Trong Binh pháp, Tôn Tử cho rằng: “Không đánh mà khuất phục được quân địch” chính là cảnh giới cao nhất của việc dụng binh. Trong lịch sử, những người đạt đến cảnh giới này không nhiều, đều là các mưu sỹ thần cơ diệu toán như Phạm Lãi, Gia Cát Lượng, Hàn Tín… Rất nhiều người trong số đó sử dụng âm nhạc để đạt được “Không đánh mà khuất phục được quân địch”.
Tiếng đàn đẩy lui 15 vạn quân
Sau khi Mã Tốc thất thủ Nhai Đình, quân Thục tan tác, tứ bề thọ địch. Gia Cát Lượng thân cô thế cô, tàn quân còn lại ít ỏi, đường lương bị cắt, vô kế khả thi bèn ra lệnh rút quân. Trước khi rút, ông ra Tây Thành để vận chuyển nốt 20 vạn thạch lương còn lại, cử binh sỹ đi theo Khương Duy với 300 giáp sỹ hộ vệ. Chỉ còn lại quan văn và 2000 binh sỹ già yếu ở lại trấn thủ Tây Thành.
Vận lương chưa xong thì Tư Mã Ý đột nhiên kéo đại binh đến. Khói bụi mù trời, Khương Duy kiến nghị nhanh chóng rời bỏ Tây Thành tháo chạy về Thục. Nhưng Gia Cát Lượng cho rằng chạy tất chết, không thể nào thoát khỏi thiết kỵ của Tư Mã Ý.
Gia Cát Lượng quyết định đánh cược một phen với Trời, với số phận của chính mình. Ông lập tức truyền lệnh:
“Đem giấu hết cả cờ quạt đi, binh lính ai nấy đều vào giữ lấy chòi gác tuần tiễu của mình trên mặt thành, nếu có kẻ nào tự ý ra vào cổng thành hoặc nói lớn, sẽ bị giết. Mở rộng hết bốn cổng thành ra, ở mỗi cổng thành lấy hai chục người cải trang làm dân thường, quét ở đường phố. Nếu quân Nguỵ đến, không được nhốn nháo, ta khắc có mưu kế để đối phó”.
Truyền lệnh xong, Gia Cát Lượng khoác đạo bào lông hạc, vấn khăn nhiễu trên đầu, dẫn hai tiểu đồng mang theo một cây đàn, đi lên mặt thành, đốt hương gảy đàn.
Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy phong cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gảy đàn một lúc, rồi hạ lệnh đổi tiền quân làm hậu quân nhanh chóng tháo lui.
Tiếng hát đánh tan đội quân thiện chiến 10 vạn tinh binh
Hạng Vũ đến Cai Hạ (phía Nam huyện Linh Bích, An Huy ngày nay), nhìn thấy quân Hán khí thế ngất trời, dồn dập kéo đến, thực đã đến bước không còn đường thoát.
Nhưng Hạng Vũ sức mạnh bạt thiên cử đỉnh, anh dũng trùm đời, loại quyết chiến lấy ít địch nhiều này từ lâu đã không còn lạ lẫm gì. Năm xưa trong trận chiến ở Cự Lộc, ông đã từng đại phá hơn 40 vạn quân Tần chỉ với 3 vạn binh mã. Trong trận chiến Bành Thành, ông lại lấy 3 vạn binh mã đánh bại 56 vạn quân Hán. Một đời này của ông vốn chưa từng thất bại trên chiến trường. Thi Tiên Lý Bạch đã ca ngợi Hạng Vũ oai phong lẫm liệt như Thần tướng:
“Hạng Vương khí cái thế,
Mắt rực sáng như Thần.
Hô vang tám ngàn quân,
Tung hoành miền Giang Đông”.
Giờ đây, bên Hạng Vũ còn có 10 vạn đại quân, vẫn còn có thể tạo nên kỳ tích. Hạng Vũ tập trung binh lực lại, dự tính trước tiên làm tê liệt quân đội chủ lực của Lưu Bang, sau đó thừa cơ đột phá vòng vây.
Đại tướng chỉ huy quân Hán lại là Binh Tiên Hàn Tín. Hàn Tín giỏi binh pháp, mưu lược, giỏi cầm quân, công thủ, chưa từng thất bại. Lần này Hàn Tín lại có mưu lạ, ông đặt lời ca rồi lệnh cho binh sĩ hướng đến doanh trại quân Sở hô lớn:
“Lòng người đã bỏ Sở,
Thiên hạ đã về Lưu.
Hàn Tín đến Cai Hạ,
Trảm đầu Hạng Bá Vương”.
Hạng Vũ nghe xong, giận đến sôi người, lập tức mặc áo giáp ra trận, dẫn theo quân Sở ra khỏi hàng ngũ đón đánh. Chỉ thấy Hạng Vũ ngồi trên lưng ngựa, thân hình cao lớn như Thần tướng, tuấn mã dũng mãnh, như hổ gầm rồng thét, khí thế bậc Bá vương ngất trời, không ai sánh nổi. Quân của Hàn Tín rất mau chóng rơi vào thế yếu.
Hàn Tín lệnh cho trung quân lùi lại phía sau, tránh nhuệ khí quân Sở. Hàn Tín lui về phía sau, Hạng Vũ liền xông lên trước đuổi đánh. Lúc này, quân mai phục bố trí sẵn ở hai bên bất ngờ đánh ra, tấn công mạnh vào hai bên sườn của quân Sở. Trong lúc quân Sở đang khó khăn ứng phó với quân Hán ở hai bên, Hàn Tín lại dẫn binh đánh ngược trở lại, ba mặt giáp công quân Sở. Hai bên hỗn chiến kịch liệt cả một ngày trời, quân Sở cuối cùng đại bại rút lui cố thủ.
Mười vạn quân Sở sau trận hỗn chiến đã thương vong lớn. Bên trong không có lương thảo, bên ngoài không có viện binh, lại đúng ngay lúc rét đậm, gió lạnh thấu xương. Quân Sở đói rét khôn thấu, nhiều tiếng trách móc vang lên. Trong đêm, từng cơn từng cơn gió bắc lạnh buốt thổi đến, tiếng gió như khóc như than. Từ trong tiếng gió mang máng nghe thấy khúc hát nước Sở trầm bổng đau thương, lúc bắt đầu chỉ thấy loáng thoáng vọng lại từ xa, dần dần mỗi lúc một gần, mỗi lúc càng rõ ràng hơn.
Hàn Tín lại nghĩ ra mưu lạ, ông lệnh cho quân Hán dùng tiếng hát khơi dậy nỗi nhớ quê nhà của quân Sở. Binh sĩ của Hạng Vũ nghe thấy tiếng hát quê nhà, lòng không cầm được, nước mắt giàn giụa. Có người không kìm nén được, nhẹ nhàng hát theo. Một người, hai người rồi ba người, số người hát theo mỗi lúc một nhiều lên, tiếng hát càng lúc càng lớn, vang dội khắp cả doanh trại quân Sở. Đây chính là điển cố “Bốn bề khúc hát Sở quân”.
Nhạc khúc nước Sở bên ngoài, Hạng Vũ cũng đã nghe thấy. Tiếng hát thê lương trầm thấp khiến cho người anh hùng rong ruổi một đời trên lưng ngựa này cũng nước mắt lã chã. Ông hỏi ái thiếp Ngu Cơ bên cạnh rằng: “Lẽ nào quân Hán đã chiếm hết đất Sở rồi ư? Trong quân Hán sao lại có nhiều người nước Sở đến vậy?”.
Bên ngoài lều trại của Hạng Vũ, binh sĩ của ông từng người, từng người gạt nước mắt, vứt bỏ vũ khí trong tay, lén trốn khỏi doanh trại. Các tướng lĩnh đã đi theo Hạng Vũ chinh chiến nhiều năm cũng bỏ đi không lời từ biệt, ngay đến cả thúc phụ của Hạng Vũ cũng lặng lẽ bỏ đi. Trong một đêm, bên cạnh Hạng Vũ cũng chỉ còn lại hơn nghìn người. Hạng Vũ ngồi trong lều vải uống rượu giải sầu, đau đớn hát khúc bi ca khảng khái của người anh hùng mạt lộ, đời sau gọi là bài “Cai Hạ ca”:
“Sức dời núi, khí trùm trời
Ô Truy chùn bước bởi thời không may
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?”
Tả hữu nghe xong đều cúi đầu bật khóc không ngẩng lên được. Ngu Cơ cầm lấy một thanh bảo kiếm từ trong tay thị vệ, múa kiếm hát hòa theo, lời ca rằng:
“Quân Hán chiếm đất hết,
Bốn bề Sở ca bi
Đại Vương ý chí chết
Tiện thiếp sống làm chi”.
Hát xong, liền rút kiếm tự vẫn, ngã xuống dưới chân của Hạng Vũ.
Theo Sử ký, khi Ngu Cơ chết, Hạng Vương khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn. Sau Hạng Vũ cùng đường rút gươm tự sát bên dòng Ô Giang.
Tấu nhạc, múa hát thắng đại quân 70 vạn
Khi Võ Vương phạt Trụ quyết chiến nơi cánh đồng ở Triều Ca, chỉ dẫn theo 300 cỗ binh xa, 4 vạn 5 nghìn binh sỹ, 3 nghìn quân xung phong, mà quân đội của Trụ Vương là 70 vạn người. Trước tương quan lực lượng một trời một vực thế này, chẳng ai dám nghĩ có thể tồn tại nổi, nói gì là chiến thắng. Nhưng Võ Vương quả là bậc Thánh nhân, ông nghĩ ra kỳ mưu.
Khi đại quân hai bên cùng xông ra chiến trường, tiếng trống chấn động trời xanh, quân đội Võ Vương bước chân theo tiết tấu của nhịp trống, vừa ca múa vừa đánh, phía trước hát, phía sau múa, nghênh đón đại quân Trụ Vương, “ca hát át quân Ân”. Quân đội hùng mạnh của Trụ Vương bị xúc động bởi lời ca tiếng nhạc, liền quay ngược mũi giáo, dẫn quân đội Võ Vương tiến công Triều Ca, khiến Võ Vương nhỏ yếu đã đánh bại triều Thương hùng mạnh dễ như bẻ cành cây mục, trở thành chúa tể thiên hạ.
Trận chiến đầu tiên trong lịch sử dùng âm nhạc thắng cường địch
Thời cổ đại, khi Hoàng Đế trị vì vùng lưu vực Hoàng Hà thì ở phía nam có bộ tộc Cửu Lê hùng mạnh. Đứng đầu Cửu Lê là Xi Vưu vô cùng hung dữ, dũng mãnh. Bộ tộc Cửu Lê giỏi chế tạo binh khí, đã chế tạo được đao, kích, cung nỏ cùng nhiều loại binh khí khác, thường mang quân xâm chiếm các bộ lạc lân cận.
Xi Vưu xâm chiếm vùng đất của Viêm Đế, Viêm Đế mang quân chống lại, nhưng Viêm Đế chưa phải là đối thủ của Xi Vưu, bị Xi Vưu đánh bại, buộc phải chạy lưu vong, đến Trác Lộc nhờ sự giúp đỡ của Hoàng Đế.
Theo sử sách ghi chép, “Hoàng Đế đánh Xi Vưu, Cửu thiên Huyền Nữ làm cho vua 80 cái trống Quỳ cổ, gióng một nhịp chấn động 500 dặm, gióng liên hồi chấn động 3800 dặm”. Hoàng Đế dẫn quân đánh vua Xi Vưu, gióng lên loại trống đặc biệt này, gióng liền 9 hồi, âm thanh chấn động mấy nghìn dặm, trời đất biến sắc, quân của Xi Vưu hồn xiêu phách lạc, nhờ thế mà phá được tan quân Xi Vưu. Sau khi thắng trận, Hoàng Đế lại sáng tác “Cương cổ khúc” để ăn mừng, khúc nhạc cảm kích hùng tráng, khí thế vạn quân.