnh tượng đó thật đau lòng.

Trong cuốn tự truyện viết những năm cuối đời, Jefferson đã đề cập đến nỗi đau do cái chết của vợ, ông từng miêu tả như sau: Chính vì tình yêu sâu đậm giữa hai bên, trong mười năm hôn nhân, tôi đã trải qua những ngày mỹ diệu như thiên đường. Người bạn thân của Jefferson, chàng hầu tước de Lafayette trẻ tuổi ở nước Pháp xa xôi, từng trải qua thời kỳ động loạn của Cách mạng Pháp, bị tù đày, rồi lại mất đi người vợ trung thành của mình. Năm đó khi hầu tước đào thoát sang Mỹ không thành công, bị bắt hạ ngục, phu nhân hầu tước từng vứt bỏ tự do của bản thân, cam nguyện vào tù bầu bạn với chồng đồng cam cộng khổ. Lafayette và Jefferson, cả hai đều góa vợ, trong quá trình trao đổi thư từ, đã bày tỏ với nhau những tâm tư chân thành. Jefferson trả lời thư, nói rằng duy chỉ có trải qua sự mất mát giống nhau mới có thể hiểu được nhau. Mất đi người thân yêu trong cuộc hôn nhân hạnh phúc và trở thành góa phu – sinh ly tử biệt như vậy là điều đau đớn nhất trên đời. Những người chưa từng chịu đựng nỗi thống khổ này sẽ không hiểu được cảm giác đó.

Khi Martha qua đời, Thomas đang ở độ tuổi thanh xuân nhất, sau này giữ chức vụ Đại sứ Mỹ tại Châu Âu, Quốc vụ khanh đầu tiên của chính phủ liên bang, phó tổng thống thứ hai, và tổng thống thứ ba của nước Mỹ, có thể nói là vinh dự tột bậc ở thế gian. Tuy nhiên, trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông đã không tái hôn. Trong lịch sử nước Mỹ, ông là tổng thống duy nhất tại vị 8 năm (1800-1808) mà không có đệ nhất phu nhân. Con gái lớn của ông, Martha, đôi khi giúp đỡ người cha già của mình, trong khi ông Madison, quốc vụ khanh của tổng thống và vợ ông ấy, Dolley Madison, vốn thiên tính thông minh hoạt bát và giỏi xã giao, đã diễn vai trò là đệ nhất phu nhân trong Nhà Trắng. Nó cũng để lại một giai thoại tuyệt vời cho lịch sử.

Nghe nói, có một số chuyên gia học giả tìm ra một bầy con ngoài giá thú của Jefferson toàn là dựa trên tin đồn – người ta nói rằng khi Jefferson đang tranh cử cho vị trí tổng thống trên chính trường, đối thủ của ông là Adams đã từng công kích ông theo cách này. Tất nhiên, đương thời, về cơ bản nó chỉ được coi là một cuộc công kích. Cũng nghe nói rằng một ngày nọ, con trai của một nữ nô lệ da đen được giải thoát khỏi Monticello đã nói rằng, mẹ của anh ta nói với anh ta rằng Jefferson là cha ruột của anh ta; người ủng hộ giả thuyết này là nhà sử học đã tìm thấy manh mối trong sổ sách kế toán của Jefferson, hai người con trai đã thành niên của nữ nô lệ này đào tẩu khỏi trang viên của Jefferson, và Jefferson đã ghi lại điều này như sau: Bỏ chạy (run away). Sau khi Jefferson qua đời, nữ nô lệ giành được tự do cá nhân và sống ở đương địa cùng những đứa con khác, yên bình cho đến khi qua đời.

Từ hai manh mối này, hai trăm năm sau Jefferson, các nhà sử học giàu trí tưởng tượng đương đại tại đất nước hạnh phúc nhất, tự do nhất của nhân loại do những người cha lập quốc khai sáng, đã thêu dệt nên một câu chuyện diễm tình tràn đầy những lý niệm của thế kỷ 21: Họ cho rằng, nữ nô lệ da đen kia chính là người có huyết thống phụ hệ tương đồng với người vợ đã khuất của ông, khiến Jefferson động tâm, rằng ông đã bất chấp chênh lệch tuổi tác 30 năm để bày tỏ tình yêu với bà này, hứa hẹn sẽ cho bà và các con trai tự do cá nhân, để họ không còn phải làm nô lệ nữa. 

Nhưng sự bỏ trốn của những đứa trẻ da đen và sự tự do của nữ nô lệ da đen vào những năm cuối đời là minh chứng cho thấy câu chuyện trên là bịa đặt, nhưng mọi người dường như có một loại tâm lý tập thể, chính là rất cao hứng khi vạch trần chân diện mục của vĩ nhân, cố gắng vạch trần bộ mặt không vĩ đại lắm của họ, rồi lấy điều này để chứng thực rằng vĩ nhân cũng như chúng ta có đầy đủ thất tình lục dục của người thường. Và Jefferson, người bị buộc tội sinh ra những đứa con ngoài giá thú da đen, chắc hẳn chính là nạn nhân của thứ tâm lý biến thái như vậy.

Đây thực sự là nỗi bi ai của nước Mỹ, bi ai của nhân loại – người ta không trân trọng những vĩ nhân đã sáng tạo ra hạnh phúc cho nhân loại trong lịch sử, mà lại tìm cách vu oan giá họa, lấy đó làm trò cười.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch